CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA BỂ KHỔ - LÀM VIỆC NHƯ ĐỨC PHẬT – DAN ZIGMOND

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA BỂ KHỔ

LÀM VIỆC NHƯ ĐỨC PHẬT – DAN ZIGMOND

–––––o0o–––––

Mà đó mới chỉ là chi phí tiền bạc mà thôi. Trong cuốn sách Dying for a Paycheck (tạm dịch: Chết vì đồng lương), giáo sư Jeffrey Pfeifer của Đại học Stanford giải thích rằng áp lực nơi làm việc chắc chắn sẽ khiến người ta gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn, cũng như gây ra nhiều cái chết vốn có thể tránh được từ việc hút thuốc thụ động hơn. Áp lực ở hầu hết các công sở nghiêm...
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CỦA BỂ KHỔ - LÀM VIỆC NHƯ ĐỨC PHẬT – DAN ZIGMOND

Nếu làm việc không có gì là sai trái, ít nhất là về lý thuyết, tại sao làm việc lại khó khăn đến vậy?

Trong bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật. Ngài đã nêu lên “tứ diệu đế”. Chúng ta sẽ nói ngắn gọn về cả bốn chân lý này, nhưng bây giờ hãy tập trung vào chân lý đầu tiên, thường được diễn giả rằng: “Đời là bể khổ.”

Nghe có vẻ tuyệt vọng, nhưng ý của Đức Phật không hoàn toàn như vậy. Ngài chỉ đơn thuần muốn chứng nhận một cảm giác mà tất cả chúng ta đều trải qua ở lúc này hoặc lúc khác. Đời là bể khổ. Đau đớn và mất mát là cái tất yếu. Nhưng đời không chỉ là bể khổ. Vẫn có những khoảnh khắc sướng vui và hạnh phúc. Hầu hết chúng ta không phải lúc nào cũng trầm luân. Nhưng tất cả vẫn phải đối diện với khó khăn vào một thời điểm nào đó. Và ngay cả việc biết được những trải nghiệm hài lòng nhất, thỏa mãn nhất đến một lúc rồi sẽ chấm dứt cũng để lại những cảm giác mất mát khôn nguôi.

Một số học giả không dám chắc chính xác thì “bể khổ” có phải là ý mà Đức Phật muốn nói hay không. Đức Phật không nói tiếng Anh, tất nhiên là vậy. Chúng ta không biết chắc ngôn ngữ Ngài nói là gì. Những triết lý của Ngài đến với chúng ta dưới hình thức các ngôn ngữ cổ của Ấn Độ, trong đó có một ngôn ngữ gọi là Phạn văn, và từ người ta dùng truong trường hợp này là dukkha. Có cách dịch từ dukkha là “khổ ải” hay thậm chí là “đau đớn”, và đó là lý do tại sao hầu hết những cách diễn giải chân lý đầu tiên của Đức Phật đều là câu mà chúng ta vẫn nói: “Đời là bể khổ”. Nhưng vẫn có người dùng từ “áp lực” thay cho “bể khổ” vậy. Như thế một cách khác để diễn giải chân lý đầu tiên của Đức Phật có thể là: “Cuộc đời thật sự rất áp lực.”

Với nhiều người, cách diễn giải trên mới thật sự đúng – đặc biệt là những người đi làm.

Những nghiên cứu nối tiếp nhau đã xác nhận rằng đời sống công việc quả thật đầy áp lực. Theo một báo cáo của Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc gia, 40% người lao động tại Mỹ cảm thấy công việc của họ “rất hoặc cực kỳ áp lực”. Nhóm công tác về Sức khỏe Washington ước tính “46% trong số toàn thể nhân viên đang bị áp lực nghiêm trọng đến mức kiệt quệ”. Và ngay từ năm 1996, các khảo sát cho thấy 75% người lao động Mỹ trải qua tình trạng áp lực cao trong công việc ít nhất một lần mỗi tuần, và chắc chắn là kể từ đó tình hình chỉ có tệ hơn.

Vấn đề này không chỉ có ở riêng nước Mỹ. Một nghiên cứu tại châu Âu thể hiện 27,5% người lao động đang phải chịu đựng sự mệt mỏi ngày càng gia tăng do áp lực ở chỗ làm gây ra. Một khảo sát trên nhóm phụ nữ đang làm việc tại Thụy Điển cho biết 38% người được khảo sát cảm thấy công việc của họ rất căng thẳng. Đó là ở Thụy Điển! Nếu ngay cả Thụy Điển cũng không còn bình tĩnh được thì có thể thấy chúng ta đang gặp rắc rối thực sự vậy.

Tất cả những áp lực này đều có cái giá của chúng. Những ước tính sơ bộ cho thấy tổng chi phí xã hội mà áp lực nơi làm việc gây ra vào thập niên 90 của thế kỷ XX có thể chiếm tới 10% GNP (tổng sản phẩm của quốc gia). Ngày nay, tại Mỹ, con số đó sẽ tương đương 1.000.000.000.000 đô-la (một nghìn tỷ đô-la!). Chi phí trực tiếp của phần doanh thu bị mất do áp lực nơi làm việc được người ta ước tính vào khoảng 150 tỷ đô-la. Trên thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế cũng ước tính rằng chi phí của áp lực nơi làm việc vào khoảng 1 – 3,5% GDP toàn cầu.

Mà đó mới chỉ là chi phí tiền bạc mà thôi. Trong cuốn sách Dying for a Paycheck (tạm dịch: Chết vì đồng lương), giáo sư Jeffrey Pfeifer của Đại học Stanford giải thích rằng áp lực nơi làm việc chắc chắn sẽ khiến người ta gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn, cũng như gây ra nhiều cái chết vốn có thể tránh được từ việc hút thuốc thụ động hơn. Áp lực ở hầu hết các công sở nghiêm trọng đến mức “các công việc văn phòng thường gây áp lực và tổn hại đến sức khỏe chẳng kém gì lao động chân tay và thường xuyên gây hại hơn. Viện nghiên cứu Căng thẳng Hoa kỳ ước tính “từ 75% đến 90% số lần đi khám bác sĩ liên quan đến áp lực”.

Nhưng đâu có nhất thiết phải như vậy. Công việc không nên khiến chúng ta cảm thấy đau khổ. Và khi chúng ta tìm ra cách để hạnh phúc trong công việc, mọi người đều có lợi.

Từ ít nhất hai thập niên trước, chúng ta biết rằng hạnh phúc sẽ làm tăng năng suất khi làm việc. Một trong những nghiên cứu phát hiện thấy những người tình nguyện có tâm trạng phấn chấn lên sau khi xem một đoạn phim hài hước sẽ làm một đề toán mô phỏng trạng thái suy nghĩ khi làm việc tốt hơn đáng kể. Cũng chính những nhà nghiên cứu này nhận thấy một “sự kiện buồn” (chẳng hạn như người thân qua đời hoặc bản thân bị bệnh nặng) sẽ giảm hiệu quả của người đi làm xuống khoảng 10% - ngay cả khi sự kiện đó đã diễn ra từ hai năm trước. Chỉ đơn giản là sẽ rất khó để làm việc tốt khi bạn buồn và ngược lại, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi bạn đang có tâm trạng phấn khởi.

Kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây kết luận rằng hạnh phúc sẽ cải thiện khả năng sáng tạo, và “thái độ, trải nghiệm tích cực gắn liền với những hệ quả có lợi cho cả nhân viên lẫn tổ chức”. Một nghiên cứu theo thời gian trên quy mô lớn ở Canada cũng cho thấy các kết quả tương tự. Họ đã phát biểu khá đơn giản như sau: “người hạnh phúc thì cũng làm việc năng suất hơn”, và “người ta sẽ làm việc năng suất hơn khi cảm thấy hạnh phúc”.

Chúng ta thường tin là thành công trong sự nghiệp sẽ dẫn tới hạnh phúc, và nhiều người sẵn sàng chịu đựng những ngày tồi tệ, những vị sếp xấu tính bằng chính niềm hy vọng đó. Nhưng chúng ta có thể nhận được chính điều ngược lại. Sẽ thế nào nếu sự bất hạnh trong công việc chỉ kiến chúng ta làm việc kém đi và rốt cuộc, kém thành công hơn?

Trong một nghiên cứu toàn diện về tài liệu khoa học, ba nhà nghiên cứu đến từ California đã kết luận như sau: “Những người hạnh phúc sẽ nhận được thu nhập cao hơn, thể hiện hiệu quả tốt hơn và được cấp trên ưu ái trong đánh giá hơn những người đồng nghiệp kém vui vẻ hơn họ”. Họ đi tới kết luận sau khi xem lại hàng thập niên của các “nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu theo thời gian và nghiên cứu tiêu biểu một thời điểm”.

Luận điểm của họ hết sức rõ ràng: “Hạnh phúc là tiền đề và điều kiện dẫn tới thành công trong sự nghiệp.” Ngoài ra không còn con đường nào khác.

Nói tóm lại, trong chúng ta có nhiều người đang chịu đựng vì công việc, và sự chịu đựng này đang tạo ra những cái giá phải trả đối với sức khỏe cũng như với người trả lương cho chúng ta. Cùng lúc đó, những người lao động hạnh phúc không chỉ hạnh phúc hơn mà còn hiệu quả và mang lại nhiều giá trị hơn cho người tuyển dụng họ. Bản thân hạnh phúc không chỉ là phần thưởng mà còn mang lại nhiều thành công hơn cho chúng ta trong công việc.

Vậy làm thế nào để trở nên hạnh phúc? Liệu có bí quyết màu nhiệm nào có thể giúp chúng ta mở khóa cánh cửa dẫn đến hạnh phúc và tất cả những lợi ích khác? Đó chính là những gì mà Đức Phật muốn tìm kiếm cách đây hai nghìn năm trăm năm trước.

 

–––––o0o–––––

Trích: Làm Việc Như Đức Phật

Tác Giả: Dan Zigmond

Dịch Giả: Hoàng Long

NXB: Khoa Học Xã Hội in năm 2020

Ảnh: Nguồn Internet