TỰ DO NGAY KHỞI ĐẦU - QUYỂN SÁCH CỦA CUỘC ĐỜI – J. KRISHNARMURTI

TỰ DO NGAY KHỞI ĐẦU

QUYỂN SÁCH CỦA CUỘC ĐỜI – J. KRISHNARMURTI

–––––o0o–––––

Nếu chúng ta có thể hiểu rõ sự thôi thúc đằng sau lòng ham muốn để thống trị hay bị thống trị của chúng ta, vậy thì có lẽ chúng ta có thể được tự do khỏi những ảnh hưởng lụn bại của quyền lực. Chúng ta khao khát để được chắc chắn, để được đúng đắn, để được thành công, để biết; và lòng ham muốn cho sự chắc chắn, cho sự vĩnh hằng này, củng cố trong chính chúng ta cái...
TỰ DO NGAY KHỞI ĐẦU - QUYỂN SÁCH CỦA CUỘC ĐỜI – J. KRISHNARMURTI

Ngày 18 tháng giêng:

Tự do ngay khởi đầu

Nếu chúng ta có thể hiểu rõ sự thôi thúc đằng sau lòng ham muốn để thống trị hay bị thống trị của chúng ta, vậy thì có lẽ chúng ta có thể được tự do khỏi những ảnh hưởng lụn bại của quyền lực. Chúng ta khao khát để được chắc chắn, để được đúng đắn, để được thành công, để biết; và lòng ham muốn cho sự chắc chắn, cho sự vĩnh hằng này, củng cố trong chính chúng ta cái quyền lực của trải nghiệm cá nhân, trong khi ở phía bên ngoài nó tạo ra cái quyền lực của xã hội, của gia đình, của tôn giáo và vân vân. Nhưng hiển nhiên để không quan tâm đến quyền lực, để loại bỏ những biểu tượng bên ngoài của nó, lại chẳng có ý nghĩa bao nhiêu. Để phá vỡ một truyền thống và tuân theo một truyền thống khác, để rời bỏ vị lãnh đạo này và phục tùng một vị khác, chỉ là một hành động thiển cận. Nếu chúng ta có ý định hiểu rõ toàn quy trình của quyền lực, nếu chúng ta có ý định nhìn thấy trạng thái bên trong của nó, nếu chúng ta có ý định hiểu rõ và vượt qua giới hạn lòng ham muốn tìm kiếm sự chắc chắn, vậy thì chúng ta phải có ý thức và sự thấu hiểu rộng lớn bao quát, chúng ta phải được tự do, không phải ở cuối con đường nhưng ngay khởi đầu.

Ngày 19 tháng giêng:

Tự do khỏi dốt nát, khỏi đau khổ

Chúng ta lắng nghe kèm theo hy vọng và sợ hãi; chúng ta tìm kiếm ánh sáng của người khác nhưng lại không thụ động tỉnh thức để có thể thấu triệt. Nếu người đã được tự do có vẻ gây thoả mãn những khao khát của chúng ta thì chúng ta chấp nhận anh ta; nếu không, chúng ta tiếp tục công cuộc tìm kiếm vào một người khác mà sẽ cho chúng ta thoả mãn; điều gì hầu hết mọi người trong chúng ta khao khát là sự hài lòng ở mọi mức độ khác nhau. Điều gì quan trọng không phải là làm thế nào để nhận ra cái người mà đã được tự do nhưng là làm thế nào để hiểu thấu đáo chính bản thân bạn. Không quyền lực nào lúc này hay trong tương lai có khả năng cho bạn sự hiểu biết của bản thân mình; nếu không có tự hiểu biết sẽ không có tự do khỏi dốt nát, khỏi đau khổ.

Ngày 20 tháng giêng:

Tại sao chúng ta lại tuân theo?

Tại sao chúng ta lại chấp nhận, tại sao chúng ta lại tuân theo? Chúng ta tuân theo quyền lực của người khác, trải nghiệm của người khác và sau đó ngờ vực nó; sự tìm kiếm quyền lực này và hệ quả, sự tỉnh ngộ của nó, là một quy trình đau khổ cho hầu hết mọi người trong chúng ta. Chúng ta chê trách hay chỉ trích cái quyền lực đã được chấp nhận lúc trước, người lãnh đạo, người thầy giáo, nhưng chúng ta lại không chịu tra xét nỗi khao khát riêng rẽ của chúng ta để tìm kiếm một quyền lực mà có thể hướng dẫn cách cư xử của chúng ta. Ngay khi chúng ta hiểu rõ nỗi khao khát này chúng ta sẽ nắm bắt được ý nghĩa của sự ngờ vực.

Ngày 21 tháng giêng:

Quyền lực làm hư hỏng cả người dẫn dắt lẫn người tuân theo

Tự ý thức cần nhiều nỗ lực và gian khổ, và vì hầu hết mọi người trong chúng ta ưa thích một phương cách ảo tưởng, dễ dàng hơn, chúng ta thiết lập cái quyền lực mà cho cuộc sống của chúng ta hình dạng và khuôn mẫu. Cái quyền lực này có lẽ là tập thể, là chính phủ; hay nó có lẽ là cá nhân, vị Thầy, đấng cứu rỗi, vị gu-ru. Quyền lực thuộc bất kỳ loại nào đang gây mù quáng, nó nuôi dưỡng trạng thái không suy nghĩ; nhưng vì hầu hết mọi người trong chúng ta nhận thấy rằng để suy nghĩ là để có đau khổ, chúng ta giao phó bản thân cho quyền lực. Quyền lực sinh ra quyền hạn, và quyền hạn luôn luôn trở thành tập trung và vì vậy hoàn toàn hư hỏng; nó gây hư hỏng không những cho người sử dụng quyền hạn, mà còn cho người tuân theo nó. Quyền lực của hiểu biết và trải nghiệm đang dẫn dắt sai lạc, dù rằng nó được ban phát bởi vị Thầy, người đại diện của ông ta hay là vị giáo sĩ. Chính cuộc sống riêng tư của bạn, sự xung đột dường như vô tận này, mới có ý nghĩa cốt lõi, chứ không phải là cái khuôn mẫu hay người lãnh đạo. Quyền lực của vị Thầy và vị giáo sĩ đưa bạn ra khỏi vấn đề cốt lõi, đó là sự xung đột trong chính bản thân bạn.

Ngày 22 tháng giêng:

Tôi có thể tin cậy vào trải nghiệm của tôi không?

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều hài lòng quyền lực bởi vì nó cho chúng ta một tiếp tục, một chắc chắn, một cảm giác được bảo vệ. Nhưng một người mà muốn hiểu rõ những điều bao hàm của cuộc cách mạng tâm lý sâu sắc này phải được tự do khỏi quyền lực, đúng vậy chứ? Anh ta không thể tin cậy vào bất kỳ quyền lực nào, dù rằng do sự tạo tác riêng của anh ta hay là được áp đặt vào anh ta bởi một nguồn khác. Và việc này có thể được không? Liệu tôi có thể không tin cậy vào cái quyền lực của trải nghiệm riêng của tôi? Ngay cả khi tôi đã từ chối tất cả những đại diện phía bên ngoài của quyền lực - những quyển sách, những vị thầy, những giáo sĩ, những giáo đường, những niềm tin - tôi vẫn còn có cảm giác rằng ít ra tôi có thể tin cậy vào phán đoán nhận xét riêng của tôi, vào những trải nghiệm riêng của tôi, vào sự phân tích riêng của tôi. Nhưng liệu tôi có thể tin cậy vào trải nghiệm của tôi, vào nhận xét của tôi, vào phân tích của tôi? Trải nghiệm của tôi là kết quả của cái đang điều kiện tôi, giống như trải nghiệm của bạn là kết qủa của cái đang điều kiện bạn, phải vậy không? Tôi có lẽ đã được nuôi dưỡng như một người Hồi giáo hay một người Phật giáo hay là một người Ấn độ giáo, và trải nghiệm của tôi sẽ tuỳ thuộc vào cái nền tảng tôn giáo, xã hội, kinh tế và văn hoá của tôi, giống như trải nghiệm của bạn cũng sẽ như vâỵ Và tôi có thể tin cậy vào điều đó không? Tôi có thể tin cậy vào nó để có hướng dẫn, để có hy vọng, để có tầm nhìn sâu sắc mà sẽ cho tôi sự trung thành trong nhận xét riêng của tôi, mà lại nữa là kết quả của những kỷ niệm, những trải nghiệm được tích luỹ, tình trạng bị điều kiện của quá khứ đang gặp gỡ hiện tại? ....Bây giờ, khi tôi đã đặt tất cả những câu hỏi này cho chính mình và tôi nhận thức rõ vấn đề này, tôi hiểu ra rằng chỉ có một trạng thái mà trong đó sự thật, sự mới mẻ, có thể hiện hữu, và tạo ra một cuộc cách mạng. Cái trạng thái đó là khi cái trí hoàn toàn trống rỗng khỏi quá khứ, khi không có người phân tích, không trải nghiệm, không nhận xét, không quyền lực của bất kỳ loại nào.

Ngày 23 tháng giêng:

Tự hiểu biết là một tiến trình

Vì thế, để hiểu rõ vô số những vấn đề mà mỗi một người trong chúng ta đều có, liệu rằng không cần thiết để có tự hiểu biết hay sao? Và đó là một trong những sự việc khó khăn nhất, tự ý thức - mà không có nghĩa một tách rời, một rút lui. Hiển nhiên, để biết chính mình là cần thiết; nhưng để biết chính mình không ngụ ý một rút lui khỏi liên hệ. Và sẽ là một sai lầm, chắc chắn như thế, để nghĩ rằng người ta có thể biết chính mình một cách đáng kể, hoàn toàn, đầy đủ qua tách rời, qua loại trừ gạt bỏ, hay bằng cách đi đến một bác sĩ tâm lý nào đó, hay đến một giáo sĩ nào đó; hay rằng là người ta có thể học hỏi tự hiểu biết qua một quyển sách. Tự hiểu biết rõ ràng là một tiến trình, không là một kết thúc trong chính nó; và để biết chính mình, người ta phải ý thức về chính mình trong hành động, mà có nghĩa là trong liên hệ. Bạn khám phá ra chính mình, không phải trong tách rời, không phải trong rút lui, nhưng trong liên hệ - trong liên hệ đến xã hội, đến vợ của bạn, đến chồng của bạn, đến anh của bạn, đến con người; nhưng để khám phá ra cách bạn phản ứng như thế nào, những đáp trả của bạn là gì, đòi hỏi một sự tỉnh táo phi thường của cái trí, một sự sắc bén của trực nhận.

Ngày 24 tháng giêng:

Cái trí không bị trói buộc

Sự thay đổi của thế giới được gây ra bởi sự thay đổi của chính mình, vì cái tôi là sản phẩm và một phần của toàn tiến trình của sự hiện hữu con người. Để thay đổi chính mình, tự hiểu biết là cần thiết; nếu không biết bạn là gì, không có nền tảng cho tư duy đúng đắn, và nếu không biết chính mình không thể nào có sự thay đổi. Người ta phải biết chính mình như người ta là, không phải như người ta ao ước là, mà chỉ là một lý tưởng và vì vậy ảo tưởng, không có thật; chỉ có cái mà là có thể được thay đổi, không phải cái mà bạn ao ước là. Để biết chính mình như mình là đòi hỏi một sự tỉnh táo phi thường của cái trí, bởi vì cái gì là đang liên tục trải qua sự biến đổi, thay đổi; và để theo nó mau lẹ cái trí phải không bị trói buộc vào bất kỳ niềm tin hay tín điều đặc biệt nào, vào bất kỳ khuôn mẫu hành động đặc biệt nào. Nếu bạn muốn theo đuổi bất kỳ sự việc gì, sẽ không tốt lành gì cả khi bị trói buộc. Để biết chính bạn, phải có trạng thái ý thức, trạng thái tỉnh táo của cái trí mà trong nó có tự do khỏi tất cả những niềm tin, khỏi tất cả những lý tưởng hoàn hảo, bởi vì những niềm tin và những lý tưởng chỉ cho bạn một mầu sắc, gây sai lạc trực nhận thực sự. Nếu bạn muốn biết bạn là gì, bạn không thể tưởng tượng hay có niềm tin trong một sự việc gì đó mà bạn không là. Nếu tôi tham lam, ganh tị, hung bạo, rõ ràng chỉ có một lý tưởng của không tham lam, của không ganh tị, sẽ chẳng có giá trị là bao nhiêu....Hiểu biết rõ ràng bạn là gì, dù rằng nó là gì chăng nữa - xấu xa hay đẹp đẽ, đồi bại hay ranh mãnh - hiểu biết rõ ràng bạn là gì, mà không có xuyên tạc biến dạng, là khởi đầu của đạo đức. Đạo đức là cốt lõi, bởi vì nó cho tự do.

–––––o0o–––––

Trích: Quyển Sách Của Cuộc Đời

Tác Giả: J. Krishnamurti

Biên Dịch: Lê Tuyên

NXB: Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh.

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan