Trung Ấm Giấc Mộng - NHỮNG GIÁO LÝ  PHOWA VÀ BARDO - H.E. GARCHEN RINPOCHE

Trung ấm Giấc mộng là khoảng thời gian giữa giấc ngủ và tỉnh thức. Trong khi ngủ, chúng ta trải qua các giai đoạn ngủ sâu và mộng. Trước hết khi chúng ta chìm vào giấc ngủ chúng ta có một giấc mộng. Những dấu ấn khác nhau được lưu trữ trong bề mặt tâm từ đời này và những đời quá khứ. Vì vậy, những giấc mộng là những phóng chiếu của tâm chúng ta. Những dấu ấn này như hạt...
Trung Ấm Giấc Mộng - NHỮNG GIÁO LÝ  PHOWA VÀ BARDO - H.E. GARCHEN RINPOCHE

Kệ thứ hai

TRUNG ẤM GIẤC MỘNG

NHỮNG GIÁO LÝ  PHOWA VÀ BARDO

NHỮNG GIÁO HUẤN HƯỚNG DẪN CỦA

H.E. GARCHEN RINPOCHE

---*---

Bây giờ khi trung ấm giấc mộng hiện lên cho tôi,

Tôi sẽ bỏ giấc ngủ như một xác chết của vô minh buông thả,

Và để cho những tư tưởng của tôi đi vào trạng thái tự nhiên của chúng mà không xao lãng,

Kiểm soát và chuyển hóa những giấc mộng vào quang minh,

Tôi sẽ không ngủ như loài thú vật,

Mà hợp nhất trọn vẹn giấc ngủ và thực hành.

 

Trung ấm Giấc mộng là khoảng thời gian giữa giấc ngủ và tỉnh thức. Trong khi ngủ, chúng ta trải qua các giai đoạn ngủ sâu và mộng. Trước hết khi chúng ta chìm vào giấc ngủ chúng ta có một giấc mộng. Những dấu ấn khác nhau được lưu trữ trong bề mặt tâm từ đời này và những đời quá khứ. Vì vậy, những giấc mộng là những phóng chiếu của tâm chúng ta. Những dấu ấn này như hạt giống hoa, được gieo sâu trong tâm. Tất cả những hiện tướng là những phóng chiếu về những cảm xúc phiền não của chúng ta. Ví dụ, nếu sự chấp ngã rất mạnh mẽ, thì sợ hãi sẽ được phóng chiếu. Nếu cơn giận rất mạnh mẽ, thì các cõi địa ngục hoặc các tình huống nguy hiểm có thể được phóng chiếu. Nếu tình yêu thương rất mạnh mẽ, thì những phóng chiếu vui vẻ sẽ xuất hiện. Nếu người ta đã trưởng dưỡng Bồ đề tâm, các cõi Tịnh độ sẽ xuất hiện. Trong trạng thái mộng những dấu ấn trên bề mặt tâm và được phóng chiếu, do đó những giấc mộng chỉ là những phóng chiếu của tâm người ta.

Theo những giáo lý Mật Thừa, chúng ta không nên thụ động khi chúng ta đang trong trạng thái mộng: “Bây giờ khi trung ấm giấc mộng hiện lên cho tôi, tôi sẽ bỏ giấc ngủ như một xác chết của vô minh buông thả.” Vô minh là gốc rễ của năm cảm xúc phiền não. Sai lầm của vô minh là gì? Đó là chúng ta không thấy bản tánh chân thật, nền tảng duy nhất của chúng ta. Khi vô minh được tịnh hóa, nó trở thành trí huệ Pháp giới. Khi bạn quan sát với tỉnh giác sắc bén, tâm trở nên giống như không gian; bạn sẽ biết chính mình. Đây được gọi là tánh giác sáng tỏ tự biết vốn sẵn. Sai lầm của vô minh là người ta không hoàn toàn tin tưởng vào nghiệp. Người ta chỉ quan tâm đến đời sống này, với việc bảo vệ thân thể khỏi nóng, lạnh và nhiều loại đau khổ khác nhau, và không thật sự biết những hành động nào nên áp dụng và những hành động nào nên từ bỏ. Chúng ta chỉ quan tâm đến những hoạt động của mình trong ngày, và chúng ta muốn hoàn thành nhiều việc. Vào ban đêm, chúng ta phải ngủ. Chúng ta nghĩ rằng nếu chúng ta không ngủ đủ giấc, chúng ta có thể mất trí nhớ của chúng ta, vì vậy chúng ta dứt khoát phải ngủ vào ban đêm. Khi chúng ta ngủ, thân thể chúng ta thực sự giống như những xác chết. Nếu nghiệp của thân này đã hết, chúng ta sẽ không thức dậy vào buổi sáng nữa. Nếu nghiệp chưa hết, chúng ta lại thức dậy vào buổi sáng. Ngài Milarepa đã nói, “Khi bạn đặt một giới hạn cho thời gian ngủ của bạn, giấc ngủ của bạn sẽ trở nên tinh tế và rõ ràng hơn.” Vì vậy, chúng ta nên đặt một thời gian, một giới hạn, chúng ta nên ngủ điều độ, chỉ mức cần thiết và không nhiều hơn thế. Ít nhất chúng ta nên cam kết ngủ không quá 6 tiếng trong một đêm. Tất nhiên, điều đó có thể khó khăn bởi vì đây là một đất nước với những phong tục tập quán khác biệt và mọi người đang làm việc chăm chỉ cả ngày. Đối với họ rất khó để ngủ chỉ vài giờ. Hơn thế nữa, chúng ta không nên ăn quá nhiều vào buổi tối. Chúng ta nên ăn ít nhất ba lần một ngày; nếu không, chúng ta sẽ ăn nhiều vào buổi tối vì chúng ta không có thời gian để ăn suốt ngày. Điều này không hiệu quả nếu người ta có một lối sống bận rộn. Nhưng nếu bạn có cơ hội để làm, chẳng hạn trong một khóa tu kéo dài một tuần hoặc một tháng, bạn nên làm như vậy. Đức Phật nói rằng chúng ta không nên ăn gì vào buổi tối. Có rất nhiều lợi ích khi thực hiện lời nguyện không ăn sau buổi trưa. Lợi ích của giấc ngủ của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, và sẽ được dễ dàng hơn cho bạn để hạn chế giấc ngủ của bạn. Nếu có thể hãy ăn ít hơn vào buổi tối; điều này sẽ có lợi cho việc thực hành của bạn. Đây không phải là cái gì đó bạn có thể làm tất cả một cách đột ngột. Bạn nên tập thói quen này trong khoảng thời gian dài. Đây là một phương pháp để từ bỏ sự vô minh của giấc ngủ. Trong khi thực hành nhập thất, thay vì nằm xuống, chúng ta được chỉ dẫn để ngủ trong khi ngồi xếp bằng. Để hỗ trợ một số người sử dụng một cây gậy mà họ đặt dưới cằm để đầu họ ngẩng lên. Những người nhập thất thường không nằm xuống vào ban đêm. Một khi điều đó đã thành quen thuộc, người ta sẽ không cần gậy nữa và sẽ tiếp tục ngồi ở tư thế này một cách tự nhiên. Khả năng này cũng liên quan đến thức ăn bạn ăn vào buổi tối. Nếu bạn ăn quá no, những phương pháp này sẽ không mang lại nhiều lợi ích, vì giấc ngủ sẽ quá nặng nề. Cá nhân tôi đã thực hành phương pháp này trong 10 năm. Tôi không bao giờ nằm mà ngồi thẳng cả đêm, đôi khi hơi ngã ra sau. Nhưng khi tôi ăn nhiều thức ăn hơn vào buổi tối, ngay lập tức giấc ngủ trở nên mạnh hơn và cằm tôi gục xuống. Tôi không còn có thể ngồi thẳng hoàn toàn.

Quan trọng nhất chúng ta phải tập cho mình thói quen thức dậy với tinh thần minh mẫn vào buổi sáng. Thời điểm bạn thức dậy ngay lập tức an trụ tâm của bạn ở trạng thái tự nhiên với tỉnh giác sáng tỏ. Trước khi bạn đi ngủ vào buổi tối, tránh đi theo các tư tưởng trong ba lần, duy trì chánh niệm sáng tỏ, và nghĩ, “không có cách nào tránh khỏi chết. Tôi sẽ chết. Và trước khi chết, tôi phải tịnh hóa tâm mình.” Nhớ lại cái chết và sự vô thường và sau đó chìm vào giấc ngủ không có bất kỳ khái niệm nào, duy trì chánh niệm.

Vô minh buông thả là một trạng thái của thiếu chánh niệm. Đây là hình thức sâu xa nhất của vô minh. Nó nặng đục và không biết gì cả. Trên thực tế, khi chúng ta chìm vào giấc ngủ sâu, chúng ta trải nghiệm một hình thức vi tế của cái chết. Do đó, nó được gọi là “giấc ngủ giống như xác chết”. Đây là vô thức: chúng ta chìm vào giấc ngủ, thức dậy và chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã ngủ ngon, điều đó là tốt và sau đó chúng ta không nghĩ đến nó nữa. Thật ra đây là vô minh, một trạng thái của tâm cần phải từ bỏ. Nếu tâm của bạn vẫn minh mẫn suốt cả ngày, cuối cùng bạn sẽ nhận biết những tư tưởng khởi sanh trong tâm, và khi bạn nhận biết chúng, bạn có thể giải thoát chúng. Khi bạn tự làm quen với tỉnh giác này, bạn cũng sẽ vẫn tỉnh táo trong trạng thái mộng. Sau đó, bạn có thể có tỉnh giác trong giấc mộng của bạn, và có thể nhận biết trạng thái giấc mộng. Khi bạn gặp ác mộng, khi bạn trải qua nỗi sợ hãi dữ dội trong những giấc mộng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra giấc mộng hơn. Khi điều đó được hoàn thành, sẽ đến lúc chánh niệm xuất hiện như một quang minh vi tế. Sau khi nhận biết trạng thái mộng, chúng ta có thể biến đổi thức của chúng ta trong giấc mộng, chẳng hạn, trở thành một con chim bay đến các cõi Tịnh độ khác nhau. Thức có thể đi bất cứ nơi nào. Trong khi quán đảnh, chúng ta quán tưởng hạt giống âm tiết HUNG (chữ Tạng: HUM). Khi bạn thiền định về HUNG một cách nhất tâm, thức của bạn trở thành HUNG, và HUNG có thể du hành bất kỳ đâu trong vũ trụ. Nếu bạn rảnh rỗi để thực hiện một cuộc nhập thất kéo dài hàng tuần, trước tiên bạn nên thiền định về sự khó khăn trong việc đạt được những tự do và những may mắn của đời người quý báu này; rồi tư duy về cái chết và sự vô thường; sau đó chỉ thiền định về shamatha (định, chỉ). Nếu bạn đã đạt được vững vàng nào đó trong shamatha sau khi thiền định trong một tuần, hãy cố gắng mang kinh nghiệm này vào những hoạt động hàng ngày của bạn. Buổi tối trước khi ngủ, chỉ nên ăn một ít thức ăn. Ăn sáng và trưa, nhưng không ăn tối. Sau đó từ từ nằm nghiêng sang bên phải và cố gắng thức dậy nhiều lần. Bấy giờ hãy nhận biết trạng thái mộng. Thời điểm bạn bắt đầu mộng, bạn sẽ nhận ra đó là một giấc mộng. Liên tục tu tập trong việc nhận biết trạng thái mộng, cho đến khi cuối cùng bạn có thể nhận biết nó. Khi giấc mộng tan biến, bạn sẽ vào một trạng thái giấc ngủ sâu. Đây là điều bạn nên làm khi nhập thất. Nếu bạn thường xuyên tham gia vào các hoạt động trong sanh tử và phải đi làm cả ngày, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, và nếu bạn ăn tối vào lúc nửa đêm và sau đó nằm xuống, bạn chắc chắn sẽ không thể nhận ra trạng thái mộng. Để tu tập trong Yoga Giấc Mộng, bạn phải nhập thất trong một tuần hoặc một tháng.

Trong quá trình tan rã vào lúc chết, những kinh nghiệm về những thị kiến màu trắng và đỏ sẽ xuất hiện. Đầu tiên màu trắng xuất hiện như ánh trăng, sau đó màu đỏ xuất hiện như tia nắng mặt trời. Những điều này gây ra nỗi sợ hãi nhất thời. Khi những ý tưởng dừng lại, nỗi sợ hãi khởi sanh do sự chấp ngã. Khi nỗi sợ hãi khởi sanh, những ai thiếu thực hành sẽ rơi vào không ý thức. Một hành giả sẽ ở trong trạng thái sáng suốt của tánh giác. Nếu bạn duy trì chánh niệm suốt cả ngày, chánh niệm cuối cùng sẽ vẫn duy trì ngay cả trong trạng thái ngủ sâu. Sau đó, không có gì khác ngoài một sự hiện diện sống động rõ ràng mà không có sự nắm bắt dù chỉ là nhỏ nhất vào những tư tưởng, giống như một ngọn đèn sáng. Sau đó bạn sẽ nhận ra tịnh quang (tiếng Tạng: osel) của giấc ngủ sâu. Nếu bạn có thể nhận biết điều này, bạn sẽ đạt được giác ngộ trong đời này. Khi bạn chết, bạn sẽ đạt được giác ngộ trong trung ấm đầu tiên; Trung ấm Trở thành sẽ không xuất hiện với bạn. Đây được gọi là tịnh quang Pháp thân của cái chết. Nếu bạn nhận biết tịnh quang của giấc ngủ sâu, cái này là Phật. Đầu tiên sắc trắng sẽ xuất hiện. Giọt (bindu) trắng có từ cha và đi xuống từ đỉnh đầu, và giọt đỏ thu được từ mẹ đi lên. Khi hai giọt này gặp nhau tại tim, nó giống như phúc lạc (bliss) của sự kết hợp tình dục. Khi chúng ta trải nghiệm phúc lạc của sự kết hợp tình dục, mọi tư tưởng đều dừng lại. Đó là phúc lạc. Sau khi những giọt màu đỏ và trắng đã hợp nhất, màu đen sẽ xuất hiện. Đối với những hành giả mạnh mẽ, màu đen sẽ chuyển thành tịnh quang.

Yoga Giấc Mộng được dạy trong Sáu Pháp của ngài Naropa, và có liên quan đến Yoga Thân Huyễn (tiếng Tạng: gyulu). Ý nghĩa của “thân huyễn” là gì? Thân thể, giống như một ảo ảnh, không hiện hữu trong thực tại. Nó xuất hiện tuy nhiên là vô tự tánh; Nó được tạo ra bởi tâm, và tâm như không gian. Nếu bạn biết điều này, thì mặc dù những hiện tượng vẫn xuất hiện, bạn sẽ không tin vào sự hiện hữu thật sự của chúng. Những sự vật sẽ không biến mất, bạn sẽ nhìn thấy chúng nhưng chúng không ảnh hưởng đến bạn trong bất kỳ cách nào.

Có nhiều mức độ hòa tan khi chìm vào giấc ngủ. Khi chúng ta tu tập trong tỉnh giác, đầu tiên chúng ta bắt đầu nhận biết trạng thái mộng. Sau đó, dần dần, chúng ta cũng sẽ duy trì tỉnh giác trong trạng thái ngủ sâu. Nhưng ban đầu, để đạt được điều này, chúng ta phải tập thói quen không xao lãng tập trung vào chánh niệm mọi lúc. Chúng ta không thể nhận biết trạng thái mộng bởi vì chúng ta không duy trì chánh niệm suốt cả ngày với sự tinh tấn. Nếu chúng ta không nhận biết sự chấp ngã, nếu chúng ta thiếu chánh niệm, thì sự chấp ngã sẽ tiếp tục tích tụ như những bông tuyết rơi xuống. Ví dụ, chúng ta luôn nghĩ về bản thân, “đây là tách trà của tôi” hoặc “đây là chỗ ngồi của tôi”. Nếu bạn chánh niệm, cho dù bạn nghĩ rằng chiếc cốc này là của bạn, bạn sẽ không bám giữ nó như là thật. Bạn sẽ chỉ xem nó như một tiện ích tạm thời.

Khi tôi còn là một cậu bé, tôi đã từng gặp ác mộng. Trong thời gian đó, những con đường ở Tây Tạng còn sơ khai, và tôi luôn luôn cưỡi ngựa đi trên những con đường này. Điều đó đã mang vào những giấc mộng của tôi. Tôi nằm mộng thấy mình cưỡi ngựa đi trên con đường xấu này, và sau đó trong giấc mộng, con đường ngày càng hẹp, và con ngựa đang tiến đến một vực thẳm. Tôi sợ chúng tôi sẽ rơi khỏi vách đá. Tôi đã nhờ một lạt ma xem cho tôi về những giấc mộng này, và ông ấy nói rằng những giấc mộng này là điềm xấu, điềm báo của những trở ngại trong đời sống của tôi, và ông ấy khuyên tôi nên làm những thực hành trường thọ. Tôi đã nói về điều đó với cha tôi, chia sẻ những giấc mộng của tôi với ông ấy, và ông ấy hỏi tôi rằng tôi có luôn có những giấc mộng như vậy không, và tôi nói, “Vâng, nó luôn xảy ra”. Sau đó, cha tôi trả lời, "khi con không nằm mộng và cưỡi ngựa của con, con có cảm thấy sợ hãi không?" Và tôi trả lời, "Con luôn cảm thấy sợ vì đường rất xấu." Sau đó, cha tôi đã nói, "Đây không phải là trở ngại cho đời sống của con. Nó chỉ là một dấu ấn trong tâm con”. Những dấu ấn này in sâu vào tâm chúng ta và chúng ta không nhận biết vì chúng ta đã gom góp chúng qua nhiều đời. Những dấu ấn này đi vào tâm chúng ta bởi vì chúng ta thiếu chánh niệm. Nó giống như chụp ảnh bằng máy ảnh. Khi bạn trải qua nỗi sợ hãi, nó giống như chụp một bức ảnh và dấu ấn đó được lưu lại trong dòng tâm liên tục. Sau đó, bất cứ khi nào có sự chấp ngã, dấu ấn này trở nên sống động trở lại. Khi có sự chấp ngã, không có chánh niệm. Khi có chánh niệm, dấu ấn không xuất hiện, bởi vì khi đó không có chấp ngã. Đó là cách chúng ta bắt đầu nhận biết trạng thái mộng. Đầu tiên chúng ta nhận biết rằng nó không có thật, mà chỉ là một dấu ấn trong tâm của chúng ta.

Do đó, câu kệ trung ấm giấc mộng mô tả cách lý tưởng để thực hành trong trung ấm giấc mộng. Dòng thứ tư khuyên bảo, chúng ta nên đặt cho mình mục tiêu “kiểm soát và chuyển hóa những giấc mộng vào quang minh.” Nếu bạn nhận biết trạng thái giấc mộng bạn cũng sẽ nhận biết những thị kiến trung ấm. Một khi bạn nhận biết trạng thái mộng, bạn có thể kiểm soát nó và biến đổi và phát ra như bất cứ điều gì bạn tưởng tượng. Ví dụ, bạn có thể hóa thành một con chim, hoặc bạn có thể đi đến những nơi khác nhau và đi đến các cõi Tịnh độ. Một khi bạn đã nhận biết trạng thái mộng, bạn có thể di chuyển theo ý chí. Đây là “chuyển đổi và kiểm soát” của trạng thái mộng, còn được gọi là “tu tập trong trạng thái mộng”. Ví dụ, Milarepa có thể biến thành những động vật, chẳng hạn như một con chim và bay đến những nơi khác nhau. Chúng ta nên tu hành quang minh theo cách này: Sau khi chìm vào giấc ngủ, đầu tiên bạn có một giấc mộng, sau đó giấc mộng biến mất, và bình thường chúng ta rơi vào không ý thức, mất hết tỉnh giác. Việc tu hành quang minh ở đây là duy trì tỉnh giác sáng tỏ trong khi chuyển từ giấc mộng sang trạng thái ngủ sâu. Loại quang minh này giống như một ngọn đèn bên trong một chiếc bình úp ngược, lấp đầy không gian bên trong chiếc bình. Nếu bạn có thể duy trì tỉnh giác, bạn có thể nhận ra tịnh quang của giấc ngủ sâu. Đối với việc thực hành thực sự Yoga Giấc Mộng, rất khó để người thường có thể tham gia đúng mức vào thực hành này vì để làm được như vậy, chúng ta phải đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau, điều khó khăn trong đời sống bận rộn của chúng ta. Nó đòi hỏi phải thực hành nhập thất trong nhiều năm, không ăn hoặc chỉ ăn rất nhẹ vào buổi tối, v.v… Có nhiều cách khác nhau để tập cho mình thói quen ngủ nhẹ và cố ý đánh thức bản thân nhiều lần trong đêm. Khi bạn học cách nhận biết trạng thái mộng, có một số loại nhận biết. Ví dụ, khi nỗi sợ hãi khởi sanh, bạn có thể nhận biết giấc mộng dễ dàng hơn. Đối với hầu hết mọi người, để nhận biết giấc mộng thì thực sự khá khó khăn, và thậm chí còn khó khăn hơn để nhận biết trạng thái ngủ sâu. Chúng ta có thể kinh nghiệm những thời điểm tỉnh giác trong những giấc mộng của chúng ta, nhưng khá khó khăn để nhận biết tịnh quang của trạng thái ngủ sâu. Tuy nhiên, Ngài Khenpo Munsel Rinpoche đã dạy một phương pháp mà ai cũng có thể dễ dàng thực hành: Đầu tiên bạn phải chánh niệm suốt cả ngày. Sau đó, bạn nên chìm vào giấc ngủ với chánh niệm. Về điều này, Niệm Kim Cương OM AH HUNG rất hữu ích. Sau đó bạn ngủ, và thời điểm bạn thức dậy vào buổi sáng, tốt nhất là bạn sẽ ngay lập tức an trụ trong tánh giác mà không có bất kỳ tư tưởng nào khởi sanh. Hoặc, nếu một tư tưởng khởi sanh, nó nên là thiện hạnh. Ví dụ, bạn có thể trì tụng thần chú Mani vì bấy giờ không có những ý tưởng bình thường khởi sanh.

Tinh túy của thực hành Niệm Kim Cương OM AH HUNG như sau. Bạn nên quán tưởng một ngọn lửa cháy tại rốn và nghĩ rằng nó luôn luôn ở đó. Sau đó hít vào và nghĩ OM (không nói “OM” cũng không quán tưởng OM, chỉ nghĩ OM). Sau đó, nghĩ AH, và những khí hợp lại tại rốn. Hãy nghĩ HUNG khi bạn thở ra. Một khi bạn đã có thói quen đó, bạn chỉ cần nghĩ đến HUNG, tại rốn bên trong một ngọn lửa cháy. Khi điều đó trở nên ổn định, hơi ấm sẽ xuất hiện ở vùng rốn.

Hoặc bạn có thể thực hành Bồ đề tâm tương đối, tình yêu thương và lòng bi mẫn. Tốt nhất là bạn duy trì chánh niệm suốt cả ngày và chìm vào giấc ngủ với chánh niệm. Khi thức dậy vào buổi sáng, bạn thức dậy với tánh giác sáng tỏ, không có bất kỳ tư tưởng thông thường nào. Ngài Khenpo Munsel Rinpoche đã nói rằng điều này tương tự như việc nhận biết tịnh quang của trạng thái mộng. Đối với các thực hành Yoga Giấc Mộng và Tịnh Quang thông thường, có rất nhiều phương pháp khác nhau rất khó thực hành và chúng ta thiếu điều kiện để thực hiện các thực hành này do đời sống bận rộn của chúng ta. Nhưng hướng dẫn OM AH HUNG của ngài Khenpo Munsel không quá khó và bất kỳ ai cũng có thể làm được.

Như chúng ta đã nói, rơi vào trạng thái ngủ sâu cũng giống như chết. Khi bạn chìm vào giấc ngủ sâu, sau khi tất cả những cảm xúc phiền não và những tư tưởng đã tan biến, bạn đi đến nền tảng của tâm, đến Phật tánh, trạng thái tự nhiên của tâm. Tốt nhất là khi thức tỉnh, bạn chứng ngộ cái thấy hoặc bản tánh của tâm. Ngay cả khi bạn chưa nhận biết được trạng thái ngủ sâu, nếu bạn có thể an trụ tâm mình trong trạng thái tự nhiên ngay lúc bạn thức, bạn sẽ không chuyển sang trung ấm tiếp theo sau khi chết, mà bạn sẽ đạt được giác ngộ trong Pháp thân. Nó giống như một dòng nước tinh khiết được giữ trong một cái bình. Người bình thường không nhận biết điều này. Thông thường, khi thức dậy sau giấc ngủ, đầu tiên chúng ta nghĩ đến “tôi”, chúng ta nghĩ, “tôi đã ngủ”, và vân vân, và một số người trong chúng ta thậm chí không thức dậy ngay lập tức. Phải mất một chút thời gian lăn qua lăn lại trước khi chúng ta thực sự có loại tỉnh giác nào đó. Một người nào đó thực hành Tịnh Quang nên tu tập khả năng nhận biết trạng thái tự nhiên ngay từ thời điểm thức tỉnh. Nếu bạn có thể an trụ trong trạng thái tâm trong sáng, tự nhiên khi thức tỉnh, đó là dấu hiệu cho thấy bạn sẽ đạt được giác ngộ trong trung ấm đầu tiên, trong Pháp thân. Do đó, bạn có thể đạt được giác ngộ trong trung ấm đầu tiên hay không, có thể biết được bằng cách xem việc bạn có thể an trụ tâm mình trong trạng thái tự nhiên, trong sáng ngay lúc bạn thức hay không.

Trong trung ấm sau khi chết, có ba cơ hội giải thoát và chúng ta có thể chuẩn bị cho những cơ hội này khi còn sống. Thứ nhất, có một cơ hội để được giải thoát trong Pháp thân, thứ hai trong Báo thân, và thứ ba trong Hóa thân. Bởi vì chìm vào giấc ngủ sâu tương tự như khi chết, bạn sẽ được giải thoát trong Pháp thân nếu bạn có thể an trụ trong trạng thái tự nhiên của tâm khi thức tỉnh, nhận biết tịnh quang của trạng thái ngủ sâu hoặc giấc mộng. Thứ hai, nếu bạn đã thực hành một Bổn tôn và có thể nhớ nó khi thức tỉnh mà không có bất kỳ tư tưởng nào khác khởi sanh trước, bạn sẽ có một cơ hội được giải thoát trong Báo thân. Thứ ba, nếu bạn đã trau dồi Bồ đề tâm, tình yêu thương và lòng bi mẫn, bạn sẽ có cơ hội được giải thoát trong Hóa thân.

Tôi sẽ không ngủ như loài thú vật, mà hợp nhất trọn vẹn giấc ngủ và thực hành.” Ngủ như một con vật là cách chúng ta thường ngủ, buông thả và thiếu chánh niệm. Chúng ta đi ngủ với niềm tin rằng giấc ngủ là một điều tốt. Để “hợp nhất giữa giấc ngủ và thực hành” là một xác nhận quan trọng. Trong yoga giấc mộng, có nhiều cách thực hành khác nhau, nhờ đó chúng ta có thể học cách chuyển hóa chính mình và phát sanh thành các Bổn tôn trong những giấc mộng của mình. Mặc dù những thực hành này khá khó khăn, nhưng có một điểm mà chúng ta chắc chắn có thể hiểu được, rằng không có sự khác biệt giữa giấc mộng và những tri giác trong trạng thái thức của chúng ta. Chư Phật thấy đời sống này như một giấc mộng, nhưng với một người bình thường thì điều này chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ hơn, những giấc mộng và những tri giác trong trạng thái thức thực sự giống nhau. Trong đời này, chúng ta lần đầu tiên được sanh ra từ các bà mẹ của chúng ta, và chúng ta sẽ sống bao lâu chúng ta còn nghiệp để sống. Khi nghiệp của đời này chấm dứt và chúng ta chết đi, thì cả cuộc đời này sẽ chỉ như một giấc mộng đêm qua. Sau khi chúng ta chết và tỉnh dậy trong trung ấm, không còn gì của đời sống này nữa, tất cả những gì xuất hiện của đời sống này đều trở thành một ký ức mờ nhạt, giống như giấc mộng đêm qua, giấc mộng của đời trước. Sau đó, chúng ta thức tỉnh trong một thực tại mới, trung ấm. Thức lang thang trong trung ấm biết được đời sống quá khứ và tương lai của nó, giống như ký ức của những giấc mộng. Vào thời điểm ấy, nó sẽ trải qua cảm giác sợ hãi và kinh hoàng tột độ; tất cả kinh nghiệm trong trung ấm đều được phóng đại. Trong những giấc mộng của chúng ta, chúng ta có một thân thể trong mộng, không khác gì thân thể như trong mộng mà chúng ta có trong trung ấm. Nếu bạn thực sự hiểu được điểm này, thì bạn sẽ hiểu tất cả những kinh nghiệm trong cuộc đời này đều mang bản chất của đau khổ. Mọi thứ đều tuân theo nguyên lý của nghiệp, nhân và quả. Nếu bạn hiểu điều này, bạn có thể trút bỏ những hy vọng và những sợ hãi. Bạn có thể chết không có sự bám luyến và ghét bỏ. Ngược lại, nếu bạn chết với những cảm xúc phiền não, những phiền não này sẽ được phóng chiếu như những thị kiến trung ấm. Cõi địa ngục là phóng chiếu của hận thù. Tham lam phóng chiếu ra kinh nghiệm của những linh hồn đói khát. Vì vậy, điều quan trọng là phải tịnh hóa tâm ngay bây giờ khi chúng ta còn sống, thông qua việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn và giảm bớt những tư tưởng bám luyến và ghét bỏ. Điểm quan trọng cần hiểu ở đây là về cơ bản không có sự khác biệt giữa những giấc mộng của chúng ta và những tri giác trong trạng thái thức. Đây là ý nghĩa của việc “hợp nhất giữa giấc ngủ và tánh giác”. Ngài Milarepa đã nói “nhận biết rằng không có sự khác biệt giữa những tri giác về ngày và đêm là sự hoàn hảo của thiền định.”

Trước đây, trong bối cảnh của Trung Ấm Đời Sống, chúng ta đã nói về việc “làm cho những phóng chiếu và tâm thành con đường.” Chúng ta nên nhận ra rằng những phóng chiếu này là những tri giác của chính tâm chúng ta.

Tương tự như vậy, những giấc mộng của chúng ta cũng chỉ là những phóng chiếu của tự tâm chúng ta. Ví dụ, khi một người đang ngủ, anh ta chỉ nằm đó bất động, trùm chăn kín mít, nhưng trong lúc đó tâm anh ta tạo ra toàn bộ vũ trụ và chúng sanh mà chúng ta không thể nhìn thấy. Chỉ anh ta mới có thể nhìn thấy giấc mộng của mình, đó là biểu hiện của những dấu ấn tâm thức của chính anh ta. Những tri giác của trạng thái thức để lại những dấu ấn trong tâm, sau đó biểu hiện thành những thị kiến của những giấc mộng của chúng ta. Nếu bạn nhận biết điều này ngay bây giờ, thì sau này khi những thị kiến trung ấm đáng sợ xuất hiện, bạn sẽ nhận biết rằng đó không là gì khác ngoài những phóng chiếu của tâm chính bạn. Nếu bạn biết điều này, bạn sẽ bớt sợ hãi. Trong cơn ác mộng, nếu bạn nhận biết rằng bạn chỉ đang mộng mặc dù bạn có thể không thể thức dậy, thì sẽ bớt sợ hãi hơn. Điều này là do bạn nhận biết rằng bạn chỉ đang mộng, nhưng bạn vẫn sẽ phải tiếp tục giấc mộng của mình cho đến khi nó kết thúc.

Nếu bạn không nhận biết trạng thái mộng, bạn phải làm gì? Hãy trau dồi Bồ đề tâm tương đối. Ví dụ, bạn có thể quay kinh luân hoặc niệm thần chú trên xâu chuỗi của mình vì lợi ích của chúng sanh vào ban ngày. Vào ban đêm, khi bạn đang mộng, bạn sẽ nhớ đến xâu chuỗi hoặc kinh luân trong những giấc mộng của mình, hoặc bạn có thể yêu thương chúng sanh đang đau khổ, hoặc bạn có thể mộng thấy mình đang thực hành thiền định. Đây là cách một Bồ tát nhận biết trạng thái mộng.

---*---

NHỮNG GIÁO LÝ  PHOWA VÀ BARDO

NHỮNG GIÁO HUẤN HƯỚNG DẪN CỦA

H.E. GARCHEN RINPOCHE

Người dịch : Ngộ Châu

Hiệu đính : Ban dịch thuật Thiện Tri Thức

Bài viết liên quan