TÂM LÝ HỌC HÀI HƯỚC - RICHARD WISEMAN

Họ không đề nghị mọi người đánh dấu vào ô “vị thánh” hoặc “tội đồ” nữa, mà cởi bỏ chiếc áo khoác của phòng thí nghiệm, khoác chiếc áo choàng và tiến hành những nghiên cứu bí mật trong thế giới thực.
TÂM LÝ HỌC HÀI HƯỚC - RICHARD WISEMAN

TÂM LÝ HỌC HÀI HƯỚC

RICHARD WISEMAN - TÂM LÝ HỌC HÀI HƯỚC

---o0o---

Richard Wiseman sinh năm 1966 tại Luton, Anh. Ông là giáo sư tâm lý học của trường Đại học Hertfordshire. Các nghiên cứu của ông được sử dụng trong hơn 150 chương trình truyền hình tại Vương Quốc Anh. Ông được tờ Scientific American mô tả là “nhà tâm lý học thực hành thú vị nhất thế giới hiện nay”.

TỘI ĐỒ HAY VỊ THÁNH? TÂM LÝ HỌC VỀ SỰ GIÚP ĐỠ VÀ GÂY TRỞ NGẠI

Đầu những năm 1930, nhà tâm lý học Richard LaPiere ở Stanford đã dành nhiều tháng, lái xe khắp nước Mỹ cùng một sinh viên người Trung Hoa và vợ anh ta. Cặp vợ chồng sinh ra và lớn lên ở Trung Hoa, mới chuyển đến Mỹ gần đây. Đối với họ, LaPiere là một giáo sư vui tính đã tốt bụng dành thời gian chỉ cho họ mọi thứ. Thực tế, họ chính là những người tham gia thí nghiệm trong một thí nghiệm bí mật mà LaPiere tiến hành trong suốt chuyến đi mà chẳng chút nghi ngờ.

Ý tưởng cho thí nghiệm này đến với LaPiere khi cặp đôi người Trung Hoa lần đầu tiên đến trường đại học, và ông đã đưa họ đến một khách sạn lớn trong thị trấn. Những năm 1930 ở Mỹ, người Trung Hoa thường phải chịu khá nhiều thành kiến.

Theo LaPiere, ông tiếp cận khách sạn đó với một cảm giác lo lắng bởi nó đã được “... lưu ý vì thái độ bảo thủ và hẹp hòi đối với người phương Đông”.

LaPiere đến quầy lễ tân với hai người bạn của mình, và lo lắng hỏi liệu họ có còn phòng trống hay không. Trước sự ngạc nhiên của LaPiere, nhân viên lễ tân không hề biểu lộ định kiến nhờ dựa trên địa vị và danh tiếng của ông, và nhanh chóng tìm cho họ một số phòng thích hợp. Tò mò về sự khác nhau giữa những gì ông đã nghe nói về khách sạn, và kinh nghiệm của mình với nhân viên tiếp tân, LaPiere sau đó gọi điện cho khách sạn và hỏi liệu họ có một phòng trong cho “một quý ông người Trung Hoa” hay không. Ông đã nhận được câu trả lời rõ ràng rằng khách sạn sẽ không cung cấp phòng.

LaPiere bị ấn tượng bởi sự khác biệt giữa cách mọi người nói rằng họ sẽ cư xử, và hành động thực sự của họ. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng trải nghiệm của mình tại khách sạn có thể không phải trường hợp điển hình. Để nghiên cứu chính xác vấn đề này, ông cần phải lặp lại kịch bản với rất nhiều khách sạn và nhà hàng, và đó là khi ông nghĩ ra ý tưởng đưa hai đồng nghiệp Trung Hoa của mình vào một chuyến đi thí nghiệm trên khắp nước Mỹ.

Cuộc hành trình gồm việc lái xe khoảng 16000km và 66 khách sạn và 184 nhà hàng. Tại mỗi khách sạn và quán ăn, LaPiere để sinh viên của mình hỏi về dịch vụ ăn uống hoặc nghỉ ngơi. LaPiere sau đó đã bí mật ghi lại xem liệu yêu cầu của họ có thành công hay không. Các kết quả từ phần đầu tiên của nghiên cứu giống như trải nghiệm trước đây của ông. Hai người bạn đồng hành của ông nhận được dịch vụ thoải mái và hữu ích gần như ở khắp mọi nơi họ đi, dẫn LaPiere đến kết luận:

... “thái độ” của người dân Mỹ, như đã được phản ánh trong hành vi của những người vì lý do tiền bạc trở nên nhạy cảm đối với nỗi ác cảm của các khách hàng da trắng, hoàn toàn không phải là sự từ chối nhắm vào người Trung Hoa.

Sáu tháng sau, LaPiere thực hiện phần thứ hai của nghiên cứu. Ông gửi câu hỏi đến từng khách sạn và nhà hàng mà họ đã viếng thăm, và hỏi, “Liệu anh có chấp nhận người Trung Hoa làm khách trong khách sạn/ nhà hàng của anh không?” Để giúp che dấu mục đích trong nghiên cứu, câu hỏi này là một trong nhiều câu hỏi khác về việc liệu các cơ sở đó có chào đón người Đức, người Pháp, người Armenia, và người Do Thái hay không. Các kết quả rất đáng ngại. Hơn 90% số nhà hàng khách sạn được hỏi đánh dấu vào ô “Không, người Trung Hoa không được chào đón ở đây”, với gần tất cả 10% còn lại chọn “Không chắc chắn”. LaPiere chỉ nhận được một phản hồi “Có”. Phản hồi vài tháng trước. Người chủ sở hữu đã thêm vào một ghi chú ngắn vào bảng câu hỏi nói rằng lý do cô sẽ chào đón người Trung Hoa vì gần đây cô ây đã được một người đàn ông Trung Hoa và người vợ ngọt ngào của anh ta ghé thăm.

Trong nghiên cứu của LaPiere, mọi người nói rằng họ sẽ hành xử theo cách phù hợp với các chuẩn mực trong xã hội, nhưng trên thực tế, họ lại cư xử khác. Trong nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã thu được bằng chứng phong phú cho hiện tượng tương tự, với những người tuyên bố rằng họ không phân biệt chủng tộc (phù hợp với chuẩn mực xã hội hiện đại), nhưng sau đó lại hành xử một cách định kiến.

Nghiên cứu cũng thêm vào một điểm đơn giản. Đề nghị mọi người đánh giá họ tốt mức nào thì sẽ không bộc lộ một cái nhìn sâu sắc thẳng thắn vào khả năng lừa dối bản thân và những người khác. Vì sự miễn cưỡng của mọi người, hay vì không có khả năng, để nói chính xác liệu họ tốt đẹp hay xấu xa, nên nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến các chủ đề này thực hiện chính xác những gì LaPiere đã làm. Họ không đề nghị mọi người đánh dấu vào ô “vị thánh” hoặc “tội đồ” nữa, mà cởi bỏ chiếc áo khoác của phòng thí nghiệm, khoác chiếc áo choàng và tiến hành những nghiên cứu bí mật trong thế giới thực.

---o0o---

Trích “Tâm lý học hài hước”

Tác giả: Richard Wiseman

Người dịch: Vũ Thanh Nhàn

NXB Lao động

Ảnh: nguồn internet

Bài viết liên quan