NĂNG LỰC CỦA THIỆN VÀ ÁC NGHIỆP CÁI NÀO MẠNH HƠN? - Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

NĂNG LỰC CỦA THIỆN VÀ ÁC NGHIỆP CÁI NÀO MẠNH HƠN?

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

-----o0o-----

Lại nữa, bần tăng nói, năng lực thiện nghiệp có sức mạnh hơn năng lực của ác nghiệp, điều ấy không còn hồ nghi, tuy nhiên, ta cũng phải hiểu trong ý nghĩa tương đối. Vì sao vậy? Vì có những kẻ làm ác, như phạm vào ngũ nghịch đại tội [*], thì kẻ ấy có khi phải bị trả quả báo nhãn tiền, tâu đại vương!
NĂNG LỰC CỦA THIỆN VÀ ÁC NGHIỆP CÁI NÀO MẠNH HƠN? - Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

NĂNG LỰC CỦA THIỆN VÀ ÁC NGHIỆP CÁI NÀO MẠNH HƠN?

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

-----o0o-----

 - Thưa đại đức! Năng lực của thiện nghiệp và năng lực của ác nghiệp, cái nào mạnh hơn?

- Tâu, năng lực của thiện nghiệp bao giờ cũng mạnh hơn năng lực của ác nghiệp!

- Thưa, trẫm không tin như vậy. Đại đức xem! Trên đời này, những kẻ giết người, cướp của, trộm heo, trộm gà; những kẻ tà hạnh vợ người, lường gạt, tước đoạt gia sản của người v.v… họ bị trả báo tức thì. Pháp luật của trẫm sẽ xử phạt những người ấy. Tùy theo mức tội nặng nhẹ mà trẫm sẽ căng nọc ra đánh bằng gậy, giam cầm, đôi khi cắt tay, cắt chân hoặc chém đầu nữa. Như vậy là rõ ràng ác nghiệp sẽ trổ quả nhanh do năng lực của nó mạnh. Có người bị trả quả tội báo ngay ngày hôm sau, có kẻ trả quả sau một tuần, nửa tháng, một hoặc hai năm v.v…, nghĩa là trước sau cũng sẽ trổ quả, ngay chính trên đời này!

Còn những người làm việc thiện thì sao nhỉ? Họ bố thí, trai tăng, làm phước, cúng dường ngày này sang ngày khác, đến một vị tỳ khưu, hai vị, bốn vị, một trăm vị, đến một ngàn vị,…; ngoài ra, họ còn thọ trì tam quy, ngũ giới, bát giới, hành thập thiện… mà sao không thấy ai được quả báo trong hiện tại? Các vị tỳ kheo trong hàng ngũ của đại đức, bao giờ cũng nói, kiếp sau, kiếp sau nữa! Như vậy, chứng tỏ gì? Chứng tỏ năng lực của thiện nghiệp rất yếu, không có khả năng cho quả trong hiện tại, phải đợi đến bao nhiêu kiếp sau mới đủ sức trổ!

Đại đức hãy chứng minh đi! Rõ là sức mạnh của nghiệp thiện thua sức mạnh của nghiệp ác rất xa vậy!

- Hãy từ từ, đại vương! Hãy nhẫn nại, đại vương! Không bao giờ sức mạnh của thiện nghiệp lại thua ác nghiệp được. Và không phải không có trường hợp người làm thiện được quả báo ngay trên đời này!

- Xin cho nghe!

- Nói về người bố thí, trì ngũ giới hoặc bát quan trai giới, được quả báo nhãn tiền, có bốn người là:

Đức vua Sakkamandhàtu,

Đức vua Nemi,

Đức vua Sàdhina,

Chàng Tinapàla.

Đại vương có nghe đến tên họ không?

Đức vua Mi – la – đà lắc đầu:

- Thưa, không biết. Hoặc giả đại đức kể tên những người thuộc đời nảo, đời nao… ai mà biết được! Đại đức hãy kể tên những người hồi Đức Phật tại tiền, may ra trẫm có thể nhớ được chăng?

- Tâu, vâng! Vậy thì thuở Phật tại thế có sáu người làm lành, được quả báo nhãn tiền, như sau:

Thứ nhất, người giúp việc tên là Punnakedàso;

Thứ hai là mẹ của người chăn bò;

Thứ ba, cận sự nữ Suppiyà;

Bốn là bà hoàng hậu Mallikà;

Năm, người làm tràng hoa tên là Sumana;

Thứ sáu, người bà-la-môn tên là Ekasàtaka.

Cả sáu người này đều được tài sản, chức tước, địa vị ngay trên đời đó, tâu đại vương!

- Thưa, xin đại đức cho biết rõ nhân quả của từng vụ việc như thế nào?

- Tâu, vâng, đại vương hãy nghe đây:

Trước hết, chàng giúp việc Punnakedàso dâng vật thực đến cho Tôn giả Xá-Lợi-Phất bèn được chức vị bá hộ giàu sang ngay chính trong ngày ấy.

