VẺ ĐẸP SINH THÁI - TRÍCH "KHÚT HÁT CỦA CÂY" – DAVID GEORGE HASKELL

Trong Xứ tuyết, cuộc sống của Shimamura xoay quanh sự vô nghĩa khi anh nghe thấy tiếng cây thông trong chiếc ấm đun. Những cây thông, và tiếng bước chân người phụ nữ vang lên qua những tán cây, khiến anh quay lưng lại với thế giới này. Chúng ta cũng nghe thấy tiếng cây, gần và xa, và cùng với chúng là tiếng bước chân của một cô bé. Giống như cô bé và gia đình mình, chúng ta có thể từ chối...
VẺ ĐẸP SINH THÁI - TRÍCH

VẺ ĐẸP SINH THÁI

KHÚT HÁT CỦA CÂY – DAVID GEORGE HASKELL

–––––o0o–––––

Vẻ đẹp sinh thái không phải vẻ xinh xắn kích thích hay cảm giác mới lạ. Nhận thức về các quy trình sự sống thường sẽ lật đổ những ấn tượng hời hợt này. Trên thực tế, một “vết sẹo” bỏng có thể là bước đổi mới được chờ đợi từ lâu. Cộng đồng vi sinh vật dưới chân chúng ta có thể đẹp đẽ hơn nhiều so với sự hùng vĩ hiển hiện của hoàng hôn trên đỉnh núi. Giữa đống mục nát và cặn bã, chúng ta có thể tìm thấy cái siêu phàm. Đây là vẻ đẹp sinh thái: Khả năng nhận thức cái đẹp thông qua mối quan hệ bền vững, thể hiện trong một phần đặc biệt của cộng đồng sống. Cộng đồng ấy bao gồm nhiều người sắm những vai khác nhau nhằm tồn tại trong mạng lưới sinh học, như người giám sát, săn bắt, đốn gỗ, làm nông, thực khách, kể chuyện và nơi ở cho những vi khuẩn giết người và những vật ký sinh. Vẻ đẹp sinh thái không phải là rút lui vào nơi hoang dã tưởng tượng, nơi con người không có chỗ đứng, mà là bước tiến trong mọi khía cạnh của cộng đồng sự sống.

Trong vẻ đẹp sinh thái này, chúng ta có thể cắm rễ cho đạo đức của mình. Nếu một số dạng sự thật đạo đức khách quan về sinh thái cuộc sống tồn tại và vượt qua mọi bàn luận căng thẳng của chúng ta, thì nó nằm trong các mối quan hệ cấu thành nên mạng lưới sự sống. Khi chúng ta được đánh thức để tham gia vào các quá trình của mạng lưới sự sống, chúng ta có thể bắt đầu nghe thấy điều gì là chặt chẽ, điều gì bị đứt gãy, điều gì là đẹp, điều gì là tốt. Hiểu biết này xuất hiện từ mối quan hệ hiện hữu bền vững, trở thành biểu hiện của cảm giác trưởng thành về vẻ đẹp sinh thái, và làm nảy sinh những nhận thức đạo đức xuất hiện từ mạng lưới sự sống. Chí ít, chúng ta cũng phần nào, vượt hơn tính cá nhân của cơ thể và giống loài mình thuộc về. Sự siêu việt này xuất hiện từ thực tại trần tục của quá trình sự sống và vẫn chưa rõ vấn đề liệu có liên quan đến thần hay các nữ thần nào đó hay không.

Iris Murdoch, xây dựng trên triết học Plato, đã viết rằng trải nghiệm về cái đẹp là “vô ngã”. Trong bài viết về trải nghiệm này, bà đã sử dụng hình ảnh của một con chim cắt đang bay làm ví dụ. Mặc dù bà tuyên bố rằng sinh mạng của con người và của chim cắt đều không mục đích, tận cùng là sự vô nghĩa, bà cho rằng trải nghiệm vẻ đẹp của chúng ta trong góc nhìn của chim cắt chính là “điều hiển nhiên tốt đẹp” và là điểm khởi đầu cho sự thay đổi đức hạnh và luân lý. Bà không mở rộng những ý tưởng này trong bối cảnh sinh thái, cũng không nhấn mạnh vào chiều sâu rằng mối quan hệ bền vững với chim cắt có thể làm tăng khả năng của chúng ta trong việc tìm kiếm vẻ đẹp loài chim. Cách quê nhà bà không xa, J. A. Barker đang thực hiện một thí nghiệm thực tế và văn vẻ như vậy, là theo đuổi chim ưng Peregrine, trở thành hòa nhập với cuộc sống loài chim. Một đạo đức thuộc về thực chất sẽ hợp nhất và mở rộng ý tưởng của Murdoch và Baker, mang lại hiểu biết tinh vi về mối quan hệ giữa thẩm mỹ và đạo đức, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm hiện hữu mở rộng. Chúng ta hòa nhập vào chim, và cây, vào giun ký sinh và sớm hay muộn là, vào đất; ngoài các loài và cá nhân mình, chung ta mở cửa bản thân cho cộng đồng mà chúng ta được tạo ra từ đó.

Người theo chủ nghĩa hư vô, và những người khác, sẽ lập luận rằng những gì đẹp đẽ chỉ là ảo ảnh cao xa vượt khỏi những đặc điểm của xu hướng cảm giác trong con người. Như Hume viết, “Giá trị vẻ đẹp không nằm ở hình thái bề ngoài: Nó chỉ tồn tại trong tâm trí kẻ chiêm ngưỡng; và mỗi tâm trí nhận thức một vẻ đẹp khác nhau”. Nhưng hãy dừng lại và xem xét các nhà toán học. Đối với họ vẻ đẹp là thực tế chính xác, một trong những điều có thể tìm thấy, nếu không phải sự thật khách quan, thì ít nhất cũng là kết quả gần đúng mà chúng ta có thể tính toán được. Chúng ta tin tưởng các phép tính toán học này để giữ máy bay trên trời, tìm mối quan hệ hạ nguyên tử mới và giữ mái nhà nặng nề nằm trên đầu chúng ta. Trước khi có hàng không, vật lý và nghề mộc, việc đưa ra phán đoán vẻ đẹp toán học được phát triển qua nhiều năm liên hệ với một nghành cụ thể nào đó. Các nhà toán học sử dụng vẻ đẹp này như một sự điều hướng. Nét tao nhã chính là một tiêu chí của sự đúng đắn hoặc của các bước đi trên con đường dẫn đến sự đúng đắn. Tập luyện và kinh nghiệm là điều cần thiết để có thể thấy được sự thanh lịch này; chỉ có ai đó luôn trong mối quan hệ sâu sắc với một vấn đề toán học mới có thể nhận ra vẻ đẹp ấy. Paul Dirac, người sáng lập vật lý lượng tử, và không thân cận với chủ nghĩa thần bí hay hay thuyết hữu thần, đã nói rằng “thừa nhận vẻ đẹp” trong các phương trình là một phương pháp mưu cầu những nhận thức tốt đẹp. Ông tuyên bố rằng trong nhiều trường hợp vẻ đẹp toán học là hướng dẫn đáng tin cậy trong vật lý hơn là các thỏa thuận nghiệm ngặt với kết quả thực nghiệm. Richard Feynman đã viết rằng chúng ta đưa ra dự đoán về các lĩnh vực vật lý chưa biết bởi vì “thiên nhiên là một thể giản dị và vì thế chính là một vẻ đẹp tuyệt vời” được bộc lộ qua các phép toán học, các phương pháp để tìm ra “vẻ đẹp sâu sắc nhất” của thế giới. Feynman cũng lặp lại điều mà Kepler và nhiều nhà toán học trước đó khi mô tả các phương trình quan trọng như những kim loại quý hay đá quý.

Vì thế, toán học cung cấp tiền lệ cho việc sử dụng ý thức về cái đẹp sinh ra từ mối quan hệ sâu sắc làm kim chỉ nam cho những sự thật vượt quá tầm hiểu biết của tâm trí con người. Chúng ta có thể làm điều tương tự với các mối quan hệ cấu thành mạng lưới sinh học. Ai đó từng nghe thấy âm thanh của một thảo nguyên, một thành phố, hay một khu rừng suốt nhiều thập kỷ, thì có thể biết khi nào nới đó mất đi sự gắn kết và nhịp điệu của nó. Thông qua sự chú ý liên tục, nét đẹp và xấu xí, trong sự phức tạp đan xen, sẽ trở nên dễ nghe thấy. Vô ngã thông qua kinh nghiệm sống lặp đi lặp lại và cần thiết bởi vì nhiều sự thật sinh học trú ngụ trong các mối quan hệ ngoài bản ngã. Một khách tham quan bình thường không thể nghe thấy những sự thật này, vẫn rất ít người tham quan bằng tâm trí, họ chỉ áp dụng giản đồ đạo đức trừu tượng từ phòng hội thảo. Ngay cả Hume có thể cũng đồng tình: “Ý thức mạnh, hợp nhất với tình cảm tinh tế, được cải thiện bằng thực tiễn, được hoàn thiện bằng cách so sánh và xóa bỏ mọi định kiến, có thể đơn độc đưa ra phê bình cho đặc tính giá trị này; và nhận định chung chung như vậy, ở bất cứ nơi nào tìm thấy, là tiêu chuẩn thực sự của tính thẩm mỹ và vẻ đẹp”. Trong sinh thái học, nhận định đó phải bao gồm kinh nghiệm của nhiều loài, cảm nhận thông qua thực hành vô ngã.

Cách tiếp cận đạo đức này phá vỡ rào cản giữa con người và phần còn lại của cộng đồng sự sống. Nếu phán xét vẻ đẹp trưởng thành xuất phát từ mối quan hệ mở rộng trong một hệ sinh thái, thì các loài khác chắc chắn cũng đủ điều kiện cho công trình của con người. Hơn nữa, có thể đưa ra các tuyên bố đạo đức về những thay đổi được tạo thành bởi bất kỳ thành viên nào trong Vũ trụ: con người, núi lửa, chim sơn ca, hoặc mưa. Nếu tồn tại nội dung đạo đức khách quan trong sự hỗn loạn sinh học và địa chất, thì nó sẽ hiện diện bất kể con người có đứng bên cạnh phán xét hay không. Chính sự tuyệt chủng hoàng loạt đã là một điềm xấu, là sự xóa sổ cuối cùng của Trái đất khi Mặt trời nở rộng. Nhưng nếu đạo đức là những ảo tưởng do con người tạo ra, tồn tại trong chủ quan của hệ thống thần kinh và không vượt ra khỏi đó, thì những tuyên bố như vậy là vô lý.

Không có gì phải nghi ngờ cảm nhận của quạ, vi khuẩn hay của thông ponderosa trong thế giới của chúng hoàn toàn khác với những gì tôi cảm nhận. Những sinh vật này cũng xử lý những gì chúng cảm nhận được theo các cách khác nhau. Nhưng mọi biến thể như vậy không nhất thiết là rào cản trong việc đánh giá thẩm mỹ và đạo đức. Vẻ đẹp là tài sản của các mối quan hệ được đan dệt, có thể nghe được thông qua đôi tai thiết kế riêng biệt và đa năng.

Quạ có bộ xử lý thông tin tập trung bên trong, có hệ thần kinh và bộ não với tần số tương đồng với con người. Chúng cũng sống trong các mạng lưới xã hội mà ở đó suy nghĩ và trí tuệ trú ngụ, giống như suy nghĩ và trí tuệ cư trú trong văn hóa của con người. Vì vậy vẻ đẹp sinh thái của quạ có đôi điều liên quan đến trải nghiệm của chúng ta. Chúng ta không biết liệu con quạ có phân biệt được vẻ đẹp đơn thuần và vẻ đẹp sâu sắc hay không, điều này có nghĩa gì đối với cảm giác đúng sai của chúng trong thế giới. Nhưng trong sinh học không có gì có thể ngăn quạ thực hiện những kết nối như vậy. Phương pháp parsimony cho rằng các hệ thống thần kinh tương tự có thể tạo ra kết quả tương tự.

Vi khuẩn không xử lý thông tin trong bất kỳ tế bào riêng lẻ nào, mà thông qua các tương tác trong một đám mây mù quần thể bao gồm các đồng bào của chúng. Bề mặt mỗi tế bào sửi bọt vì những hoạt động hóa học, “tiếng ríu rít” của nhóm vi khuẩn chính là tín hiệu truyền từ tế bào này sang tế bào khác. Trí tuệ của vi khuẩn gần như hoàn toàn nằm bên ngoài nó, chứa trong các mối liên kết hóa học và di truyền của một cộng đồng gồm hàng ngàn tế bào nhiều loài sinh vật khác nhau. Các mối liên kết này bị kéo, đạp, đánh, thúc do thay đổi môi trường. Các nhóm vi khuẩn thu phát và xử lý những cuộc “trò chuyện hóa học này”. Các nhà sinh vậy học gọi các quyết định được nối mạng này là sự xuất hiện “quorum sensinh”. Nhưng đây không phải là cuộc họp quốc hội bỏ phiếu “chống – thuận” cho các chuyển động đơn lẻ. Thay vào đó, cuộc trò chuyện rất phong phú, không bao giờ kết thúc, và dẫn đến những thay đổi về sắc thái trong hóa chất và hành vi của cộng đồng. Mạng lưới vi khuẩn có thể được cho là có ý thức thẩm mỹ mà từ đó tạo ra sự phân biệt luân lý hay không? Chẳng có phương thức nào là quen thuộc với trải nghiệm của bộ não người. Thẩm mỹ và đạo đức vi khuẩn sẽ được khuếch tán và lạ hóa. Nhưng có lẽ không kém tính đúng đắn?

Thông ponderosa nhận biết, tích hợp, cân nhắc và đánh giá thế giới theo cách kết hợp trí thông minh bên ngoài và bên trong. Ponderosa được kết nối với vi khuẩn và nấm thông qua lá và rễ cây. Cây cũng sở hữu mạng lưới nội tiết, điện và hóa học riêng. Các quá trình giao tiếp của cây rất chậm so với hệ thần kinh động vật và chúng lan tỏa khắp các nhánh lẫn rễ, thay vì thắt nút tất cả vào một bộ não. Giống như vi khuẩn, chúng sống trong thực tại trái ngược với trải nghiệm về thế giới của chúng ta. Nhưng cây cối là bậc thầy của sự hòa nhập, kết nối và giải phóng các tế bào vào đất, không khí và vào hàng ngàn loài khác. Vì không di chuyển, nên để phát triển mạnh, chúng phải biết rõ hơn bất kỳ động vật lang thang khác nơi nào trên trái đất này dành cho chúng. Cây chính là triết gia Plato của sinh học. Thông qua đối thoại, chúng là những sinh vật được đặt vào vị trí tốt nhất để đưa ra những đánh giá thẩm mỹ lẫn đạo đức của cái đẹp cái tốt trên thế giới.

Không giống Plato, người tìm kiếm vẻ đẹp để truy cầu những vũ trụ bất biến tồn tại ngoài mớ hỗn độn của chính trị - xã hội loài người, vẻ đẹp sinh thái và đạo đức xuất hiện từ các mối quan hệ trong cộng đồng sự sống. Chúng phụ thuộc vào ngữ cảnh, nhưng một nhóm đặc trưng gần với tính chất vạn vật có thể xuất hiện khi nhiều phần của mạng lưới hội tụ vào chung các phán xét tương tự.

Tiếng gió rì rào trong cây thông đã mang thông điệp lưu truyền qua các thời đại và nền văn hóa. Tiếng than vãn, thì thầm, rỉ rả và tiếng thở dài của những cây thường xanh xuất hiện trong các tác phẩm lớn về nghệ thuật thị giác, nhạc kịch, thơ ca và tiểu thuyết ở phương Đông lẫn phương Tây. Một trong những bức tranh nổi tiếng thời nhà Tống của Trung Quốc cho thấy một học giả tựa vào thân cây thông xiêu vẹo, “lặng lẽ lắng nghe”. Ông nhìn vào không gian với sự chăm chú rối bời trong khi một cậu bé có đôi mắt ngây ngô trong veo đứng nhìn ông. Hơn bảy trăm năm sau, chúng ta vẫn đang tựa vào gốc cây đó, cố gắng hiểu những gì mình nghe thấy.

Trong Xứ tuyết, cuộc sống của Shimamura xoay quanh sự vô nghĩa khi anh nghe thấy tiếng cây thông trong chiếc ấm đun. Những cây thông, và tiếng bước chân người phụ nữ vang lên qua những tán cây, khiến anh quay lưng lại với thế giới này. Chúng ta cũng nghe thấy tiếng cây, gần và xa, và cùng với chúng là tiếng bước chân của một cô bé. Giống như cô bé và gia đình mình, chúng ta có thể từ chối dõi theo Shimamura trong cuộc đào tẩu của anh ta, thay vào đó là quay về phía âm thanh, phía những cái cây. Trong đạo đức của mạng lưới hệ sinh thái, thực tiễn chính yếu và con đường phát triển được lặp đi lặp lại qua sự lắng nghe.

Cô bé mặc quần hồng, nếu tiếp tục ở bên cạnh cây cối, sẽ trở thành con người mà chúng ta nên hướng đến để cảm thụ sự bất hòa mơ hồ của hồng sam thế Thủy tân với cây thông hiện đại. Giống cậu bé trong tranh của Mã Lân, đứng nép một bên nhưng nhận thức nhiều hơn chủ nhân của mình, tri giác của cô bé có thể hướng dẫn chúng ta. Lời lẽ của cô bé không chỉ xuất phát từ chính bản thân em, mà từ tất cả những gì em lượm lặt được qua các trải nghiệm vô ngã trong mạng lưới sự sống.

–––––o0o–––––

Trích: Khút Hát Của Cây

Tác Giả: David George Haskell

Dịch Giả: NY

NXb: Phương Nam Book in năm 2021

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan