CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ NHỮNG VIỆC MÌNH LÀM

CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ NHỮNG VIỆC MÌNH LÀM

NGHĨ ĐƠN GIẢN SỐNG ĐƠN THUẦN – TOLLY BURKAN

-----o0o-----

Chúng ta vẫn thường cho rằng mọi cảm xúc của bản thân là do người khác gây nên. “Anh ta làm tôi tức giận” hay “Cô ấy khiến tôi đau đớn” là những câu nói nhầm phủ nhận trách nhiệm của bản thân.
CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ NHỮNG VIỆC MÌNH LÀM

Chúng ta vẫn thường cho rằng mọi cảm xúc của bản thân là do người khác gây nên. “Anh ta làm tôi tức giận” hay “Cô ấy khiến tôi đau đớn” là những câu nói nhầm phủ nhận trách nhiệm của bản thân. Chúng ta quên mất rằng mình được quyền lựa chọn cách phản ứng với những tình huống khách quan bên ngoài. Bạn không phải là robot được lập trình sẵn để phản ứng tự động một cách máy móc khi ấn nút điều khiển. Bạn được tự lựa chọn cách thức phản ứng như bạn mong muốn.

Ba điểm quyền năng đầu tiên sẽ nâng cao rõ rệt chất lượng cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, điểm quyền năng thực sự kỳ diệu là điểm số bốn này: CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ NHỮNG VIỆC MÌNH LÀM.

Hãy ngừng trách móc người khác

Đến khi nào bạn mới ngừng trách móc người khác và bắt đầu nhìn nhận thực tế dưới góc nhìn mới. Thay vì nói “Anh ta làm tôi tức giận”, bạn có thể diễn đạt theo cách khác “Anh ta làm vậy khiến tôi nhớ lại một chuyện tương tự trước đây và tôi tự nhiên phản ứng giận dữ như vậy”. Với cách này, bạn đang tự chịu trách nhiệm về mình và nói lên sự thật. Hãy ngưng vẽ hình ảnh bản thân như một nạn nhân. Điều đó thực sự vô ích. Khi bạn biết tự nhận trách nhiệm bản thân, bạn sẽ thấy mình có thể thay đổi bất cứ trải nghiệm nào từ bên trong. Ai đó có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, nhưng bạn không cần phải trả lời theo một cách thức nhất định. Bạn là người làm bạn tức giận, bạn cũng là người làm bạn hạnh phúc. Bạn là chủ nhân cuộc sống của chính mình. Vấn đề không nằm ở những việc xảy ra với bạn, mà ở cách bạn đối diện với chúng.

Bạn có thể tưởng tượng “giận dữ” là một đồng xu hai mặt, giận giữ một bên, tình thương một bên. Giận giữ với người khác làm tôi cảm thấy thiếu thoải mái như thể tôi đang trừng phạt chính bản thân mình vậy. Do đó, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phản ứng lại với những hành vi xấu xí bằng tình thương. Tôi đã từng là một người rất nóng nảy, nhưng giờ rất hiếm khi tôi phản ứng lại như vậy. Thay vì nổi khùng lên với người khác, tôi thấy thương cảm cho họ khi phải khổ sở thức dậy mỗi ngày và là chính họ.

Mỗi người sinh ra trong môi trường sống khác nhau có cách phản ứng khác nhau trước một tình huống. Chúng ta tạo nên trải nghiệm của bản thân dựa trên quá khứ. Không ai có thể chắc chắn mình biết người khác đã trải qua những gì. Chúng ta chỉ có thể chắc chắn về trải nghiệm của chính mình mà thôi. Chúng ta là con người nên chúng ta có khả năng chuyển hóa bất cứ trải nghiệm nào mình có. Nếu bạn không hài lòng với chính mình, bạn có thể lựa chọn việc học hỏi và trưởng thành sau tình huống đó. Tận hưởng mỗi tình huống hay tận dụng nó để trưởng thành đều khả thi. Như vậy bạn sẽ không tiếp tục thất bại trong cuộc đời. Khi bạn chọn cách hài lòng với bản thân hoặc trưởng thành qua mỗi thời khắc, cuộc sống của bạn trở thành một chuyến phiêu lưu vô tận chứ không phải là một cuộc chiến.

Khi bạn chịu trách nhiệm về những việc mình làm, bạn sẽ thấy việc thay đổi những thứ mình từng tiếc nuối là hoàn toàn khả thi. Tương lai bỗng chốc tươi sáng hơn với những khả năng vô tận. Bạn sẽ có thể kiểm soát vận mệnh của mình và tạo nên bất cứ trải nghiệm nào bạn muốn.

Sức mạnh của hành động

Nếu bạn từng cảm thấy mình như một “nạn nhân” thì giờ bạn có thể tận dụng nó để phát triển cá nhân và nhận được những điều giá trị bằng cách hành động như sau:

1. Nhớ lại một vài sự kiện gần đây bạn cảm thấy mình bị mất kiểm soát và có những hành vi tự động như robot.

2. Bóc tách những cảm xúc tiêu cực mà bạn có, ví dụ, giận dữ, nhục nhã, tội lỗi, sợ hãi, đau buồn, thất vọng... (“Tôi vừa mất việc làm. Tôi chết

đói đến nơi rồi. Tôi đang rất sợ hãi”.)

3. Gợi lại những ý nghĩ trong đầu bạn vào thời điểm đó. Bạn đã nói gì với bản thân? (“Trước mắt thật bắp bênh. Tôi cảm thấy sợ”.)

4. Tưởng tượng ra toàn bộ tình huống đó như bạn đang theo dõi một bộ phim.

5. Bây giờ, hãy viết lại kịch bản và chọn một cách phản ứng khác. Có điều gì bạn có thể nói với bản thân để mọi việc phát triển theo chiều hướng khác? (“Mình sẽ có một sự nghiệp mới. Sẽ là thử thách đấy nhưng cũng sẽ rất thú vị, một vài cơ hội tuyệt vời đã trải sẵn trên đường mình đi rồi”.)

6. Từ giờ trở đi, hãy thực hành điều này bởi bộ phim vẫn đang được chiếu chứ không phải phát lại sau đó. Nếu bạn làm theo những điều tôi gợi ý, bạn có thể giải thoát bản thân và tận hưởng sự tự do cũng như sức mạnh nội tại, bắt đầu từ việc tự tạo ra trải nghiệm cho chính mình. Bạn sẽ nhận ra những trải nghiệm của bản thân được liên kết tới những gì bạn nói với chính mình. Cảm xúc của bạn không đến từ những điều xảy ra với bạn, mà từ phản ứng bên trong của bạn. Đó chỉ là tiếng nói vang lên trong đầu, và bạn hoàn toàn có thể tái lập trình não bộ của mình nói một điều khác.

Thực hành thuật giả kim

Bạn có thể quay ngược lại quá khứ và thay đổi bất kỳ trải nghiệm nào. Ví dụ, trong một tình huống cụ thể, bạn đã hành sử nóng giận, bất cứ lúc nào nhớ lại, bạn cũng cảm thấy không thoải mái. Bạn có thể lực tìm lại khoảng thời gian đó trong trí nhớ, rút ra bài học giúp cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, có những chiêm nghiệm quý giá hơn. Nếu bạn quyết tâm làm tới khi đạt được kết quả, bạn sẽ học được rất nhiều từ chính những trải nghiệm trong quá khứ. Chuyển hóa oán giận thành biết ơn là một thuật giả kim có thật.

-----o0o-----

Trích: “Nghĩ Đơn Giản Sống Đơn Thuần”

Tác giả: Tolly Burkan

Việt dịch: Viết Dương

NXB Thế Giới, 2018

Ảnh nguồn: Internet

Bài viết liên quan