Ý NGHĨA TIỀM ẨN CỦA THẦN CHÚ YẾT ĐẾ, YẾT ĐẾ, BA LA YẾT ĐẾ, BA LA TĂNG YẾT ĐẾ, BỒ ĐỀ, TÁT BÀ HA TRONG BÁT NHÃ TÂM KINH

Ý NGHĨA TIỀM ẨN CỦA THẦN CHÚ YẾT ĐẾ,

YẾT ĐẾ, BA LA YẾT ĐẾ, BA LA TĂNG YẾT ĐẾ, BỒ ĐỀ,

TÁT BÀ HA TRONG BÁT NHÃ TÂM KINH

-Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14

 -----o0o-----

Vào giai đoạn tích lũy, sự thực hiện tánh không được tạo dựng chính yếu bằng cách đọc sách, bằng suy tư và bằng sự nhận biết thuần trí thức; sau đó mới dùng đến cách thiền định về những gì đã học hỏi được, dần dần đào sâu thêm sự hiểu biết cho đến lúc đạt được sự quán nhận sau cùng hoàn toàn sáng tỏ. Đến đây là lúc chuyển sang giai đoạn chuẩn bị. Vào giai đoạn...
Ý NGHĨA TIỀM ẨN CỦA THẦN CHÚ YẾT ĐẾ, YẾT ĐẾ, BA LA YẾT ĐẾ, BA LA TĂNG YẾT ĐẾ, BỒ ĐỀ, TÁT BÀ HA TRONG BÁT NHÃ TÂM KINH

Câu man-tra đưa ra ý nghĩa tiềm ẩn hay kín đáo của Tâm Kinh, trong ý nghĩa này ta thấy có sự tương quan giữa cách hiểu biết tánh không và năm cấp bậc trên đường đưa đến Phật tính. Vì thế, câu “hãy bước lên” (gaté) trong man-tra trở thành một câu khuyến khích ta hãy bước vào con đường tạo phúc và cũng có nghĩa là bước vào con đường chuẩn bị cho tâm thức nhận biết sâu xa được tánh không. “Hãy bước đến phía bên kia” (paragaté) tức nói đến con đường đưa đến quán nhận sự thực, tức sự thực hiện trực tiếp tánh không, không thông qua trung gian nào cả. Người tu tập thực hiện được sự quán nhận này sẽ trở thành một vị arya, hay là một nhân sinh cao cả. “Hãy đến hẳn phía bên kia” (parasamgaité) có ý nói đến con đường thiền định (tiếng Tây Tạng là gom, nghĩa từ chương là “tập cho quen”), bằng sự tập luyện thường xuyên, người tu hành sẽ quen dần và đi sâu vào tánh không. Câu kinh man-tra chấm dứt bằng hai chữ “bodhi svaha”, dẫn ta đặt chân vững chắc trên mảnh đất của Giác ngộ, có nghĩa là đạt đến Niết bàn tối hậu.

Mỗi giai đoạn trong số năm giai đoạn trên đường đưa đến Phật tính – tức là những đoạn đường tích lũy, chuẩn bị, quán nhận, thiền định, và kể cả đoạn đường vượt qua bên kia của sự tập luyện – đều thuộc trong thành phần của toàn bộ Tâm Kinh. Cách trình bày tánh không bằng bốn cách diễn đạt khác nhau: “Hình tướng là trống không, trống không là hình tướng. Trống không chẳng qua là hình tướng, hình tướng vỏn vẹn là trống không” cho ta thấy phải thực hành cách tu tập về tánh không như thế nào trong hai giai đoạn đầu: tức giai đoạn tích lũy và chuẩn bị. Cách trình bày tánh không bằng tám dạng thể của hiện tượng “tất cả mọi hiện tượng đều trống không, chúng không có cá tính gì cả” v.v chỉ cách thức nhận biết tánh không trong giai đoạn tu tập gọi là quán nhận. Câu “Chẳng có u mê, cũng chẳng có việc loại bỏ u mê” v.v chỉ cách tu tập tánh không trong giai đoạn thiền định. Sau cùng, đoạn tiếp theo đây: “Bởi thế, này Xá Lợi Phất, vì lẽ các vị Bồ-tát không có sự thành đạt, nên họ chỉ tạo lập cho họ sự hoàn thiện trí tuệ và lưu lại trong đó”, đoạn này chỉ cách tu tập về thánh không vào giai đoạn chót của một vị Bồ-tát, trong giai đoạn này người Bồ-tát lắng vào một thể dạng thiền định thật sâu, trong sáng và rắn chắc như kim cương.

Sự chuyển tiếp thực sự từ giai đoạn này sang giai đoạn khác sảy ra trong lúc người tu tập chìm vào một thể dạng bình lặng của thiền định. Trong giai đoạn một, trên đường tích lũy, người tu tập hiểu tánh không phần lớn dựa vào cách nhận biết tánh không bằng tri thức và dựa vào bản chất của các hiện tượng. Các người tu tập có tâm Bồ-tát, đạt được tâm trí cực kỳ linh hoạt, có thể hiểu biết tánh không một cách cao thâm, ngay cả trước khi phát khởi được lòng thương người của Bồ-đề tâm, trong khi đó những người tu tập ít thiên về mặt tinh thần trước hết nên phát huy lòng ước mong cứu độ tất cả chúng sinh. Trong cả hai trường hợp, sự hiểu biết sâu xa về tánh không sẽ tác động mạnh mẽ trên các lãnh vực tu tập khác, bằng cách củng cố hoặc bổ khuyết thêm cho những lãnh vực này. Với cách thấu hiểu sâu xa về tánh không, ta có thể làm phát sinh ra trong ta sự từ bỏ mạnh mẽ, nên hiểu từ bỏ có nghĩa là ước mong tự giải thoát ra khỏi những khổ đau của chu kỳ hiện hữu; ta cũng có thể sử dụng nó như một cơ sở để xây dựng lòng từ bi mạnh mẽ đối với tất cả mọi sinh linh.

Vào giai đoạn tích lũy, sự thực hiện tánh không được tạo dựng chính yếu bằng cách đọc sách, bằng suy tư và bằng sự nhận biết thuần trí thức; sau đó mới dùng đến cách thiền định về những gì đã học hỏi được, dần dần đào sâu thêm sự hiểu biết cho đến lúc đạt được sự quán nhận sau cùng hoàn toàn sáng tỏ. Đến đây là lúc chuyển sang giai đoạn chuẩn bị. Vào giai đoạn này, sự quán nhận tánh không tuy rằng chưa phải là trực tiếp, nhưng nó không còn mang tính cách thuần trí thức hay quy ước nữa, và đúng hơn sự quán nhận ấy đã đi vào lãnh vực kinh nghiệm trong cuộc sống.

Trong giai đoạn chuẩn bị, sự thực hiện tánh không dần dần trở nên sâu xa hơn, tinh tế hơn và sáng tỏ hơn. Cách sử dụng khái niệm trong lúc thiền định tan biến dần từng chút một. Khi mọi sự quán nhận có tính cách nhị nguyên giữa chủ thể và đối tượng, giữa sự thực quy ước và sự hiện hữu nội tại đều được loại trừ, đó là ngưỡng cửa bước vào đoạn đường quán nhận. Vào giai đoạn này, không còn chủ thể và đối tượng nữa. Cũng giống như kinh nghiệm chủ thể và chính đối tượng của nó hòa lẫn với nhau, cũng như đem nước đổ vào nước, khi đó thiền định về tánh không sẽ trở nên trực tiếp, không qua một sự chuyển tiếp nào.

Trong giai thiền định hay là tập cho quen, sự nhận thức trực tiếp về tánh không càng lúc càng trở nên sâu hơn, và ta tự động khống chế được tất cả mọi loại bấn loạn tâm thần. Trong giai đoạn này, ta tuần tự vượt qua từng lãnh vực gọi là bảy địa giới không tinh khiết của người Bồ-tát. Trước khi có thể bước vào địa giới thứ tám, bảy địa giới này được xem là không tinh khiết vì những nơi đó bấn loạn vẫn chưa hoàn toàn bị loại bỏ. Nơi địa giới thứ tám, thứ chín, thứ mười, ta sẽ tiếp tục loại bỏ cho đến cả những xu hướng và tàn dư của bấn loạn rơi rớt lại. Sau hết, tấm màn cuối cùng che lấp sự quán nhận đồng lượt hai sự thực, quy ước và tuyệt đối, được tháo bỏ trong cùng một khoảnh khắc nhận thức duy nhất, khi đó tâm thức siêu việt của một vị Phật sẽ hiển hiện, giống như mặt trời mọc lúc bình minh.

-----o0o-----

Trích: Tâm Kinh Những Bài Học Về Trí Huệ

Tác Giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14

Dịch Giả: Hoang Phong

NXB: Tổng Hợp TP HCM, in năm 2007

Ảnh: nguồn Internet

Bài viết liên quan