ÂM NHẠC CÓ KHẢ NĂNG CHỮA LÀNH TÂM HỒN VÀ CƠ THỂ NGƯỜI BỆNH - SHIGEAKI HINOHARA – BÍ QUYẾT SỐNG TRƯỜNG THỌ CỦA NGƯỜI NHẬT

ÂM NHẠC CÓ KHẢ NĂNG CHỮA LÀNH TÂM HỒN VÀ CƠ THỂ NGƯỜI BỆNH

SHIGEAKI HINOHARA – BÍ QUYẾT SỐNG TRƯỜNG THỌ CỦA NGƯỜI NHẬT

Anh Phong dịch

-------o0o-------

Khi tâm hồn được xoa dịu, tình trạng cơ thể cũng sẽ cải thiện và ngược lại. Tâm hồn và cơ thể chúng ta có mối liên hệ đan xen rất phức tạp. Nếu chỉ nhìn từ một phía là tâm hồn hoặc cơ thể rồi dựa vào đó để đưa ra các phương án trị liệu thì chắc chắn không thể giải quyết rốt ráo vấn đề người bệnh đang gặp phải. Người xưa hiểu rõ điều này hơn người nay.
ÂM NHẠC CÓ KHẢ NĂNG CHỮA LÀNH TÂM HỒN VÀ CƠ THỂ NGƯỜI BỆNH - SHIGEAKI HINOHARA – BÍ QUYẾT SỐNG TRƯỜNG THỌ CỦA NGƯỜI NHẬT
  • Tai Vẫn Nghe Được Vào Thời Điểm Hấp Hối

Thai nhi trong bụng mẹ suốt bảy, tám tháng không chỉ nghe tiếng tim mẹ đập mà còn bắt đầu lắng nghe nhiều âm thanh khác từ bên ngoài vọng vào. Mắt trẻ sơ sinh không thấy rõ trong một, hai tuần sau sinh nhưng thính giác của trẻ thì ngay khi vừa chào đời đã hoạt động và duy trì cho tới phút cuối trước khi qua đời.

Những người bệnh đã cận kề cái chết, không còn ý thức, có vẻ không còn phản ứng với bên ngoài vẫn nghe được tiếng người xung quanh nói chuyện và âm nhạc. Lời cảm ơn của người thân thì thầm bên tại vẫn đến được với người đang hấp hối. Việc cho người ấy nghe những khúc nhạc yêu thích sẽ làm tâm hồn họ thư thái biết bao trước lúc lên đường đi xa mãi. Tôi nghĩ rằng thính giác của con người là một giác quan tuyệt vời. Việc phát huy năng lực thính giác và tác động của việc tận hưởng âm nhạc vẫn chưa thể biết hết. Những điều không thể diễn đạt hết bằng lời có thể được âm nhạc chắp cánh để đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và chạm được đến chỗ sâu thẳm của tâm hồn. Chính vì vậy mà con người cảm thấy được âm nhạc an ủi, cho thêm dũng khí trong khi vui, lúc buồn, thời điểm lo lắng, bất an – không kể là người nghe có tài năng âm nhạc hay không.

Âm nhạc đối với tôi hiện vẫn là nguồn tiếp thêm cho tôi sức sống, không thể thiếu vắng. Năm tôi 10 tuổi, do bị viêm thận, tôi không được chạy nhảy ở bên ngoài trong suốt một năm trời nên mẹ tôi đã cho tôi học piano. Kế từ đó tôi luôn yêu thích âm nhạc, đến mức thời trẻ đã có lúc tôi phải phân vân không biết nên chọn con đường trở thành bác sĩ hay chọn trở thành nhạc sĩ. Mãi đến thời điểm 1988, tôi có dịp đi khảo sát trung tâm chăm sóc cuối đời ở bệnh viện thuộc Đại học Vancouver, Canada thì tôi mới bắt đầu có ý định sẽ đưa âm nhạc vào hoạt động trị liệu.

  • Âm Nhạc Xoa Dịu Cơn Bệnh

Ở trung tâm chăm sóc tôi đến thăm, một bệnh nhân nam bị ung thư giai đoạn cuối đưa cho kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu bài thơ do mình tự sáng tác và yêu cầu được nghe hát. Đó là một bài thơ gởi gắm tâm sự buồn của người sắp chết vào bông hồng cuối cùng nở cuối hạ. Kỳ thuật viên âm nhạc trị liệu đã cầm lấy guitar, ứng tác phổ nhạc và cất tiếng hát. Nghe xong, người bệnh rơi lệ yêu cầu: “Ngày mai anh lại đến hát nhé”. Ngày mai, ngày kia, ngày sau nữa, khi cuộc đời sắp khép lại, người bệnh ấy vẫn tìm được ánh sáng hy vọng mới. Đây chính là chiêu xoa dịu mà bác sĩ y khoa không làm được.

Âm nhạc có thể làm giảm cơn đau. Đã có những trường hợp cho thấy người bệnh ung thư giai đoạn cuối cần đến morphine để giảm đau, nhưng khi cho nghe nhạc thì người ấy chỉ cần lượng morphine bằng 1/10 lượng cần nếu không nghe nhạc. Cảm giác đau mang tính chủ quan và sẽ tăng gấp nhiều lần nếu người bệnh lo lắng, buồn bã hoặc hoảng sợ. Khi nỗi lo lắng được giảm nhẹ thì cơn đau thực tế cũng nhẹ đi.

Những người mất ngủ có thể nhờ vào âm nhạc để ngủ mà không cần dùng đến thuốc an thần; người bị chứng hồi hộp, tay chân luống cuống vì căng thẳng khi đứng trước đông người cũng có thể dùng liệu pháp âm nhạc để giải tỏa căng thẳng.

Có trẻ tự kỷ đã chuyển biến như kỳ tích sau nhiều lần gặp gỡ với kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu. Thoạt đầu, kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu nắm một đầu gậy chỉ huy, đầu kia đưa cho trẻ nắm rồi cùng nghe nhạc; và một ngày nọ chợt cảm thấy đầu gậy trẻ nắm khe khẽ rung. Sau hôm đó, trẻ dần dần mở lòng ra với kỹ thuật viên. Tôi có một bệnh nhân nữ bị rối loạn thần kinh nặng đến mức không thể ra ngoài. Cô là một nghệ sĩ piano, nhưng kể từ ngày phát bệnh thì hơn tám năm không chạm đến phím đàn. Tôi đưa cho cô bản nhạc tôi tự sáng tác trước đây và nhờ: “Cô hãy đánh giá tác phẩm giúp tôi nhé!”. Dường như điều này giúp cô nảy ra ý muốn ngồi vào đàn thử, nên sau khi bình phục, cô đã nói với tôi rằng nỗi bất hạnh nhiều năm của mình đã được âm nhạc xoa dịu.

Có những bệnh không điều trị được bằng thuốc nhưng có thể chữa được bằng âm nhạc. Âm nhạc đã khơi được sức sống nơi bản thân người bệnh và sức sống ấy hàn gắn được chỗ lệch lạc trong cơ thể họ.

  • Sai Lầm Của Y Học Hiện Đại Là Tách Rời Tâm Hồn Khỏi Cơ Thể

Khi tâm hồn được xoa dịu, tình trạng cơ thể cũng sẽ cải thiện và ngược lại. Tâm hồn và cơ thể chúng ta có mối liên hệ đan xen rất phức tạp. Nếu chỉ nhìn từ một phía là tâm hồn hoặc cơ thể rồi dựa vào đó để đưa ra các phương án trị liệu thì chắc chắn không thể giải quyết rốt ráo vấn đề người bệnh đang gặp phải. Người xưa hiểu rõ điều này hơn người nay.

Khoảng 2.500 năm trước, thời La Mã cổ đại, người xưa đã biết đến khả năng chữa lành tâm hồn và cơ thể con người của âm nhạc. Trình độ y khoa thời đó còn sơ khai nếu so với y khoa ngày nay, nhưng âm nhạc đã được đưa vào để bổ sung những chỗ khiếm khuyết của kỹ thuật y khoa. Thánh Kinh Cựu Ước có kể câu chuyện vua David chơi đàn harp cho vua Saul nghe để giúp nhà vua khuây khỏa hơn, cơn giận cũng nguôi ngoại đi. Những câu chuyện tương tự có nhiều trong kho tàng văn hóa Đông Tây. Sách Luận Ngữ có nhắc chuyện Khổng Tử (551 – 479 TCN) nhận xét rằng nghe tiếng tiêu hay thì lòng thấy êm đềm quên cả dùng món ngon được mời.

Lẽ ra sứ mệnh của y khoa trước khi chữa trị bệnh là phải xoa dịu cho người bệnh, nhưng đáng tiếc là y học ngày nay càng ngày càng rời xa bản chất lẽ ra phải có.

  • Liệu Có Cần Phải Ép Người Bệnh Chịu Đựng Để Chữa Trị

Ngược với sự kỳ vọng của nhiều người, thực ra số bệnh mà bác sĩ có thể chữa khỏi không nhiều. Trong tương lai, y học có tiến bộ thêm nữa thì số bệnh thực sự có thể chữa khỏi cũng không đầy một nắm tay. Tôi cho rằng hiện nay cả bác sĩ lẫn người bệnh đang có ảo tưởng quá nhiều khi cho rằng: “Y học hiện đại có thể cứu được bất kỳ căn bệnh nào”. Nếu vậy, liệu có nên ép người bệnh phải chịu đựng nỗi đau đớn của việc xét nghiệm, tiêm chích, phẫu thuật với lập luận: “Cần phải chịu khó để chữa bệnh” hay không?

Việc chữa khỏi hoàn toàn là rất ít ỏi và một ngày nào đó con người sẽ chết. Nếu thế, đáng ra câu hỏi phải là làm thế nào để có thể sống thoải mái, ít đau khổ, ít bị lo lắng đeo đuổi trong những năm tháng có giới hạn của cuộc đời. Không được để cho ý nghĩ về việc chữa khỏi bệnh chiếm đoạt tâm trí mà không suy nghĩ thấu đáo đến những tác dụng phụ của việc điều trị gây ra cho tinh thần và khiến người bệnh phải chịu đựng lâu dài sau quá trình điều trị.

Âm nhạc trị liệu là một phương thức chữa lành trước nay không được chú ý. Năm 1986, tôi đã khởi động thành lập hội nghiên cứu thực nghiệm âm nhạc như một phương pháp trị liệu gọi là Nihon Bio-Music Kenkyukai, sau đó đến năm 1995 đã đổi tên thành Zen Nippon Ongaku Ryohou Renmei (tạm dịch là Liên đoàn Âm nhạc Trị liệu Nhật Bản). Tôi cùng với những người cùng chỉ hướng đã cố gắng vận động cấp bằng công nhận kỹ thuật viên âm nhạc trị liệu để phó biến phương pháp trị liệu bằng âm nhạc. Đáng tiếc là việc công nhận bằng cấp quốc gia này còn cần có thêm thời gian.

Y học cần phải chạm đến toàn thể con người một cách uyển chuyển, linh hoạt. Tôi cho rằng việc công nhận thêm một phương thức chữa lành mới để đưa vào công tác điều trị là rất cần thiết cho hoạt động y tế trong thời gian tới.

-------o0o-------

Trích: Bí Quyết Sống Trường Thọ Của Người Nhật

Tác giả: Shigeaki Hinohara

Anh Phong dịch

NXB: Tổng Hợp TPHCM, 2018

Ảnh: Nguồn internet