Tiếp đến, mẹ của người chăn bò có đức tin trong sạch đối với thiện pháp, vì nghèo khổ quá nên đã tự cắt mớ tóc của mình, bán được tám xu tiền vàng, mua vật thực dâng cúng đến ngài Đại-Ca-Chiên-Diên (Mahà Kacchàyam); bèn được đức vua Udena thương mến, kính trọng, phong cho làm hoàng hậu ngay trong ngày ấy.

Thứ ba, nàng cận sự nữ Suppiyà cắt lấy thịt bắp chân của mình, nấu cháo dâng đến cho một vị tỳ khưu bị bệnh; sáng sớm ngày hôm sau, nàng không còn tìm thấy dấu vết thương của mình.

Thứ tư, nàng Millikà chỉ dâng một cái bánh đậu đến Đức Phật, được trả quả báo ngay hôm ấy là làm hoàng hậu của đức vua Kosala.

Thứ năm, người thợ làm tràng hoa Sumana dâng tám nắm hoa lài, tung rãi cúng dường Đức Thế Tôn, được quả báo tức thì do nhà vua tặng rất nhiều của cải, tài sản.

Cuối cùng, ông bà-la-môn Ekasàtaka chỉ có một thước vải mặc, lấy tấm vải duy nhất ấy cúng dường Đức Phật, được phước quả hiện tiền, là tất cả đồ dùng, mỗi loại tám cái.

Đấy là nhân, là quả, năng lực thiện nghiệp trổ quả ngay hiện tại, tâu đại vương!

- Chỉ có bấy nhiêu thôi sao, đại đức?

- Vâng, theo những gì bần tăng có thể nhớ được, chỉ có sáu người ấy thôi!

Đức vua Mi-lan-đà bèn nói to:

- Đại đức dám bảo là năng lực thiện nghiệp có sức mạnh vĩ đại hơn năng lực của ác nghiệp, mà đại đức chỉ đưa ra được có sáu ví dụ, sáu người; trong lúc sức mạnh của ác nghiệp, có khả năng cho quả tức thời... thì trẫm có thể mang ra dẫn chứng nhiều không kể xiết, nào phải chỉ có hai mươi, năm mươi, một trăm, hai trăm mà thôi đâu!

Lại có khi sức mạnh của ác nghiệp trả quả tức khắc khi nhân vừa gây ra. Ví dụ như quan đại thần Bhaddapàla, hô đội quân dũng mãnh của mình chiến đấu với đội quân của vua Cadagutta! Hai bên vừa ra quân, đao vừa vung lên, đầu bèn rụng xuống...; và cứ thế, gươm giáo tung ngang xẻ dọc làm cho hằng trăm hằng người bỏ mạng. Trận chém giết ấy rõ là trả quả ngay tức khắc, chứng tỏ nghiệp ác có sức mạnh dường bao!

Thế là rõ! Thế là luận cứ của đại đức đã bị bẻ gãy rồi!

- Chưa đâu, tâu đại vương! Năng lực của ác nghiệp vẫn không mạnh bằng năng lực của thiện nghiệp. Sở dĩ ác nghiệp trả quả nhanh là vì quả ấy ít; còn thiện nghiệp trả quả chậm vì quả báu rất nhiều! Ví như có một loại lúa ở ngoài biên địa quốc độ của đại vương, lúa ấy nhẹ, hạt nhỏ, vãi xuống trong ruộng một tháng là chín ngay, nhưng năng suất kém. Trái lại, lúa Sàli đến năm, sáu tháng mới chín nhưng năng suất rất lớn. Ví dụ này như thế nào thì thiện nghiệp, ác nghiệp trổ quả ít nhiều như thế ấy, tâu đại vương!

- Trẫm vẫn chưa đồng ý đâu. Ác trả quả mau nhưng ít, thiện trả quả chậm nhưng nhiều - nghe vẫn chưa thuyết phục. Cái trổ quả nhanh chính là do năng lực lớn, mạnh. Cái trổ quả nhanh mới là điều quan trọng. Vì sao? Ví như một chiến sĩ can trường, mới vào trận đã xông xáo tìm bắt tên thủ lãnh. Y đã hành động rất nhanh, nhờ nhanh tay bắt được tên thủ lãnh nên sớm quyết định thắng, bại ở chiến trường. Ví như một người bị rắn độc cắn được dẫn đến nhà thầy rắn để chữa trị. Người thầy rắn chẳng chần chờ phút giây nào, tức khắc tìm cách hút nọc rắn, nhanh tay cho thuốc uống, thuốc đắp. Nhờ lanh lẹ như thế, người bị rắn cắn thóat khỏi tử thần.

Còn nữa, ví như hai người cùng đang đếm một số lượng hàng hóa. Người nào đong lẹ, đếm nhanh người ấy chắc hẳn được hưởng phần lương cao hơn. Mà nếu phần lương không cao hơn thì y cũng còn được khoảng thời gian dư dã để làm công việc khác. Ai lợi hơn ai hẳn không cần phải trả lời.

Còn nữa, ví như hai tay đô vật vào cuộc. Có một tên chậm chạp, tay kia nhanh hơn, đã tìm cách quật ngã đối phương rất nhanh nên dành được chiến thắng lớn! Vậy đó, có sức mạnh thì bao giờ cũng nhanh. Ác có sức mạnh hơn thiện nên sẽ trổ quả mau hơn cũng là định luật tất yếu thôi, đại đức. Xin đại đức đừng đem chuyện nhiều và chuyện ít vào đây, nó không tương hợp đâu!

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

- Tất cả những ví dụ của đại vương nghe thì có vẻ hay nhưng đều không áp dụng được. Vì sao? Vì tất cả những ví dụ ấy đều không tương hợp với định luật nhân quả.

Người chiến sĩ can trường ra tay nhanh, người thầy thuốc chữa bệnh rắn cắn nhanh, người đong đếm nhanh, người đô vật sức mạnh quật ngã đối thủ nhanh. Cái nhanh ấy là tốt, tốt cho nên trổ quả nhanh mới đúng chứ, sao đại vương nêu ra để chứng minh cho cái ác?

Có người ăn uống nhanh bị nghẹn họng, cạo đầu nhanh bị đứt da đầu, viết chữ nhanh khiến chữ xấu v.v... Ở đây, cái nhanh ấy lại là xấu, ác; thế thì phải nói cái ác trả quả nhanh sao?

Lại nữa, những ví dụ khác của đại vương về tội cướp của, giết người v.v... bị pháp luật của đại vương xử trị ngay, đại vương y cứ vào đó để bảo rằng ác trổ quả nhanh! Thế rõ là đại vương đang nắm trong tay định luật nhân quả đó chăng? Định luật nhân quả phải xảy ra một cách lạnh lùng, không thiên vị. Ở đây, đại vương đã nghiêng về phía trừng trị kẻ ác rồi! Còn người làm điều thiện trong quốc độ của đại vương thì sao nào? Đại vương sẽ trả quả báo chậm cho họ hay sao? Hay là đại vương lý luận, để chứng tỏ người làm thiện không được phước báu gì hết?

Ác thì đại vương chặt đầu, treo cổ; còn những người giữ ngũ giới, bát giới, chẩn bần người đói khổ, cứu giúp người hoạn nạn... đại vương đã ra luật định ban thưởng cho họ như thế nào chăng? Không à? Chưa à? Thế ra đại vương không phải là người nắm định luật nhân quả, chi phối trọn vẹn vận mệnh con người ở trong quốc độ của đại vương hay sao? Đại vương hãy trả lời đi!

Những câu hỏi dồn dập của đại đức Na-tiên làm cho đức vua Mi-lan-đà bối rối không ít.

Đức vua đáp:

- Trẫm biết trẫm sai rồi, cái nhìn của trẫm ngắn và gần quá, chỉ ở trước mắt, hay chỉ từ những điều mà trẫm suy nghĩ được!

- Tâu đại vương! Cho chí các bậc thượng thủ A-la-hán như ngài Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, cũng không có khả năng thấy rõ sự vận hành của lý nhân quả, ngoại trừ bậc Toàn Giác. Việc trổ quả nhanh hay chậm của thiện và ác, các bậc đại A-la-hán cũng không thấy rõ được. Nhân quả nó xảy ra ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ là nhân, hiện tại là quả. Hiện tại là nhân, vị lai là quả. Trong chừng mực nào đó, chúng ta hiểu vậy - nhưng thật sự chúng ta không dám xác quyết cái gì là nhân, cái gì là quả chắc chắn đâu. Cái nhân bây giờ đôi khi chỉ là cái quả của quá khứ, và quả từ quá khứ đôi khi lại là nhân từ hiện tại. Nó trùng trùng duyên khởi, không thấy đầu, không thấy đuôi, đại vương ạ!

Lại nữa, bần tăng nói, năng lực thiện nghiệp có sức mạnh hơn năng lực của ác nghiệp, điều ấy không còn hồ nghi, tuy nhiên, ta cũng phải hiểu trong ý nghĩa tương đối. Vì sao vậy? Vì có những kẻ làm ác, như phạm vào ngũ nghịch đại tội [*], thì kẻ ấy có khi phải bị trả quả báo nhãn tiền, tâu đại vương!

[*] Giết cha, giết mẹ, chích máu Phật, giết A-la-hán, chia rẽ Tăng.

- Vâng, trẫm rõ rồi!

- Lại nữa, ví như tướng cướp Angulimàla là tay khét tiếng giết người, sau vào tu trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, chứng ngộ đạo quả. Đáng ra, tội giết người kinh khiếp của Angulimàla sẽ bị ác báo nặng nề! Nhưng không, Angulimàla nhờ chứng ngộ đạo quả cao siêu, pháp xuất thế gian, là tối thượng thiện pháp - nhờ năng lực ấy nâng đỡ nên trả quả rất nhẹ. Thế điều này không chứng tỏ năng lực của thiện mạnh hơn năng lực của ác sao, đại vương?

- Chính thị! Thôi cảm ơn đại đức đã xua tan sự u tối cho trẫm.

-----o0o-----

Trích: KINH MI TIÊN VẤN ĐÁP (Milinda Panha)

Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

Hiệu đính: Tỳ kheo Giới Ðức

Ấn bản: 2003

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan