CHẲNG PHẢI TỰ NHIÊN NHƯ THẦN NGÃ - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

CHẲNG PHẢI TỰ NHIÊN NHƯ THẦN NGÃ

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

-----oo0oo-----

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thật như Pháp vương đã nói, tánh giác duyên khắp mười phương thế giới, lặng trong, thường trụ, chẳng sanh chẳng diệt thì so với thuyết Minh Đế của nhóm Phạm Chí Ta Tỳ Ca La, và các thuyết của ngoại đạo như Đầu Hồi…nói có một chân ngã đầy khắp mười phương có gì sai khác? Thế Tôn cũng từng ở núi Lăng Già vì Bồ tát Đại Huệ mà giảng rộng...
CHẲNG PHẢI TỰ NHIÊN NHƯ THẦN NGÃ - KINH LĂNG NGHIÊM HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thật như Pháp vương đã nói, tánh giác duyên khắp mười phương thế giới, lặng trong, thường trụ, chẳng sanh chẳng diệt thì so với thuyết Minh Đế của nhóm Phạm Chí Ta Tỳ Ca La, và các thuyết của ngoại đạo như Đầu Hồi…nói có một chân ngã đầy khắp mười phương có gì sai khác?

Thế Tôn cũng từng ở núi Lăng Già vì Bồ tát Đại Huệ mà giảng rộng nghĩa này: các ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn ta nói nhân duyên, chẳng phải cảnh giới của họ.

Nay con quan sát kỹ tánh giác ấy chẳng sanh chẳng diệt, xa lìa tất cả hư vọng điên đảo, hình như chẳng phải nhân duyên mà cùng với thuyết tự nhiên của ngoại đạo kia. Xin Phật khai thị để chúng con làm thế nào khỏi rơi vào tà kiến, được tánh giác chân thật diệu minh.

Phật bảo A Nan: nay ta phương tiện khai thị như vậy, chân thật bảo ông mà ông còn chưa ngộ, lầm cho là tự nhiên.

A Nan, nếu chắc là tự nhiên thì cần tự xét rõ có cái thể tự nhiên. Ông hãy quan sát trong tánh thấy diệu minh này, lấy cái gì làm tự thể? Tánh thấy này lấy cái sáng làm tự thể hay lấy cái tối làm tự thể? Lấy hư không là tự thể hay ngăn bít làm tự thể?

A Nan, nếu lấy cái sáng làm tự thể thì lẽ ra không thể thấy cái tối. Nếu trống không là tự thể thì lẽ ra không thể thấy ngăn bít. Như thế cho đến lấy các tướng tối làm tự thể thì khi sáng, tánh thấy phải diệt mất, làm sao còn thấy được sáng?

Những câu hỏi của ngài A Nan càng lúc càng vi tế để đưa tâm thức chúng ta thoát ra khỏi những kiến chấp vi tế.

Tánh thấy nếu do nhân duyên thì tánh thấy phải sanh diệt. Đây là đoạn kiến.

Tự nhiên là một hữu thể có sẳn, là một cái gì đó. Nhưng tánh thấy nếu là một cái gì đó thì nó bị ngăn ngại bởi cái không là cái trên. Nếu là sáng thì bị tối ngăn ngại, nếu là trống không thì bị ngăn bít ngăn ngại…

Tánh thấy không có tự thể, không là một cái gì cả. Nó vô tự tánh, là tánh Không, vượt khỏi mọi “các thứ phát hiện ra được đều là vọng tưởng”.

Cho nó là tự nhiên chỉ là một hình thức chấp hữu, chấp thường kiến. Phá được cái vọng thấy thường kiến này mới có thể ngộ được tánh thấy xưa nay vẫn hiện tiền trước mắt, thoát khỏi ‘tức là’ hay ‘chẳng phải’.

“Tánh giác duyên khắp mười phương thế giới, lặng trong, thường trụ, chẳng sanh chẳng diệt”, đây là một con mắt duy nhất của Sa môn.

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan