SỐNG LÀ QUAN SÁT LẮNG NGHE - TRÍCH "TRÒ CHUYỆN VỚI HIỆN THỂ - THỨ TƯ, NGÀY 20 THÁNG 4, 1983" JIDDU KRISHNAMURTI

SỐNG LÀ QUAN SÁT LẮNG NGHE

TRÒ CHUYỆN VỚI HIỆN THỂ - THỨ TƯ, NGÀY 20 THÁNG 4, 1983

JIDDU KRISHNAMURTI
–––––o0o–––––
Hành động toàn vẹn đi từ quan sát, lắng nghe cho đến tiếng sét của cái nhìn trí tuệ là một, nó không xuất hiện theo kiểu từng bước, từng bước. Nó tựa như một mũi tên loáng chớp. Và chỉ cái nhìn trí tuệ kia mới có thể không thúc phược não bộ, chứ không phải sự cố gắng của tư tưởng làm được việc ấy – vì tư tưởng là xác quyết, là thấy sự cần thiết vì một điều gì –...
SỐNG LÀ QUAN SÁT LẮNG NGHE - TRÍCH

Jiddu Krishnamurti hay J. Krishnamurti (1895–1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Các chủ đề bao gồm (nhưng không giới hạn): mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu. 

Ở mép của hết thảy những chiếc lá, những phiến lá to và những phiến lá nhỏ, đều có một giọt nước đang lấp lánh dưới mặt trời, tựa như một hạt minh châu đẹp dị thường. Một làn gió nhẹ thổi, nhưng dù thế nào, làn gió ấy cũng không làm phiền hay làm vỡ những giọt nước kia trên các phiến lá, những phiến lá được trận mưa vừa qua rửa sạch. Đó là một buổi sáng thật yên tĩnh, ngập tràn niềm vui, thanh bình, một lễ giáng phúc trong khắp các tầng không gian. Khi chúng ta quan sát ánh sáng đang lấp lánh trên muôn vàn phiến lá sạch sẽ, trái đất trở nên đẹp một cách lạ kỳ, bất chấp tất cả những dây nhợ điện tín, những hộp điện thoại xấu xí. Bất chấp tất cả những tiếng ồn ào của thế gian, trái đất luôn giàu có trù phú, nhẫn nại và vĩnh cửu. Cho dù động đất ở nơi này nơi kia, phá hủy ghê gớm, trái đất này vẫn rất đẹp. Ta chưa bao giờ hiểu đúng trái đất này, trừ phi ta thực sự sống cùng nó, lao động cùng nó, vục đôi bàn tay của mình vào bụi đất, bê những hòn đá và những tảng đá – ta chưa bao giờ hiểu được cái trạng thái đặc biệt về sự hiện tồn cùng với trái đất, cùng với những bông hoa, những cội cây khổng lồ, loài cỏ mãnh liệt và những bờ dậu chạy dọc theo con đường.

Trong buổi sáng đó, vạn vật đều sống động. Khi chúng ta quan sát, có một niềm vui lớn lao, và bầu trời xanh, vầng dương đang từ từ đi lên trên những quả đồi và tỏa sáng. Khi chúng ta quan sát con chim nhại tiếng hót trên sợi dây điện, nó đang làm những trò vui của nó, nhảy vút lên cao, lộn nhào, rồi lại hạ xuống đúng chỗ cũ trên sợi dây thép. Khi chúng ta quan sát con chim đang tự mình thưởng thức trò vui, nhảy lên trong không khí, rồi lại lao xuống lượn vòng cùng những tiếng kêu rin rít của nó, niềm thích thú được sống của nó, chỉ có con chim kia tồn tại, người quan sát không hề tồn tại. Người quan sát không còn ở đó nữa, chỉ có con chim, bộ lông màu xám khoang trắng với một cái đuôi hơi dài. Sự quan sát đó không hề có bất cứ vận hành nào của tư tưởng, quan sát cảnh huyên náo của con chim đang tự mình vui hưởng.

Chúng ta chưa bao giờ quan sát cái gì lâu. Khi ta quan sát với sự kiên nhẫn lớn lao, quan sát mà không hề có bất cứ cảm giác nào về người quan sát, quan sát những con chim kia, những giọt nước tí hon kia đọng trên những chiếc lá rung rinh, bầy ong, những bông hoa, những đàn kiến dài, khi ấy thời gian ngừng lại, thời gian có một điểm dừng. Ta không bỏ thời gian ra, hoặc có sự kiên nhẫn để quan sát. Ta học được rất nhiều từ việc quan sát – quan sát mọi người, cách họ đi đứng, nói năng, cử chỉ. Bạn có thể nhìn thấu tính phù phiếm của họ, hay sự cẩu thả nơi thân xác họ. Họ thờ ơ, chai lỳ, nhẫn tâm.

Có một con chim đại bàng đang bay trên cao, lượn vòng không hề đập cánh, dòng không khí mang nó đi xa, ra phía sau những ngọn đồi, rồi mất hút. Quan sát, học hành là thế nào? Học hành có nghĩa là thời gian, nhưng quan sát không hề có thời gian. Hay là khi bạn lắng nghe, lắng nghe mà không cần có bất cứ sự phiên dịch giải nghĩa nào, bất cứ phản ứng nào, lắng nghe không thiên kiến. Lắng nghe tiếng sấm trên các tầng trời, tiếng sấm lượn vòng giữa các quả đồi. Chúng ta không bao giờ lắng nghe một cách hoàn toàn, luôn luôn bị ngắt quãng. Quan sát và lắng nghe là một nghệ thuật vĩ đại – quan sát và lắng nghe mà không phản ứng, không có ý thức cảm giác nào về người lắng nghe và người quan sát. Bằng việc quan sát và lắng nghe, ta học được nhiều hơn vô lượng so với bất cứ cuốn sách nào. Sách vở là cần thiết, nhưng quan sát và lắng nghe mài sắc các giác quan của bạn. Bởi lẽ xét cho cùng, bộ não là trung tâm của tất cả các phản ứng, các tư tưởng và những điều được ghi nhớ. Nếu các giác quan của bạn không tỉnh thức cao độ, bạn không thể thực sự quan sát, lắng nghe và cả học nữa, không chỉ học cách hành động ra sao mà còn học về chính sự học, đấy chính là mảnh đất cho hạt giống thiện có thể phát triển.

Khi nào có sự quan sát và lắng nghe giản dị rõ ràng này, khi ấy có một sự tỉnh thức – tỉnh thức về màu sắc của những bông hoa kia, đỏ, vàng, trắng, về những chiếc lá xuân, những thân cây, thật dịu dàng, thật thanh tú, tỉnh thức về bầu trời, về trái đất và những con người đang qua lại. Họ vẫn đang trò chuyện huyên thuyên dọc theo con đường, không khi nào nhìn ngắm cây cối, những bông hoa, bầu trời và những quả đồi kỳ vĩ. Thậm chí họ còn không biết cả những gì đang diễn ra quanh họ nữa. Họ nói rất nhiều về môi trường, chúng ta phải làm thế nào để bảo vệ thiên nhiên… nhưng dường như họ không biết đến vẻ đẹp và sự tĩnh lặng của những quả đồi, sự nghiêm trang của một cội cổ thụ kỳ vĩ. Thậm chí họ còn không biết về những tư tưởng của chính họ, những phản ứng của chính họ, cũng như họ không biết về cách họ đi lại, về áo quần của họ. Việc ấy không có nghĩa rằng họ phải là trung tâm tự kỷ trong sự quan sát của họ, trong sự tỉnh thức của họ, mà chỉ là sự tỉnh thức, thế thôi.

Khi bạn thấy có một sự lựa chọn cho cái phải làm, cái không phải làm, cái thích, cái không thích, những thiên kiến của bạn, những nỗi sợ hãi, những nỗi khắc khoải, những trò vui bạn đã ghi nhớ, những khoái lạc bạn đã theo đuổi – trong tất cả những thứ ấy có một sự chọn lựa, và chúng ta nghĩ rằng sự chọn lựa mang lại cho chúng ta tự do. Chúng ta giải thích tự do kia để chọn lựa, chúng ta nghĩ thứ tự do kia là cần thiết để lựa chọn – hoặc là thứ chọn lựa mang lại cho chúng ta cảm giác về tự do – nhưng chẳng có bất cứ sự chọn lựa nào khi bạn nhìn mọi vật theo cách thật sự sáng suốt. Và cách nhìn ấy đưa chúng ta đến một sự tỉnh thức không chọn lựa – tức là tỉnh thức mà không có bất cứ cái thích hay cái không thích nào. Khi có được sự tỉnh thức không chọn lựa, trung thực, giản đơn thật sự này, nó đưa đến một nhân tố khác, đó là chú tâm. Tự bản thân khái niệm này có nghĩa là vươn ra, nắm bắt cầm giữ, nhưng như thế vẫn là hành động của trí não, nó nằm trong bộ não. Quan sát, tỉnh thức, chú tâm nằm trong lãnh địa của trí não – mà trí não bị giới hạn – bị quy định bởi tất cả những đường lối đi lại của các thế hệ, các ấn tượng, các tập tục truyền thống quá khứ và tất cả những thiện ác của con người. Vì thế, toàn thể hành động từ thứ chú tâm này vẫn bị giới hạn, và cái bị giới hạn tất yếu đưa đến rối loạn. Khi ta nghĩ về bản thân ta từ sáng đến tối – những âu lo của chính ta, những khát vọng của chính ta, những yêu cầu và những đáp ứng – cái trung tâm tự kỷ này thực sự rất bị giới hạn, phải gây ra sự cọ xát xung đột trong mối quan hệ của nó với kẻ khác, mà kẻ đó cũng bị giới hạn, chắc chắn phải có cọ xát xung đột, phải có căng thẳng và phiền hà đủ loại, phải có bạo lực triền miên với con người.

Khi ta chú tâm vào tất cả, tỉnh thức không chọn lựa, khi ấy trí tuệ sẽ từ đó xuất hiện. Trí tuệ không phải là một hành động của trí nhớ, của sự liên tục nơi ký ức. Trí tuệ như một lóe sáng của ánh sáng. Bạn nhìn với sự trong sáng tuyệt đối tất cả những phức tạp, những hậu quả, những rắc rối hỗn loạn. Khi ấy, chính cái này là hành động, là toàn vẹn. Trong cái nhìn ấy, không hề có nuối tiếc, không ngoái lại, không có cảm giác bị đè nặng mệt nhọc, không phân biệt. Đây là cái nhìn rõ ràng, tinh khiết – một nhận thức mà không hề có bóng tối của hoài nghi nào.

Phần đông chúng ta đều bắt đầu điều tin là chắc chắn, và khi lớn lên điều tin là chắc chắn ấy biến thành không chắc chắn chúng ta chết cùng với điều không chắc chắn. Nhưng nếu ta khởi đầu với điều không chắc chắn, hoài nghi, tự tìm hiểu, dò hỏi, yêu cầu đòi hỏi cùng với nỗi nghi ngờ thật sự về cách cư xử của con người, về tất cả những lễ nghi tôn giáo, những ảnh tượng, những biểu tượng, thì khi ấy từ sự nghi ngờ kia sẽ xuất hiện sự rõ ràng của điều chắc chắn. Khi có cái nhìn sáng suốt rõ ràng nhìn vào bạo lực chẳng hạn, thì chính cái nhìn sáng suốt sẽ xua đi tất cả bạo lực. Cái nhìn sáng suốt ấy nằm ngoài trí não, nếu như ta có thể diễn đạt nó như thế. Nó không thuộc về thời gian. Nó không thuộc về trí nhớ, hay về kiến thức, và như thế cái nhìn sáng suốt ấy, cùng hành động của nó, sẽ biến đổi chính những tế bào não. Cái nhìn sáng suốt đó là hành động toàn vẹn, và từ sự toàn vẹn, có thể có logic, lành mạnh, lý trí, hành động.

Hành động toàn vẹn đi từ quan sát, lắng nghe cho đến tiếng sét của cái nhìn trí tuệ là một, nó không xuất hiện theo kiểu từng bước, từng bước. Nó tựa như một mũi tên loáng chớp. Và chỉ cái nhìn trí tuệ kia mới có thể không thúc phược não bộ, chứ không phải sự cố gắng của tư tưởng làm được việc ấy – vì tư tưởng là xác quyết, là thấy sự cần thiết vì một điều gì – không một cái nào trong những cái đó sẽ mang đến tự do hoàn toàn từ sự thúc phược quy định. Tất cả, đó là thời gian và sự dừng lại của thời gian. Con người bị thời gian bao vây, và cảnh tù tội kia bởi thời gian là hoạt động chuyển dịch của tư tưởng. Vì thế nơi nào có sự chấm dứt tư tưởng, chấm dứt thời gian, nơi đó có cái nhìn trí tuệ. Chỉ khi ấy có thể có siêu thăng, nở hoa từ não bộ. Chỉ khi ấy bạn mới thể có một tương giao toàn vẹn với tâm trí.

–––––o0o–––––

Trích “Trò Chuyện Với Hiện Thể - Thứ Tư, Ngày 20 Tháng 4, 1983”
Người dịch: Hàn Thủy Giang

 

 

Bài viết liên quan