LÀM SAO ĐỂ CÓ SUY NGHĨ LỚN - DAVID J. SCHWARTZ, PH.D.

LÀM SAO ĐỂ CÓ SUY NGHĨ LỚNDavid J. Schwartz, Ph.D.-----o0o-----Gần đây tôi có nói chuyện với một giám đốc nhân sự của một trong những tổ chức công nghiệp lớn nhất quốc gia. Cứ bốn tháng trong một năm, cô ta lại đến thăm các trường đại học để tuyển mộ những sinh viên tốt nghiệp về làm cho công ty mình. Theo lời nói của cô ta thì cô ta cảm thấy thất vọng về thái độ của những...
LÀM SAO ĐỂ CÓ SUY NGHĨ LỚN - DAVID J. SCHWARTZ, PH.D.

LÀM SAO ĐỂ CÓ SUY NGHĨ LỚN

David J. Schwartz, Ph.D.

-----o0o-----

Gần đây tôi có nói chuyện với một giám đốc nhân sự của một trong những tổ chức công nghiệp lớn nhất quốc gia. Cứ bốn tháng trong một năm, cô ta lại đến thăm các trường đại học để tuyển mộ những sinh viên tốt nghiệp về làm cho công ty mình. Theo lời nói của cô ta thì cô ta cảm thấy thất vọng về thái độ của những người mà cô ta đã nói chuyện với họ.

“Hầu như ngày nào tôi cũng phỏng vấn 8-12 sinh viên, tất cả họ đều là những người đứng hàng đầu trong lớp học của mình. Một trong những vấn đề chính mà chúng tôi muốn phỏng vấn nơi họ là động cơ thúc đẩy của họ. Chúng tôi muốn biết rằng liệu họ có thể chỉ đạo được những đề án chính hay không, liệu họ có quản lý được những văn phòng chi nhánh của công ty hay không, liệu họ có khả năng đóng góp được điều gì cho công ty hay không”.

“Tôi phải nói rằng tôi chẳng cảm thấy hài lòng chút nào về những mục tiêu cá nhân của hầu hết bọn họ. Chắc là anh đang ngạc nhiên lắm phải không”, cô ta nói tiếp, “Có rất nhiều thanh niên chỉ mới 22 tuổi mà lại tỏ ra rất hứng thú về kế hoạch về hưu sau này của mình hơn tất cả những gì chúng tôi đưa ra cho họ lựa chọn. Hầu hết bọn họ đều định nghĩa từ thành đạt là đồng nghĩa với cụm từ bảo đảm vật chất. Làm sao chúng tôi có thể liều lĩnh đặt công ty của mình vào tay của những người như thế được?”. 

“Điều mà tôi không thể hiểu được là tại sao những thanh niên của thế hệ hôm nay lại bảo thủ cực đoan đến như thế, quan điểm và cách nhìn nhận của họ về tương lai thật thấp kém hẹp hòi. Mỗi ngày có biết bao cơ hội đang mở ra phía trước. Đất nước này luôn tiến triển mạnh, nền công nghiệp khoa học và kỹ thuật đang phát triển mạnh. Dân số nước ta đang tăng lên nhanh chóng. Chính thời điểm này là thời điểm phát triển cực đại của đất nước chúng ta”.

Xu hướng có nhiều người suy nghĩ một cách nhỏ nhoi cho thấy rằng mức độ cạnh tranh của họ để đạt đến những ngành nghề đỉnh cao thật rất ít.

Ở những nơi tồn tại sự thành công, người ta không được đánh giá đo lường bằng inch, hoặc pound, hoặc bằng cấp đại học; họ được đánh giá đo lường bằng độ lớn của những suy nghĩ của họ. Độ lớn của suy nghĩ của chúng ta sẽ quyết định mức độ to lớn của những thành công của chúng ta. Bây giờ, chúng ta hãy xem thử xem làm cách nào để chúng ta có thể khuếch trương được những suy nghĩ của mình.

Bạn hãy tự hỏi bản thân “Điểm yếu nhất của mình là gì?”. Có lẽ điểm yếu nhất của tất cả mọi người là “tự ti” - có nghĩa là tự coi thường bản thân mình, tự xem nhẹ mình. Tự ti được thể hiện dưới vô số hình thức khác nhau. John đọc được một mẫu quảng cáo tuyển mộ nghề nghiệp nọ trên báo; đó chính là nghề mà anh ta thích nhất. Nhưng anh ta chẳng làm gì cả bởi vì anh ta nghĩ “Mình không đủ giỏi để đảm nhiệm công việc đó, thôi hãy quên nó đi”. Hoặc Jim muốn có một cuộc hẹn với Joan nhưng anh ta không gọi cho cô ta bởi vì anh ta nghĩ rằng mình không xứng với cô ta.

Tom đang điền vào một mẫu đơn xin việc. Có một câu hỏi “Bạn mong đợi mức lương khởi điểm là bao nhiêu?”, Tom liền điền vào đấy một con số khá khiêm tốn bởi vì anh ta cảm thấy rằng mình thực sự không xứng đáng để được hưởng số tiền lương đúng như mình muốn.

Qua hàng ngàn năm nay, các triết gia đã lặp đi lặp lại lời khuyên chung cho tất cả mọi người: Hãy đánh giá đúng khả năng của mình. Nhưng dường như hầu hết tất cả mọi người đều hiểu lời khuyên này là Hãy biết được những điểm yếu của mình. Thế là họ ra sức tìm kiếm những thiếu sót và những khuyết điểm của mình.

Nhận biết được khuyết điểm của mình cũng là một việc tốt thôi, như thế sẽ giúp chúng ta hiểu được rằng mình nên cải thiện điều gì để trở nên hoàn hảo hơn. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết được những điểm tiêu cực của mình thì chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì cả. Chúng ta sẽ luôn đánh giá mình ở mức thấp nhất.

Sau đây là những bài tập giúp bạn đánh giá đúng khả năng của mình. Tôi đã sử dụng những bài tập này để giảng dạy trong chương trình đào tạo các doanh nhân. Chúng tỏ ra rất hiệu quả.

1. Hãy tìm ra 5 ưu điểm mạnh nhất của mình. Bạn hãy mời vài người bạn khách quan của bạn giúp bạn - bạn cũng có thể nhờ vợ của mình, cấp trên của mình, thầy giáo của mình. (Những ưu điểm mạnh thường thấy là bằng cấp, kinh nghiệm, ngành nghề chuyên môn, ngoại hình, thái độ tích cực, cá tính, sáng tạo).

2. Ngay bên dưới từng ưu điểm này, bạn hãy điền tên của 3 người mà bạn biết, ba người này là những người rất thành công nhưng vẫn không có được ưu điểm tương ứng mạnh như bạn.

Khi bạn đã hoàn thành xong bài tập này, bạn sẽ nhận thấy rằng, xét một vài ưu điểm nào đó của bạn, bạn có thể thành công hơn nhiều người thành công mà bạn đã điền trong bài tập.

Tôi chắc chắn là sau khi bạn hoàn thành xong bài tập thì bạn chỉ có thể đi đến một kết luận cuối cùng rằng: Mình thật sự hơn hẳn những gì mình nghĩ về bản thân. Vì vậy, bạn hãy chỉnh sửa lại những suy nghĩ của mình cho đúng với khả năng thực sự của mình. Bạn hãy suy nghĩ theo đúng những khả năng bạn thực có. Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ tự coi rẻ mình.

Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói với các bạn ở đây là: Những người suy nghĩ rộng lớn là những chuyên gia trong việc tạo ra những hình ảnh lạc quan luôn hướng về phía trước, trong tâm trí mình và trong tâm trí của mọi người. Để có thể suy nghĩ lớn lao, chúng ta phải sử dụng những từ và những cụm từ mô tả những bức tranh tích cực trong tâm trí mình.

Hàng trên là những ví dụ về những cụm từ tạo nên những suy nghĩ và tư tưởng nhỏ hẹp, bi quan, tiêu cực, chán nản và thất vọng. Hàng bên dưới là những cụm từ được dùng trong cùng một hoàn cảnh tương ứng và được dùng để tạo nên những suy nghĩ và tư tưởng lớn lao và tích cực.

Ví Dụ:

Những câu nói tạo nên những hình ảnh nhỏ nhoi tiêu cực trong tâm trí.

Những câu nói tạo nên những hình ảnh lớn lao tích cực trong tâm trí

1

Chẳng ích gì đâu, chúng ta thua rồi

Chúng ta vẫn chưa thua đâu. Chúng ta phải tiếp tục cố gắng

2

Mình kinh doanh ngành nghề đó một lần rồi và mình đã thất bại. Mình sẽ chẳng thử thêm một lần nữa làm gì.

Mình đã phá sản nhưng đó là sai lầm của mình. Mình sẽ thử lại một lần nữa.

3

Mình đã thử rồi nhưng không thể bán được những sản phẩm đó. Mọi người không thích chúng.

Đến bây giờ mình vẫn chưa bán được sản phẩm nào cả. Nhưng mình biết đó là sản phẩm tốt và mình sẽ tìm cách để bán cho được.

4

Thị trường bão hòa rồi. Hãy hình dung xem, 75% khách hàng tiềm năng đã được khai thác. Ngưng đi thôi.

Hãy hình dung xem, 25% thị trường còn lại vẫn chưa được khai thác. Tôi sẽ tham gia vào việc này. Thị trường vẫn còn lớn lắm.

5

Họ đã đặt hàng với số lượng quá nhỏ. Thôi bỏ đi.

Họ đã đặt hàng với số lượng nhỏ. Chúng ta hãy lên kế hoạch để họ có thể đặt mua hàng của chúng ta với số lượng lớn hơn.

6

Năm năm là khoảng thời gian quá dài trước khi tôi có thể bước vào hàng ngũ cấp cao ở công ty này. Tôi bỏ cuộc.

Năm năm thực ra không phải là dài lắm. Hãy thử nghĩ xem, mình còn tới 30 năm để làm việc trong hàng ngũ cấp cao kia mà.

7

Mức độ cạnh tranh trên thị trường thật khốc liệt, họ đã dành được hết ưu thế rồi. Anh muốn tôi phải làm sao đây?

Mức độ cạnh tranh thật gay gắt. Chúng ta không thể phủ nhận điều đó, nhưng cũng không ai có thể chiếm được tất cả ưu thế được. Chúng ta hãy hợp sức cùng nhau để tìm cách đánh bại họ ngay trong trò chơi của họ.

 8

Chẳng ai thích sản phẩm đó cả.

Với mẫu mã hiện nay, hàng hóa của chúng ta khó có thể bán được, nhưng chúng ta hãy thay đổi mẫu mã đôi chút thì mọi việc sẽ ổn thôi.

9

Chúng ta hãy đợi đến khi hàng hóa ế ẩm kéo dài rồi hãy mua chứng khoán.

Chúng ta hãy đầu tư ngay bây giờ. Hãy đặt cược vào thời điểm thịnh vượng, đừng đặt cược vào thời điểm sa sút.

10

Tôi trẻ (già) quá đối với công việc này.

Tuổi trẻ (già) có những ưu điểm riêng.

11

Sẽ thất bại thôi. Để tôi minh họa bức tranh nhé: tối tăm, u ám, chán nản, thất vọng, thua cuộc.

Sẽ thành công thôi. Để tôi minh họa bức tranh nhé: sáng sủa, hứng khởi, đầy hy vọng, chiến thắng.

-----o0o-----

Trích: Tư Tưởng Lớn Thành Công Lớn

Tác Giả: David J. Schwartz, Ph.D.

Người Dịch - Hiệu Đính: Lê Tuyên - Lê Gia

Nhà Xuất Bản Trẻ, Năm 2014

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan