BA THANH TỊNH GIỚI CHUNG - DAININ KATAGIRI

Khoảnh khắc bước vào Phật giáo, bạn bước vào một thế giới đã giác ngộ. Vì vậy, bước đầu tiên rất quan trọng đối với chúng ta, và cũng vì vậy, nó là một bước rất quan trọng để trở thành một tu sĩ. Tâm bồ đề phải được đánh thức hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu lần mỗi ngày.
BA THANH TỊNH GIỚI CHUNG - DAININ KATAGIRI

BA THANH TỊNH GIỚI CHUNG

Dainin Katagiri

-----o0o-----

Ba thanh tịnh giới chung, gồm không làm điều ác, làm mọi điều thiện, thanh tịnh tâm, là những lời dạy của chư Phật. Hai lời dạy đầu tiên, không làm điều ác và làm mọi điều thiện, là những lời dạy giới luật. Lời dạy thứ ba, thanh tịnh tâm, nghĩa là có đức tin trong sáng vào Tam Bảo. Quy y Phật, Pháp, Tăng là thanh tịnh tâm.

Giới luật Phật giáo không phải là những mệnh lệnh hay yêu cầu về luân lý hoặc đạo đức do ai đó đưa ra mà tất cả phải làm theo. Chúng là nền tảng của cảnh giới Phật, thông qua đó chúng ta biểu lộ bản thân như Phật. Chúng ta vốn đã giác ngộ, và các giới là những lời dạy giác ngộ. Mỗi lời là Phật tâm, hoàn toàn vượt ngoài suy tư của chúng ta. Nếu coi các giới như Phật tâm, như lời Phật dạy, từng người chúng ta có thể hành xử như một vị Phật. Còn nếu xem chúng theo ý nghĩa luân lý, chúng ta hành xử như những người luân lý. Rất khó để hiểu điều này bằng tâm trí thông thường, nên tự nhiên chúng ta nghĩ mình đang tuân theo lời Phật dạy theo ý nghĩa luân lý. Thế cũng không sao. Cứ tiếp tục, chấp nhận các giới như những lời Phật dạy.

Vào lúc đầu, dù bạn hiểu các giới như những lời dạy luân lý, tất cả những gì bạn phải làm là liên tục giữ giới, rèn giới trong cuộc sống hàng ngày. Điều này áp dụng cho các giới luật và mọi điều khác bạn làm. Hãy thực hành mọi thứ như vậy. Trước khi bạn ý thức về lời dạy ấy, nó đã xuyên thấu cuộc sống của bạn.

Nếu muốn thực hành thư pháp, chúng ta nên tìm hiểu lời dạy về môn nghệ thuật đó từ một cuốn sách do một vị thầy lớn viết thay vì từ cuốn sách bởi một người không thực hành nghệ thuật đó viết ra. Khi những thư pháp chúng ta viết không giống những gì vị thầy viết, chúng ta trở nên thất vọng, quyết định rằng mình không thích cuốn sách. Chúng ta muốn có một cuốn sách mà thư pháp trong đó giống với thư pháp mình viết ra. Nhưng nếu sử dụng cuốn sách như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ tiến bộ. Dù không biết mất bao lâu để thành thạo thư pháp, chúng ta vẫn nên dùng cuốn sách của vị thầy lớn và học theo. Nếu thực hành liên tục, chúng ta sẽ thấy sức mạnh thật sự của thực hành trở thành hiện thực. Sớm hay muộn chúng ta sẽ thành thục thư pháp trước khi mình nhận ra. Lúc đó, không còn cần nỗ lực cụ thể nào. Cây bút di chuyển tự nhiên, và thư pháp của mình sẽ hoàn toàn theo được thư pháp của vị thầy.

Khoảnh khắc bước vào Phật giáo, bạn bước vào một thế giới đã giác ngộ. Vì vậy, bước đầu tiên rất quan trọng đối với chúng ta, và cũng vì vậy, nó là một bước rất quan trọng để trở thành một tu sĩ. Tâm bồ đề phải được đánh thức hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu lần mỗi ngày.

Để đạt đến sự hoàn hảo của đức tin và giới luật, chúng ta phải tháo bỏ ba sự trói buộc: thứ nhất là sự ích kỷ, thứ hai là sự nghi ngờ hay quan niệm sai lầm, và thứ ba là niềm tin sai lạc, hay nói cách khác, sự mê tín hoặc giáo điều.

Để tháo bỏ sự trói buộc do nghi ngờ hay quan niệm sai lầm, chúng ta không thể dính mắc đến những ý tưởng quá khích hay một chiều. Chúng ta phải thấy thế giới con người, cuộc sống con người dưới ánh sáng của lời dạy vô thường và quy luật nhân quả. Đây là một tình huống rất mâu thuẫn. Nếu mọi thứ vô thường thì chẳng có gì để nắm bắt hay níu bám. Nhưng mặt khác, lại có quy luật nhân quả. Nếu bạn làm điều gì đó, tự nhiên sẽ có một kết quả. Hai lời dạy này dường như mâu thuẫn, do vậy, chúng ta bối rối với thế giới loài người, với cuộc sống con người. Nhưng vô thường là một lời dạy rất căn bản về sự hiện hữu. Vô thường là nguyên nhân khiến sự thay đổi xảy ra. Nó không có hình tướng, màu sắc hay mùi vị nào. Vô thường tự nó là một kiểu năng lượng, di chuyển, vận hành, hoạt động, xuất hiện, biến mất, luôn hỗ trợ cuộc sống. Chỉ thông qua sự đổi thay, chúng ta mới thấy và hiểu nó. Thông qua sự đổi thay, chúng ta thấy được chiều sâu của cuộc sống con người dựa trên vô thường.

Chúng ta phải lập kế hoạch cho cuộc sống trong vô thường. Điều này nghĩa là có thể lên một kế hoạch cho cuộc sống của mình, nhưng không thể dính mắc đến kết quả của kế hoạch. Chỉ lập kế hoạch và làm theo. Từng ngày, chúng ta phải thực hành như vậy. Khi ấy, tự nhiên chúng ta có được nếm trải về vô thường, về kế hoạch là gì, hi vọng là gì, cuộc sống con người là gì. Không thể bỏ qua cách nhìn đúng đắn này về thế giới loài người. Chúng ta phải thoát khỏi những nghi ngờ về lời dạy vô thường và lời dạy nhân quả.

Tiếp theo, phải thoát khỏi sự ích kỷ. Ích kỷ nghĩa là luôn dính mắc đến cái tôi trước tiên. Rất khó để thoát khỏi cái tôi. Bạn có biết câu chuyện về rùa và thỏ? Rùa là một trong những sinh vật chậm nhất trên đời. Lẽ thường cho thấy rùa không bao giờ thắng cuộc đua với thỏ. Nhưng thực tế nó đã làm được. Để thắng, bạn có hình dung ra rùa tốn bao nhiêu sức lực không? Nó đã nỗ lực to lớn. Để có nỗ lực to lớn, nó phải hoàn toàn thoát khỏi mặc định về sinh vật chậm nhất hay sinh vật nhanh nhất. Trong cuộc đua, nó chỉ nỗ lực hết mức để tiếp tục đi tới. Điều quan trọng là đưa chất lượng vào nỗ lực thay vì kỳ vọng kết quả của nỗ lực. Tất cả những gì bạn phải làm là nỗ lực hết sức, thoát khỏi sự phán xét hay mặc định rằng bạn có khả năng hay không, bạn có giỏi hay không. Hãy quên đi và chỉ nỗ lực hết sức.

Nếu trong khi nỗ lực, bạn lại đang so sánh với ai đó, hoặc với một ý tưởng làm thế nào trở thành Phật, sẽ rất khó để đưa chất lượng vào nỗ lực. Chúng ta luôn nghĩ mình là người mê lầm, người tầm thường, sẽ không bao giờ thành Phật. Ý tưởng như vậy cũng là sự so sánh. Nếu chúng ta thực hành như thể tọa thiền là rất khó, nó trở thành tọa thiền “địa ngục”. Nếu ai đó khác đạt giác ngộ, đó là chuyện của họ, không phải của bạn. Nếu ai đó sẩy chân, hãy giúp họ; đừng nghĩ về việc băng lên trước họ. Đừng cạnh tranh, đừng mong đợi kết quả. Đây là cách tốt nhất để thoát khỏi sự ích kỷ. Đây được gọi là tu tập vô ngã. Chúng ta tu tập như vậy.

Trói buộc thứ ba cần tháo bỏ là niềm tin tôn giáo sai lầm. Trong Phật giáo, chúng ta quy y Tam Bảo. Quy y trong Phật giáo không phải là một nơi nào đó mà chúng ta đi tới để trốn tránh thế giới con người. Quy y là một nơi ai cũng phải tới, giống như ga cuối. Nếu đi trên chiếc xe lửa cuộc sống con người, bạn phải tới ga cuối. Và rồi từ ga cuối, bạn có thể đi bất kỳ đâu. Vì vậy, nó là kết thúc nhưng cũng là một khởi đầu. Trong Phật giáo, ga cuối ấy được gọi là Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Phật là người hiểu đời sống con người dựa trên vô thường và luật nhân quả. Nỗ lực của ngài đang tiếp diễn, và nếu chúng ta tham dự vào nó, chúng ta được gọi là Phật. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, thực hiện như vậy rất khó vì chúng ta đã có sẵn những định kiến, những thói quen và đặc điểm được thừa hưởng. Đó là lý do chúng ta phải liên tục trở lại với con đường này, thực hiện cùng điều mà Phật đã làm. Mọi ngày, chúng ta phải trở lại hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu lần với lời Phật dạy. Chúng ta phải liên tục trở lại với giáo pháp mà không có một cảm giác so sánh hay kỳ vọng. Chúng ta phải làm theo giáo pháp được trao bởi một người hiểu thế giới loài người, người sống cuộc đời mình trên cơ sở vô thường và luật nhân quả. Chúng ta phải tự mình trưởng thành, nhưng cần có sự giúp đỡ. Đây chính là quy y Phật, Pháp, Tăng.

Mặc dù có Phật và Pháp, chúng ta cần những con người tồn tại lúc này, những người đang tu tập cùng nhau. Đó là tăng. Mọi người đến với nhau và tu tập Phật đạo, thực hành lời Phật dạy, và trưởng thành, trở thành Phật giống như Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm. Khi đó, chúng ta có thể trao truyền giáo pháp cho các thế hệ tương lai. Chúng ta có thể tạo ra lịch sử loài người, tạo ra văn hóa loài người. Không có những người tồn tại lúc này, chúng ta không thể trao truyền Phật pháp cho thế hệ tương lai. Cần tất cả chúng ta, và cần một nơi mọi người cùng nhau thực hành Phật đạo. Phật, Pháp, Tăng là ga cuối mà chúng ta phải đi tới. Từ đó, chúng ta mới thấy cuộc sống của mình mở rộng ra mọi nơi. Chúng ta sẽ thấy cuộc sống từ một tầm nhìn phổ quát.

-----o0o-----

Trích: Trở Về Yên Lặng

Tác giả: Dainin Katagiri

Người dịch: Thái An

Nhà xuất bản Hồng Đức – 2014

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan