BỐN GIỚI LUẬT CỦA BỒ ĐỀ TÂM NGUYỆN - Trích “JIGME LINGPA - JIGME LINGPA” - Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

BỐN GIỚI LUẬT CỦA BỒ ĐỀ TÂM NGUYỆN

Trích “JIGME LINGPA - JIGME LINGPA”

Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

Nhóm Padmapani chuyển Việt ngữ

--o0o--

Giới luật cần trì giữ dành cho những ai đã thọ giới Bồ Đề Tâm hạnh bao gồm sáu Ba-la-mật hay sáu hạnh toàn hảo siêu việt. Năm Ba-la- mật đầu tiên là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định liên quan tới sự tích luỹ công đức cao quý. Ba-la-mật thứ sáu liên quan tới sự tích luỹ trí tuệ toàn hảo.
BỐN GIỚI LUẬT CỦA BỒ ĐỀ TÂM NGUYỆN - Trích “JIGME LINGPA - JIGME LINGPA” - Với phần bình giảng của Longchen Yeshe Dorje, Kangyur Rinpoche

 

Những giới luật của Bồ Đề Tâm hạnh

Giải thích ngắn gọn về các Ba-la-mật

Giới luật cần trì giữ dành cho những ai đã thọ giới Bồ Đề Tâm hạnh bao gồm sáu Ba-la-mật hay sáu hạnh toàn hảo siêu việt. Năm Ba-la- mật đầu tiên là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định liên quan tới sự tích luỹ công đức cao quý. Ba-la-mật thứ sáu liên quan tới sự tích luỹ trí tuệ toàn hảo. Sẽ không có phương pháp nào khác để đạt được Phật quả ngoài việc tích luỹ hai bổ tư lương này thông qua sự hợp nhất giữa phương tiện và trí tuệ. Ngoài sáu Ba-la-mật thông thường có thể thêm vào bốn Ba-la-mật nữa. Đó là (7) phương tiện thiện xảo Ba-la-mật: là sự hồi hướng công đức của bố thí hay tương tự cho đại giác ngộ của tất cả chúng sinh (nhờ vậy công đức không bị mất đi); (8) Lực Ba-la-mật: nhờ vượt qua mọi nghịch cảnh mà chuyển hoá công đức thành giác ngộ; (9) Nguyện Ba-la-mật: nhờ nguyện lực mà hành giả luôn luôn nỗ lực tu nhân tích đức, nhờ vậy những phẩm tính của bố thí và các Ba-la-mật khác khởi sinh liên tục trong những đời kế tiếp; (10) Trí Ba-la-mật: nhờ trí tuệ nguyên sơ cùng thực hành mọi Ba-la-mật mà Bồ Tát có thể cứu độ chúng sinh. Như vậy, đây là mười hạnh toàn hảo siêu việt mà tất cả những bậc Bồ Tát đích thực đều sở hữu.

 

PHÂN LOẠI BỒ TÁT THEO TÂM LỰC

Tuỳ theo mức độ quyết tâm mà có thể chia làm ba kiểu hành giả trên Bồ Tát đạo. Đầu tiên là những hành giả sơ căn. Họ là những người hoàn thiện hai tích luỹ để đạt Phật quả cho bản thân trước, sau đó có thể giải thoát cho người khác. Đây gọi là “Bồ Đề Tâm của đại nguyện theo cách của một vị vua”. Thứ hai là Bồ Đề Tâm phát khởi bởi hành giả trung căn, là những người mong muốn giải thoát bản thân và tất cả chúng sinh cùng một lúc. Điều này được biết đến là “Bồ Đề Tâm của trí tuệ thiêng liêng, theo cách của một người lái đò”. Cuối cùng là Bồ Đề Tâm phát khởi bởi hành giả thượng căn. Họ là những người mong muốn giúp người khác đạt được Phật quả trước, trong khi bản thân vẫn trụ trên Thập địa. Đây phương cách vô song của việc phát khởi “Bồ Đề Tâm theo cách của người chăn cừu”. Đó là Bồ Đề Tâm của Bồ Tát Văn Thù và Quán Thế Âm. Kinh Bảo Tích nói rằng những Bồ Tát sơ căn sẽ đạt quả vị giác ngộ sau ba mươi ba a-tăng-kỳ kiếp. Họ cần ba a-tăng-kỳ kiếp cho Tư Lương Đạo và Gia Hạnh Đạo, cùng ba a-tăng-kỳ kiếp cho mỗi địa trên mười địa. Bồ Tát thuộc căn cơ trung bình cần bốn a-tăng-kỳ kiếp cho Tư Lương Đạo và Gia Hạnh Đạo, một cho Kiến Đạo, một cho bảy địa bất tịnh và một cho ba địa thanh tịnh. Như thế họ đạt Phật quả sau bảy a-tăng-kỳ kiếp. Bồ Tát thượng căn cần một a-tăng-kỳ kiếp cho Tư Lương Đạo và Gia Hạnh Đạo, một cho bảy địa bất tịnh và một cho ba địa thanh tịnh. Do vậy họ đạt tới niết bàn sau ba a-tăng-kỳ kiếp.

BỐ THÍ BA-LA-MÂT

Bản chất của bố thí là không bị dính mắc vào của cải vật chất và có tâm hào phóng, rộng lượng với người khác.

Có ba loại bố thí: bố thí tài sản (tài thí), bố thí sự bảo vệ khỏi sợ hãi (vô uý thí) và bố thí Pháp thiêng liêng (Pháp thí).

TÀI THÍ

Có ba mức độ của tài thí. Đầu tiên là “bố thí thông thường” khi tâm còn chưa thật vững mạnh. Tiếp theo là “bố thí vĩ đại” khi thói quen bố thí đã hình thành. Cuối cùng là “bố thí tột bực” khi sự thực hành đã thuần thục. Loại đầu tiên, bố thí thông thường được thực hiện tuỳ theo mức  phát tâm của người bố thí bao gồm bố thí thực phẩm, quần áo, xe cộ, trâu bò và đất đai. Bố thí vĩ đại bao gồm việc xả bỏ những thứ người ta vô cùng yêu mến và trân quý, ví dụ như con trai, con gái, vợ hay chồng mình. Bố thí tột bực là loại khó nhất trong tất cả. Nó bao gồm việc cho đi cả chân tay, nội tạng và thậm chí đầu mình mà hoàn toàn không luyến tiếc như vua Chandraprabha (Nguyệt Quang) đã làm.

 

Những ai đang chỉ mới bắt đầu tu tập các hạnh Bồ Tát nói chung, đặc biệt là hạnh bố thí, sẽ cảm thấy bị thói quen keo kiệt, hà tiện ngăn trở và cảm thấy khó khăn ngay cả khi cúng dường thực phẩm. Họ phải rèn luyện bản thân dần dần như cách người đàn ông trong một câu chuyện đã tập bố thí bằng cách chuyển những vật nhỏ từ tay nọ sang tay kia và nghĩ rằng mình đang cho đi. Cuối cùng, ông ta đã có thể thực hiện cúng dường theo cách bố thí vĩ đại. Cũng vậy, chúng ta nên bắt đầu rèn luyện bằng cách cho đi những điều nhỏ bé như là một chút rau đã nấu chín hay tương tự. Rồi dần dần ta sẽ chiến thắng được thói quen sở hữu và củng cố tâm bố thí cúng dường một cách vững chắc. Chúng ta cần tiếp tục rèn luyện cho tới khi có thể thực hành sự bố thí tột bực.

VÔ UÝ THÍ

Vô uý thí có nghĩa là bảo vệ đời sống của những chúng sinh đang bị giam cầm, hành hạ hay ngược đãi. Chẳng hạn như bảo vệ thú hoang đang bị đuổi bắt bởi thợ săn, cứu mạng cừu và gia súc đang đợi vào lò mổ, hay giúp đỡ những người đang gặp hiểm nguy bởi bệnh tật và những thế lực xấu ác. Nó còn có nghĩa là tu dưỡng tâm mình với ước nguyện thực sự có thể cứu độ hết thảy chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi khổ đau bất tận – cội nguồn của nỗi sợ hãi triền miên – và đưa họ tới niết bàn an lạc trọn vẹn.

 

Những người mới bắt đầu nên thực hành bố thí hợp với sức mình. Nếu họ chưa đủ khả năng lực để cho đi những gì khó cho đi mà với khinh suất làm vượt quá khả năng của mình thì có một nguy cơ là họ sẽ bị ngã lòng và hối hận. Nguy cơ lớn hơn nữa là thái độ của Thanh Văn và Duyên Giác có thể sẽ chiếm một chỗ đứng trong tâm họ. Do đó người ta cần tránh những hành động bố thí thiếu cân nhắc như vậy. Ngài Tịch Thiên có nói trong tác phẩm Shikshasamucchaya (Tập Bồ Tát Học Luận) của mình rằng:

Một cái cây của thiên đường thật đẹp để gìn giữ

Hạt và gốc của nó sẽ mang lại niềm hỷ lạc lớn lao

Vì vậy đừng nhổ nó lên trước thời điểm

Cây chữa lành của Phật quả là như nhau

 

Như vậy, việc cho đi thân thể và sinh mạng với một “lòng bi” bị ô nhiễm bởi tâm ganh tỵ, ác ý hay tương tự là điều bị ngăn cấm trong Tập Bồ Tát Học Luận như ta đã thấy. Thêm nữa, thực hành bố thí với tâm thù hận, đố kỵ, khoe khoang hoặc làm tổn hại người khác - như cho đi những thứ độc hại như thuốc độc hay vũ khí (ví dụ tặng dao cho đồ tể hay rượu cho kẻ nghiện rượu), hoặc tặng của cải cho người mình luyến ái – tất cả những cách bố thí như vậy bị ô nhiễm bởi động cơ bất tịnh và sẽ chỉ tăng thêm tiêu cực. Chúng chẳng những khác xa với thực hành của Bồ Tát mà còn là điều đáng để khinh chê. Trái ngược với điều này, dấu hiệu của bố thí hoàn hảo là sự từ bỏ hoàn toàn thói keo kiệt bủn xỉn trong tâm mình. Nó có nghĩa là từ bỏ mọi bám chấp vào những gì mình sở hữu như nhà cửa, thân thể, quyền lợi và công đức.

PHÁP THÍ

Bố thí Pháp tối thắng cũng được chia làm ba mức độ. Kinh Arya- Lokadhara-paripriccha dạy rằng: “Bố thí Pháp là gì? Tặng cho bút, mực và sách là bố thí Pháp nhỏ. Giảng dạy Pháp Thanh Văn, Duyên Giác và dạy Pháp vô thượng tuỳ theo căn cơ người nghe là bố thí Pháp lớn. Giúp người phát khởi Bồ Đề Tâm và giảng dạy giáo pháp không thể nghĩ bàn như hư không là bố thí Pháp tối thượng”.

 

Bố thí Pháp đích thực là chỉ dạy người khác hợp với căn cơ của họ. Tuy nhiên, những ai đang ở trên cấp độ thực hành phát nguyện khó có thể giảng dạy theo cách này, bởi vì họ chưa thể chỉ bày giáo pháp một cách tường minh trên cả câu từ và ý nghĩa. Ở giai đoạn này, người ta nên lấy tâm vị tha làm thực hành chính, đồng thời không ngừng nỗ lực sử dụng chính niệm và tỉnh giác để loại trừ xúc tình tiêu cực dưới sự hướng dẫn của một bậc đạo sư. Với lòng từ bi, người ta nên đọc lớn tiếng những lời dạy nói chung của Đức Phật và đặc biệt là các Kinh Điển Đại Thừa. Những ai nghe thấy sẽ được tịnh hoá ác nghiệp và che chướng trong nhiều đời kiếp. Tâm vị tha trong họ sẽ tự nhiên phát khởi và vô số phẩm tính sẽ sinh sôi. Trời và rồng ưa thích thiện đức sẽ tới nghe Pháp âm và được giải thoát khỏi nghiệp cùng xúc tình phiền não, theo đó phát tâm hộ trì Phật Pháp. Tóm lại, điều quan trọng là cần cầu nguyện rằng tất cả chúng sinh sẽ trở thành bình chứa cho giáo pháp Đại Thừa và nỗ lực đạt tới quả vị tối thượng.

Khi tâm người ta đã được giải thoát, không còn bị ảnh hưởng bởi tám pháp thế gian và không bị cản trở bởi xao lãng, bận rộn, lúc đó mục tiêu chính của họ là làm lợi lạc cho tha nhân. Họ cần thuyết Pháp độ sinh tuỳ theo khả năng, mong cầu và tính cách của chúng sinh, kể từ giáo lý nghiệp quả cho tới giáo lý Đại Viên Mãn.

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan