HÃY QUYẾT ĐOÁN - VIỆC HÔM NAY (CỨ) CHỚ ĐỂ NGÀY MAI - Richard Templar

HÃY QUYẾT ĐOÁN

VIỆC HÔM NAY (CỨ) CHỚ ĐỂ NGÀY MAI

Richard Templar

–––––o0o–––––

Thiếu cương quyết và không giữ được lập trường của bản thân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đem lại những hậu quả khôn lường.
HÃY QUYẾT ĐOÁN - VIỆC HÔM NAY (CỨ) CHỚ ĐỂ NGÀY MAI - Richard Templar

Tính quyết đoán thể hiện ở khả năng diễn đạt sự việc, cảm giác rõ ràng và không chịu sự chi phối của cảm xúc. Người quá thụ động sẽ gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm nhận và mong muốn của mình, trong khi người có ưu thế hơn phải sử dụng đòn bẩy cảm xúc như sự tức giận hay hăm dọa. Bạn sẽ có được những điều tốt nhất với sự quyết đoán mà không phải gây khó chịu cho bất cứ ai. Bạn sẽ trình bày những gì mình muốn một cách rõ ràng và mọi người sẽ cảm thấy thoải mái khi hợp tác với bạn.

Tất nhiên, nói bao giờ vẫn dễ hơn làm. Nếu bạn là người quá nhút nhát, việc bạn được rời công sở đúng giờ mỗi ngày đã là cả một vấn đề. Nhưng đây là kỹ năng bạn cần nếu muốn xóa tan những khoảng thời gian bạn phải đầu tư để đáp ứng nhu cầu của người khác.

Khi đã quyết định trở thành người quyết đoán hơn, bạn cần luyện tập. Trước tiên là đứng trước gương, trong ô tô và cuối cùng là với người khác. Nếu vẫn cảm thấy khó khăn, bạn hãy bắt đầu với những bài hội thoại dễ, hoặc với những người bạn sẽ không bao giờ gặp lại như nhân viên cửa hàng hay nhân viên tư vấn điện thoại khi có cơ hội trò chuyện với họ.

Bạn cần khả năng diễn đạt rõ ràng, lịch sự những gì mình muốn. “Hôm nay tôi có việc gấp cần phải nghỉ sớm, vậy liệu chúng ta có thể trao đổi về công việc sớm hơn một chút trước 5 giờ 30 không?” Đề nghị này hoàn toàn hợp lý và lịch sự; hãy bắt đầu câu chuyện một cách rõ ràng để cả bạn và sếp biết mình muốn đạt được điều gì.

Học Cách Nói “Không”

Nếu bạn thấy thật khó nói “không”, thì việc bạn đang đọc cuốn sách này chẳng có gì phải băn khoăn cả. Bạn sẽ khó có thể giảm lượng công việc hiện tại của mình xuống trong khi đang nhận thêm những việc ngoài giờ chỉ bởi vì bạn không thể tìm được từ ngữ diễn đạt ý không muốn làm việc đó.

Vì thế, dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn quả quyết hơn khi nói không. Bạn sẽ thấy mình càng tìm cách diễn đạt, điều đó càng dễ dàng đạt được: Có vẻ hơi thô lỗ khi nói “Không” một cách thẳng thừng, vì thế hãy đưa ra lời giải thích. Bạn không bắt buộc phải làm thế, nhưng bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi cung cấp cho đối phương một lý do. Bạn có thể nói: “Tôi sợ không thể làm được vì phải đưa mẹ đi khám bệnh vào thứ Năm.”

Đưa ra một lựa chọn thay thế nếu bạn cảm thấy đó là sự lựa chọn tốt hơn, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn thực sự vui vẻ khi làm việc đó: “Tôi không thể làm báo cáo này cùng anh, nhưng tôi sẽ đọc qua và đưa ra nhận xét nếu anh muốn.”

Hãy gợi ý một giải pháp thay thế nếu bạn có thể. “Tôi không thể làm việc này được, nhưng Jo thì có thể đấy.” Hoặc là: “Tôi không có thời gian đi tới cửa hàng, nhưng anh có thể mua trực tuyến mà. Tôi có thể ghi cho anh địa chỉ website.”

Không điều gì là không phải học, nếu bạn bắt đầu ngay hôm nay và luyện tập thường xuyên, bạn thậm chí có thể giải quyết được những tình thế “tiến thoái lưỡng nan” hơn thế.

Giữ Vững Lập Trường

Nếu quyết đoán không phải phong cách bẩm sinh của bạn, thì thủ thuật này sẽ cho bạn bè và đồng nghiệp thấy bạn không phải là người dễ bị thuyết phục.

Nếu ai đó buộc bạn phải làm điều bạn không muốn, bạn chỉ cần lặp lại câu trả lời một cách dứt khoát. Chẳng hạn một bà mẹ nhờ bạn đón con hộ nhưng hôm đó bạn không về nhà luôn nên không thể đón đứa trẻ. Hãy nói với cô ấy rằng: “Hôm khác tớ sẵn sàng giúp cậu chứ thứ Hai

thì không được.” Nếu cô ta vẫn tiếp tục năn nỉ, bạn chỉ cần lặp lại: “Thứ Hai tớ không giúp cậu được, bọn tớ phải đi tới Brownies sau giờ làm.” Bạn có thể cho rằng cách trả lời này thật bất lịch sự. Nhưng theo tôi chính người kia mới bất lịch sự khi nài nỉ quá nhiều lần. Nếu cô ta không cho rằng việc năn nỉ một người đã đưa ra lý do chính đáng làm một việc cho mình là bất lịch sự, thì việc bạn kiên định với ý kiến của mình có gì là bất lịch sự chứ?

Xử lý tính mè nheo của con trẻ cũng là một vấn đề. Tôi có một người bạn có con nhỏ, cháu bé rất thích ăn kẹo vào buổi tối, cứ mỗi lần thèm là bé con năn nỉ mẹ. Cô bạn tôi vì thấy con năn nỉ, thậm chí khóc lóc nên lại tiếp tục nhượng bộ. Tuy nhiên, chính sự không cương quyết với

các thói xấu của con đến nỗi em bé gần như bị béo phì và sâu răng khiến cô thực sự hối tiếc vì sự thiếu quyết đoán của mình.

Thiếu cương quyết và không giữ được lập trường của bản thân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đem lại những hậu quả khôn lường.

–––––o0o–––––

Trích “Việc Hôm Nay (Cứ) Chớ Để Ngày Mai”

Tác giả: Richard Templar

Người dịch: Đức Anh

NXB Alphabooks – NXB Lao Động Xã Hội, 2018.

 

 

Bài viết liên quan