ĐỘNG CƠ CỦA HÀNH VI THIỆN - NISHIDA KITARO - CÁI THIỆN

ĐỘNG CƠ CỦA HÀNH VI THIỆN (HÌNH THỨC CỦA THIỆN)

NISHIDA KITARO (1870 – 1945) Triết gia Nhật Bản

CÁI THIỆN

Nguyễn Mạnh Sơn dịch

---o0o---

Hành vi thiện phải là hành vi được ra đời theo cách tất nhiên từ nội tại của tự ngã.
ĐỘNG CƠ CỦA HÀNH VI THIỆN - NISHIDA KITARO - CÁI THIỆN

Trên đây tôi đã trình bày, thiện là sự thỏa mãn nguyện vọng tự tại của tự ngã; còn nguyện vọng lớn nhất của tự ngã là lực thống nhất căn bản của ý thức, cũng tức là nguyện vọng của nhân cách, cho nên thỏa mãn nguyện vọng này, tức là thực thi nhân cách, đối với chúng ta chính là thiện tuyệt đối. Thế nhưng một phương diện trong nguyện vọng của nhân cách chính là lực thống nhất của ý thức, đồng thời lại là biểu hiện của lực thống nhất vô hạn trong cội rễ của thực tại. Việc thực thi nhân cách của chúng ta chính là sự hợp nhất của lực này. Nếu như thế là thiện, tôi nghĩ rằng từ đó chúng ta có thể xác định được hành vi thiện là hành vi như thế nào.

Theo quan điểm tôi đã trình bày, trước tiên có thể thấy rõ hành vi thiện là mọi hành vi coi nhân cách là mục đích. Nhân cách là cội rễ của mọi giá trị, trong vũ trụ chỉ có nhân cách là có giá trị tuyệt đối. Chúng ta vốn có rất nhiều nguyện khác nhau, nếu có dục vọng về thể xác, ắt có dục vọng về tinh thần, theo đó sẽ có rất nhiều thứ đáng quý trọng như giàu sang, quyền lực, tri thức, nghệ thuật... Tuy nhiên bất kể nguyện vọng to lớn hay nguyện vọng cao thượng đến mức nào, nếu tách khỏi nguyện vọng của nhân cách sẽ chẳng có giá trị gì cả; chỉ khi nó là một phần nguyện vọng của nhân cách hoặc khi nó là phương pháp thì nó mới có giá trị. Bản thân những thứ giàu sang, quyền lực, sức khỏe, kỹ năng, học thức... không phải là thiện; nếu nó đi ngược lại với nguyện vọng của nhân cách thì nó sẽ trở thành ác. Do đó, hành vi thiện tuyệt đối phải là hành vi lấy bản thân việc thực hiện của nhân cách làm mục đích, tức là cần để bản thân nó hoạt động thống nhất với ý thức.

Theo quan điểm của Kant, phải dựa vào những thứ ở bên ngoài vật để xác định giá trị của vật, cho nên giá trị của vật là mang tính tương đối; thế nhưng ý chí của chúng ta là do chính chúng ta xác định giá trị, do đó nhân cách cũng có giá trị tuyệt đối. Chủ trương của Kant như mọi người đều biết, muốn mọi người tôn trọng nhân cách của bản thân và người khác, chúng ta cần coi nó là bản thân mục đích (end in itself), và quyết không được xem nó là phương pháp để tận dụng.

Vậy thì hành vi thiện chân chính coi bản thân nhân cách là mục đích phải là hành vi như thế nào? Muốn trả lời câu hỏi này, nhất định phải bàn đến nội dung khách quan của hoạt động nhân cách, đồng thời xiển minh mục đích của hành vi, nhưng trước tiên chúng ta hãy bàn đến tính chất khách quan trọng hành vi thiện, tức là động cơ của hành vi thiện. Hành vi thiện phải là hành vi được ra đời theo cách tất nhiên từ nội tại của tự ngã. Như tôi đã nói, nguyện vọng của toàn bộ nhân cách của chúng ta có thể được nhận biết ở trong trạng thái kinh nghiệm trực tiếp, khi chúng ta còn chưa khơi dậy tư duy phân tích. Nhân cách là thanh âm của một thứ nguyện vọng nội tại bao trùm toàn bộ tâm hồn và sẽ xuất hiện ở sâu thẳm nội tâm trong trạng thái như thế. Hành vi thiện trở thành mục đích của bản thân nhân cách phải là hành vi phục tùng theo nguyện vọng đó. Nếu trái lại thì nó là cái phủ định nhân cách của tự ngã.

Tính tất nhiên trong nội tại của tự ngã hay nguyện vọng thiên chân [thuần khiết chân chính nhất] luôn khó tránh bị hiểu sai. Có người cho rằng thiên chân chính là sự phóng túng không trói buộc, không bận tâm đến quy luật xã hội vô lại, không cần tiết chế tình dục của bản thân. Tuy nhiên cái tất nhiên ở bên trong nhân cách tức sự chí thành, đòi hỏi dựa trên sự hợp nhất của trị, tình và ý. Nó không có nghĩa là đi ngược lại với phán đoán tri thức và nguyện vọng tình người mà chỉ đơn thuần phục tùng xung động một cách mù quáng. Chỉ khi đã thấu triệt tri thức và tình cảm của bản thân, mới có thể xuất hiện nguyện vọng của nhân cách chân chính, tức là chí thành. Chỉ khi dùng hết toàn bộ sức mạnh của tự ngã, hầu như ý thức của tự ngã mất đi toàn bộ, khi bản thân tự ngã không còn ý thức được về tự ngã nữa, mới bắt đầu nhìn thấy hoạt động của nhân cách chân chính. Chúng ta thử nhìn vào các tác phẩm nghệ thuật. Nhân cách chân chính của họa sĩ tức originality [tính độc sáng] được xuất hiện trong trường hợp nào? Khi họa sĩ còn đang ở trong giai đoạn ý thức phải tiến hành cấu tứ bức họa thì không thể nhìn thấy được nhân cách của họa sĩ một cách thực thụ. Chỉ khi ông ta đã khổ công rèn luyện nghiên cứu nhiều năm, đạt đến trình độ kỹ nghệ thuần thục, ý đã vươn tới cảnh giới tùy ý phóng bút, chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thấy nhân cách của ông ta. Trên phương diện đạo đức, việc tìm ra nhân cách cũng tương tự như vậy. Cái gọi là tìm ra nhân cách, không phải là dựa vào sự ham muốn nhất thời mà là việc phục tùng nguyện vọng bên trong một cách nghiêm túc nhất. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự phóng túng nhu nhược, là một sự nghiệp vô cùng gian nan cay đắng.

