TĨNH TẠI GIỮA ĐỜI - ĐỂ KÉN THÀNH BƯỚM - JOAN Z. BORYSENKO - GORDON F. DVEIRIN

Khi còn bé, cha tôi thường mang về nhà những ống hình tròn nhỏ được kết bằng những cọng rơm đủ màu sắc. Tôi hay táy máy thọc ngón tay vào thân ống rồi bị kẹt tay trong đó. Tôi càng rút mạnh, cái  bẫy đơn giản ấy càng siết chặt. Cha tôi thật sâu sắc, ông đã dùng mónđồ chơi đơn giản này để dạy cho tôi một bài học căn bản: bất cứ khi nào tôi cảm thấy mình bị bế tắc,...
TĨNH TẠI GIỮA ĐỜI - ĐỂ KÉN THÀNH BƯỚM - JOAN Z. BORYSENKO - GORDON F. DVEIRIN

TĨNH TẠI GIỮA ĐỜI

ĐỂ KÉN THÀNH BƯỚM

JOAN Z. BORYSENKO - GORDON F. DVEIRIN

-----o0o-----

Đối diện với cái chưa biết là điều đáng sợ đến nỗi hầu hết chúng ta sẽ tìm mọi cách vượt qua để cảm thấy an toàn. Chẳng hạn: sau một mất mát gây nên tổn thương tinh thần, đa số người chọn cách lao vào công việc bận rộn nhằm tạo ra khuôn khổ ổn định để bám víu vào; nhất là mỗi khi cảm thấy mình như đang rơi vào tình trạng cực kì hỗn loạn của dòng nước xoáy.

Nhưng làm ra vẻ bận rộn như thế chẳng khác nào bạn đang tự nhốt mình. Đó là sự bấu víu vào lối suy nghĩ và hành động xưa cũ, ngăn chặn cơ hội để bạn có được cái nhìn mới. Khi điều đó xảy ra, bạn nhận thấy mình luẩn quẩn làm hết việc này đến việc khác mà vẫn không đạt được kết quả nào đáng kể. Điều khôn ngoan trong thời kì trung chuyển này là làm điều hoàn toàn ngược lại: bạn đừng làm gì cả. Cứ nghỉ ngơi và chờ đợi cho đến khi bạn tìm được ý nghĩa của các mối liên hệ.

Điều này được tôi nhận thấy rõ trong trải nghiệm của chính mình. Một hôm, tôi ngồi ở một chiếc bàn dưới bếp cùng anh Gordon, cố ép mình nghĩ ra chủ đề tiếp theo cho quyển sách này. Hầu như không còn ý tưởng và cảm hứng, tôi cảm thấy hoang mang và mong có phép thần thông để thay đổi ngay lập tức tình cảnh nan giải này.

Sự thôi thúc phải viết để có thể hoàn thành quyển sách đúng dự kiến cùng với khao khát đạt được thành tựu đã tóm chặt tôi, làm tôi rơi vào trạng thái chơi vơi. Tôi sợ mình trễ hạn hoàn thành quyển sách, sợ cảm hứng nghệ thuật của mình rơi rụng, sợ làm tổn thương cuộc hôn nhân của chúng tôi khi quyển sách cả hai cùng viết này thất bại. Tôi rơi vào tình trạng sống vật vờ để tồn tại và bắt đầu tự phòng vệ. Lúc đó, tôi hoàn toàn cho rằng tất cả tình cảnh không lối thoát này là do lỗi của anh Gordon. Anh hy vọng có được phong cách viết tinh tế và đầy triết lý, còn tôi mong muốn đây là một quyển sách đơn giản, thực tế và là nguồn an ủi, giải khuây cho mọi người. Đến tận lúc ấy, cả hai chúng tôi chưa ai đạt được mục tiêu của mình, và tôi thoái lui bằng những giọt nước mắt và lời hờn trách.

Tôi muốn trở lại máy vi tính và bắt đầu viết ngay lập tức, dù anh Gordon đã chỉ rõ rằng trước tiên chúng tôi cần phải "lùi lại và giữ khoảng cách", nếu không muốn đi lệch lộ trình đã định. Tôi cảm thấy tuyệt vọng và tự trấn tĩnh bằng cách làm một điều gì đó, ngay cả khi tôi biết rõ rằng kết quả là không khả quan.

Anh Gordon giúp tôi những việc mà tôi không thể tự làm cho mình, mặc dù tôi biết những điều đó là cần thiết. Anh hỏi điều gì sẽ giúp ích cho tôi: Một cuộc dạo chơi? Tắm nước nóng? Một quyển sách hay? Nhưng như một đứa trẻ hờn giận, tôi giãy nảy và giẫm đạp lên mọi đề nghị của anh. Anh vẫn giữ bình tĩnh và luôn bên cạnh tôi trong suốt những lần tôi nổi cơn giận dữ, lớn tiếng đả kích. Anh đã giữ cho tôi những điều tôi không thể giữ cho bản thân mình. Được ôm ấp, vuốt ve bằng sự trìu mến của anh, mọi lo lắng trong tôi dần dần lắng dịu. Tôi nhận ra rằng, yếu tố quan trọng cần thiết trong thời kì trung chuyển không chỉ cần một lời khuyên là đủ để đứng vững, mà nó còn phải được thể nghiệm qua những hình mẫu gần gũi, quen thuộc và rơi đúng vào trạng thái thích hợp.

Một khổ thơ trong Đạo đức kinh của Trung Hoa từ xưa đã đặt ra câu hỏi thú vị:

Bạn có kiên nhẫn để đợi chờ

Cho dòng nước đục hóa xanh thơ

Giữ hồn thanh thản không xao động

Để nguồn năng lực tự sinh ra?

Chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi một cách thành tâm để nước từ từ lắng đọng và trong trẻo trở lại. Nhưng căng thẳng là kẻ phá hoại tài tình, luôn khuấy động để tạo nên mọi rắc rối hết lần này đến lần khác. Càng cảm thấy căng thẳng, tôi càng ít có khả năng để buông bỏ và để cho làn nước lắng đọng. Tôi rơi vào trạng thái tâm lí của Tôn Ngộ Không bị nhốt dưới Ngũ Hành Sơn, càng vẫy vùng thì càng bị đè chặt hơn.

Khi còn bé, cha tôi thường mang về nhà những ống hình tròn nhỏ được kết bằng những cọng rơm đủ màu sắc. Tôi hay táy máy thọc ngón tay vào thân ống rồi bị kẹt tay trong đó. Tôi càng rút mạnh, cái  bẫy đơn giản ấy càng siết chặt. Cha tôi thật sâu sắc, ông đã dùng mónđồ chơi đơn giản này để dạy cho tôi một bài học căn bản: bất cứ khi nào tôi cảm thấy mình bị bế tắc, điều tốt nhất là cứ buông bỏ. Và đúng vậy, khi tôi thôi gắng sức và thả lỏng các ngón tay, tôi đã được tự do.

SUY NGẪM

Những trở ngại nào ngăn cản bạn nghỉ ngơi và buông bỏ? Những gì bạn có thể làm được hay không làm được để đem đến cho tâm hồn mình sự thanh tịnh?

-----o0o-----

Trích “Để Kén Thành Bướm”

Tác giả: Joan Z. Borysenko - Gordon F. Dveirin

Người dịch: First News

NXB Tổng hợp TP.HCM

Bài viết liên quan