BA CẤP ĐỘ CỦA BA THÂN - MILAREPA - LOBSANG P.LHALUNGPA

BA CẤP ĐỘ CỦA BA THÂN

MILAREPA – Đại Thiền Giả Một Đời Thành Phật Của Tây Tạng

LOBSANG P.LHALUNGPA

---o0o---

Những giáo lý bí mật của Kim Cương thừa nói đến “ba cấp độ của Ba Thân” – đời sống hiện sinh làm người, tiến trình chuyển hóa, và sự chứng ngộ cuối cùng.
BA CẤP ĐỘ CỦA BA THÂN - MILAREPA - LOBSANG P.LHALUNGPA

Những giáo lý bí mật của Kim Cương thừa nói đến “ba cấp độ của Ba Thân” – đời sống hiện sinh làm người, tiến trình chuyển hóa, và sự chứng ngộ cuối cùng. Trong Kim Cương thừa mọi cấp độ của tánh giác cần được thực hiện và thống nhất trong đời sống con người bình thường, “trong một đời”, như có nói. Từ Sanskrit “vajra”, kim cương, ám chỉ cái toàn thể không thể phân chia của tánh giác ở tầm mức vũ trụ và thực tại (chày kim cương) ; yana, thừa, là đường lối hay chiếc xe, một từ thường để chỉ một chuyển dịch từ một cấp độ sang một cấp độ khác; nhưng ở đây nó bao hàm sự chuyển hóa tức thời của tâm thức con người thành một trạng thái tâm thức của một cái nhìn thấy tối thượng và lòng bi vô hạn.

Trong những giáo lý mật truyền, Ba Thân không giới hạn chỉ vào chiều kích vũ trụ, mà nó cũng được hiểu là đang hiện diện, ít nhất trong tiềm năng, ở trong chính cá nhân. Trong nghĩa này, Pháp thân là tánh tỉnh giác sâu thẳm nhất, trong sâu nhất của con người, nó bị che dấu dưới những nhơ bẩn của những méo mó và nhiễm ô; Báo thân là “hạt nhân” của những năng lực vi tế tối thượng chúng lưu xuất từ tánh giác trong sâu nhất này và chúng bình thường ngủ trong phức cảm tâm sinh lý của tâm thức con người.

Như thế ngay tâm thức bình thường của con người ở cấp độ hàng ngày cũng biểu thị cơ cấu Ba Thân. Chẳng hạn, tánh Không bẩm sinh hay vô tự tánh của tâm thức là Pháp thân; tánh sáng tỏ và thanh tịnh bẩm sinh là Báo thân, nó trở thành Hóa thân khi nó biểu lộ và phơi bày không ngăn ngại trong những tư tưởng của cá nhân.

Giáo lý Ba Thân và vũ trụ luận Phật giáo này có thể giúp xua tan một số lầm lẫn về bản tánh của những yidam, daka, dakini, những thần hộ pháp, tám đạo quân chư thiên và quỷ thần (thiên long bát bộ) và những biểu tượng tâm linh-vũ trụ luận khác chúng khá nổi trội trong bản văn này.

Những đạo sư của truyền thống Kim Cương thừa tri giác vũ trụ hình tướng và siêu hình tướng như sau:

Vũ trụ vật chất bao la không cùng là sản phẩm của một sự thao diễn tương tác không ngừng và sự tương nhập của những năng lực và vật chất trong những lãnh vực vô cùng không thể tưởng tượng của hư không. Trong vũ trụ vật chất không có gì là tĩnh  đọng. Mọi sự vật ở trong một trạng thái năng động thường trực của chuyển động và thay đổi. Rốt ráo không có những biên giới để thấy hay quan niệm được trong toàn bộ vũ trụ.

Tương tự, vũ trụ tâm thức gồm những sức mạnh tâm linh, tâm sinh lý hay sinh vật học được ám chỉ như sáu cõi của Bánh Xe của Đời Sống. Những đạo quân của chư thiên, quỷ thần, rồng v.v..., và niềm tin vào sự hiện hữu của một hệ thống thần linh tổng quát, phát triển từ tôn giáo Bản tiền Phật giáo của Tây Tạng, nó bao gồm một vũ trụ luận hệ thống cấp bậc tương dương trong nhiều mặt với quan niệm chung của Phật giáo về sáu cõi sanh tử.

 

Trong siêu hình học cao hơn của Phật giáo, những vũ trụ vật chất và tâm thức được xem là chỉ hiện hữu như những ý niệm thuần túy. Ý tưởng nền tảng là tất cả mọi hiện tượng, hoặc vật chất hoặc tâm thức, đều không thật, chỉ là những sản phẩm của những nguyên nhân và năng lực thay đổi, tác động lẫn nhau. Như Phật giáo dạy rằng không có cái “ngã” hay “linh hồn” như một thực thể xác định trong cá nhân, nó cũng dạy rằng toàn bộ cõi vật chất và tâm linh không có thực tại độc lập. Qua sự thực thành lời dạy, qua sự nghiên tầm lý trí, kinh nghiệm thiền định và sự quán chiếu trực giác có được từ đó sẽ hiển bày mọi ý niệm của nhị nguyên là hư vọng, thấy được rằng tất cả chúng sanh – bất kể họ hiện hữu ở đâu trong hệ thống cấp bậc tâm linh-vũ trụ – chỉ là nhất thời, những hợp chất bị điều kiện hóa đổi thay của những dòng năng lực trong vũ trụ. Những cái gọi là chúng sanh hay thần linh không có sắc tướng không phải là ngoại trừ, bởi vì chúng cũng có tâm thức và những năng lực.

Nhưng có một phạm trù của thực tại mà chúng ta có thể gọi là “siêu vũ trụ”, chứa đựng những bậc hiện hữu và tác động như những chuyển động nghịch lại với vũ trụ theo nghĩa hành động của họ chống lại với sự thu hút vào trong bánh xe của sanh tử của tất cả chúng sanh trong sáu cõi của vũ trụ tâm thức. Những bậc này là những bậc Giác Ngộ ở nhiều cấp độ sáng suốt khác nhau – những Bồ tát, hóa thần bổn tôn (yidam), daka, dakini và những thần hộ pháp.

Những yidam là những biểu lộ và hiện thân biểu tượng của Báo thân. Dù là những năng lực năng động sáng tạo của tâm thức giác ngộ, họ cũng vẫn phải được hiểu như là những biểu tượng theo nghĩa họ hiện hữu như một phương tiện chuyển tải và tiếp thông ở những cấp độ cao nhất của tánh giác. Evans Wentz gọi họ là “những thần bổn mạng thủ hộ”. Sự tiếp thông với họ không được tự động ban cho con người, mà là kết quả hiếm hoi của sự thực hành mãnh liệt trong kỷ luật của con đường. Điều này xác nhận nguyên tắc chính yếu của Phật giáo là giải thoát và giác ngộ phải được tìm cầu mà không phải là được ban cho. Những hình thức khác nhau của hóa thần bổn tôn kết hợp với những thực hành quán tưởng và sự chuyển hóa những năng lực thực ra là những biểu hiện tâm lý trong công việc thiền định. Những hóa thần bổn tôn tượng trưng và thực sự đại diện cho tính cách, những phẩm tính, thuộc tính và thần lực của các bậc Giác Ngộ. Như thế, họ được tiếp cận bởi hành giả được nhập môn như là một tượng trưng đại diện của thực tại tối cao, thực tại đó nằm trong chính hành giả và hướng về đó mà hành giả nỗ lực. Họ được tri giác không phải như vị Thần Tối Thượng cũng không phải như những tác nhân siêu nhiên. Đối với hành giả được nhập môn, ý nghĩa của họ là như một nhắc nhở về những tiềm năng chưa được khai triển của chính hành giả đó.

Những thần hộ pháp được xem là những biểu lộ phụ của Báo thân. Họ thường được diễn tả như những lưu xuất của các Bồ tát.

Về những dakini, những vị giữ một vai trò nổi bật trong Cuộc Đời, từ dakini có nghĩa đen là “người nữ di chuyển qua không gian”. Trong nhiều giải thích về từ này, một cái có lẽ là thích hợp với bản văn của chúng ta là “người nữ hưởng thọ cõi giới của tánh Không” – nghĩa là, người đã đạt đến sự sáng tỏ cao cấp. Trong một ý nghĩa, những dakini (và những daka, những đối cực nam phái của họ) thuộc về những yidam trong sự việc họ là những biểu lộ của trạng thái cao nhất của Giác ngộ trong cả con người lẫn vũ trụ. Nhưng ý nghĩa vẻ đẹp hay sự hung nộ của họ mạnh mẽ gợi ý rằng một yếu tố tương quan cảm xúc là nền tảng. Như một nhà quan sát đã nêu ra, “Lama là Phật ở ngoài mình; yidam là Phật ở trong mình ; những dakini là Phật được yêu mến”

 

Trên mức độ siêu vũ trụ của sự chứng ngộ, những sinh thể này của phạm trù thứ ba được giao phó công việc bảo tồn kho tàng mênh mông của những giáo lý mật truyền. Trên mức độ khác, những dakini và daka giúp đỡ thiền giả trong việc đáp ứng những mục tiêu tâm linh cao cả nhất của thiền giả, và như thế tượng trưng cho chuyển động nghịch vũ trụ trong toàn thể vũ trụ. Ở đây, Kim Cương thừa vượt quan niệm sâu xa của Đại thừa về hợp nhất tối hậu của sanh tử và niết bàn bằng cách thiết lập như nội tại trong cơ cấu của vũ trụ những năng lực thực sự giúp đỡ cho con người trong công việc hòa hợp và thống nhất hai chuyển động nghịch chiều nhau này trong cõi giới tâm thức của con người.

Chìa khóa của thành tựu nằm trong một hành động đơn giản và lạ lùng của sự thức tỉnh tự nhiên. Đây vốn đã là một trạng thái tỉnh giác không tách biệt khỏi bản tánh tối hậu của Giác ngộ, tuy nhiên nó cũng là con đường nhanh chóng của sự chuyển hóa tức thời, và như thế cho một cái nhìn bao quát đối với những khả tính vô hạn của kinh nghiệm và những phương tiện thiện xảo vô tận. Sự chuyển hóa hướng vào trong ở những cấp độ khác nhau của tâm thức cuối cùng thể nhập vào mọi giác quan và công dụng chức năng của con người, gồm những phản ứng với những hoàn cảnh ưa thích hay không ưa thích cũng như mọi hoạt động khởi từ cơ cấu thân xác – “thân, ngữ, tâm”. Với bất cứ phương pháp thực hành tâm linh nào, người ta chủ yếu cố gắng khai triển mối quan tâm bẩm sinh đối với sự giải phóng ở tầm mức vũ trụ khỏi sự khổ, bao giờ cũng mở rộng phạm vi của từ và bi nhưng cũng đồng thời tỉnh biết bản tánh chân thật đằng sau mọi thực thể bề ngoài, thấy được cái nhất thể tiềm ẩn của mọi hình tướng và tánh không bổn nhiên của chúng. Trong khi làm như thế, người ta thiết lập một nền tảng vững chắc của kinh nghiệm bên trong đến độ ngay cả những xúc tình thất vọng, sợ hãi, tham dục và giận dữ đều chuyển thành những kinh nghiệm ơn phước nhất và xuất thần nhất về Thực Tại.

Đối với một người được nhập môn mỗi một biểu tượng truyền thống gởi gấm vô số cấp độ ý nghĩa, như có chỉ ra trong một chú thích của bản văn “sáu cách thức và bốn phương pháp” (Chú thích 11 ở Chương 4) về sự soi sáng giáo pháp Mật thừa Phật giáo. Những biểu tượng gồm tranh tượng, đồ hình, những chữ âm thiêng liêng, mạn đà la, lễ trượng (chày kim cương), chuông, trống, y phục, trang sức, âm nhạc, múa và những cử động. Thêm vào đó có những biểu tượng tự nhiên cũng mật truyền theo ý nghĩa của chúng, như âm thanh, tiếng nói, thân thể con người, những màu sắc, những nguyên tố tự nhiên (các đại), mặt trời, mặt trăng, bầu trời, biển, những thú vật, cây cối, chim chóc, không gian và thật ra, toàn thể vũ trụ.

Chỉ bằng cách thấu hiểu ý nghĩa thật sự của những biểu tượng này người ta thành tựu quán chiếu thấu suốt vào thực tại nằm sau những hiện tượng, và như thế chuyển hóa những méo mó và những ảo tưởng tâm lý. Qua việc thấy những sự vật không gì hơn là những biểu tượng hay ý niệm, một người nhờ vậy thấy rõ giá trị tương đối và ý nghĩa thực tiễn của chúng trong đời sống và trong những mối quan hệ của y. Người ta phải thông hiểu rằng tánh Không và sự vô tự tánh rốt ráo của tất cả những thực thể tương đối là cái mở ra những khả tính năng động của chúng trong dòng chảy cách mạng, chống đối lại vũ trụ của sự giải phóng tâm linh.

Như trong vũ trụ, cũng thế là bên trong con người: tiến trình nghiệp là nội tại trong mọi sự. Bởi thế con người bị điều kiện hóa bởi nhiều sức mạnh – bên trong bởi những tác nhân tâm lý và bên ngoài bởi những ảnh hưởng vật lý, môi trường và hoàn cảnh. Trạng thái ban sơ của tánh giác bổn nguyên bị chìm dưới đầm lầy bùn đen của mọi thứ điều kiện này, và sự phát triển của số phận con người vì vậy bị trói buộc vào trong vòng của hiện hữu sanh tử. Con đường mật truyền được xem là phương tiện hiệu quả nhất để bẻ gãy vòng lẩn quẩn của những chuyển động sanh tử này, và để thực hiện sự bộc phát của thức tỉnh tự nhiên.

Như thế những thực hành tâm linh là điều chúng ta đã nói đến trên một mức độ vũ trụ như là những chuyển động nghịch lại để giúp đỡ con người kiểm soát được những khuynh hướng bên trong và bên ngoài đang cầm tù nó. Khi hoàn toàn được thắng cương, chính những khuynh hướng này trở thành những dụng cụ vô giá để làm sống động lại những nguồn mạch ẩn dấu của năng lực cao hơn bên trong con người – “hạt nhân” của những nguyên tố vi tế và Lửa Bên Trong (Tummo). Tất cả những sức mạnh khác nhau này được hài hòa bằng những bước tiến bộ của cái thấy toàn hảo và hơi ấm không ngừng của lòng bi khiến sự tinh tấn kiên trì đem một người một lúc càng gần hơn với mục tiêu là sự sáng tỏ cuối cùng rốt ráo.

Về sự thực hành Lửa Bên Trong (Tummo), độc giả xem Chú thích 5 của Chương 3. Ở đây chỉ cần nói rằng lý thuyết và thực hành liên quan đến Tummo bao gồm những quan niệm siêu hình học và tâm lý học sâu thẳm nhất, cũng như những thực hành khác của yoga cao cấp hơn.

Người Tây phương cần ý thức rằng nhiều giáo lý Kim Cương thừa được viết ra trong một ngôn ngữ mật mã. Chìa khóa để cho sự hiểu thật sự không chỉ nằm trong những giáo huấn truyền miệng bí mật, mà còn trong việc thực hành với sự khiêm hạ và kiên trì như bản thân Milarepa làm gương mẫu.

Những thực hành yoga cao cấp được gom lại trong những chủ đề khác nhau, như là Sáu Trao Truyền Bí Mật của Naropa, Năm Bước đến Kết Thúc Trọn Vẹn theo sự Tuyệt Hảo Thống Nhất của cái Bất Tri, Sáu Chuyển Hóa theo Chiều Kích Siêu Việt của Thời Gian và v.v... Những nhận xét gay gắt của Milarepa về việc chỉ nghiên cứu theo lối học giả và đọc sách không phát xuất từ thành kiến chống đối lại sự nghiên cứu ý niệm cho bằng từ cái nhìn thấu suốt vào cách thức sự theo đuổi thiêng liêng của việc nghiên cứu có thể bị phàm tục hóa để thỏa mãn những tham muốn ích kỷ và những mục tiêu cá nhân. Dù Milarepa nhận ngài không bao giờ làm việc theo lối học giả, ngài đã chứng tỏ một hiểu biết thấu suốt trong chiều sâu siêu hình học và những học thuyết Phật giáo, đặc biệt là Trung Quán và Đại Ấn.

Khả năng trình bày những giáo lý phức tạp trong cách đơn giản và sáng sủa của ngài là đáng ngạc nhiên. Phương cách truyền thống của ngài – ca hát những bài thơ hay những bài tụng ca ứng khẩu tức thời – là của riêng ngài. Một cuộc cách mạng bên trong đã chuyển hóa công việc của tâm thức phê phán của ngài thành sự trào phúng tâm linh. Những bài ca của ngài trình bày những tiếp cận khác nhau bên trong truyền thống và thường phát hiện những mâu thuẫn sống động che dấu trong những thái độ và cách ứng xử của con người.

Qua những năm hiến mình cho thiền định và thực hành nơi hoang vắng núi non, sống như một tảng đá núi, theo đuổi hình thức khắt khe nhất của khổ hạnh, Milarepa đã hoàn thành sự sáng tỏ cao nhất có thể đạt được và năng lực tâm linh khiến ngài có thể hướng dẫn và tạo hình số phận của vô số đệ tử người và loài chẳng-phải-người. Qua ngài, phong trào hiện thời để làm sống lại Phật giáo ở Tây Tạng đã nhận được một số thúc đẩy lớn lao. Như hàng triệu ngôi sao, những đệ tử đã thức tỉnh, những lama và thiền giả áo vải thắp sáng xứ sở dù khi Milarepa đã đi vào cõi giới Pháp thân trùm khắp. Lịch sử của truyền thống Kagyu có từ đó với bốn dòng chính và tám dòng phụ là một thành tựu rực rỡ phi thường.

---o0o---

Trích: “Milarepa – Đại Thiền Giả Một Đời Thành Phật Của Tây Tạng”

Một bản dịch mới từ tiếng Tây Tạng bởi Lobsang P.Lhalungpa

Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức – 2011

Ảnh: Internet