TU TẬP CŨNG ĐỒNG THỜI LÀ VẤN ĐỀ SINH TỬ; NÓ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN - TRỞ VỀ YÊN LẶNG – DAININ KATAGIRI

Tu tập cũng đồng thời là vấn đề sinh tử; nó không phải là một phương tiện. Nếu chúng ta tọa thiền, tọa thiền chính là sinh tử. Không có khoảng cách nào giữa chúng. Tất cả những gì phải làm chỉ là tiếp tục tu tập theo ý nghĩa thuần túy của tọa thiền. Bạn phải làm như vậy.
TU TẬP CŨNG ĐỒNG THỜI LÀ VẤN ĐỀ SINH TỬ; NÓ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN - TRỞ VỀ YÊN LẶNG – DAININ KATAGIRI

TU TẬP CŨNG ĐỒNG THỜI LÀ VẤN ĐỀ SINH TỬ; NÓ KHÔNG PHẢI LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN

TRỞ VỀ YÊN LẶNG – DAININ KATAGIRI

---oOo---

 

Tôi nói tọa thiền là tốt nhất, nhưng lập tức bạn cảm thấy thắc mắc khi tôi nói vậy. Tôi từng trải qua điều này trong một lần trò chuyện. Tôi nói: “Tôi là một tu sĩ Thiền Tào Động, nhưng không phải tôi đang nói về Thiền Tào Động. Tôi đang nói về Phật giáo, vì Phật giáo nghĩa là tìm hiểu đời sống con người. Nên thực ra, tôi đang nói về đời sống con người, bản chất nguyên sơ của đời sống con người, sự cởi bỏ những lớp vỏ văn hoá. Dù nó là gì, hãy bỏ đi. Vậy cái gì còn lại? Chỉ là một con người. Đây là điều tôi đang nói tới”.

Chúng ta có thể thấu tỏ bản chất trần trụi của một con người không? Nếu cố tìm hiểu cũng lúc nào chúng ta cũng đang nhìn vào bản thân, trong lãnh thổ riêng của mình. Điều đó giống như chơi trò trốn tìm hoặc đưa kiến thức mới vào một cái lỗ. Chúng ta cảm thấy điều đó thú vị, nhưng rồi lại phát hiện cái lỗ khác. Chúng ta đưa kiến thức mới vào một cái lỗ, và rồi thấy một cái lỗ khác. Lúc nào cũng vậy. Chúng ta liên tục lấy ra kiến thức cũ và đưa vào kiến thức mới. Đó là đặc điểm của đời sống con người. Thú vị đấy, nhưng nó làm chúng ta kiệt sức, cuối cùng không thể chơi trốn tìm với chính mình. Vậy nên chúng ta phải buông xuôi vào pháp giới; đây chính là tu tập dưới sự dẫn dắt của một vị thầy.

Đầu tiên, hãy tọa thiền. Điều đó không dễ. Tôi không khuyên bạn làm điều gì đó tuyệt vời, bởi đằng nào những người khác sẽ cho bạn điều gì đó tuyệt vời để làm. Tôi muốn cho bạn một thứ khác biệt. Sau đó nếu bạn thực hiện, nó thực sự là cái tốt nhất. Nhưng những người dẫn dắt tâm linh thường bám vào trải nghiệm riêng của họ và luôn nhấn mạnh “Đây là chân lý, Con đường này là tốt nhất”. Nhưng nó không quan trọng với chúng ta. Điều quan trọng nhất là làm thế nào bạn xả bỏ cặn rơi rớt của chân lý. Khi chân lý đã hoàn toàn được hấp thu trong cuộc đời, không cặn bã nào còn lại. Hãy chỉ biểu lộ cuộc sống của bạn. Hãy chỉ hiện hữu. Dù không mang theo các danh xưng hay tinh thần tôn giáo, bạn hãy biểu lộ cuộc sống của mình. Khi ấy, bạn sẽ không bao giờ bị quăng ném hay kích động, bạn không bị lung lay. Nhưng bạn có thể an trụ, trong bản chất hoàn toàn trần trụi của một con người không? Rất khó. Thông thường, chúng ta muốn có muốn có thứ gì đó bên ngoài. Nhưng thực ra, hoàn toàn chẳng có gì. Khi hoàn toàn chẳng có gì, làm sao chúng ta tồn tại.

Chúng ta sống giữa nền văn minh hiện đại, nhưng không biết nền văn minh hiện đại này sẽ kéo dài bao lâu. Theo nhiều tôn giáo, sớm hay muộn ngày tận thế cũng đến. Lúc đó, chúng ta làm gì? Chẳng gì cả. Tất cả những gì chúng ta phải làm là an trụ trong chính mình. Thiền gia luôn nhấn mạnh điều này - chúng ta không thể để lại bất kỳ cặn rơi rớt nào. Chỉ an trụ ở đó. Khi ấy, cuộc sống của chúng ta kết thúc cùng với thế gian. Tất cả là vậy. Bạn có thể kết thúc cùng với thế gian không? Đây chính là cốt tủy chân thực trong sự tồn tại của con người. Đây là cuộc sống và cái chết của chúng ta. Không có gì ở đó dù nhỏ nhất để chừa lại loại cặn nào. Chúng ta phải sống như vậy. Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh quá thoải mái nên không thể thấy. Vậy nên chúng ta phải đưa bản thân vào những tình huống nhất định, chẳng hạn leo lên vách đá để thực sự ở bên bờ sinh tử. Lúc ấy, chúng ta mới hiểu tầm quan trọng của một bước đi, tầm quan trọng của một sợi dây, tầm quan trọng của sự giúp đỡ từ người khác. Còn nếu ở trong một hoàn cảnh thoải mái, chúng ta không hiểu. Vậy nên phải tu tập trong hoàn cảnh không thoải mái. Khi đó, sức mạnh tâm linh do tu tập mới thật sự xuyên thấu thân tâm. Dù tu tập bao lâu cũng không có bằng chứng nào cho thấy vào lúc tận thế chúng ta có thể hiện hữu. Không có bằng chứng nào. Nhưng tất cả những gì chúng ta phải làm chỉ là tiếp tục tu tập. Vì đây là cuộc sống, đây là cái chết.

Tu tập cũng đồng thời là vấn đề sinh tử; nó không phải là một phương tiện. Nếu chúng ta tọa thiền, tọa thiền chính là sinh tử. Không có khoảng cách nào giữa chúng. Tất cả những gì phải làm chỉ là tiếp tục tu tập theo ý nghĩa thuần túy của tọa thiền. Bạn phải làm như vậy.

---oOo---

Trích “Trở Về Yên Lặng”

Người dịch: Thái An

NXB Hồng Đức, 2014

Bài viết liên quan