TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU CÓ PHẬT TÁNH - KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN - PHẨM SƯ TỬ HỐNG BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI BA

TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU CÓ PHẬT TÁNH

KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN

PHẨM SƯ TỬ HỐNG BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI BA

-----o0o-----

Nầy Thiện nam tử! Sự đáp nạn của thế gian có ba: Một là chuyển đáp, như trước kia nói cớ gì gọi là giới? Do vì chẳng ăn năn nhẫn đến vì được Đại Niết Bàn. Hai là nín lặng mà đáp, như có Phạm Chí đến hỏi ta rằng: Ngã là thường ư? Lúc đó ta nín lặng. Ba là nghi đáp như trong kinh đây nói: Nếu liễu nhơn có hai tánh cớ gì trong sữa chẳng được có hai thứ?
TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU CÓ PHẬT TÁNH - KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN - PHẨM SƯ TỬ HỐNG BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI BA

Nầy Thiện nam tử! Tất cả các pháp vốn không có tánh, do nghĩa nầy nên ta nói kệ rằng:

Trước không nay có.

Trước có nay không.

Ba đời có pháp.

Không có lẽ đó.

Nầy Thiện nam tử! Tất cả pháp do nhơn duyên mà sanh cũng do nhơn duyên mà diệt.

Nếu chúng sanh có Phật tánh, thời tất cả chúng sanh lẽ ra có thân Phật như ta hôm nay.

Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị kéo, bị bắt, chẳng bị trói, bị buộc. Như trong chúng sanh có hư không, vì tất cả chúng sanh đều có hư không chẳng chướng ngại, chúng sanh đều chẳng tự thấy mình có hư không nầy. Giả sử nếu chúng sanh chẳng có hư không, thời không có những sự đến đi dứng ngồi nằm, chẳng sống chẳng lớn. Do nghĩa nầy nên trong kinh ta nói tất cả chúng sanh đều có hư không giới, hư không giới đây gọi là hư không. Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy. Bực Thập trụ Bồ Tát thấy được phần ít như châu kim cương.

Nầy Thiện nam tử! Phật tánh của chúng sanh là cảnh giới của chư Phật, chẳng phải là hàng Thanh Văn, Duyên Giác biết được. Tất cả chúng sanh vì chẳng thấy Phật tánh nên thường bị phiền não trói buộc mà phải lưu chuyển trong sanh tử. Chư Phật vì thấy Phật tánh nên phiền não kiết sử chẳng trói buộc được, do đây giải thoát sanh tử đặng Đại Niết Bàn.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn! Tất cả chúng sanh có tánh của Phật tánh như tánh chất lạc trong sữa. Nếu sữa không tánh chất lạc, tại sao Phật nói có hai thứ nhơn: Chánh nhơn và duyên nhơn. Duyên nhơn có hai: Ủ và ấm. Hư không vì là không tánh nên không có duyên nhơn.

Nầy Thiện nam tử: Giả sử trong sữa quyết định có tánh chất lạc, cần gì đến duyên nhơn?

_ Bạch Thế Tôn! Vì có tánh nên phải cần duyên nhơn. Vì muốn thấy rõ vậy. Duyên nhơn đó chính là liễu nhơn. Như trong nhà tối đã trước có những đồ vật, vì muốn thấy rõ nên dùng đèn soi sáng. Nếu vốn không đồ vật thời đèn soi sáng những gì? Như trong đất sét có bình, nên cần nhân công, nước, vòng dây, gậy v.v… mà làm liễu nhơn. Như hột ni câu đà cần đến nước, đất, phân mà làm liễu nhơn. Trong sữa cũng như vậy, phải nhờ ủ ấm làm liễu nhơn. Vì thế nên dầu trước đã có tánh phải nhờ liễu nhơn rồi sau mới được thấy. Do nghĩa nầy nên quyết định biết trong sữa trước có tánh của chất lạc.

_ Nầy Thiện nam tử! Giả sử nếu trong sữa quyết định có tánh của chất lạc thời tánh nầy chính là liễu nhơn. Nếu đã là liễu nhơn lại cần gì phải dùng liễu.

Nầy Thiện nam tử! Nếu liễu nhơn đây tánh nó là liễu thời lẽ ra phải thường tự liễu. Nếu chẳng tự liễu thời đâu có thể liễu cái khác.

Nếu nói liễu nhơn có hai thứ tánh: Một là tự liễu, hai là liễu tha, thời không đúng nghĩa. Vì một pháp liễu nhơn làm sao lại có hai thứ tánh? Nếu có hai tánh thời sữa lẽ ra cũng có hai thứ. Giả sử trong sữa không có hai thứ, tại sao liễu nhơn lại riêng có hai tánh?

_ Bạch Thế Tôn! Như người đời nói rằng chúng tôi cộng có tám người: Liễu nhơn cũng như vậy: Tự liễu và liễu tha.

_ Nầy Thiện nam tử! Liễu nhơn nếu như vậy thời chẳng phải là liễu nhơn, vì là số, có thể đếm, sắc của mình, sắc của người nên được nói là tám, mà sắc tánh nầy tự nó không có liễu tướng, vì không liễu tướng phải nhờ trí tánh mới đếm được tự và tha. Do đây nên liễu nhơn chẳng thể tự liễu cũng chẳng liễu được tha.

Nầy Thiện nam tử! tất cả chúng sanh đã có Phật tánh cớ gì lại phải tu tập công đức? Nếu nói tu tập là liễu nhơn thời đã đồng hư hoại như chất lạc.

Nếu nói trong nhơn quyết định có quả thời giới, định, huệ lẽ ra không Tăng trưởng. Nhưng người đời trước kia không giới, định, huệ theo sư trưởng học tập thời lần lần được có giới, định, huệ. Nếu cho rằng sư trưởng dạy dổ là liễu nhơn, chính lúc dạy dỗ thời chưa có giới, định, huệ, nếu là liễu đó, lẽ ra là liễu thứ chưa có, sao lại gọi rằng liễu giới, định, huệ làm cho được Tăng trưởng.

Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: “ Thế Tôn! Nếu liễu nhơn là không, sao lại được rằng có sữa có lạc?”

Nầy Thiện nam tử! Sự đáp nạn của thế gian có ba: Một là chuyển đáp, như trước kia nói cớ gì gọi là giới? Do vì chẳng ăn năn nhẫn đến vì được Đại Niết Bàn. Hai là nín lặng mà đáp, như có Phạm Chí đến hỏi ta rằng: Ngã là thường ư? Lúc đó ta nín lặng. Ba là nghi đáp như trong kinh đây nói: Nếu liễu nhơn có hai tánh cớ gì trong sữa chẳng được có hai thứ?

Nầy Thiện nam tử! Nay ta chuyển đáp, như người đời nói rằng có sữa có lạc, vì quyết định được nên được gọi rằng có sữa có lạc. Phật tánh cũng như vậy có chúng sanh có Phật tánh do vì sẽ được thấy.

_ Bạch Thế Tôn! Như lời Phật vừa nói không được đúng nghĩa. Quá khứ đã diệt, vị lai chưa đến thế nào gọi là có? Nếu cho rằng sẽ có mà gọi là có đó, thời không đúng. Như người đời thấy không con cái bèn nói không con. Tất cả chúng sanh không có Phật tánh, tại sao nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.

_ Nầy Thiện nam tử! Quá khứ gọi rằng có. Ví như trồng quít mọng mọc lên thời hột hư mất. Từ mọng lên cây nhánh lá, nhẫn đến kết trái, lúc trái chín bèn có vị ngọt.

Nầy Thiện nam tử! Vị ngọt nầy đều không từ nơi hột, mọng, cây, nhánh, bông v.v… Lúc trái chín thời sanh vị ngọt, vị ngọt nầy trước không nay có. Dầu trước không nay có mà chẳng phải là chẳng do nơi hột lúc trước. Thế nên hột lúc trước dầu đã quá khứ nhưng được gọi là có. Do nghĩa nầy nên quá khứ gọi rằng có.

Thế nào lại gọi rằng vị lai là có? Ví như có người gieo trồng cây mè. Có kẻ hỏi cớ gì trồng thứ nầy? _ Đáp rằng vì có dầu.

Thiệt ra thời chưa có dầu, khi cây mè đã già lấy hột hấp sôi, giã ép rồi sau mới có dầu chảy ra. Nên biết rằng người nầy trả lời như vậy chẳng phải là hư vọng. Do nghĩa nầy nên gọi rằng vị lai có.

Lại thế nào gọi rằng quá khứ có ư? Ví như có người lén mắng nhà vua, trải qua nhiều năm. Lúc sau vua nghe được đòi đến hỏi cớ sao mắng ta? _ Tâu Đại Vương! Tôi chẳng mắng vì người mắng đó mất. _ Vua bảo: Kẻ mắng cùng thân ta cả hai đều còn tại sao lại nói rằng mất? Người kia không trả lời được nên phải bị tội chết.

Nầy Thiện nam tử! Hai tánh ấy thiệt không mà quả chẳng mất, đây gọi là quá khứ có.

Thế nào lại gọi rằng vị lai có? Như có người đến nhà thợ gốm hỏi có bình không? Đáp rằng có. Thiệt ra thợ gốm nầy chưa có bình vì có đất sét nên đáp rằng có bình, phải biết rằng thợ gốm nầy chẳng phải vọng ngữ. Trong sữa có chất lạc, chúng sanh có Phật tánh cũng như vậy, muốn thấy Phật tánh, phải nên quán sát thời tiết hình sắc, do đây nên ta nói rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh thiệt chẳng hư vọng.

-----o0o-----

Trích “Kinh Đại Bát Niết Bàn”

Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh

Bài viết liên quan