GIEO TÍNH CÁCH – GẶT SỐ PHẬN - TƯ DUY TÍCH CỰC – BẠN CHÍNH LÀ NHỮNG GÌ BẠN NGHĨ! - TRISH SUMMERFIELD - FREDERIC LABARTHE - ANTHONY STRANO

GIEO TÍNH CÁCH – GẶT SỐ PHẬN

TƯ DUY TÍCH CỰC – BẠN CHÍNH LÀ NHỮNG GÌ BẠN NGHĨ!

TRISH SUMMERFIELD - FREDERIC LABARTHE - ANTHONY STRANO

-----o0o-----

"Nếu bạn luôn luôn làm những gì đã làm, bạn sẽ luôn nhận được những gì đã nhận được. Và nếu bạn luôn nghĩ giống như đã nghĩ, bạn cũng sẽ luôn làm những gì đã từng làm." Henry Ford
GIEO TÍNH CÁCH – GẶT SỐ PHẬN - TƯ DUY TÍCH CỰC – BẠN CHÍNH LÀ NHỮNG GÌ BẠN NGHĨ! - TRISH SUMMERFIELD - FREDERIC LABARTHE - ANTHONY STRANO

GIEO TÍNH CÁCH – GẶT SỐ PHẬN

TƯ DUY TÍCH CỰC – BẠN CHÍNH LÀ NHỮNG GÌ BẠN NGHĨ!

TRISH SUMMERFIELD - FREDERIC LABARTHE - ANTHONY STRANO

-----o0o-----

Khẳng định phẩm chất của bạn


"Nếu bạn luôn luôn làm những gì đã làm, bạn sẽ luôn nhận được những gì đã nhận được. Và nếu bạn luôn nghĩ giống như đã nghĩ, bạn cũng sẽ luôn làm những gì đã từng làm."
Henry Ford
- Trước hết, cần học cách quan sát trong tĩnh lặng. Bạn sẽ nhận thấy những ý tưởng, cảm xúc, con người và hoàn cảnh xung quanh bạn cũng như mọi vật khác đang thay đổi... Hãy tạo khoảng cách giữa bạn và đời sống diễn ra xung quanh bạn. Bạn sẽ thấy mình không còn trông đợi sự việc xảy ra theo cách mình mong muốn; không còn chờ đợi người khác làm việc này hay việc kia thay mình; không còn lặp đi lặp lại "điệp khúc" trách cứ con người, hoàn cảnh, bản thân; không còn thấy hụt hẫng và tức giận...
Khi tạo được "khoảng cách" như vậy, bạn sẽ tìm thấy một sự tự do bên trong bản thân mình, tìm thấy sức mạnh của tình yêu. Với tình yêu này, bạn có thể "bỏ qua", cho bạn lẫn cho người khác.
Vì cuộc đời là một quá trình học hỏi, và chúng ta trở nên khôn ngoan nhờ có những sai lầm. Khi từ bỏ được những suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ cảm thấy tự do, bạn sẽ tìm thấy mục đích và hướng đi trong đời cũng như tìm thấy sức mạnh nội tâm, lòng can đảm và sự quyết tâm theo đuổi mục đích ấy.
Ai trong chúng ta cũng luôn mong ước vươn cao, bay xa. Bạn và tôi, mỗi người đều có rất nhiều kế hoạch cho tương lai. Hành trình đến tương lai thường chẳng phải là một con đường dễ đi chóng đến. Vậy nên, chúng ta cần chuẩn bị cho mình "hành trang phẩm chất và tri thức" để thật sự sẵn sàng bước vào chuyến viễn du ấy. Bạn sẽ đem theo cả một phi cơ chứa mọi tiện nghi quen thuộc như một ngôi sao nhạc Rock khi đi lưu diễn, hay một chiếc ba lô gọn gàng với những "phẩm chất" cần thiết? Và quan trọng hơn cả, bạn đã sẵn sàng để lên đường chưa? Nếu có dự định thực hiện một chuyến viễn du vào tương lai thì ngay bây giờ, bạn hãy bắt tay vào việc thu xếp hành trang.
Bước 1:

Lấy một mảnh giấy và cây bút rồi viết ra mười điều tốt về bản thân bạn. Đừng sợ khi bày tỏ chân thật. Mọi người đều có nhiều phẩm chất tích cực, vì thế chọn ra mười điều cũng không phải là khó.
Kế đó, viết ra mười điều tiêu cực về bản thân. Hãy thành thật chừng nào tốt chừng nấy. Khi bạn làm xong danh sách, hãy xem qua từng điều và tự hỏi: "Điều này có đúng không? Hay là mình chỉ tin vậy thôi chứ thực tế thì không phải?".
Danh sách nào dễ liệt kê ra hơn? Mười điều tốt hay mười điều xấu? Thử nghĩ xem tại sao lại như vậy?
Bước 2:
Đọc qua danh sách các điều tiêu cực. Gạch chéo trên một từ hoặc nhóm từ, và viết chính xác những từ trái nghĩa với chúng ở tại chỗ đó. Ví dụ: Nếu bạn đã viết "giận dữ" thì thay thế nó bằng từ "điềm tĩnh" hoặc "bình tâm". Thay thế "lười biếng" bằng "siêng năng"... Chú ý xem bạn cảm thấy thế nào khi viết ra những điều ấy.
Bước 3:

Dùng những từ tích cực đó để mô tả về bản thân mình trên một tờ giấy. Thường xuyên mang theo nó bên mình và đọc thành tiếng hoặc đọc thầm vào những thời điểm nhất định. Các câu này là câu "khẳng định", chúng là công cụ mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của bạn về bản thân.
Tính cách là số phận
- Đôi khi, chúng ta quên mất rằng những tình huống xảy ra trong cuộc đời mình là kết quả từ những hành động do chính mình tạo ra mà lại có xu hướng ca ngợi hoặc đổ lỗi cho những yếu tố ngoại cảnh. Chúng ta cũng có xu hướng phớt lờ thực tế là những hành động đó được hình thành trên cơ sở những niềm tin và những giả định vốn là nền tảng tạo nên bản tính con người chúng ta.
Chẳng hạn, nếu chúng ta tin rằng, mục đích duy nhất của công việc là để tích lũy của cải và một ngày kia, của cải sẽ cho chúng ta tiện nghi và tự do như chúng ta hằng khao khát thì viễn cảnh về cuộc sống tương lai chúng ta - tầm nhìn của chúng ta - sẽ là cuộc chạy đua không ngừng nhằm có được nhiều tài sản vật chất, thậm chí bất chấp những lợi ích của cộng đồng hay của người khác. Thái độ bề ngoài của chúng ta tỏ ra tuân thủ những điều luật, những nghĩa vụ với xã hội nhưng thực chất chỉ nhằm phục vụ lợi ích cá nhân và chúng ta cũng chỉ quan tâm đến khía cạnh đó mà thôi. Điều này còn đẩy chúng ta đi xa hơn nữa, đến mức suy đồi đạo đức, cẩu thả, có những động cơ ích kỷ, sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tính sáng tạo và dẫn đến chán chường. Đó là một thái độ chung bao gồm toàn những nỗi bất mãn, giận dữ, chỉ trích, tiêu cực hoặc không ngừng đòi hỏi "một cái gì đó hơn nữa". Vì chúng ta không quan tâm tới chất lượng những hành động của mình nên dẫn tới công việc kém hiệu quả, chất lượng thấp, đánh mất lòng tin và sự tôn trọng của người khác và cuối cùng, chúng ta sẽ tự đẩy mình tới chỗ trở nên trì trệ, mụ mẫm.

Mặt khác, nếu chúng ta tin - hay chúng ta thấu hiểu - rằng, cuộc sống và công việc là nhằm mang lại lợi ích cho bản thân mình và cho những người khác, chúng ta sẽ có sự hứng thú, ham học hỏi trong việc nhìn nhận những điều diễn ra xung quanh. Thái độ của chúng ta dựa trên nền tảng của niềm tin sâu sắc vào khả năng tự hoàn thiện, tính sáng tạo, vào việc bổ sung các giá trị cho những hành động chúng ta thực hiện và sự hài lòng mà chúng ta có sau khi hoàn thành chúng.
Những hành động của chúng ta khi được thực hiện với tính tập trung, tích cực sẽ tạo nên một sự khác biệt. Chúng ta có thể sẵn sàng nói "không" với những gì chúng ta cho là có hại hoặc không đúng đắn, bởi chúng ta có lòng tự trọng thông qua việc thực hiện những giá trị và tin tưởng chính mình - những nhận định, những phẩm chất cá nhân, những ý định tích cực và những tài năng hiếm có. Điều này tạo nên lòng nhiệt tình trong bản thân chúng ta và từ đó khơi dậy sự nhiệt tình trong những người khác. Mọi người đánh giá cao những cống hiến của chúng ta, hoan nghênh sự có mặt của chúng ta và cuối cùng sẽ hợp tác với chúng ta để hoàn thành những mục tiêu cao nhất trong cuộc sống.
Ý thức và tiềm thức
- Ngày nay, chúng ta biết rằng nhận thức, hay đời sống nội tâm, được tạo nên bởi các trải nghiệm tinh thần, những suy nghĩ, cảm xúc, sự tưởng tượng và các khát vọng - sâu sắc hơn rất nhiều so với những gì chúng ta hiểu được. Để dễ phân biệt, ta chia nhận thức thành hai cấp độ: ý thức và tiềm thức. Trên thực tế, hai cấp độ nhận thức này hết sức gần gũi nhau và không ngừng tương tác lẫn nhau.
Nói một cách đơn giản, chức năng của ý thức bao gồm những gì chúng ta nhận biết một cách tự giác, những điều chúng ta tự nguyện và hiểu rõ "một cách có ý thức" rằng chúng ta nên làm, dựa trên cơ sở nhận thức lý tính, tri thức, giá trị, lô-gíc và các giác quan thông thường. Ý thức cho phép chúng ta lựa chọn những gì chúng ta lĩnh hội, tập trung và kiểm soát được. Ý thức giúp chúng ta ghi nhớ và cho phép chúng ta chỉ quan tâm đến những gì liên quan đến mình, loại trừ những thông tin không cần thiết. Ý thức cũng giúp chúng ta biết dừng lại, phản ánh, suy ngẫm về bản thân và sử dụng những bài học trong quá khứ để cân nhắc những hồi đáp khác nữa, đánh giá và hình dung được hiệu quả của chúng trong tương lai.
Ở phần còn lại, tiềm thức ghi nhớ một cách vô thức tất cả những trải nghiệm của cuộc đời chúng ta: những gì chúng ta đã từng nhìn thấy, cảm nhận hay những việc chúng ta đã từng làm - những điều tốt và xấu, những niềm vui và nỗi đau. Tất cả đều được lưu trữ trong tiềm thức. Chúng ta cũng có thể tìm được trong ngân hàng ký ức khổng lồ này những niềm tin, quan điểm và truyền thống văn hóa của mình.
Hình ảnh cái cây như hình bên là một minh họa tiêu biểu cho tiến trình này. Chúng ta có thể nhìn thấy thân cây, cành cây và lá cây, nhưng không nhìn thấy được rễ cây; mặc dù rễ cây chính là nguồn đảm bảo chất dinh dưỡng, sự sinh trưởng cũng như sự vững chãi và sức sống cho cây. Rễ cây ăn sâu vào lòng đất, lan tỏa hệt như những cành cây vươn lên trời cao. Cái cây là minh họa điển hình cho hầu hết các dạng tiến trình phát triển diễn ra khắp nơi trong tự nhiên, bao gồm cả thế giới nội tâm của mỗi chúng ta.
Sự sống của mỗi cái cây là sự hợp nhất độc đáo của nhiều yếu tố khác nhau, một số chất dinh dưỡng được hút từ rễ cây, một số khác lại được hấp thu từ lá cây và thân cây. Hệt như vậy, nội dung của ý thức chúng ta cũng là sản phẩm của ba thành phần cốt lõi sau:
* Ký ức được lưu trữ ở phần tiềm thức - rễ cây.
* Tác nhân kích thích từ các cơ quan giác quan - lá cây.
* Kiến thức và khả năng phản ánh từ khu vực cao hơn của ý thức - đó là cách thức riêng biệt do mỗi cá nhân tự tổ chức và xử lý thông tin.
Những phần nhìn thấy được của cái cây tiêu biểu cho những phẩm chất bên ngoài của chúng ta: diện mạo, hành vi, tính cách... Không phải lúc nào con người cũng bộc lộ hết những gì bên trong, vì thế chúng ta cũng có thể bị bất ngờ, thậm chí nản lòng với các hành vi cư xử trái với những gì chúng ta từng biết ở một người nào đó. Nếu muốn là chính mình và giao tiếp được với người khác, chúng ta cần hiểu rõ tất cả những điều trên. Không nhất thiết phải hiểu quá kỹ càng mà chỉ cần ý thức rằng ẩn bên dưới những hành vi kiềm chế còn có một nền tảng gồm những niềm tin sâu sắc, những giá trị, hoàn cảnh và rất nhiều tố chất tích cực bẩm sinh khác.

-----o0o-----

Trích “Tư Duy Tích Cực”

Tác giả: Trish Summerfield, Frederic Labarthe, Anthony Strano

Người dịch: Thu Vân - Hạnh Nguyên - Quỳnh Tâm

NXB Văn Hóa Sài Gòn

Bài viết liên quan