THẤY PHẬT BẤT ĐỘNG - KINH DUY MA CẬT

Khi ấy trưởng giả Duy Ma Cật nghĩ rằng, “Không rời khỏi chỗ ngồi, ta sẽ tiếp lấy cõi nước Diệu Hỷ và tất cả những gì nó chứa đựng: núi Thiết Vi, núi sông, khe hang, sông ngòi, biển cả, nguồn suối, núi Tu Di cùng nhật nguyệt, tinh tú, thiên long, quỷ thần, cung điện Phạm thiên v.v... và các hàng Bồ tát, Thanh Văn, thành thị thôn xóm, nam nữ, lớn nhỏ, cho đến Như Lai Vô Động cùng cây...
THẤY PHẬT BẤT ĐỘNG - KINH DUY MA CẬT

THẤY PHẬT BẤT ĐỘNG

KINH DUY MA CẬT

---*---

Bấy giờ Thế Tôn hỏi ngài Duy Ma Cật: “Khi ông muốn thấy Như Lai, thì ông xem thấy như thế nào?”

Cư sĩ Duy Ma Cật thưa: “Thế Tôn, như con tự xem thấy thật tướng của thân thế nào, con xem thấy Phật cũng như thế. Con xem thấy Như Lai quá khứ chưa từng đến, tương lai không đi đâu, hiện tại cũng chẳng trụ. Con không xem thấy sắc, không xem thấy sắc như, không xem thấy tánh sắc, không xem thấy thọ, tưởng, hành, thức, không xem thấy thức như, không xem thấy tánh thức. Chẳng phải nơi bốn đại mà khởi, đồng với hư không. Không chứa trong lãnh vực các căn, siêu vượt khỏi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm. Không ở trong ba cõi, vốn lìa khỏi ba nhiễm ô tham sân si, hằng thuận với ba môn giải thoát. Đầy đủ ba minh, cùng với vô minh bình đẳng. Không một không khác, không đây, không kia. Chẳng phải tướng, chẳng phải giữ tưóng. Không bờ này, không bờ kia, không giữa dòng, mà giáo hóa chúng sanh. Xem thấy tịch diệt mà chẳng vĩnh viễn diệt mất. Không đây, không kia, không nương đây, không nương kia. Không phải chỗ lấy trí mà biết, không phải chỗ lấy thức phân biệt được. Không tối, không sáng. Không danh, không tướng. Không mạnh, không yếu. Chẳng sạch, chẳng dơ. Không ở nơi chốn, không lìa nơi chốn. Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi.

“Không chỉ, không nói. Không bố thí, không keo kiệt. Không giới, không phạm. Không nhẫn, không sân. Không tinh tấn, không biếng lười. Không định, không loạn. Không trí, không ngu. Không thật, không dối. Không đến, không đi. Không ra, không vào. Tất cả con đường ngôn ngữ dứt. Chẳng phải phước điền, chẳng phải không phước điền. Chẳng phải đáng cúng dường, chẳng phải không đáng cúng dường. Chẳng lấy, chẳng bỏ. Chẳng có tướng, chẳng vô tướng. Đồng với chân tế, bình đẳng với pháp tánh. Không thể cân, không thể lường, vượt quá mọi cân lường. Chẳng lớn, chẳng nhỏ. Chẳng phải thấy, chẳng phải nghe, chẳng phải hay, chẳng phải biết. Không có kết buộc nào. Đồng với các trí, bình đẳng với chúng sanh. Nơi các pháp không có phân biệt. Hoàn toàn không mất, không trược, không não, không tạo tác, không khởi, không sanh, không diệt, không sợ, không lo, không mừng, không chán. Không đã có, không sẽ có, không đang có. Không thể lấy mọi thứ ngôn ngữ để phân biệt bày tỏ.

“Thưa Thế Tôn, thân Như Lai là như thế và được xem thấy như thế. Xem thấy như vậy tức là thấy thật. Nếu xem thấy khác đi, gọi là thấy sai.”

Lúc ấy tôn giả Xá Lợi Phất hỏi trưởng giả Duy Ma Cật rằng: “Ngài chết ở đâu mà sanh đến đây?”

Trưởng giả Duy Ma Cật nói: “Có cái gì trong các pháp mà trưởng lão thấy có chết có sanh chăng?”

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Không có cái gì chết hay sanh.”

- Nếu các pháp không có tướng chết tướng sanh, thì sao lại hỏi: “Ngài chết ở đâu mà sanh đến đây?” Ý ngài thế nào, thí như nhà ảo thuật biến hóa ra nam nữ, các nam nữ biến hóa này có chết có sanh không?

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Không có chết không có sanh.”

- Tôn giả chẳng nghe Phật nói các pháp đều là tướng như huyễn sao?

- Có như vậy.

- Nếu các pháp là tướng như huyễn, thì sao lại hỏi: “Ngài chết ở đâu mà sanh đến đây?” Thưa tôn giả Xá Lợi Phất, chết là tướng hư hoại hư dối; sanh là tướng tương tục hư dối. Bồ tát tuy chết mà không chấm dứt gốc thiện; tuy Sanh mà không nuôi lớn các ác.

Bấy giờ Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất: “Có cõi nước tên là Diệu Hỷ, Phật hiệu là Vô Động. Vị Duy Ma Cật này mất ở thế giới ấy mà sanh đến thế giới này.”

Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Thật là chưa từng có. Bạch Thế Tôn, vị này có thể bỏ cõi thanh tịnh mà thích đến một cõi nhiều khuyết điểm tai hại như cõi Ta Bà này!”

Ngài Duy Ma Cật nói với tôn giả Xá Lợi Phất: “Ý ngài thế nào? Khi ánh sáng mặt trời xuất hiện thì có hiệp với bóng tối không?”

- Không. Ánh sáng mặt trời xuất hiện thì không có bóng tối.

Ngài Duy Ma Cật nói: “Mặt trời vì sao đi nơi cõi Diêm Phù Đề?”

- Vì muốn đem ánh sáng soi chiếu để trừ bóng tối.

Ngài Duy Ma Cật nói: “Bồ tát cũng như vậy. Tuy sanh nơi thế giới chẳng thanh tịnh là để giáo hóa chúng sanh, chứ không phải hiệp cùng sự tối tăm. Chỉ cốt diệt trừ sự tối tăm của phiền não cho chúng sanh mà thôi.”

Lúc ấy đại chúng khát ngưỡng muôn thấy thế giới Diệu Hỷ, đức Vô Động Như Lai và các hàng Bồ tát, Thanh Văn của thế giới kia. Phật biết ý nghĩ của tất cả chúng hội, nói với ngài Duy Ma Cật rằng: “Thiện nam tử, hãy hiển lộ cõi nước Diệu Hỷ, đức Vô Động Như Lai và các Bồ tát, Thanh Văn cho chúng hội này, ai cũng đều muốn được thấy.”

Khi ấy trưởng giả Duy Ma Cật nghĩ rằng, “Không rời khỏi chỗ ngồi, ta sẽ tiếp lấy cõi nước Diệu Hỷ và tất cả những gì nó chứa đựng: núi Thiết Vi, núi sông, khe hang, sông ngòi, biển cả, nguồn suối, núi Tu Di cùng nhật nguyệt, tinh tú, thiên long, quỷ thần, cung điện Phạm thiên v.v... và các hàng Bồ tát, Thanh Văn, thành thị thôn xóm, nam nữ, lớn nhỏ, cho đến Như Lai Vô Động cùng cây Bồ đề, các hoa sen kỳ diệu có thể làm Phật sự trong mười phương, ba đường thềm nạm ngọc từ Diêm Phù Đề đến Trời Đao Lợi, do thềm báu này chư thiên đi xuống lễ bái Như Lai Vô Động, nghe và lãnh thọ kinh pháp. Người ở Diêm Phù Đề cũng dùng thềm báu đó đi lên đến Đao Lợi để thăm viếng chư thiên kia. Thế giới Diệu Hỷ thành tựu vô lượng công đức như vậy. Như cái vòng của người thợ gốm trên đến trời Sắc Cứu Cánh, dưới đến tầng nước, ta hãy dùng tay phải ngắt lấy đem vào thế giới này như một tràng hoa mà hiển bày cho tất cả đại chúng.”

Nghĩ như vậy rồi, trưởng giả Duy Ma Cật nhập chánh định, hiện thần thông lực, dùng tay phải ngắt lấy thế giới Diệu Hỷ để vào cõi Ta Bà này. Những vị đắc thần thông trong thế giới Diệu Hỷ, các Bồ tát và Thanh Văn cùng các trời người đều cất tiếng nói: “Dạ thưa Thế Tôn, có ai lấy chúng con đem đi, xin ngài cứu hộ cho.” Phật Vô Động nói rằng: “Không phải ta làm, đó là thần lực của Bồ tát Duy Ma Cật.” Những người chưa được thần thông thì không hay biết mình đi đâu. Thế giới Diệu Hỷ tuy nhập vào cõi này mà cõi này không tăng không giảm, nó cũng không bị ép lại, cả hai cõi vẫn y nguyên như cũ.

Bấy giờ, Phật Thích Ca Mâu Ni bảo với cả đại chúng: “Các người hãy nhìn xem sự rực rỡ quang minh của thế giới Diệu Hỷ và Như Lai Vô Động, cõi nước ấy trang nghiêm đẹp đẽ, chúng Bồ tát, Thanh Văn thanh tịnh.” Đại chúng đều nói: “Dạ chúng con đã thấy.” Phật dạy: “Nếu Bồ tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như thế phải tu học mọi thực hành của Như Lai Vô Động.”

Khi cõi nước Diệu Hỷ hiện ra, ở thế giới Ta Bà này có một trăm bốn mươi ngàn người phát tâm Vô thượng Bồ đề, cùng nguyện sanh trong cõi Phật Diệu Hỷ.

Phật Thích Ca Mâu Ni liền thọ ký rằng các người này sẽ sanh qua cõi nước ấy. Khi thế giới Diệu Hỷ đã làm những sự lợi lạc thích đáng ở cõi nước này rồi, thì trở lại chỗ cũ. Đại chúng đều thấy rõ như vậy. Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất: “Tôn giả có thấy thế giới Diệu Hỷ và Phật Vô Động không?”

Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời: “Dạ có, con đã thấy. Nguyện cho tất cả chúng sanh được sống trong một cõi thanh tịnh như Phật Vô Động, đều được thần thông lực như ngài Duy Ma Cật. Thưa Thế Tôn, chúng con được rất nhiều lợi lạc khi đã thấy một người như ngài để thân cận cúng dường. Chúng sanh nào hoặc bây giờ, hoặc sau khi Phật diệt độ, nghe được kinh pháp này cũng được lợi lạc tốt đẹp, huống gì là nghe rồi tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, giảng giải, như Pháp mà tu hành. Nếu có người thấu hiểu được kinh điển này bèn là đã được kho tàng pháp bảo. Những người nào nghiên cứu đúng đắn giáo pháp này sẽ trở thành người đồng hành của Như Lai. Những người nào đọc tụng, giải thích ý nghĩa của kinh, như kinh nói mà tu hành, thì được chư Phật hộ niệm. Những người nào thích thú trong giáo pháp này sẽ ôm trùm tất cả công đức. Ai cúng dường người như vậy phải biết thế là cúng dường Phật. Những người biên chép giữ gìn kinh này thì phải biết là nhà họ có Phật. Nếu nghe kinh này mà có thể tùy hỷ, người ấy sẽ đến Nhất Thiết Trí. Nếu có thể tin hiểu kinh này, dầu chỉ là bốn câu kệ rồi giải nói cho người khác nghe, thì phải biết người ấy được thọ ký Phật quả.”

Bài viết liên quan