Việc phục tùng nguyện vọng bên trong chân thành của tự ngã, tức là việc thực hiện nhân cách chân chính của tự ngã không có nghĩa là nó xác lập chủ quan đối lập với khách quan, hoặc khiến ngoại vật phục tùng tự ngã. Mà có nghĩa là khi không tưởng mang tính chủ quan của tự ngã hoàn toàn mất đi và thống nhất với ngoại vật, khi ấy mới có thể thỏa mãn được nguyện vọng chân chính của tự ngã và thấy được tự ngã chân chính. Nếu nhìn từ giác độ khác có thể nói thế giới khách quan của mỗi người chính là sự phản ánh nhân cách của mỗi người đó. Không, tự ngã chân chính của mỗi người không nằm ngoài chính bản thân hệ thống thực tại độc lập tự tại được xuất hiện ở trước mắt mỗi người. Vì thế, dù là người nào, nguyện vọng chân thành nhất của anh ta cần luôn thống nhất với lý tưởng thế giới khách quan mà anh ta nhìn thấy. Ví như dù một người có lòng tư dục đến mức nào, chỉ cần anh ta còn có ít nhiều thái độ đồng tình, thì nguyện lớn nhất của anh ta hẳn là muốn đem sự thỏa mãn ban cấp cho người khác khi bản thân mình đã có được tâm thỏa mãn. Nếu nói nguyện vọng của bản thân không chỉ giới hạn ở dục vọng thể xác, mà còn bao gồm cả nguyện vọng về lý tưởng, thì ắt hẳn chúng ta sẽ phải thừa nhận điểm này. Mức độ của lòng tư dục càng sâu sắc, sẽ càng vì vấp phải sự ngăn trở lòng tư dục của người khác mà nội tâm luôn cảm thấy buồn khổ rất nhiều. Trái lại, người không có lòng tư dục, mới có thể dùng tâm yên bình để phá bỏ lòng tư dục của người khác. Từ đó để thấy, sự thỏa mãn nguyện vọng lớn nhất của tự ngã và thực hiện tự ngã chính là thực hiện lý tưởng khách quan của tự ngã, cũng có nghĩa là nó hoàn toàn đồng nhất với khách quan. Nhìn từ giác độ này, có thể nói hành vi thiện chắc chắn là ái [yêu]. Ái chính là cảm xúc của sự thống nhất của tự (chính bản thân ta] và tha [người khác], là cảm xúc hợp nhất khách quan và chủ quan. Điều này không chỉ được thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người, mà trong trường hợp họa sĩ đối với tự nhiên cũng là ái.

Trong cuốn sách Yến hội của Plato có viết, ái chính là cái tình mong muốn khôi phục cái tàn khuyết trở về trạng thái bản nguyên của nó.

Tuy nhiên, nếu thử tiến thêm một bước nữa để suy nghĩ thì hành vi thiện chân chính không phải là khiến khách quan phục tùng theo chủ quan, cũng không phải là buộc chủ quan phục tùng theo khách quan. Mà chỉ khi đạt đến cảnh giới không tồn tại chủ quan và khách quan, không còn biết đến vật và ngã, trong trời đất chỉ còn một hoạt động của thực tại mới có thể đạt đến chỗ tột cùng của hành vi thiện. Dù vật lay động ngã hay ngã lay động vật thi cũng được; dù Sesshū (Tức Sesshū Toyo (1420 – 1506) là một họa gia vào hậu kỳ thời Muromachi, người đời thường gọi ông là Tuyết Chu)) vẽ tranh tự nhiên, hay tự nhiên thông qua Sesshū để họa tự ngã cũng chẳng sao, bởi vật và ngã vốn không có sự khu biệt, chúng ta có thể nói thế giới khách quan chính là sự phản ánh của tự ngã, tương tự cũng có thể nói tự ngã chính là sự phản ánh của thế giới khách quan. Tách khỏi thế giới mà ngã nhìn thấy thì không có ngã. [Tham khảo thêm chương 9 “Tinh thần” ở thiên Thực tại] Đó là trời đất chung gốc, vạn vật nhất thể. Các hiền nhân của Ấn Độ thời cổ nói về điều đó là “Cái ấy chính là ngươi” (Tat twam asi). Saint Paul cũng nói: “Hiện đang sống, không phải ta, mà là Kitô đang sống trong ta”. Khổng Tử thì bảo: “Tòng tâm sở dục bất du cử”. [Tạm dịch: Theo lòng muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn phép].

---o0o---

Trích: “ Cái Thiện”

Nishida Kitaro

Nguyễn Mạnh Sơn dịch

Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh – 2021

Ảnh: Internet