ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ VÀ TỪ BI - GARCHEN RINPOCHE

ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ VÀ TỪ BI

GARCHEN RINPOCHE

-----o0o-----

Hãy xem chuông và chùy – chúng tượng trưng cho điều gì? Chùy là biểu tượng của từ bi và chuông là biểu tượng của tánh không. Đôi khi người ta đeo nhẫn và những trang sức biểu trưng cho chuông và chùy. Tất nhiên cũng có một số công đức nhất định khi đeo các trang sức như thế, bởi chúng nhắc nhở về sự hợp nhất của tánh không và từ bi, nhưng việc thực sự thực hành thì quan trọng...
ÁNH SÁNG TRÍ TUỆ VÀ TỪ BI - GARCHEN RINPOCHE

Khi bạn thấy khuôn mặt thật của ánh sáng trí tuệ tự sinh khởi – tính thanh tịnh nguyên sơ của tánh giác – thì năng lực của nó, là trí tuệ sinh ra từ thiền định, sẽ bừng sáng trọn vẹn. Khi đó sự rộng mở nội quán của bạn sẽ tràn đầy như con sông cuộn dâng trong mùa hè, và bản tánh của tánh không xuất hiện một cách sáng tỏ như là đại từ bi, lan tỏa khắp trong thực thể của bạn với lòng từ bi toàn khắp.

Khi ấy, từ bi vô thiên vị sẽ thay thế từ bi thiên vị và tạo tác. Bởi vì điều này nói đến pháp tánh, tiếp theo bình giảng mang chúng ta trở lại với “thiền định, hợp nhất từ bi và trí tuệ”. Một số người tin rằng có được các năng lực phi thường như thần thông là dấu hiệu của thành tựu tâm linh, nhưng thực ra đó không phải là các dấu hiệu đáng tin cậy. Dấu hiệu chân thực và tối thượng của thành tựu tâm linh là đại bi – đó là tâm từ bi bình đẳng, vô tạo tác dành cho tất cả mọi chúng sinh. Đó là thước đo chân thực của thành tựu trong thiền định. Nó giống như dấu hiệu hay biển chỉ đường để xác nhận rằng bạn đang đi đúng đường. Hơn bất cứ thứ gì khác, sự tăng trưởng của lòng từ bi chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng đường. Thậm chí nếu ai đó nói rằng bạn đang thực hành sai, bạn vẫn có thể vững tin bởi vì bạn có thể tự mình nhìn thấy dấu hiệu xác thực nhất của tiến bộ tâm linh chân thực là lòng đại bi.

Làm sao để phân biệt giữa lòng bi ban sơ và lòng bi trọn vẹn? Từ bi tạo tác [bởi tâm thức] thì cần đối tượng. Khi bạn thấy ai đó đau khổ, bạn khóc, nhưng khi bạn không nghĩ sâu sắc về anh ấy hay cô ấy thì bạn không thực sự cảm thấy sự đau khổ của người ấy. Đây chính là từ bi thông thường. Một cách tự nhiên chúng ta thường cảm thấy từ bi đối với người chúng ta yêu quý, và người thường phàm thường không cảm thấy từ bi hoặc cảm thấy ít từ bi khi đối tượng của từ bi không phải là người thân yêu, chẳng hạn như đó là người xa lạ. Có thể ai đó bạn không biết đang chết đói, thì một người thường phàm có thể dửng dưng đi qua. Nhưng khi ai đó bạn rất yêu thương chỉ cần chịu khổ đau thậm chí chút ít thôi, bạn cũng khởi lên nhiều từ bi cho người ấy. Nếu có sự tham dự của suy nghĩ thì đó là từ bi tạo tác. Từ bi tạo tác hiện hữu khi bạn nghĩ về hoàn cảnh, nhưng nó không hiện hữu khi bạn không nghĩ về hoàn cảnh ấy.

Đức Je Tsongkhapa nói rằng: “con xin đảnh lễ đức Quán Thế Âm, hiện thân của từ bi vô điều kiện”. Nếu bạn cảm nhận yêu thương có trong tâm bạn như là tình yêu thương bạn dành cho một người cụ thể nào đó, thì đó chỉ là cảm xúc yêu thương. Tình yêu thương vô tạo tác không cần đối tượng, nó luôn hiện diện một cách tự nhiên. Thậm chí ngay cả khi không có ai ở xung quanh để nhận lấy lòng từ bi của bạn thì tiềm năng của từ bi vô lượng vẫn luân luôn hiện hữu bởi vì bạn có Phật tánh. Phát triển khả năng để hiển lộ loại từ bi này chính là thành tựu (siddhi) hay chứng đắc tối thượng.

Bạn có thể tự xem xét liệu rằng mình đã có được thành tựu tâm linh này hay chưa. Nó là tình yêu thương không bao giờ biến mất. Bình giảng nói:

Một khi điểm cốt tủy của đường tu này – hợp nhất của tánh không mang bản chất từ bi – đạt được thì các công hạnh như đại dương của Bồ Tát, bao gồm cả con đường Sáu Ba La Mật, sẽ xuất hiện như là năng lượng tự nhiên của nó, giống như mặt trời và các tia sáng của nó.

Ở trên chúng ta đã nói rằng tên “Jigme Lingpa” trong bình giảng tượng trưng cho ánh sáng hay sự tỏa sáng, và điều này có nghĩa là tình yêu thương, hay sự hợp nhất của tánh không và từ bi. Chúng ta luôn luôn có tánh không hay vô ngã bên trong mình, nhưng chúng ta cần phát khởi từ bi. Do đó khi chúng ta thọ giới quy y, chúng ta được giới thiệu về con đường của tình yêu thương và lòng bi mẫn. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến ánh sáng của trí tuệ và yêu thương. Bản bình giảng nói cho chúng ta biết làm cách nào để nhận ra được sự chuyển hóa này, như sau:

Bởi vì công hạnh này liên hệ đến việc tích lũy công đức, nên bất cứ điều gì bạn làm sẽ mang lại lợi ích cho người khác, giúp bạn tránh được việc tìm kiếm bình an và hạnh phúc cho riêng mình, và vì thế tránh được việc đi chệch khỏi cái thấy đúng đắn.

Sự chuyển hướng này được gọi là “tánh không có từ bi trong cốt lõi”. Bản chất rỗng không của tâm luôn luôn ở đây, giống như hư không, nhưng nó không phải là hư vô. Tánh không của tâm tỏa rạng ngời với tình yêu thương. Phương diện trống không của tâm là Pháp thân, sự tỏa rạng của tình yêu thương trong tâm là Báo thân, và sự hợp nhất của tánh không và tình yêu thương là Hóa thân. Pháp thân giống như không gian hay hư không, Báo thân giống như một đám mây, và Hóa thân giống như cơn mưa. Chúng hiển lộ để mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh trong sáu cõi. Tất cả những phẩm tánh này đều khởi sinh từ bản tâm duy nhất này.

Hãy xem chuông và chùy – chúng tượng trưng cho điều gì? Chùy là biểu tượng của từ bi và chuông là biểu tượng của tánh không. Đôi khi người ta đeo nhẫn và những trang sức biểu trưng cho chuông và chùy. Tất nhiên cũng có một số công đức nhất định khi đeo các trang sức như thế, bởi chúng nhắc nhở về sự hợp nhất của tánh không và từ bi, nhưng việc thực sự thực hành thì quan trọng hơn – thực hành để trải nghiệm sự hợp nhất của tánh không và từ bi. Nếu một người không hiểu được điều này và chỉ đeo trang sức thì điều đó chỉ là sự giả tạo. Tâm thực sự thực hành giới nguyện có nghĩa là trưởng dưỡng lòng bi mẫn. Thông qua thực hành chúng ta có thể hoàn thành hai tích tập là công đức và trí tuệ. Nhân là công đức dẫn đến quả là trí tuệ.

Chúng ta tin rằng có công đức trong thực hành Ba La Mật bố thí. Một người thường phàm có thể nghĩ rằng cho đi thật nhiều tiền hoặc vật chất sẽ hoàn thành thực hành bố thí. Nhưng tại sao chúng ta lại rộng lượng bố thí? Đó là bởi vì chúng ta muốn tịnh hóa chấp ngã. Tịnh hóa chấp ngã mới là kết quả rốt ráo của việc thực hành bố thí. Khi không còn chấp ngã, khi tình yêu thương và bi mẫn cho tất cả các chúng sinh khác phát khởi trong tâm bạn, thì khi ấy bố thí đã được hoàn thành, và kết quả là bạn sẽ hoàn thành sự tích lũy trí tuệ. Khi chấp ngã tan biến, tình yêu thương sinh khởi, thì đó là hoàn thành trí tuệ, là kết quả tối thượng. Khi tảng băng chấp ngã tan chảy, hành giả đạt được trí tuệ ba la mật. Thực hành sự hợp nhất của hai tích tập có nghĩa là, đầu tiên bạn phải trưởng dưỡng từ bi, và sau đó thông qua từ bi, tảng băng chấp ngã sẽ tan chảy. Nếu chấp ngã tan chảy thì một cách tự nhiên bạn sẽ nhìn thấy bản tâm một cách vô cùng sáng tỏ. Viên thành hai tích tập tức là luôn luôn duy trì trong trạng thái bất khả phân với tánh không và từ bi.

-----o0o-----

Trích: Ngọn Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp,

Tác giả: GARCHEN RINPOCHE

Bình Giảng Về Ba Lời Tuyên Thuyết Của Đại Toàn Thiện.

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan