SỰ TRUY TÌM - SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC – TAITETSU UNNO

Tu thân là sức mạnh hướng dẫn trong cố gắng của một con người tìm cách sống một đời sống cao nhất về đạo đức, không phải bằng lời nói mà bằng hành vi. Nó là cốt lõi của sự truy tìm sự đích thật là một con người trong những con đường khác biệt của tâm linh. Trong mọi cố gắng như vậy, người ta không tránh khỏi ý thức được sự hữu hạn của con người, thực thể của mình...
SỰ TRUY TÌM - SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC – TAITETSU UNNO

SỰ TRUY TÌM

SÔNG LỬA SÔNG NƯỚC – TAITETSU UNNO

–––––o0o–––––

Tự lực không phủ định nỗ lực cần thiết để tiến bộ trên con đường thức tỉnh. Tiềm ẩn trong cái gọi là con đường dễ dàng của Phật giáo Tịnh Độ là truyền thống lớn “tu thân” trong truyền thống Á châu. Tu thân điều phục thân và tâm, xây dựng tính cách và sức mạnh bên trong, kiềm chế dục vọng, và làm hiển lộ tiềm năng trọn vẹn nhất của một con người. Nó là cốt lõi cho tiến trình giáo dục Khổng giáo, sự tu hành thân tâm của Lão giáo, sự thực hành thực tiễn của Phật giáo đặt nền trên giới, định, huệ, và những nghệ thuật như thư pháp, bắn cung, hội họa, lễ trà, cắm hoa hay những thành tựu văn hóa khác.

Tu thân là sức mạnh hướng dẫn trong cố gắng của một con người tìm cách sống một đời sống cao nhất về đạo đức, không phải bằng lời nói mà bằng hành vi. Nó là cốt lõi của sự truy tìm sự đích thật là một con người trong những con đường khác biệt của tâm linh. Trong mọi cố gắng như vậy, người ta không tránh khỏi ý thức được sự hữu hạn của con người, thực thể của mình như một chúng sanh do nghiệp – giới hạn, bất toàn, phải chết. Tiến trình trải nghiệm này nằm trong trái tim của Phật giáo Chân tông, và nếu chúng ta không trải nghiệm được, kết quả là một cái nhìn méo mó về con đường Tịnh Độ. Trong Phật giáo Chân tông, tu thân là một vấn đề kỷ luật bên trong và không phải là một hình thức bên ngoài rõ ràng cho người ngoại cuộc, như ngồi thiền chẳng hạn. Bởi thế, nó không hề nổi bật nhưng là một phần chính yếu của “tìm Đạo”.

Chúng ta được đưa tới những cánh cổng của Phật giáo Chân tông bằng nhiều đường khác nhau. Với một số người chúng ta đó là những duyên nghiệp may mắn từ quá khứ, thường ngoài sự lựa chọn của chúng ta ; và những người khác có thể nhờ gặp những vị thầy tốt gây cảm hứng cho chúng ta trên đường tìm kiếm. Một số người sẽ hướng về con đường Chân tông bởi vì những thảm cảnh bất ngờ hay những giây phút thình lình tỏ ngộ. Bấy giờ chúng ta sẽ bắt đầu hỏi về Phật A Di Đà, Tịnh Độ, Bổn Nguyện, cái ngã ngu si, niềm tin chân thật. Giai đoạn ban đầu “nghe” Phật Pháp này dẫn chúng ta đến những câu hỏi xa hơn, khi người ta cố gắng liên hệ chúng với đời sống hàng ngày. Bấy giờ chúng ta không thỏa mãn với những câu hỏi thuần túy khách quan và những câu trả lời từ bên ngoài. Như vậy, giai đoạn kế tiếp là tương ưng với “lắng nghe sâu xa” bắt đầu.

Những câu hỏi trở nên cá nhân và hiện sinh một cách sâu xa. Tôi là ai ? Cuộc đời của tôi có từ đâu ? Nó đang đi về đâu ? Cái gì là mục đích của cuộc đời tôi ? Làm thế nào giáp mặt với cái chết ? Khi cố gắng đào sâu những câu trả lời chúng ta đấu tranh với chính mình, với bóng tối vô minh của chính mình, với vọng tưởng mê lầm của chính mình. Kiên trì và nỗ lực là cần thiết trong cuộc tranh đấu để thông hiểu. Không phân biệt trường phái, Phật giáo xem nỗ lực, tinh tấn là cốt yếu cho đời sống tôn giáo. Nó là căn bản trong Tám Thánh Đạo của Phật giáo Theravada : chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Trong Sáu Hoàn Thiện (Ba la mật) của Phật giáo Đại thừa, nó còn chiếm một chỗ quan trọng hơn : bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Trong Phật giáo Chân tông tinh tấn được biểu lộ trong sự tận tâm lắng nghe sâu xa, thậm chí nó có nghĩa là đi xuyên qua “trái cầu lửa lớn của ba ngàn thế giới”.

Tiến trình “lắng nghe” giáo lý được truyền dẫn trong khuôn khổ chủ thể và khách thể : người lắng nghe hiện hữu tách lìa với giáo lý được dạy. Tuy nhiên sự tích tập “lắng nghe” cuối cùng gây ra một biến đổi tiệm tiến trong tiềm thức, nhờ đó nhị nguyên chủ thể-khách thể trở nên yếu đi. Bấy giờ người ta đi vào lãnh vực của sự lắng nghe sâu xa Phật Pháp, và người ta bắt đầu khám phá ra tự ngã chân thật của mình trong giáo lý. Thật vậy, phạm vi bề rộng của việc lắng nghe sâu xa quyết định mức độ tự tri từ cạn đến sâu. Nếu một người Phật giáo Chân tông làm một hình thức thiền định nào, đó chỉ có mục đích duy nhất là lắng nghe sâu xa.

Cốt lõi của lắng nghe sâu xa là tính bất nhị, do đó chủ thể và khách thể thành một. Mọi dấu vết của ý niệm nhị nguyên biến mất, dù về phía chủ thể hay khách thể. Như một ví dụ bất nhị về phía chủ thể, chúng ta có một câu thơ nổi tiếng của T. S. Elliot trong Tứ Cú :

Âm nhạc nghe thật sâu xa

đến độ nó không được nghe chút nào,

mà bạn là âm nhạc

khi âm nhạc còn đó.

Đây là sự lắng nghe sâu xa trong đó âm nhạc không còn là một “khách thể” nữa ; hơn nữa, nó thành nội dung toàn thể của chủ thể vào lúc đó. Khuôn khổ chủ thể-khách thể tan biến trong sự lắng nghe sâu xa được trải nghiệm. Dĩ nhiên, một khi giây phút đó qua đi, chủ thể và khách thể lại tách lìa.

Một kinh nghiệm tương tự về bất nhị, lần này về phía khách thể, được tìm thấy trong một trích dẫn của Cézanne. Tóm tắt nghệ thuật của mình, ông nói, “Cảnh vật tự vẽ chính nó qua tôi, và tôi là ý thức của nó.” Ở đây cảnh vật bao trùm chân trời của kinh nghiệm, đem “chủ thể” vào trong bản thân nó. Không có sự phân biệt nào giữa cảnh vật và Cézanne. Nhưng khi ông thôi vẽ, ông trở lại thế giới của nhị nguyên chủ-khách.

Trái với những kinh nghiệm tạm thời về bất nhị này, sự lắng nghe sâu xa trên con đường Chân tông đưa đến một sự biến đổi và thường hằng trong một con người. Đã trải qua tranh đấu ghê gớm và sự thức tỉnh cuối cùng, một con người không bao giờ mất cái đã đạt được. Sự hiện thân, nhập thân toàn vẹn của Phật Pháp làm sanh ra một ngã tánh mới, trí huệ và lòng bi trưởng thành tự nhiên. Không có sự trở lại. Thế nên, điều này được biết như là trạng thái bất thối chuyển.

Như chúng ta đã chỉ ra, bởi vì sự chuyển hóa trong lắng nghe sâu xa là một tiến trình bên trong và không có hình thức bên ngoài, nó không rõ ràng cho người ngoài thấy. Nhưng nó đòi hỏi sự hiến mình và nỗ lực cũng như (nếu không nói là hơn) những hình thức khác của thực hành tôn giáo. Một trận chiến tâm linh xảy ra trong đời sống bên trong của người ta, trận chiến là một dạo đầu không thể tránh cho bất kỳ hình thức giải thoát và tự do đích thực nào. Nhưng thế chưa phải là tất cả.

Bởi vì sự thức tỉnh cuối cùng thì vượt ngoài những tính toán và kiểm soát của con người, có một sự để mặc (nhiệm vận) trên con đường tôn giáo. Trong ngôn ngữ Chân tông, có xảy ra một sự thoát khỏi tự lực nhờ công việc của Tha Lực. Thật vậy, một trong những định nghĩa mà Thân Loan nói về Tha Lực là “cái trống vắng mọi tính toán” (hakarai), gợi ra một sự sống tự nhiên, thoát khỏi mọi loại ý muốn. Trong Thiền Lâm Tế toàn bộ tiến trình này gồm ba giai đoạn : tích tập, sự tìm kiếm không ngừng để giải quyết một công án ; và bùng vỡ, sự vỡ tung vào giải thoát và tự do. Chúng ta tìm thấy một tiến trình tương tự trong hành động sáng tạo.

Chẳng hạn trong nghề làm đồ gốm, người thợ gốm phải đầu tư thì giờ, nghị lực và tập trung để làm một sản phẩm nghệ thuật. Đã dùng toàn bộ nỗ lực trong việc nặn đất sét, người ta đặt nó trong một lò nung nơi đó mọi cái được giao phó cho những năng lực không thể thấy. Người ngoài chỉ thấy sản phẩm khi đã hoàn thành nhưng không bao giờ thấy công việc trong toàn thể tiến trình. Trong một tác phẩm nổi tiếng về nghệ thuật dân gian Nhật Bản, Người Thợ Thủ Công Vô Danh, người thợ gốm nổi danh thế giới Shoji Hamada nhận xét :

Nếu một lò nung nhỏ, tôi có thể kiểm soát nó hoàn toàn, nghĩa là cái bản ngã của tôi có thể trở nên một người kiểm soát, một người làm chủ lò nung. Nhưng bản ngã của con người cũng chỉ là một điều nhỏ. Khi tôi làm việc nơi một lò nung lớn, năng lực bản ngã của tôi trở nên yếu đến độ không thể kiểm soát nó đầy đủ. Thế có nghĩa là đối với lò nung lớn, năng lực vượt khỏi tôi là điều cần thiết. Không nhờ vào một năng lực vô hình như vậy tôi không thể có được những sản phẩm tốt. Một trong những lý do tôi muốn có một lò nung lớn là bởi vì tôi muốn là một người thợ gốm, nó làm việc trong ân sủng nhiều hơn là trong năng lực của bản thân nó. Các bạn biết hầu như tất cả những cái bình tốt nhất đều được làm trong một lò nung khổng lồ.

Trong ngôn ngữ Chân tông, tự lực của người thợ gốm được giao phó hoàn toàn cho công việc của Tha Lực. Nhưng điều này không nên hiểu đơn giản theo nhị nguyên, vì tự lực và Tha Lực cùng nhau làm việc. Không có những nỗ lực của tự lực, Tha Lực không thể biểu hiện sự thần diệu của nó ; và không có Tha Lực, tự lực vẫn nằm yên không sáng tạo.

Dù khác biệt về ngữ vựng, tự lực và Tha Lực cùng nhau làm việc cũng là nền tảng của Thiền. Một trong những vị thầy hiện đại của Thiền Tào Động, Kosho Uchiyama, diễn tả mục đích của ngồi thiền là “vất bỏ những đường lối suy tính và bao giờ có một mục đích bấy giờ có một đối tượng được nhắm đến.” Bấy giờ ngài giải thích :

Chúng ta chỉ ngồi đơn thuần giữa nghịch lý này, trong đó dù chúng ta có nhắm đến cái gì, chúng ta cũng không bao giờ có thể chạm đến được một đích nào. Chúng ta chỉ ngồi đơn thuần trong nghịch lý này, nó hoàn toàn buồn cười khi chúng ta nghĩ về nó với tâm thức nhỏ hẹp của chúng ta. Trong ngồi thiền của chúng ta, chính vào thời điểm khi cái ngã nhỏ hẹp và ngu ngốc của chúng ta không thỏa mãn hay hoàn toàn lúng túng, cái đời sống tự nhiên và vô lượng ấy vượt ngoài những tư tưởng của ngã kia mới vận hành. Chính vào thời điểm khi chúng ta hoàn toàn lạc mất mà đời sống hiện hành và năng lực của Phật được biểu hiện.

Sự thực hành không ngừng nghỉ “chỉ ngồi đơn thuần” (shikan taza) của cái ngã nhỏ hẹp và ngu ngốc sớm hay muộn sẽ đạt đến giới hạn tự lực của nó. Khi điều này xảy ra, bấy giờ cái tỉnh giác về một “đời sống tự nhiên và vô lượng” sâu hơn sẽ sống động. Đấy không gì khác hơn là đại bi của Phật nâng đỡ cho sự thực hành ngồi thiền của Thiền sinh.

Một cảm kích như thế có những gốc rễ sâu xa trong tư tưởng của Đạo Nguyên, vị sáng lập Thiền Tào Động ở thế kỷ mười ba. Trong một tiểu luận nhan đề “Sanh và Tử”, ngài viết : “Khi bạn đơn giản thoát và quên cả thân tâm bạn và ném mình vào trong ngôi nhà của Phật, và khi sự vận hành đến từ hướng Phật và bạn tương ưng với nó, bấy giờ không cần sức mạnh nào và không cần dùng tư tưởng nào, thoát khỏi sanh và tử, bạn thành Phật. Bấy giờ không thể có chướng ngại nào trong bất cứ tâm thức con người nào.”

Sự vận hành đến từ Phật không gì khác hơn là công việc của Tha Lực. Có cùng một sự hiểu biết như vậy trong những câu nổi tiếng như “thực hành và chứng đắc là một” hay “thực hành được theo đuổi trên nền tảng của giác ngộ”. Chứng đắc hay giác ngộ là nền tảng của đại bi. Đại bi này bảo đảm cho những kết quả trong thực hành tôn giáo. Khi điều này bị lơ là hay bỏ quên, cái ngã không giác ngộ chạy lung tung điên loạn, tạo ra một sự sanh sôi nảy nở những guru tự xoa dầu và những Phật tử giả mạo.

–––––o0o–––––

Trích: Sông Lửa Sông Nước

Tác Giả: Taitetsu Unno

Dịch Giả: An Cư

NXB: Thiện Tri Thức in năm 2001

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan