BÀI CA BA CÂY ĐINH CỦA MILAREPA - Khenpo Tsultrim Gyamtso Rinpoche Giảng Tại Karma Ling Vào Mùa Hè 1994

Bài ca ba cây đinh được đóng bắt đầu với sự cầu xin ban phước của guru rằng cái thấy, thiền định và hạnh của chúng ta sẽ trở nên giống như ngài. Lý do chúng ta khẩn cầu là cái thấy, thiền định và hạnh của guru là hoàn hảo một cách không cố gắng, thế nên chúng ta cầu nguyện sự ban phước khiến cái thấy, thiền định và hạnh của chúng ta sẽ trở nên cũng giống như vậy. Rất quan...
BÀI CA BA CÂY ĐINH CỦA MILAREPA - Khenpo Tsultrim Gyamtso Rinpoche Giảng Tại Karma Ling Vào Mùa Hè 1994

BÀI CA BA CÂY ĐINH CỦA MILAREPA

Hát Ở Hang Cọp Thành Sư Tử Ở Yolmo, Nepal

Khenpo Tsultrim Gyamtso Rinpoche Giảng Tại Karma Ling Vào Mùa Hè 1994

THE BEAUTIFUL SONG OF MARPA THE TRANSLATOR - 2001

Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức

---

Vào đề

Những bài ca của Milarepa sanh khởi từ kinh nghiệm của ngài trong thiền định và như những bài ca tự phát trong tâm của một người cao cả liên hệ đến những kinh nghiệm của một người cao cả. Chẳng hạn, trong bài ca “Ba Loại Tin Chắc vào Thực tại Đích thật”, Milarepa hát về những cách mà một người cao cả tin một cách xác quyết. Biết những cách ấy thì tốt. Chúng ta không nên hy vọng có được sự tin chắc như thế ngay lập tức, nhưng vẫn tốt khi biết về những kinh nghiệm và chứng ngộ của những bậc cao cả. Thỉnh thoảng có một người với những huynh hướng thói quen mạnh mẽ từ những đời quá khứ có thể chứng ngộ tức thời nghĩa của những bài ca này khi nghe chúng, nhưng hầu hết chúng ta phải hy vọng rằng loại chứng ngộ ấy sẽ hiện lên dần dần qua một thời gian lâu dài. Tuy nhiên chúng ta không nên để cho ý tưởng ấy làm chán nản. Theo một ý nghĩa, không có sự vội vã đặc biệt nào để đạt đến Phật quả. Tại sao? Bởi vì theo Đại thừa, thời gian là như huyễn – nó không thật, nó không thật sự hiện hữu. Đặc biệt trong truyền thống Đại Ấn, bám chấp vào ba thời là thật được xem là một quan niệm sai lầm chúng ta phải thoát khỏi. Đức Phật dạy về tính không thật của tất cả các hiện tượng để cho những Bồ tát bi mẫn. Đối với các bậc Thanh Văn và Độc Giác Phật, chỉ chứng ngộ vô ngã của cá nhân là đủ, nhưng các Bồ tát cần chứng ngộ mười sáu thứ tánh Không, bao gồm tánh Không của cái không thể tri giác; cái này ám chỉ tánh Không của thời gian. Những Bồ tát cần chứng ngộ tánh Không của thời gian khiến họ sẽ không bao giờ mệt mỏi khi làm việc vì lợi lạc của chúng sanh trong sanh tử, thậm chí trong 3x1059 kiếp, trước khi thành tựu Phật quả. Khi chúng ta chứng ngộ sự bình đẳng của ba thời, bao giờ chúng ta chứng ngộ Phật quả không còn là vấn đề bởi vì khi nào nó cũng đang là, chính xác nó như nhau với cái bây giờ.

---

Lama kính yêu, xin ban phước cho con để tự nhiên an trụ

Trong cái thấy, thiền định và hạnh ngài đã sống

Những cây đinh được đóng về cái thấy là ba

Những cây đinh được đóng trong thiền định là ba

Những cây đinh được đóng về hạnh là ba

Những cây đinh được đóng về quả là ba

Để diễn tả những cây đinh đi với cái thấy, ba cái

Là những xuất hiện của đời sống là một yếu tố của tâm

Trong không gian của quang minh là tâm bổn nhiên

Trong đó không có chút gì phân biệt

Để diễn tả những cây đinh của thiền định, ba cái

Tất cả những tư tưởng trong pháp thân đều giải thoát

Tánh giác là quang minh, trong những chiều sâu của nó là lạc

Và nghỉ ngơi không tạo tác giả tạo là định

Để diễn tả những cái đinh của hạnh, có ba

Mười thiện hạnh là sự biểu lộ tự nhiên của hạnh

Mười ác hạnh là thanh tịnh tự nhiên trong nền tảng của chúng

Và những chiến lược tánh Không quang minh không thể chế tạo

Để diễn tả những cái đinh đi với quả, ba cái

Niết bàn không phải là cái gì nhập từ đâu khác

Sanh tử không phải là cái gì xuất đi đâu khác

Tôi đã khám phá chắc chắn tâm là Phật, tâm bạn

Bây giờ với tất cả những cây đinh này có một cái được đóng

Cây đinh này là cây đinh của tánh Không của hiện hữu thanh tịnh

Một lama đích thực biết làm sao đóng nó

Nếu bạn phân tích rất nhiều bạn cũng không làm được

Sự chứng ngộ đồng khởi đóng nó

Những dụng cụ này cung cấp một số lời dạy có nghĩa là được chia sẻ

Chúng xảy ra trong tâm của thiền giả, y đặt chúng thành bài ca

Mong rằng chúng làm vui lòng các bạn, những đệ tử con trai và con gái

Cầu nguyện mở đầu

Bài ca ba cây đinh được đóng bắt đầu với sự cầu xin ban phước của guru rằng cái thấy, thiền định và hạnh của chúng ta sẽ trở nên giống như ngài. Lý do chúng ta khẩn cầu là cái thấy, thiền định và hạnh của guru là hoàn hảo một cách không cố gắng, thế nên chúng ta cầu nguyện sự ban phước khiến cái thấy, thiền định và hạnh của chúng ta sẽ trở nên cũng giống như vậy. Rất quan trọng cần biết rằng Kim Cương thừa dạy rằng chúng ta cần sự ban phước của guru nếu chúng ta muốn khai mở cái thấy, thiền định và hạnh không tỳ vết.

Bấy giờ Milarepa hát về ba cây đinh của cái thấy, ba của thiền định, ba của hạnh, và ba của quả con đường.

Cái thấy

Cái thứ nhất của ba cây đinh của cái thấy là hiểu với sự chắc chắn xác quyết rằng mọi xuất hiện bên ngoài đều là tâm. Điều này được hiểu ở hai cấp độ. Ở cấp độ giải thích chung, nó tương ứng với quan kiến Duy Tâm rằng mọi xuất hiện liên hệ với thế giới bên ngoài thực ra là những xuất hiện lầm lẫn sanh khởi từ những khuynh hướng thói quen. Thực tế, không có thế giới “bên ngoài” nào khác hay tách lìa với tâm. Thế nên, tất cả xuất hiện chúng ta tri giác chỉ giống như những xuất hiện trong mộng. Chúng có vẻ ở ngoài và có vẻ được tri giác là những đối tượng hiện hữu tách lìa khỏi chủ thể tri giác, nhưng thật ra nhị nguyên như vậy không hiện hữu. Người tri giác và cái được tri giác cả hai đều là những phóng chiếu của tâm.

Cấp độ giải thích phi thường thuộc về Đại Ấn, bản tánh chân thật của tâm, tinh túy của tâm vốn là tánh Không – sáng tỏ. Ở đây nó được giải thích rằng mọi xuất hiện, bên trong và bên ngoài, là sự phô diễn sáng tạo của sự tỏa sáng vốn có của tâm. Chúng ta phải thấu hiểu rằng bản tánh của tâm không chỉ là tánh Không, cũng không chỉ là thoát khỏi tính khái niệm, vô niệm – mà còn là tánh giác thanh tịnh chính là sự sáng tỏ vốn có của tâm. Milarepa hát rất rõ về sự sáng tỏ này, quang minh này, trong dòng về cái đinh thứ hai của cái thấy.

Như thế, bất cứ cách nào bạn nhìn nó, tâm bao gồm mọi sự: không có cái gì khác với tâm; chỉ có tâm. Khi chúng ta có sự tin chắc không thể lay chuyển vào điều này, chúng ta có thể xem cái đinh thứ nhất này được đóng. Cho đến khi ấy, chúng ta phải giữ công việc đóng nó bằng cách nghe những giáo lý về nó và suy nghĩ về nó trở đi trở lại.

Cái đinh thứ hai là bản tánh tinh túy của tâm là quang minh, tịnh quang. Chúng ta cần phải có sự chắc chắn quyết định về cái này, không có chút nghi ngờ nào. Rồi chúng ta sẽ đóng được cái thứ hai này. Nếu chúng ta có bất kỳ nghi ngờ hay ngần ngại về điều này, chúng ta chưa đóng nó. Vẫn còn công việc nghe và suy nghĩ để làm.

Bạn có được sự chắc chắn rằng bản tánh của tâm là tịnh quang như thế nào? Bước thứ nhất là thấy rằng khi bạn phân tích tâm, bạn không thể tìm thấy cái gì ở đó. Chẳng hạn những tư tưởng không đến từ đâu và không đi về đâu. Nếu chúng là thật, chúng phải đến từ nơi nào khác với bạn khi bạn kinh nghiệm chúng, nhưng chúng không như vậy! Và bởi vì chúng không đến từ đâu, chúng không đi chỗ nào khác khi chúng đi qua bạn. Thế nên, những tư tưởng là trống không, không đến không đi.

Bạn cũng có thể khảo sát tâm để thấy bạn có thể định vị nó ở đâu. Nó ở trong thân bạn? Ở ngoài? Ở đâu đó chặng giữa? Nếu bạn nói nó ở trong thân, thì ở phần trên hay phần dưới? Bất cứ chỗ nào bạn nhìn trong thân, bạn không thể thấy tâm; bạn chỉ có thể thấy nhiều thứ khác nhau. Thế nên bạn không thể định vị tâm trong thân thì bạn cũng không thể tìm thấy nó ở đâu cả.

Một khi bạn đã đến chỗ chắc chắn về sự kiện tâm không thể tìm thấy, hãy nghỉ ngơi thư giãn trong xác quyết ấy. Khi làm thế, một kinh nghiệm của sáng tỏ tuyệt diệu, sống động, không thể diễn tả sẽ hiện lên. Đó là bản tánh tịnh quang của tâm.

Cái đinh thứ ba là, trong tịnh quang này, không có cái gì để nhận biết, hiểu biết, hay phân biệt một cách khái niệm – nó vượt khỏi hiểu và biện biệt. Điều này nghĩa là khi bạn không thể tìm thấy cái gì để trụ vào hay bám nắm. Bạn chỉ không tìm thấy cái gì, nhưng đồng thời bạn có sự chắc chắn về tịnh quang. Khi nào chúng ta có khuynh hướng bám nắm nào vào tịnh quang như cái gì thật, dù rất vi tế, thì bấy giờ chúng ta chưa đóng cái đinh chót này. Đây là điểm then chốt – tinh túy của tâm là tánh Không, không thể nắm bắt, và không có cái gì để thấy hay chứng ngộ - thế nên nó là sáng tỏ và tánh Không đồng thời. Sự sáng tỏ là không thể phân biệt hay tách lìa tánh Không – thực sự không có khác biệt, phân biệt nào giữa chúng. Điều này rất khó chứng ngộ. Nếu chúng ta nghĩ bản tánh của tâm là sự sáng tỏ, tức thời chúng ta mất ý nghĩa tánh Không. Khi chúng ta nghĩ bản tánh của tâm là tánh Không, lập tức chúng ta mất ý nghĩa sáng tỏ. Chỉ khi tâm dừng bám nắm, không có bất kỳ hôn trầm hay mê mờ nào, cái đinh thứ ba này mới được đóng.

Khi tất cả ba cái đinh này đã được chứng ngộ hay được đóng hoàn toàn, bấy giờ đây là cái thấy đích thực của Đại Ấn.

Thiền định

Cái đinh thứ nhất hay điểm tinh túy của thiền định là “mọi tư tưởng trong pháp thân là giải thoát”. Pháp thân ở đây để chỉ bản tánh tinh túy của tâm, tịnh quang. Nếu bạn có thể an trụ, nghỉ ngơi một cách tự nhiên trong cái thấy của Đại Ấn như đã giải thích, bấy giờ những tư tưởng chỉ đơn giản khởi lên từ tịnh quang và tiêu tan trở lại vào đó, như thế chúng tự - giải thoát, giống như những làn sóng khởi lên từ đại dương và tan trở lại vào đại dương. Đại dương sanh ra sóng, chính là sóng, và hấp thu trở lại sóng mà không hề thay đổi bản tánh nền tảng của nó. Trong cùng cách, tịnh quang sanh khởi những tư tưởng, là bản tánh của những tư tưởng và hấp thu trở lại những tư tưởng vào nó. Nếu trong thiền định của chúng ta, chúng ta còn bị mắc vào trong những tư tưởng khiến chúng có vẻ lọt vào trong tâm và chúng ta muốn vứt bỏ hay thoát khỏi chúng, thì chúng ta còn chưa đóng cái đinh thứ nhất này. Đó là một dấu hiệu rằng thiền định của chúng ta chưa là Đại Ấn. Nếu trong thiền định chúng ta có thể để cho những tư tưởng tiêu tan như tôi vừa diễn tả, bấy giờ thiền định của chúng ta sẽ rất mạnh mẽ. Có một thần lực hay năng lực lớn khi có thể làm như vậy.

Cái đinh thứ hai của thiền định là tánh giác, quang minh, và lạc của tâm an trụ là thực sự ba cái tên cho cùng một tinh túy. Khi chúng ta nghĩ đến tâm, đôi khi nó rất tỉnh giác và quang minh, và đôi khi không. Tương tự, đôi khi nó có vẻ hạnh phúc và an lạc, và đôi khi không; đôi khi nó có vẻ hôn trầm và khốn khổ. Tuy nhiên thực ra tâm luôn luôn tỉnh giác, quang minh và lạc, bởi vì ba phẩm tính này chính là tinh túy của nó; chúng không thể tách biệt nhau. Bạn không thể chia tách chúng và nói, “Phần này của tâm tôi là tánh giác, phần này là sáng tỏ và phần này là lạc.” Khi chúng ta tin đầy đủ rằng ba phẩm tính này là không thể phân chia và chúng luôn luôn hiện diện như là bản tánh nền tảng của tâm, bấy giờ cái đinh thứ hai được đóng. Nếu chúng ta còn ngần ngại và nghĩ chúng là những phẩm tính tách lìa, hay tách lìa với cái mà tâm thực sự là, thì bấy giờ chúng ta còn chưa đóng cây đinh thứ hai này.

Cái đinh thứ ba là thiền định chân thực là không cố gắng. Thực sự không có cái gì để làm bởi vì bản tánh chân thật của tâm vốn toàn thiện y như nó là. Nếu bạn còn gian lận bằng cách cố gắng điều khiển tâm bạn hay kinh nghiệm bằng bất cứ cách nào, bấy giờ bạn chưa xong, được cái đinh thứ ba này. Nếu không có cố gắng hay tạo tác giả tạo trong thiền định của bạn, nếu bạn có thể nghỉ ngơi thư giãn không bám chấp hay trụ vào bất cứ cái gì xảy ra, bấy giờ đó là thiền định Đại Ấn chân thật.

Hạnh

Cái đinh thứ nhất của Đại Ấn là khi bạn chứng ngộ Đại Ấn, bạn không phải làm bất cứ nỗ lực đặc biệt nào để thực hành những hành động thiện của thân, ngữ và tâm. Chứng ngộ bản tánh chân thật của tâm, Đại Ấn, khiến những hành động của thân, ngữ và tâm tự nhiên tốt lành, bởi vì khi bạn chứng ngộ Đại Ấn, mọi mê mờ của tâm thức biến mất. Tâm bạn là một trạng thái tốt lành và thanh tịnh, bởi thế mọi hành động của thân và ngữ sẽ cũng như vậy. Điều này không chỉ là một trạng thái tốt lành bình thường, nó sẽ là loại trạng thái tốt lành nhất hay hoàn thiện nhất, sanh ra sự tốt lành vô tận.

Chẳng hạn, nếu trong một giấc mộng bạn nhận biết bạn trong mộng bấy giờ bạn dừng bám chấp vào sự vật như là thật. Bởi thế bạn không có mê mờ và mọi sự bạn làm là hoàn thiện và tốt lành. Thế nên nếu bạn không có lỗi lầm xem sự vật là thật, bấy giờ hạnh của thân, ngữ, tâm của bạn sẽ tự nhiên hoàn thiện.

Cái đinh thứ hai của hạnh là những hành vi nghiệp xấu thì “tự nhiên thanh tịnh trong nền tảng của chúng”. Điều này nghĩa là bởi vì các thiền giả nam nữ chứng ngộ Đại Ấn không cho những sự vật là thật, họ không bao giờ mê mờ, thế nên họ không bao giờ làm những hạnh xấu. Mọi hạnh xấu đều sanh khởi từ mê mờ. Tuy nhiên, khi bạn chứng ngộ Đại Ấn, không còn mê mờ nữa! Thật vậy, bạn nhận biết bản thân mê mờ là thanh tịnh một cách bổn nguyên. Thế nên những trạng thái xấu của tâm được tịnh hóa một cách tự nhiên. Những hành động của thân và ngữ đi theo tâm, nên nếu tâm ở trong một trạng thái tốt lành tự nhiên, bạn không lo gì về cái còn lại, nó cũng đều thanh tịnh tự nhiên.

Chẳng hạn giả sử bạn đang mộng và không nhận biết đó là giấc mộng và người nào làm hại hay thù ghét bạn xuất hiện. Bạn sẽ đi vào những hành vi xấu của thù ghét, sỉ nhục hay ném đá vào họ vân vân. Nhưng nếu bạn thấu hiểu đó chỉ là một giấc mộng, bạn chỉ nghĩ, “Ồ, đây là một giấc mộng”, và không nghĩ đó thật là kẻ thù của bạn, bạn sẽ không làm hành động xấu với thân và ngữ. Nói cách khác, chỉ bằng nhận biết bạn đang mộng, bạn thấy kẻ thù trong mộng ấy chỉ là một xuất hiện không có bản chất. Tương tự, khi chứng ngộ bản tánh chân thực của tâm, sáng tỏ - tánh Không, Đại Ấn, người ta nhận biết rằng mọi xuất hiện khiến sanh ra phiền não và nghiệp xấu chỉ là những xuất hiện. Khi điều này xảy ra, một cách tiềm năng những hành vi xấu chỉ đơn giản xuất hiện từ tịnh quang và tan biến vào nó, không đi đâu cả, không làm gì cả hay không gây hại nào cả.

Khi bạn hoàn toàn chắc chắn rằng mọi hành vi xấu là như thế này, bấy giờ bạn đóng cây đinh thứ hai của hạnh. Nếu đôi khi bạn xem những hành vi xấu là thật và đôi khi không, hay nếu bạn có những nghi ngờ và ngần ngại, nghĩ, “Đây là một việc xấu nếu làm, tôi cần cố gắng tránh nó”, bấy giờ bạn chưa đóng cây đinh này. Theo cái thấy Đại Ấn, người ta không cố gắng từ bỏ những hành vi xấu như thể người làm, hành vi, và đối tượng của hành vi là thật. Thật vậy, cả ba cái này không thật, chúng chỉ là những chế tạo khái niệm. Nên thay vì thế điều người ta cần làm là thiền định về bản tánh của những tư tưởng chế tạo ra ba cái ấy là bản tánh của tịnh quang, và tu tập cái hiểu rằng những xuất hiện của ba cái ấy chỉ là trò phô diễn sáng tạo của sự tỏa sáng vốn có sẵn của tâm. Khi người ta có thể làm hai điều này, tất cả mọi hành vi xấu đều tự - giải thoát – chúng được chứng ngộ là bản tánh của sự thanh tịnh bổn nguyên.

Cái đinh thứ ba của hạnh, “những chiến lược tánh Không quang minh không thể chế tạo”, dạy rằng bản tánh chân thật của tâm, sáng tỏ - tánh Không, không phải là cái gì người ta có thể thao tác. Không tốt khi nghĩ, “Phương thuốc cho mê mờ là tánh Không quang minh, thế nên tốt hơn, tôi có được nó hay tạo ra nó”. Không phải làm cái gì như vậy. Sáng tỏ - tánh Không là bất biến; nó là một thực tại bao giờ cũng có mặt. Bất kể bạn làm gì bạn không thể làm hại nó, cũng không thể làm cái gì tốt hơn nó đã vốn là – nó vốn toàn thiện! Khi bạn hoàn toàn chắc chắn điều này và như một kết quả bạn không còn nghĩ cần phải sửa chữa cái mà bản tánh nền tảng đã vốn là, bấy giờ cái đinh này đã được đóng.

Tuy nhiên, có lẽ sanh khởi loại chắc chắn này là điều khó khăn. Đôi khi chúng ta có nhiều đức tin, lòng bi hay sự sắc bén của tâm thức, và những lúc khác chúng ta có vẻ đầy nghi ngờ, tức giận và hôn trầm. Rất khó để tin với đảm bảo rằng tinh túy của tâm không thay đổi chút nào qua những trạng thái ấy. Thậm chí rất khó để hiểu cái đó có nghĩa là gì. Thế nên chúng ta cần suy nghĩ lập đi lập lại về những giáo lý này, và rồi trí huệ biết bản tánh chân thật của tâm sẽ tăng trưởng và sự chắc chắn sẽ sanh khởi.

Quả

Về quả, cái đinh thứ nhất được đóng là Niết bàn không thể được nhập từ nơi nào khác, bởi vì niết bàn không hiện hữu như một nơi chốn ngoài tự tâm chúng ta. Nó là bản tánh nguyên sơ của tâm. Có lẽ bạn không nghĩ niết bàn như một nơi chốn. Có thể bạn hiểu rằng nó là bản tánh nền tảng của tâm, thế nên dĩ nhiên nó không thể được đưa vào từ một chỗ nào khác. Nhưng niết bàn thường được diễn tả như thể nó là một nơi chốn hay cái gì bạn đi vào, giống như vào một đại dương. Chúng ta nghe về những phẩm tính của chư Phật trong các cõi Tịnh độ của các ngài – tất cả những cái ấy là những xuất hiện của niết bàn. Khó mà tin rằng những phẩm tính kỳ diệu như vậy có thể thực sự hiện diện ở đây ngay bây giờ, chúng ta không phải thay đổi cái gì, làm cái gì, có được cái gì hay đi đâu khác. Tuy nhiên, cái đinh thứ nhất đi với quả thì phải có sự chắc chắn hoàn toàn rằng điều này quả thật là như vậy. Niết bàn luôn luôn hiện diện như bản tánh nền tảng của tâm. Chừng nào bạn chưa chắc chắn về điều này, chừng nào bạn còn những nghi ngờ và ngần ngại, nghĩ, “Có thể bản tánh nền tảng của tâm tôi là niết bàn, hay có thể là không phải”, hay “Có thể tôi sẽ đạt đến niết bàn một ngày nào, hoặc có thể không”, bấy giờ cái đinh này còn chưa được đóng – bạn cần suy nghĩ về giáo lý này nhiều hơn nữa. Bấy giờ sự chắc chắn sẽ sanh khởi.

Cái đinh thứ hai của quả, “Sanh tử không là cái gì phải xuất đi chỗ nào khác”, dạy chúng ta rằng không có gì phải vứt bỏ, không có cái gì để thoát khỏi. Lý do cho điều này là sanh tử không hiện hữu, chưa bao giờ hiện hữu, và không bao giờ sẽ hiện hữu. Sanh tử chỉ giống như những xuất hiện lỗi lầm trong một giấc mộng. Những sự vật xuất hiện trong giấc mộng của bạn chưa bao giờ hiện hữu, và bất kể bạn mộng lâu bao nhiêu, chúng cũng không bao giờ hiện hữu. Những xuất hiện trong mộng chỉ là những xuất hiện – chúng không thật. Thế nên nếu cái gì sai trong một giấc mộng, bạn không cần thoát khỏi cái gì, bạn không cần sửa chữa hay biến đổi cái gì, bạn chỉ cần vất bỏ những ý tưởng mê lầm cho nó là thật. Tương tự, chúng ta không cần thoát khỏi sanh tử; chúng ta chỉ cần bỏ đi những tư tưởng cho nó là thật. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách thấu hiểu rằng sanh tử là trống không, không có hiện hữu nội tại, bởi vì nó không là một vật cũng không là nhiều vật; và bằng cách chứng ngộ điều ấy, những tư tưởng bám chấp vào sanh tử như là thật có thật ra không sanh, trụ hay diệt – bản tánh của chúng là tịnh quang. Khi là những điều này, bản tánh chân thật của sanh tử được chứng ngộ, và sự bám chấp vào sanh tử là thật tự - giải thoát. Thế nên sanh tử không là cái gì chúng ta cần xuất đi đâu khác.

Khi bạn đã hoàn toàn tin vào điều này, bấy giờ cây đinh thứ hai đã được đóng. Chừng nào bạn còn có những nghi ngờ, nghĩ, “Tôi mong muốn tôi có thể thoát”, hay “Tôi không thể chờ đợi đến khi tôi thoát khỏi sanh tử”, thì cái đinh này chưa được đóng. Nếu là trường hợp như vậy, hãy suy nghĩ về điểm này cho đến khi sự chắc chắn về nó sanh khởi.

Cái đinh thứ ba của quả là bạn chứng ngộ tự tâm bạn là Phật. Điều này nói rằng bạn chứng ngộ bản tánh nền tảng của tâm là Đại Ấn. Nói cách khác, nó tự nhiên là niết bàn, tự nhiên vượt khỏi khổ đau. Bản tánh nền tảng này là pháp thân của Phật, nó vốn thanh tịnh và không hề ô nhiễm, ngay cả vào lúc bắt đầu của con đường thực hành pháp. Điều này rất khó hiểu hay tin. Nếu nền tảng bắt đầu của con đường đã thoát khỏi, đã không có khổ đau, tại sao chúng ta không chứng ngộ điều đó? Tại sao chúng ta khổ đau? Vâng, chúng ta cần hỏi, nếu nền tảng của con đường, điểm từ đó chúng ta bắt đầu, không đã là pháp thân, thì làm sao chúng ta có thể làm cho trạng thái ấy thành hiện hữu, bởi vì pháp thân thì vô sanh, không do tạo tác, và bất biến? Nếu chúng ta không vốn là bản tánh của nó, chúng ta chẳng bao giờ có thể trở thành nó, bởi vì pháp thân không thể mới được tạo thành. Lý do vì pháp thân ấy là bản tánh nền tảng của chúng ta và nó đã luôn luôn hiện hữu. Cái này được gọi là “pháp thân của tính thanh tịnh tự nhiên và hoàn thiện”, Phật đích thật và hiện thực.

Cho dù pháp thân này là bản tánh căn bản của chúng ta, chúng ta không chứng ngộ nó, chúng ta không biểu lộ công khai những phẩm tính Phật, bởi vì chúng ta chưa xóa sạch những vết bẩn tạm thời của vô minh che ám sự chứng ngộ của chúng ta. Đây là cái khiến chúng ta khổ đau. Tuy nhiên, bởi vì những vết dơ này không phải là một thành phần cố hữu của bản tánh của tâm, chúng có thể bị loại bỏ, và thực hành trên con đường là để hoàn thành việc ấy. Khi tất cả những vết dơ đã được tịnh hóa, người ta đạt “pháp thân không có những vết bẩn thoáng qua”. Bấy giờ được nói là được phú bẩm hai loại thanh tịnh, cả thanh tịnh tự nhiên và thanh tịnh thoát khỏi những vết dơ ngẫu nhiên ngoại sanh. Vào điểm đó người ta được gọi bằng tên, “Phật”.

Cách tịnh hóa những vết bẩn ngẫu nhiên ngoại sanh này bắt đầu bằng sự có được chắc chắn rằng bản tánh của tâm chúng ta vốn là thanh tịnh, Phật đích thực và hiện thực. Trên con đường chúng ta có nhiều nghi ngờ về điều này bởi vì chúng ta chưa thể trực tiếp chứng ngộ bản tánh của tâm. Khi chúng ta nghĩ về những phẩm tính kỳ diệu của chư Phật và thấy những lỗi lầm lộ liễu của chính mình, chúng ta có những nghi ngờ và ngần ngại, và nghĩ rằng chúng ta phải làm cái gì, xác định cái gì về chính mình. Tuy nhiên, khi chúng ta hoàn toàn chắc chắn rằng tự tâm chúng ta là Phật, bấy giờ mọi nghi ngờ này tan biến và chúng ta đã chứng ngộ nghĩa của giáo lý này. Cây đinh đã được đóng.

Giờ đây chúng ta có mười hai cây đinh phải đóng. Điều này có vẻ là một số đinh khác nhau, nhưng thực ra tất cả chúng có thể gồm lại một cây đinh: cây đinh của bản tánh chân thật của tâm, sáng tỏ - tánh Không, Đại Ấn. Vị lama đích thật, có thẩm quyền là người đóng cây đinh này, bởi vì những giáo huấn cốt lõi của lama chỉ thẳng ra cho bạn bản tánh của tâm khiến bản thân bạn có thể nhận biết nó. Những lời dạy trực tiếp của lama đưa bạn mặt đối mặt với tinh túy của tâm. Khi thần lực của sự ban phước và chứng ngộ của lama đến cùng với sự tự tin và đức tin của chính bạn không còn những nghi ngờ, quả là bạn kinh nghiệm bản tánh hiện thực của tâm – tinh túy vốn giác ngộ, hoàn thiện của nó.

Ở đây những câu “nhận biết tinh túy của tâm” và “kinh nghiệm bản tánh của tâm” không có nghĩa là người ta có chứng ngộ hay kinh nghiệm trực tiếp bản tánh của tâm chỉ mới vừa được nêu ra. Điều đó chỉ xảy ra khi người ta đến con đường thấy (cái thứ ba trong năm con đường), và trở thành một Bồ tát cao cả (đại Bồ tát), có thể gởi ra một trăm hóa thân lưu xuất, du hành đến một trăm cõi Phật, nhận những giáo lý từ một trăm vị Phật và vân vân.

Đúng hơn, những câu này diễn tả một sự chắc chắn phi thường vào cái bản tánh của tâm thực sự là. Nhưng nếu bạn phân tích quá nhiều, bạn sẽ không đóng được cây đinh này – bạn sẽ không có được sự chắc chắn này. Điều này nghĩa là vào lúc bạn nhận những giáo huấn chỉ thẳng, bạn đã chuẩn bị có sự tin chắc vào điều lama sắp nói với bạn. Nếu bạn nhận những giáo huấn và bạn còn tự hỏi, “Có thật tâm tôi là như vậy hay không? Điều lama của tôi nói có chính xác không?” bấy giờ bạn không có được lợi lạc đầy đủ của những giáo huấn.

Một số cá nhân, như một kết quả đã thực hành pháp trong nhiều đời quá khứ, dễ dàng và tự nhiên sanh khởi ngay đức tin và tin chắc lớn lao vào lama. Có những câu chuyện của những người như vậy trong những tiểu sử của các đại thành tựu giả Ấn Độ và Tây Tạng – đôi khi sau khi nghe chỉ vài câu kệ từ lama của họ, họ nhận biết trực tiếp bản tánh của tâm và được giải thoát.

Phần đông còn lại của chúng ta có thể khởi sanh đức tin và tin chắc này bằng trước hết nghe một cách sống động nhiều giáo pháp về cái thấy và rồi chiêm nghiệm, tham thiền về chúng một cách triệt để. Những hoạt động này phát lộ cho chúng ta những nghi ngờ của chúng ta, khiến chúng ta có thể nghĩ thông suốt về chúng và tìm ra những câu trả lời để giải quyết chúng. Bấy giờ, thỉnh thoảng chúng ta đến trước lama để nhận những giáo huấn chỉ thẳng, chúng ta không cần hỏi nữa về sự vững chắc của những giáo lý – chúng ta hoàn toàn tin và mở ra để nhận thần lực của sự ban phước và chứng ngộ của lama. Bấy giờ cây đinh này có thể được đóng.

Nếu bạn nhận những giáo huấn chỉ thẳng và bạn còn những nghi ngờ, đó không phải là một vấn đề, nó chỉ chỉ ra rằng bạn cần nghiên cứu và tư duy về cái thấy thêm nữa. Rồi sự chắc chắn không có những nghi ngờ sẽ sanh khởi trong bạn.

Một cách khác để hiểu dòng này, “Nếu bạn phân tích quá nhiều bạn sẽ không đóng nó được”, nên được nhìn nối kết với dòng kế tiếp, “Sự chứng ngộ đồng khởi đóng nó.”

Trong thiền định Đại Ấn, cái cần được chứng ngộ là trí huệ đã hiện diện từ thời vô thủy như là bản tánh thực sự của tâm. Trí huệ này được gọi là “đồng khởi”, nghĩa là nó hiện hữu ngay cùng với hoạt động tâm thức thế gian bình thường mà chúng ta đặt tên là “tâm”. Nó hiện hữu cùng với hoạt động tâm thức này theo nghĩa nó là bản tánh thực sự của hoạt động tâm thức ấy. Thế nên điều này phải được chứng ngộ.

Phẩm tính của trí huệ này là nó siêu vượt mọi chế tạo khái niệm về cái có thể là. Nó siêu vượt mọi ý niệm “hiện hữu”, “không hiện hữu” và vân vân. Bởi thế, tâm vẫn còn phân tích không thể chứng ngộ nó, bởi vì tâm phân tích vẫn làm với những chế tạo khái niệm. Sự phân tích, như lý luận rằng tâm là không có tự tánh bởi vì nó không phải một hay không phải nhiều, giúp cho người mới học có được chắc chắn về bản tánh của tâm, và như thế người mới học cần phân tích. Tuy nhiên, một khi chúng ta có sự chắc chắn này, chúng ta không cần phân tích nữa. Chúng ta có thể nhìn thẳng vào tinh túy của tâm mà không vướng bận bởi những khái niệm, bởi phân tích theo khái niệm. Chúng ta sẵn sàng làm điều đó.

Trong dòng tiếp theo Milarepa hát, “Những dụng cụ này cung cấp một số lời dạy có nghĩa là được chia sẻ”. Milarepa hát bài ca này cho tất cả những người thực hành pháp; những lời dạy ngài cho ở đây không giống với một số giáo huấn đặc biệt cho một cá nhân. Mọi người đều cần những giáo lý này.

Milarepa hát bài ca này một cách tự phát. Không phải ngài nghĩ một ít về cái gì tốt để nói trước và nói theo thứ tự nào và nó đều cấu kết mạch lạc và tuân theo những quy luật thơ ca hay không … Ngài chỉ hát từ lòng mình theo kinh nghiệm trực tiếp của ngài và nó tuôn ra là những câu kệ đầy năng lực, sâu xa và đẹp đẽ này. Để có thể làm điều này là một trong những siddhi (khả năng đặc biệt của yoga) sanh khởi từ thực hành của ngài.

Bởi vì bài ca này sâu xa như vậy và đến trực tiếp từ kinh nghiệm của Milarepa, có sự ban phước lớn lao khi hát nó nhiều lần và dùng nó như một cơ sở cho guru yoga. Bạn nên hát bài ca này 108 lần. Trước khi hát, hãy thiền định về Milarepa ngồi trong bầu trời ở trên bạn, và rồi khi đang hát, quán tưởng ngài ban cho bạn những quán đảnh của thân, ngữ và tâm giác ngộ của ngài bằng cách gởi ánh sáng trắng từ OH trên trán ngài vào trán bạn, ánh sáng đỏ từ AH ở yết hầu ngài vào yết hầu bạn, và ánh sáng xanh từ HUM ở tim ngài vào tim bạn. Sau khi hát xong, hãy thiền định rằng ngài tan thành ánh sáng và rồi tan vào trung tâm tim của bạn. Rồi nghỉ ngơi trong sự không thể phân chia của tâm Milarepa và tâm bạn. Có cái gì có thể tốt hơn điều đó?

Đây là một thực hành đầy đủ vì bạn có thân guru xuất hiện trong bầu trời trên bạn, bạn có sự ban phước của ngữ trong những lời của bài ca của ngài và bạn có sự ban phước của tâm ngài trong nghĩa của những lời ngài sanh khởi từ chứng ngộ.

Nếu bạn muốn học hát bài ca này bằng tiếng Tây Tạng, điều đó rất tốt bởi vì bài ca của Milarepa nguyên là tiếng Tạng. Nhưng bây giờ nếu chúng ta hát những bài ca của ngài bằng tiếng Anh, Pháp, Đức hay ngôn ngữ nào khác, thì sự ban phước của ngữ của Milarepa cũng sẽ chảy vào những ngôn ngữ ấy! Rất tốt khi học thuộc lòng bài ca. Nó khiến sự ban phước rất đầy năng lực.

OM

AH

HUM

Bài viết liên quan