VƯỢT NGOÀI Ý THỨC - THIỀN TÂM SƠ TÂM - SHUNRYU SUZUKI

Chúng ta nên đặt sự tu tập của mình vào nơi nào mà không còn có một ý niệm về sự thực hành hoặc giác ngộ. Vì khi sự tu tập của ta bị chi phối bởi hai ý niệm ấy, ta sẽ không bao giờ có thể sống trọn vẹn an lạc với chính mình.
VƯỢT NGOÀI Ý THỨC - THIỀN TÂM SƠ TÂM - SHUNRYU SUZUKI

VƯỢT NGOÀI Ý THỨC

THIỀN TÂM SƠ TÂM - SHUNRYU SUZUKI

---o0o---

Chúng ta nên đặt sự tu tập của mình vào nơi nào mà không còn có một ý niệm về sự thực hành hoặc giác ngộ. Vì khi sự tu tập của ta bị chi phối bởi hai ý niệm ấy, ta sẽ không bao giờ có thể sống trọn vẹn an lạc với chính mình. Nói một cách khác, chúng ta phải vững tin vào thực tánh của mình. Thực tánh của chúng ta vượt ra ngoài phạm vi kinh nghiệm của tri thức. Cũng chính vì kinh nghiệm tri thức mà ta mới có những sự phân biệt giữa tu tập với giác ngộ, xấu với tốt. Nhưng cho dù ta có ý thức được tự tánh của mình hay không, những gì có mặt ở nơi đó nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta và đó chính là nơi mà ta nên lập nền tảng cho sự tu tập của mình.

Có được những điều tốt trong tâm cũng chưa chắc là tốt. Đức Phật có lúc dạy ta, “Các con nên làm thế này. Các con không nên làm thế kia”. Nhưng nếu ta cứ luôn ghi nhớ những lời ấy trong đầu cũng không tốt. Nó sẽ trở thành một gánh nặng, và có lúc ta sẽ cảm thấy mệt mỏi. Thật ra thì chứa những tư tưởng bất thiện có khi còn có ích cho ta hơn là cứ khư khư giữ những ý niệm về cái gì tốt, cái nào nên làm. Vì có những tư tưởng không tốt như vậy mà đôi khi ta lại cảm thấy hòa hợp hơn. Thật vậy! Nhưng điểm tôi muốn nói ở đây không phải là vấn đề tốt hay xấu. Vấn đề là ta có thể có an lạc với chính mình không và ta có thể duy trì nó mãi không.

Khi chúng ta khư khư giữ một điều gì trong tâm, ta sẽ không bao giờ có thể có được một sự an tĩnh hoàn toàn. Phương pháp hay nhất là buông xả chúng đi. Lúc đó tâm ta sẽ trở nên tĩnh lặng, nó mở rộng và trong sáng đủ để thấy và cảm nhận được hết mọi việc, như là chúng xảy ra mà không cần đến một sự cố gắng nào. Phương thức hay nhất để ta đạt đến sự tĩnh lặng trọn vẹn là đừng giữ một ý niệm nào, bất cứ là về vật gì – quên chúng đi, và đừng lưu lại một dấu vết hay bóng dáng nào trong tư tưởng.

Nhưng bạn phải cẩn thận, vì buông bỏ không có nghĩa là ngăn chận. Nếu chúng ta cố gắng ngăn chận tư tưởng, hay những sinh hoạt tâm ý của mình, thì ta tự tạo thêm gánh nặng cho mình mà thôi. “Trong khi tu tập tôi phải làm dừng tư tưởng của mình lại, mà tôi làm không được. Tôi tu còn dở quá!”. Lối suy nghĩ này cũng là một sự tu tập sai lầm. Đừng ngăn chận tư tưởng của mình. Hãy để cho mọi việc như chúng đang là. Như vậy nó sẽ không bao giờ có mặt lâu. Việc đến như là nó sẽ đến và đi như nó sẽ đi. Và nhờ vậy mà tâm tĩnh lặng, trong sáng của ta sẽ được tồn tại rất lâu.

Có một niềm tin vững chắc vào tự thể rỗng không của tâm là điều quan trọng nhất trong sự tu tập. Trong kinh, đôi khi Phật sử dụng thật nhiều những hình ảnh tỷ dụ để diễn tả cái tâm rỗng lặng này. Đôi khi đức Phật dùng những con số thật vĩ đại, không thể nào đếm xuể, như là số cát của sông Hằng chẳng hạn, để bắt ta phải buông bỏ đi sự tính toán thông thường của mình. Số cát sông Hằng không ai có thể đếm cho hết, vì vậy mà khi liên tưởng đến, ta bắt buộc phải buông bỏ hết những ý niệm thông thường. Phương pháp tỷ dụ ấy gợi lên trong ta một ý thức về vô số, nó làm ngưng bặt hết những tư tưởng trong cái tâm nhỏ bé của mình.

Nhưng chỉ trong giờ phút ngồi thiền ta mới có được một kinh nghiệm trực tiếp, thuần khiết nhất, về trạng thái rỗng không này. Thật ra thì sự rỗng không ấy cũng không phải là một trạng thái của tâm, mà nó chính là cái bản tâm mà đức Phật và ngài Lục tổ đã từng kinh nghiệm. “Chân tâm”, “Bản lai diện mục”, “Phật tánh”, “Tánh Không” – tất cả những tên gọi này đều diễn tả sự rỗng lặng tuyệt đối ấy của tâm ta.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta biết cách để cho thân nghỉ ngơi, nhưng ta vẫn chưa biết cách làm cho tâm được an nghỉ. Mặc dù chúng ta nằm yên đó trên giường nhưng đầu óc lúc nào cũng bận rộn. Trong một giấc ngủ say, tâm ta vẫn còn bận rộn với những giấc mơ. Tâm ta lúc nào cũng hoạt động rất nhiều. Điều ấy không tốt, chúng ta cần phải tập cách buông xả cái tâm lúc nào cũng bận rộn, lo nghĩ đó. Muốn được như vậy, điều cần thiết là ta phải có một niềm tin kiên cố vào sự rỗng lặng của tâm. Vững tin nơi sự an ổn hoàn toàn của tâm mình, chúng ta sẽ tiếp xúc lại được trạng thái tĩnh lặng ban sơ ấy.

Ngài Đạo Nguyên nói, “Ta hãy thiết lập sự tu tập ngay giữa những ảo tưởng của mình”. Vì mặc dù ta nghĩ rằng mình đang sống giữa ảo tưởng, nhưng ngay nơi đó thực tánh cũng có mặt. Thấy được thực tánh ngay giữa những ảo tưởng chính là sự tu tập. Và nếu thực tánh của ta có mặt trong giờ phút hiện tại, thì lập tức những ảo tưởng kia sẽ biến mất. Nó không thể nào tồn tại khi ta nhận diện được chúng, “Đây là ảo tưởng!”. Chúng sẽ hổ thẹn mà cúi đầu chạy trốn mất. Vì vậy mà ngài Đạo Nguyên khuyên chúng ta nên đặt sự tu tập của mình ngay giữa những mộng tưởng ấy.

Có ảo tưởng là có sự tu tập. Đó cũng là giác ngộ trước khi mình ý thức được mình giác ngộ. Vì vậy mà khi ta nói, “Cái này là ảo giác,” thì tức khắc chính đó là giác ngộ. Còn khi ta xua đuổi, rốt cuộc chỉ làm chúng lì lợm thêm hơn, và tâm ta lại càng trở nên bận rộn để tìm cách đối phó với chúng. Điều ấy chẳng ích lợi gì. Ta chỉ cần nhận diện, “Ồ, đây chỉ là một ảo tưởng” và đừng để cho nó làm khó chịu. Khi ta quan sát những ảo tưởng ấy cho thật rõ, ta sẽ thấy được chân tâm của mình, một tâm tĩnh lặng và an lạc. Nhưng ta phải thật cẩn trọng, vì vừa khi muốn đối phó hay xử lý chúng, là ta lập tức bị rơi vào vòng ảo tưởng mịt mùng ấy rồi.

Vì vậy mà tôi nói, cho dù ta có giác ngộ hay không, chỉ cần ngồi thiền là đủ rồi. Khi cố gắng để được giác ngộ là ta tự vác thêm một gánh nặng vào tâm. Tâm ta lúc ấy sẽ không còn trong sáng đủ để nhìn thấy sự vật chung quanh như là chúng đang xảy ra, đang là. Mà khi bạn thấy sự việc như nó đang là, thì bạn cũng sẽ thấy được nó phải là như thế nào. Một mặt chúng ta cần phải đạt đến giác ngộ − sự việc phải là như thế. Nhưng một mặt khác, ngày nào ta còn mang xác thân này, thì thực tế khó mà đạt được giác ngộ lắm – sự thật đang là trong giây phút này. Trong lúc ngồi thiền, hai bề mặt của thực tại sẽ cùng có mặt và ta sẽ thấy được chúng cùng một lúc trên cả hai phương diện “phải là” và “đang là”. Vì bây giờ ta còn kém cỏi nên ta vẫn còn một ý muốn tu tập để được toàn thiện hơn. Nhưng khi có được một tâm siêu việt rồi thì ta sẽ vượt lên trên cái “phải là” và “đang là” ấy. Trong cái rỗng lặng của tâm mình chúng chỉ là một, và nơi đó ta sẽ tìm được một sự an tĩnh hoàn toàn.

Thường thường thì phần lớn các tôn giáo chỉ phát triển trên bình diện của ý thức. Có nghĩa là họ chỉ tìm cách để tu bổ đường lối tổ chức, xây những đền thờ thật đẹp, sáng tác nhạc, phát triển triết lý, thần học… Nhưng đó chỉ là những sinh hoạt trong thế giới ý thức mà thôi. Đạo Phật chú trọng vào thế giới của vô thức. Phương pháp hay nhất để phát triển đạo Phật là ngồi thiền – chỉ việc ngồi đó với một niềm tin vững chắc vào thực tánh của ta. Cách này hữu hiệu hơn là đọc sách hay nghiên cứu kinh điển, triết học. Lẽ dĩ nhiên vấn đề triết học cũng cần thiết vậy, vì nó sẽ củng cố thêm cho niềm tin của mình. Nhưng triết học của đạo Phật phổ quát và hợp lý đến độ nó không phải chỉ là một môn triết học dành riêng cho đạo Phật, mà còn là cho chính sự sống. Mục đích của đạo Phật là chỉ thẳng vào sự sống vượt ra ngoài ý thức, có mặt ngay trong cái thực tánh ban sơ của chúng ta. Những phương cách tu tập được đặt ra là để bảo vệ chân giáo pháp này, chứ không phải là để đi quảng bá đạo Phật bằng những đường lối huyền bí, kỳ lạ nào khác.

Vì vậy mà khi luận bàn về tôn giáo, ta phải nói bằng một ngôn ngữ phổ thông và cụ thể nhất. Chúng ta không nên tuyên truyền đường lối của mình bằng những tư tưởng triết học cao kỳ. Trong một vài lãnh vực thì đạo Phật hơi có vẻ như thích tranh biện, dường như là bảo thủ, bởi vì người Phật tử phải bảo vệ con đường của mình, tránh khỏi bị kẹt vào những ý niệm huyền bí, thần thông xa vời. Nhưng sự tranh biện triết học không bao giờ là con đường hữu hiệu để học Phật. Nếu bạn muốn là một người Phật tử thuần thành, bạn nên ngồi thiền. Chúng ta rất may mắn còn có dịp để ngồi như vầy. Tôi muốn bạn có một niềm tin vững chắc, bất di bất dịch, vào sự ngồi thiền. Chỉ cần ngồi thôi, bấy nhiêu đó là đủ rồi.

---o0o---

Trích: “Thiền Tâm Sơ Tâm”

Tác giả: Shunryu Suzuki

Việt dịch: Nguyễn Duy Nhiên

NXB Phương Đông

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan