TẢN MẠN VỀ SỰ VÔ LÝ - MATSUSHITA KONOSUKE 

Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ làm thế nào để hiểu được nguyên lý của tự nhiên? Tôi nghĩ, không gì bằng việc theo trái tim trong sáng mà đi và đừng vướng bận bởi bất cứ một điều gì. Người có trái tim trong sáng và nhìn mọi sự với cách nhìn trong sáng thì sẽ ít khi vấp phải sai lầm. Bởi vì họ sẽ thấy được nguyên lý của tự nhiên. Người có thể trở nên trong sáng là người vô...
TẢN MẠN VỀ SỰ VÔ LÝ - MATSUSHITA KONOSUKE 

TẢN MẠN VỀ SỰ VÔ LÝ

MATSUSHITA KONOSUKE 

-----o0o-----

Khi công việc thất bại, quan hệ với mọi người không tốt hay có điều gì đó không trôi chảy, thì việc ngồi trong tĩnh lặng ngẫm nghĩ xem mình có làm điều gì có hợp lý hay không là điều rất có ý nghĩa.

Nguyên lý của trời đất và tự nhiên

Không làm điều vô lý nghĩa là không làm trái nguyên lý, hay nói cách khác là tuân theo nguyên lý. Khi vào xuân thì hoa nở, sang thu thì lá rụng. Cả cỏ và cây, đến lúc đâm chồi non thì đâm chồi nảy lộc, đến mùa đơm hoa kết trái thì đơm hoa kết trái, đến lúc phải tàn thì tàn. Tất cả đều theo đúng nguyên lý. Con người khi nào còn sống giữa tự nhiên thì phải hành động và sống theo đúng nguyên lý của trời đất và tự nhiên. Nói như vậy, nhưng đó không phải là điều gì đặc biệt khó khăn. Nói cách khác, cũng giống như khi trời mưa thì che ô mà thôi. Khi trời mưa, ai cũng sẽ bị ướt. Đó là cái lý của tự nhiên. Nhưng nếu lấy ô che thì sẽ không bị ướt. Đó là việc theo đúng nguyên lý của tự nhiên, mà ai cũng làm rất đương nhiên. Nhờ vậy sẽ không bị ướt mưa và cũng không bị cảm lạnh. Nhưng nếu chúng ta cứ khăng khăng, dù trời mưa cũng không che ô và cứ thế đi tiếp, thì sẽ bị ướt. Trường hợp xấu có thể bị ốm. Điều này là do chúng ta đã hành động vô lý đấy! Tất nhiên, trong trường hợp khẩn cấp bất thường chúng ta có thể làm như vậy. Đôi khi cũng cần phải như vậy. Đôi khi cũng cần phải như vậy, nhưng dù thế nào thì cũng vẫn là bị ướt. Nói chung, chúng ta không thể chống lại nguyên lý của tự nhiên. Mà như vậy thì chỉ còn cách tòng thuận theo mà thôi.

Điều này ai cũng hiểu, nhưng thực tế cuộc sống phức tạp hơn nhiều. Bởi vậy chúng ta dễ bị lúng túng khi phải phán đoán một điều gì đó. Vì thế mới có hành động trái với tự nhiên là bước đi giữa trời mưa mà không che ô. Từ đó sẽ làm nảy sinh nhiều sai lầm khác nữa.

Bí quyết trong kinh doanh

Nếu trong buôn bán, kinh doanh mà có một bí quyết phát triển nào, thì đó chính là việc tòng thuận theo nguyên lý của tự nhiên, trời đất. Tôi cảm giác điều này cũng giống như khi trời mưa thì lấy ô ra che, phải làm những điều bình thường thật tự nhiên.

Chẳng hạn, chúng ta mua vào một mặt hàng nào đó vào với giá 1000 yên. Dựa vào chất lượng, thời điểm bán ra và thêm cả phần lợi nhuận chính đáng, chúng ta sẽ quyết định bán ra với giá 1200 yên. Hơn nữa, tiền bán ra nhất thiết phải thu hồi hết lại. Hoặc khi không bán được sẽ sẵn sàng đóng cửa hàng. Khi bán được lại dốc sức sản xuất. Nếu thực hiện triệt để, biến những điều bình thường, đương nhiên đó trở thành hiện thực thì công việc kinh doanh sẽ rất trôi chảy. Tôi nghĩ như vậy đấy.

Thế nhưng, làm những việc đương nhiên một cách đương nhiên lại là điều khá khó. Con người dù sao cũng vẫn bị chi phối bởi lòng vị kỷ hay tình riêng, nên thường “đi giữa trời mưa mà không che ô”.

Chẳng hạn, vì không được để thua trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt, nên một mặt hàng đã lấy vào những 1000 yên mà có khi chỉ bán ra với giá 900 yên. Hoặc lấy một lý do nào đó để chần chừ việc thu tiền. Họ vừa đình trệ việc thu hồi tiền, lại vừa đi vay tiền của người khác. Tôi rất hay thấy những chuyện như thế. Mà như vậy thì không thể nào thành công được. Vì sự nghiệp kinh doanh vững vàng, nhất thiết phải bán với giá cao hơn giá đã mua vào. Hơn nữa, trước khi đi vay tiền, hãy dồn hết sức mà thu hồi vốn mình đã bỏ ra. Đó chính là việc tuân thủ theo nguyên lý của tự nhiên, trời đất đấy!

Sống bằng trái tim trong sáng

Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ làm thế nào để hiểu được nguyên lý của tự nhiên? Tôi nghĩ, không gì bằng việc theo trái tim trong sáng mà đi và đừng vướng bận bởi bất cứ một điều gì. Người có trái tim trong sáng và nhìn mọi sự với cách nhìn trong sáng thì sẽ ít khi vấp phải sai lầm. Bởi vì họ sẽ thấy được nguyên lý của tự nhiên. Người có thể trở nên trong sáng là người vô cùng vĩ đại. Trong bất cứ việc gì mà không nhìn bằng tấm lòng trong sáng, luôn cầu kỳ thế này, thế kia thì sẽ không thể thành công.

Người ta thường nói, nếu thấy một chú chim cúc cu không hót, Nobunaga (Tín Trường) sẽ giận dữ bảo: “Chim cúc cu, nếu mi mà không gáy ta sẽ giết chết mi!”, Hideyoshi (Tú – Cát) thì bình tĩnh hơn: “Chim cúc cu, nếu mi không gáy ta sẽ tìm cách cho mi gáy bằng được”, còn Ieyasu (Gia – Khang) thì kiên trì nói: “Chim cúc cu, nếu mi không gáy ta sẽ đợi cho đến khi nào mi gáy”. Tôi không biết những câu nói này là của chính ba nhân vật đó hay là do hậu thế nghĩ ra để nói đến nét đặc trưng trong tính cách của từng người, nhưng có lẽ việc đó đều xuất phát từ hy vọng của cả ba người về tiếng gáy của con chim cu gáy. Tức là, họ đều muốn làm sao phải có nghe bằng được tiếng gáy của con chim đó. Nhưng tôi nghĩ, việc gì cũng cầu kỳ như vậy thì không thể thành công được. Nếu là mình, tôi muốn nói thế này: “Chim cúc cu, nếu mi không gáy thì cũng không sao”. Nghĩa là hãy để mọi sự tự nhiên như nó vốn có. Điều đó quả thực là không dễ.

-----o0o-----

Trích Mạn Đàm Nhân Sinh

Tác giả: Matsushita Konosuke

Người dịch: Phạm Thu Giang

Nhà xuất bản Hà Nội, 2008

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan