CÔNG DÂN TOÀN CẦU ĐẦU TIÊN TÔI TỪNG GẶP PHAN VĂN TRƯỜNG - CÔNG DÂN TOÀN CẦU – CÔNG DÂN VŨ TRỤ 

CÔNG DÂN TOÀN CẦU ĐẦU TIÊN TÔI TỪNG GẶP

PHAN VĂN TRƯỜNG - CÔNG DÂN TOÀN CẦU – CÔNG DÂN VŨ TRỤ 

-------o0o-------

Với sự nhìn nhận mình là công dân toàn cầu, tôi sẽ mãi mãi đứng bên cạnh Chân lý, và sẽ chỉ đi theo sự hướng dẫn của lương tri. Thiết tưởng đó là con đường duy nhất đi tới hòa bình và công lý cho trái đất này. Hãy luôn luôn làm đúng việc và đúng người, và hãy luôn luôn đồng thành với bất cứ ai cùng chí hướng.
CÔNG DÂN TOÀN CẦU ĐẦU TIÊN TÔI TỪNG GẶP PHAN VĂN TRƯỜNG - CÔNG DÂN TOÀN CẦU – CÔNG DÂN VŨ TRỤ 

"As a citizen of the world, I stand only with Truth and my conscience is my only leader. This is the only way to peace and justice on earth. To always do the right thing, be the right person, and stand with whoever is right always and forever." _Suzy Kassem

Với sự nhìn nhận mình là công dân toàn cầu, tôi sẽ mãi mãi đứng bên cạnh Chân lý, và sẽ chỉ đi theo sự hướng dẫn của lương tri. Thiết tưởng đó là con đường duy nhất đi tới hòa bình và công lý cho trái đất này. Hãy luôn luôn làm đúng việc và đúng người, và hãy luôn luôn đồng thành với bất cứ ai cùng chí hướng.

---o0o---

Lần đầu tiên làm việc với anh Andrew, năm 1978, nhóm chúng tôi đều xem anh như một người quái dị. Lúc đó, anh Andrew có lẽ lớn hơn tôi vài tuổi, trạc 35 tuổi. Trong những năm sau đó, công việc của công ty tôi khá nhiều ở Indonesia nên tôi phải đi Jakarta thường xuyên. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại có dịp làm việc với anh Andrew, thành thử chúng tôi gặp nhau khá thường và tất nhiên có nhiều dịp để trao đổi riêng, ngoài công việc. Mỗi tháng một vài lần, kể ra cũng không ít, thế mà sau hai, ba năm, tôi vẫn chưa hình dung được con người thật của anh và cũng không đánh giá được thực sự bao nhiêu tình cảm hoặc cảm tình anh ấy dành cho mình và cả nhóm cùng làm việc.

Anh ấy có lẽ rất quý tôi, nhưng tôi chỉ dám thưa có lẽ, vì anh ấy không bao giờ để tình cảm bộc lộ một cách rõ rệt. Sự chào hỏi của Andrew luôn luôn vồn vã, ấm áp, nhưng ngay sau đó, anh ấy như con ốc, rút mình vào trong vỏ và không để lộ thêm tình cảm, dù chỉ một mảy may. Từ lúc đó trở đi, Andrew tập trung vào công việc. Thỉnh thoảng anh nhìn giờ, trông cứ như con người ấy phải tuân thủ một thời gian biểu vô hình mà chỉ có anh mới nắm bắt. Tự kỷ luật có lẽ là dấu ấn của một con người mang óc tổ chức, gọn gàng đến phát nể. Chẳng lúc nào có thể bắt gặp anh ấy tìm kiếm cái gì trong cặp hoặc trong túi, vì anh Andrew như thuộc lòng vị trí của mỗi dụng cụ, từ cái bút máy, cái kéo, chùm chìa khóa, và cử nhìn anh thì người ta có thể phỏng đoán anh sẽ sống được trong bóng tối đặc mà vẫn không sợ bỏ quên đồ đạc hoặc đi tìm một dụng cụ. Khi làm việc, độ tập trung của anh thật kinh hoàng, và nếu vào lúc đó có ai thưa với anh cái gì thì anh sẽ không nghe, phải một lúc sau anh mới quay lại, xin lỗi một cách ôn tồn với nụ cười hiền hòa dễ mến rồi hỏi họ có cần gì không.

Tôi cũng rất quý anh Andrew. Tuy nhiên, mỗi khi tôi rủ đi ăn sau một buổi làm việc thì anh ấy bao giờ cũng nhẹ nhàng từ chối. Nhưng ngược lại, để tránh có sự hiểu lầm chăng, anh sẽ sẵn sàng ngồi với tôi khoảng thời gian vừa đủ để nhâm nhi một tách cà phê trước khi mỗi người về nơi ở của mình. Rõ ràng, anh ấy giữ ý, và điều khó đoán nhất là không biết phần nào giữ ý phần nào là thực của con người anh.

Một điều tôi có ấn tượng mạnh về anh là khả năng thuyết phục và thương thảo. Có lần Andrew chia sẻ với tôi rằng anh chưa bao giờ thấy một sự chống đối hay mâu thuẫn nào trong cuộc sống có khả năng kiềm hãm bước tiến của mình. Anh cho rằng việc gì cũng có thể trở nên tích cực nếu mình đủ sức thuyết phục về lợi ích cho cả đôi bên. Nếu có sự chống đối thì anh sẽ tìm hiểu tại sao, và sau khi tìm ra lý do gốc thì anh khẳng định rằng mình có thể dễ dàng tháo gỡ sự chống đối bằng những lời lễ tích cực, mang giá trị cho mọi người. Andrew là con người của những giá trị, của sự thực thi mọi việc tốt đẹp, của những bước tiến ngoạn mục mà người khác có thể cảm nhận là khó, nhưng đối với anh, khó khăn nào cũng có giải pháp. Anh là con người vô cùng sáng tạo, và việc sáng tạo đầu tiên, anh nói, là tìm phương án để tháo gỡ mọi rào cản. Tiếng Anh sẽ gọi nhân vật như Andrew là một problem-solver.

Anh Andrew làm nghề tư vấn cho các dự án khách sạn cấp cao. Công ty của tôi lại chuyên về thiết kế các tòa nhà như khách sạn, bệnh viện, trường học, viện bảo tàng, tóm lại là những cơ sở hạ tầng mang tính xã hội. Với tư cách là Giám đốc Quốc tế, bổn phận chính của tôi là lấy dự án thiết kế về cho công ty của mình. Nhưng không chỉ có thể. Chúng tôi thuộc một tập đoàn xây dựng lớn hơn, và mỗi khi có dự án nào mang quy mô lớn hơn thì công việc của tôi còn ảnh hưởng đến cả mảng dự án xây dựng, mà chuyên gia nào cũng biết rằng phần xây dựng với doanh thu lớn hơn gấp bội mới là đích đến.

Anh Andrew hiểu chuyện đó, nên ngoài dự án mà chúng tôi hợp tác, anh đôi khi còn cho tôi thêm thông tin về quang cảnh tổng thể của thị trường các dự án có khả năng tạo việc làm cho tập đoàn chúng tôi. Nói thế để thấy rằng anh Andrew không dè dặt khi có lợi ích, cho dù lợi ích đó không mang gì trực tiếp tới cá nhân anh.

Tôi biết rất ít, nếu không muốn nói là chẳng biết gì về bản thân anh. Tôi không đoán nổi Andrew có bằng cấp gì, có gia đình chưa, đang cư ngụ ở nước nào là chính. Họa may tôi biết anh là người Canada đã tới xứ Nam Dương làm việc từ nhiều năm, và nếu chỉ trông con người lịch lãm của anh, người ta có thể mạo muội phỏng đoán anh là một doanh nhân đã có ít nhiều thành tích tốt đẹp.

Phải đi vào công việc thì mới thấy được anh Andrew là một doanh nhân quái dị, mà sau này, tôi gọi anh là “công dân toàn cầu” đầu tiên và tiêu biểu nhất mà tôi từng gặp.

Trước hết, anh có một biệt tài. Đó là khi ở trong phòng họp, anh có thể làm cho người ta quên mất sự có mặt của mình, nhưng khi cần, Andrew lại làm cho người ta nhớ rằng anh không những có mặt mà còn là người rất cần thiết cho tập thể. Anh giống một người có khả năng tàng hình, chỉ thực sự xuất hiện khi cần rồi biến đi như mây khói, trong khi thân xác vẫn đang ngồi lù lù trong một góc căn phòng. Có lần tôi hỏi anh về bí quyết hành xử này, anh chỉ trả lời ngắn gọn là “mình chỉ thể hiện khi cần thôi!”.

Andrew có biệt tài thứ hai là khiến cho không ai có thể đoán mò được tài sản của anh. Điều này làm nhiều người thắc mắc, vì ai cũng biết rằng trong doanh trường, không ai thích kết nối với người có ít vốn. Quy luật này không bao giờ công khai, nhưng vẻ hào nhoáng và phong cách sang trọng luôn luôn được xem là tiền đề cho bất cứ cuộc giao thương nào mang chút hứa hẹn. Anh Andrew ăn mặc rất đơn giản, và có vẻ còn cho người ta cảm tưởng rằng anh có rất ít quần áo trong tủ. Tuy nhiên, khi nhìn chất lượng vải quần áo anh mặc, cũng như thương hiệu cao cấp của đôi giầy anh mang, người ta khó lòng giải được bài toán: anh Andrew nặng bao nhiêu cân tài sản đô-la? Ngày nào anh cũng mặc quần đen với áo trắng, chẳng bao giờ đổi màu tiêu biểu cho con người của mình, nhưng chân bao giờ cũng đi bốt Berluti, và lưng bao giờ cũng chẳng dây nịt Dunhill. Mãi về sau, khi đã giao lưu nhiều với khối công dân toàn cầu, tôi mới giải mã được hiện tượng kỳ quặc này. Tôi xin dành chuyện đó cho các phần sau của sách.

Đặc điểm thứ ba của Andrew là anh có đầy đủ mọi trang bị điện tử để có thể đi lên cung trăng nếu cần, hoặc đi vài tháng vào một bãi sa mạc ngàn trùng nào đó, Sahara hay Gobi chẳng hạn, mà vẫn không sợ mất liên lạc với thế giới của riêng anh. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, thời kỳ điện thoại di động chưa xuất hiện (ít nhất cho người phàm như hầu hết chúng tôi), khi máy laptop chưa ra đời, khi mạng internet mới chập chững xuất hiện, anh Andrew đi đâu cũng mang theo một va-li nhỏ dành riêng cho việc chuyên chở gọn gàng đống đồ điện tử của mình. Anh có chiếc máy đánh chữ điện tử mà vào thời đó giá của nó cao ngất ngưởng, không mấy công ty dám mua cho nhân viên. Không những sở hữu riêng nó, điều ngạc nhiên hơn nữa là anh đánh máy rất nhanh.

Thời đó, đánh máy chữ có thể được xem là việc độc quyền của các thư ký, chứ chẳng doanh nhân cấp cao hoặc lãnh đạo công ty nào đụng tới nó, vì e rằng ai đó sẽ hiểu lầm về đẳng cấp của mình. Máy đánh chữ, nói một cách trắng trợn là để cho thư ký loại thấp gõ. Thế nhưng anh Andrew không ngại gõ máy đánh chữ, thậm chí anh gõ rất nhanh và có khả năng in ra tờ biên bản ngay sau khi buổi họp chấm dứt. Tôi cứ ngơ ngác nhìn anh làm việc như thế, nửa đánh giá đó không phải là việc của anh, nửa nhìn nhận rằng anh đạt được mức hiệu năng làm việc cao hơn mọi sức tưởng tượng.

Anh Andrew còn có một máy điện thoại thuộc loại chuyên dụng trong quân đội, xin nhớ cho là vào thời đó, điện thoại cầm tay chưa ra đời! Anh tiết lộ rằng các thiết bị điện tử của mình cho phép truyền thông tin thoải mái bất cứ lúc nào, từ bất cứ nơi nào, tới bất cứ đối tác nào mà không cần cắm điện. Ăng-ten của máy dài cả hai thước, cong như một chiếc cần câu. Mọi người vào thời đó bị ấn tượng đến nghẹn lời khi trông thấy những trang bị của anh. Tôi chẳng thể mường tượng được tại sao một người như Andrew lại nắm trong tay những thứ mà có lẽ chỉ Tổng thống Hoa Kỳ mới sở hữu và cần sử dụng mà thôi. Lắm lúc, anh Andrew cho tôi cảm tưởng anh phải là một gián điệp cao cấp. Tuy nhiên, khi nhìn lại mấy dự án khách sạn xoàng mà mình theo đuổi, tôi tin chẳng có lý do gì một công ty tư nhân hay chính phủ nào lại thèm mướn một nhà gián điệp như thế để theo dõi chúng tôi hàng tháng, hàng năm.

Bạn đọc hiếu kỳ sẽ thắc mắc có lẽ anh Andrew truyền thông cừ lắm! Đã đến lúc phải nhắc đến tài truyền thông của Andrew, và chính anh ấy là người thầy đầu tiên về truyền thông của tôi, hoặc đúng hơn anh là người mẫu cho tôi.

Thứ nhất, khi buổi họp nào vừa chấm dứt, mọi người vừa đứng dậy duỗi tay chân để thư giãn gân cốt sau một chầu ngồi dài thì anh Andrew đã chuẩn bị sẵn một văn bản báo cáo buổi họp vừa qua. Anh vừa họp vừa đánh máy. Anh vừa đánh máy vừa tự biên tập cho thật chỉn chu. Trong văn bản đó, anh ghi tất cả những chi tiết đã được đề cập trong buổi họp, ai nói gì, ai im lặng, ai bức xúc, ai nhẹ nhàng... Vào lần đầu tiên anh làm vậy, mọi người đều ngạc nhiên vì trong suốt đời nghề nghiệp, chưa bao giờ họ lại gặp một sự kiện lạ lùng như thế. Chẳng ai nhờ Andrew làm việc đó và khi họ bày tỏ thì anh ấy trả lời rằng đó là một việc cần thiết để kỳ họp sau không phải trở lại những nội dung đã chốt. Rồi anh yêu cầu mọi người ký vào văn bản.

Tôi còn nhớ rõ mồn một rằng lần đầu anh làm vậy, mọi người đều hơi hoảng sợ và không ai chịu ký. Andrew không dỗi, không phản ứng tiêu cực mà chỉ xin nộp cho mỗi người một bản không có chữ ký của ai, trừ chữ ký của chính anh! Đến các buổi họp sau, ai cũng thể hiện trách nhiệm cao hơn khi phát biểu, và có vị đã không ngần ngại ký vào văn bản báo cáo buổi họp ngày hôm đó. Đến buổi họp thứ ba thì mọi người đều ký. Từ đó, các buổi họp lướt rất nhanh, không có vị nào cảm thấy cần thiết trở lại những điều đã chốt trong buổi họp trước. Vào buổi họp cuối, khi mọi người đồng ý trên hầu hết mọi điểm, anh Andrew đưa ra một văn bản ghi nhớ mà anh gọi là “dự thảo hợp đồng giữa các thành viên”.

Bạn ạ, tôi chưa bao giờ thấy một người nào kỳ dị như Andrew. Không biết làm sao anh có thể vừa lặng lẽ theo dõi một buổi họp, vừa tham gia như một thành viên linh hoạt, vừa đánh máy báo cáo và nhất là biến báo cáo đó thành một văn bản với giọng văn mang tính pháp lý và kỹ thuật chuyên nghiệp. Anh đồng thời là biên bản, là luật sư, là doanh nhân, là kỹ sư, là thư ký, là cái máy in, và là một cỗ máy chạy nhanh hơn mọi cỗ máy. Suốt cuộc đời nghề nghiệp sau đó, tôi chưa bao giờ gặp lại một nhân vật tương tự.

Anh Andrew còn có một biệt tài nữa, đó là khả năng “lý trí hóa” mọi phản ứng cảm tính. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, các buổi họp của chúng tôi với đối tác tại Indonesia thỉnh thoảng cũng chuyển hóa sang lời qua tiếng lại và nhiều điều vô nghĩa được quẳng ra bàn hội nghị một cách vô tội vạ. Phải nói rằng chung quanh bàn họp toàn là những nhân vật có chức vụ, quyền thế và tài sản. Chẳng ai sợ ai, mà cũng chẳng ai thực sự quan tâm lấy lòng ai. Thế nhưng, vào những lúc gió lớn sóng to thì anh Andrew thật tuyệt vời. Từ một chỗ ngồi im im, anh bỗng lên tiếng nhẹ. Anh bắt đầu giải thích rằng bác Mohamed lớn tiếng vì muốn mọi người cảm nhận được nỗi khó cho công ty mình. Bác David đập bàn vì giải pháp nọ không khả thi theo trải nghiệm lão luyện của mình, còn bác Susanto bức xúc vì sau một chục buổi họp mà chưa đạt được một kết quả khả quan nào... Tóm lại, anh Andrew kết luận đó toàn là những phản ứng dễ hiểu, và đúng lúc ấy anh hé lộ ra một phương án có khả năng đoàn kết mọi ý muốn. Thế là mọi người đều vui vẻ nhìn nhận phản ứng của mình vượt ý thực, nói sorry và liền ủng hộ giải pháp của anh Andrew. Tôi chưa bao giờ trông thấy ai có khả năng đè sóng một cách nhẹ nhàng và êm ái như anh. Chẳng trách người ta hay mời anh tham gia các dự án phức tạp, vì tài giải quyết mâu thuẫn, thậm chí xung đột của anh thật quá nhẹ nhàng.

Nhưng tài truyền thông của Andrew không chỉ giới hạn như vừa kể. Anh có lần tiết lộ rằng tôi mới chỉ được nghe anh nói tiếng Anh, vì những đối tác trong dự án đều có ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Nhưng Andrew có khả năng làm đúng những việc đang làm trong ba ngôn ngữ khác nữa — tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Nga. Ngay sau đó, anh bắt đầu tiếp ngay chuyện bằng tiếng Pháp, và tôi gần ngã ngửa trước trình độ sử dụng tiếng Pháp của Andrew. Có lẽ đó là lần duy nhất mà anh muốn “khoe” với tôi điều gì. Tôi phỏng đoán Andrew phải là con lai, chẳng hạn anh có cha là người Đức, mẹ là người Nga, và có vợ là người Pháp.

Một cá tính tuyệt vời khác của Andrew là tiết kiệm. Anh tiết kiệm tối đa, tuy vẫn cho vẻ phóng khoáng, dễ dãi. Anh tiết kiệm lời nói, ít khi nào phát biểu một câu, một chữ mà không đưa đến một tình tiết. Anh tiết kiệm thời gian họp, nhờ những văn bản kỳ khôi của anh nên khó có đề tài nào được bàn cãi quá lâu. Anh tiết kiệm giấy trắng, tiết kiệm bưu phí. Nhưng điều anh giúp tiết kiệm nhiều nhất chính là khiến các buổi họp lướt nhanh tới kết cuộc, nhờ cái năng lượng nhẹ nhàng của anh. Andrew ít nói nhưng dần dần anh trở thành một trọng tài của mọi buổi họp, do anh có khả năng đưa mọi bàn cãi cảm tính tới một lý luận lý trí có cấu trúc, mang lợi ích cao.

Tôi chỉ có một điều chê Andrew, nhưng đó là vì văn hóa của tôi khác anh. Andrew cho tôi cảm tưởng rằng anh có khả năng đóng kịch suốt 24 giờ trong ngày. Không lúc nào anh mang một vẻ mặt dễ dàng giải mã. Lúc nào anh cũng tủm tỉm, mắt nhìn nhẹ nhàng, giọng nói đều đặn, không một lúc nào tôi được trông thấy anh tỏ rõ một sự bức xúc gì, cho dù chỉ một lần anh cho tôi chứng kiến nét mặt ngạc nhiên. Tất cả những việc anh làm đều có ích, tất cả thái độ của anh lúc nào cũng được kiểm soát và lịch lãm. Tất cả những lời nói của anh đều khiêm nhường. Anh không để một kẽ hở nào mà ai đó có thể khai thác về anh. Rốt cuộc, sau hàng tháng làm việc, mọi người đều biết rõ về nhau, nhưng riêng anh Andrew thì đến ngày chót, người ta vẫn không rõ anh sinh sống như thế nào, gia đình ra sao.

Ngay sau khi dự án được ký kết, tôi không bao giờ gặp lại anh nữa, cũng không có được một cuộc bắt tay. Andrew chỉ nói phớt qua là dự án xong, anh ấy sẽ không giữ lại số điện thoại mà chúng tôi vẫn sử dụng, rồi chúc mọi người thật nhiều may mắn trước khi biến tích. Anh như tới từ hư vô, xong lại biến đi vào hư vô. Thật lạ, vì thông thường ai mà chẳng muốn giữ quan hệ làm việc lâu dài. Vào đúng lúc đó, tôi mới mạo muội hỏi riêng, rằng anh những cố gắng phi thường và ngoại lệ như thế để làm gì. Andrew đáp một câu ngắn gọn mà chỉ anh mới có khả năng phát ra: “Anh Phan ơi, để làm cho thế giới này mỗi ngày một đẹp hơn!”. Đến giờ tôi vẫn còn ngờ ngợ, không biết anh nói thật hay đóng kịch. Nhưng với giọng nói ấm áp và ánh mắt trực diện của anh, tôi bắt buộc phải nhìn nhận anh là một con người tử tế thực sự, lịch lãm thực sự và sang trọng thực sự.

Có lẽ anh Andrew không phải một “công dân toàn cầu tiêu biểu, vì theo cảm nhận của tôi, anh ấy hoàn hảo quá, và như kẻ vẫn khát khao muốn hoàn hảo hơn. Đi đứng lịch lãm, phong thái sang trọng, lời lẽ gọn gàng và tiết kiệm, trí tuệ hướng thượng và luôn luôn tích cực nhìn về phía trước. Anh ấy còn sở hữu một tư duy tin tưởng trọn vào thái độ thỏa hiệp, luôn luôn vận động óc sáng tạo để chế ra những giải pháp cùng có lợi cho mọi người tham gia.

Không thể chối cãi, từ ngày ấy, tôi đã chịu ảnh hưởng rất nặng từ Andrew. Anh ấy như bẻ quặt cách tôi hiểu về văn hóa giao tiếp, thương thảo, làm việc. Anh là người nice & professional (thân tình và chuyên nghiệp) đầu tiên mà tôi từng gặp, ôn hòa đến nỗi không ai có thể lay chuyển được mà vẫn cùng một lúc chuyên nghiệp đến mức không thể làm tốt hơn được trong công việc.

Andrew là con người của sự bền vững, vì anh ấy không vịn vào cảm tình hay cảm tính mà chỉ theo con đường lý trí một cách khách quan, không giáo điều, không nặng nề, không lạnh cũng không ấm, không tìm cao mà cũng chẳng để thấp. Phải chăng Andrew đã có những cảm nhận rất sớm về việc Vũ trụ tạo ra anh ấy để đưa anh vào nghĩa vụ gì, sứ mệnh gì. Anh ấy cứ bước đều chẳng vội mà cũng chẳng lê chân. Con người như thế có phải là người ngoài hành tinh chúng ta không? Đôi khi, tôi vẫn ngờ ngợ về điều đó.

 

Tôi không muốn bạn đọc nghĩ rằng để nắm được phong cách “công dân toàn cầu” thì phải giống anh Andrew trên mọi mặt. Nếu phải như thế thật, có lẽ hành tinh này chẳng được bao nhiêu “công dân toàn cầu”. Bạn hãy bình tĩnh đọc tiếp. Sẽ có nhiều nhân vật khác hẳn anh này mà vẫn là “công dân toàn cầu” tiêu biểu. Ngay ở đây, ta mới thấy khó thế nào khi muốn đi tìm định nghĩa. Thiếu gì mẫu công dân toàn cầu khó tự kiểm soát lúc nóng nẩy, khó nhẫn nại khi gặp ai đó đóng kịch, mất bình tĩnh khi ai đó lê chân câu giờ. Rồi ai chẳng có chút yếu đuối, thường hay thiên vị người mình quý mến, và ai mà chẳng có lúc vui cười vỡ tiếng.

Vậy cái gì làm cho một người có thể được gọi là một công dân toàn cầu? Hẳn không phải hình ảnh nhất thời mà rất cần nhiều thứ ổn định thì định nghĩa mới chính xác. Nhưng ngay tại đây, tôi khẳng định người giàu nhất, người chức to nhất, người thông minh nhất, hoặc người giỏi giang nhất đều chẳng phải là tiêu chuẩn. Ngược lại, vẫn có cơ hội cho người khiêm tốn nhất, người học trung bình, hoặc người nghèo.

Có lẽ muốn là một công dân toàn cầu, trước hết phải là một công dân của Vũ trụ, mang một sứ mệnh nhất định. Tôi sẽ giới thiệu những người này trong những trang tới. Không phải ai cũng là một công dân toàn cầu, nhưng một công dân toàn cầu chắc hẳn phải là một con người bằng da bằng thịt, dù con người quá xuất sắc của anh Andrew đôi khi có thể làm cho ta quên mất thực tế đó.

Bạn ạ, địa cầu này đa dạng đến quái dị!

-------o0o-------

Trích: Công Dân Toàn Cầu – Công Dân Vũ Trụ

Tác giả: Phan Văn Trường

NXB Trẻ, 2022

Ảnh: nguồn internet