LÀM SAO ĐỂ ÍT CHẮC CHẮN HƠN VỀ BẢN THÂN? - NGHỆ THUẬT TINH TẾ CỦA VIỆC “ĐẾCH” QUAN TÂM ( New York Times Best Seller ) - MARK MANSON

LÀM SAO ĐỂ ÍT CHẮC CHẮN HƠN VỀ BẢN THÂN?

NGHỆ THUẬT TINH TẾ CỦA VIỆC “ĐẾCH” QUAN TÂM ( New York Times Best Seller) - In năm 2023

Dịch: Thanh Hương

---o0o---

Việc tôi sai có nghĩa gì? Rất nhiều người có thể tự vấn rằng liệu họ có sai hay không, nhưng chỉ một số ít mới có thể tiến thêm một bước nữa và thừa nhận rằng việc họ sai có nghĩa gì.
LÀM SAO ĐỂ ÍT CHẮC CHẮN HƠN VỀ BẢN THÂN? - NGHỆ THUẬT TINH TẾ CỦA VIỆC “ĐẾCH” QUAN TÂM ( New York Times Best Seller ) - MARK MANSON

Tự vấn, hoài nghi các suy nghĩ và niềm tin của chúng ta là một trong những kỹ năng khó bồi đắp nhất, nhưng bạn hoàn toàn có thể thực hiện được. Dưới đây là một vài câu hỏi sẽ giúp bạn nuôi dưỡng thêm sự không chắc chắn trong cuộc đời mình.

Câu hỏi #1: Nếu tôi sai thì sao?

Một người bạn của tôi mới đính hôn và sắp làm đám cưới. Anh chàng cầu hôn cô ấy khá ổn. Anh không rượu chè, không đánh đập hay ngược đãi cô ấy. Anh chàng lại còn thân thiện và có một công việc rất tốt nữa chứ!

Nhưng kể từ sau khi họ đính hôn, ông anh trai của cô bạn tôi cứ liên tục quở trách cô ấy về sự lựa chọn thiếu chín chắn, cảnh báo rằng cô ấy sẽ tự gây tổn thương cho mình khi chọn anh chàng kia, rằng cô ấy đang phạm phải sai lầm, rằng cô ấy thật thiếu trách nhiệm. Và mỗi khi cô bạn tôi chất vấn ông anh mình, “Có chuyện gì với anh thế? Sao anh cứ bận tâm về việc này mãi vậy?” thì ông anh lại tỏ vẻ như chẳng có vấn đề gì hết cả, rằng vụ đính hôn này chẳng ảnh hưởng gì đến anh ta hết, rằng anh ta chỉ đang cố giúp đỡ và chăm sóc cô em gái bé bỏng của mình mà thôi.

Nhưng rõ ràng có điều gì đó đang làm ông anh này lo lắng. Có thể là nỗi bất an của chính anh ta về việc kết hôn. Có thể là sự ganh đua, ghen tỵ giữa anh chị em với nhau. Có thể là vì anh ta quá ám ảnh với nỗi bất hạnh của bản thân nên không biết làm thế nào để mừng cho những người khác mà không làm khổ họ trước tiên.

Theo quy luật chung, chúng ta chính là những quan sát viên tệ nhất về bản thân trên trái đất này. Khi ta tức giận, ghen tị, hay bực bội thì ta luôn là kẻ cuối cùng nhận ra điều đó. Và cách duy nhất để nhận ra là đâm thủng lớp áo giáp chắc chắn của ta bằng cách không ngừng đặt câu hỏi liệu ta có thể sai lầm ra sao về bản thân mình.

“Liệu tôi có đang ghen tị hay không - và nếu có, thì tại sao?” “Liệu tôi có đang tức giận hay không?” “Cô ấy nói có đúng không, rằng tôi chỉ đang bảo vệ cái tôi của mình mà thôi?”

Đặt ra những câu hỏi như thế cần phải trở thành một thói quen tinh thần. Trong nhiều trường hợp, hành động đơn giản của việc tự vấn đòi hỏi sự khiêm tốn và lòng trắc ẩn cần thiết để giải quyết rất nhiều vấn đề của chúng ta.

Nhưng cũng cần ghi nhớ rằng chỉ vì bạn tự hỏi liệu mình có thực sự sai hay không không có nghĩa là bạn sai thật. Nếu như gã chồng bạn đánh bạn một trận thừa sống thiếu chết vì tội làm cháy nồi thịt kho và bạn tự hỏi “Có phải mình đã sai?” chỉ để chấp nhận việc hắn ta ngược đãi bạn - Chà, đôi lúc bạn không sai đâu! Mục đích ở đây chỉ đơn thuần là đặt câu hỏi và đón nhận những suy nghĩ tại thời điểm đó, chứ không phải tự căm ghét bản thân.

Nên nhớ rằng với bất kỳ một sự thay đổi nào diễn ra trong đời, chắc chắn bạn phải sai ở điểm nào đấy. Nếu như bạn cứ ngồi đó, đau khổ hết ngày này sang ngày khác, như thế có nghĩa là bạn đã sai về điểm nào đó tương đối quan trọng trong cuộc đời rồi đấy và khi nào bạn còn chưa thể tự vấn để tìm ra nó, sẽ chẳng có điều gì thay đổi hết!

Câu hỏi #2: Việc tôi sai có nghĩa gì?

Rất nhiều người có thể tự vấn rằng liệu họ có sai hay không, nhưng chỉ một số ít mới có thể tiến thêm một bước nữa và thừa nhận rằng việc họ sai có nghĩa gì. Đó là vì ý nghĩa ẩn sau sai lầm của chúng ta thường rất đau đớn. Nó không chỉ đòi hỏi việc ta phải đặt nghi vấn về các giá trị của mình, mà còn buộc ta phải xét xem giá trị trái ngược, khác biệt sẽ như thế nào.

Aristotle từng viết rằng, “Một bộ óc được đào tạo mới có năng lực suy nghĩ chứ không chấp nhận hài lòng với bất cứ điều gì.” Có thể nhìn nhận và đánh giá các giá trị khác nhau mà không cần thiết phải áp dụng chúng, có lẽ là kỹ năng chính yếu cần thiết trong việc thay đổi cuộc đời một ai đó theo hướng có ý nghĩa.

Còn đối với anh trai của bạn tôi, câu trả lời mà anh ta nên đặt ra cho bản thân là, “Nếu như tôi đã sai về đám cưới của em gái thì chuyện này có nghĩa là gì?” Thường câu trả lời dành cho một câu hỏi như vậy là khá thẳng thắn (kiểu như “Mình đúng là một thằng khốn ích kỷ/bất an/ chỉ biết yêu bản thân.”) Nếu như anh ta sai và việc đính hôn của cô em gái là hoàn toàn bình thường, lành mạnh và đáng chúc mừng thì không có cách nào giải thích được cho thái độ của anh ta ngoài lý do chính anh ta thấy bất an và có những nguyên tắc vô lý. Anh ta cho rằng mình biết được điều gì là tốt nhất cho cô em gái và cô ấy không thể tự đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống; anh ta cho rằng mình có quyền và có trách nhiệm quyết định thay em gái; anh ta cam đoan rằng mình đúng và tất cả những người khác đều sai.

Ngay cả khi được làm sáng tỏ, dù cho đối với anh trai của cô bạn tôi hay là bản thân chúng ta, thật khó để thừa nhận việc tự cho mình đặc quyền như vậy. Nó sẽ khiến ta đau đớn. Vì thế mà chỉ rất ít người mới dám đặt ra những câu hỏi khó. Nhưng tự vấn là việc cần thiết để tiếp cận những vấn đề cốt lõi đã thúc đẩy hành vi ích kỷ của anh ta và của cả chúng ta nữa.

Câu hỏi #3: Vậy thì việc thừa nhận sai lầm sẽ mang lại một rắc rối tốt đẹp hay tồi tệ hơn rắc rối hiện tại của tôi, đối với bản thân tôi và cả những người khác?

Đây là phép thử quyết định cho việc liệu có phải ta có một vài giá trị đáng tin cậy hay không, hay ta hoàn toàn là những kẻ ngu ngốc loạn thần đối xử tệ với mọi người, và cả chính mình.

Mục đích ở đây là xét xem vấn đề nào tốt hơn. Bởi vì xét cho cùng, đúng như con Gấu mèo U uất từng nói, cuộc đời là chuổi những rắc rối vô tận.

Đối với ông anh của cô bạn tôi thì những lựa chọn của anh ta là gì?

A. Tiếp tục gây rắc rối và mâu thuẫn trong gia đình, làm phức tạp hoá những gì có thể xem như là khoảnh khắc hạnh phúc, hủy hoại niềm tin và sự tôn trọng mà anh ta đã có với em gái. Tất cả chỉ bởi vì anh ta có một linh cảm (hay ai đó gọi là trực giác) rằng cậu trai kia không tốt với cô ấy.

B. Nghi ngờ khả năng của chính anh ta trong việc quyết định điều gì là đúng hay sai cho em gái mình và tỏ ra khiêm nhường, tin vào khả năng ra quyết định của cô ấy, ngay cả khi không thể làm được điều đó thì anh ta vẫn cứ chấp nhận những quyết định của em gái vì tình yêu và sự tôn trọng mà anh ta dành cho cô ấy.

Hầu hết mọi người đều chọn A. Bởi vì A là con đường dễ dàng hơn. Nó đòi hỏi ít tư duy, không cần phải đoán già đoán non và cũng chẳng cần phải chịu đựng quyết định của những người khác nếu như ta không thích.

Nhưng nó đồng thời cũng gây nhiều đau đớn nhất cho tất cả những ai liên quan.

Chỉ có lựa chọn B mới duy trì được mối quan hệ lành mạnh, hạnh phúc dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng. Chỉ có lựa chọn B mới buộc mọi người phải luôn khiêm nhường và thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình. Chỉ có lựa chọn B mới cho phép mọi người vượt lên trên sự bất an của bản thân và nhận ra những tình huống mà họ đã hành xử bốc đồng hay thiếu công bằng, hoặc ích kỷ ra sao.

Nhưng lựa chọn B thì thật khó khăn và đau đớn, vì vậy hầu hết mọi người đều không chọn nó.

Ông anh của cô bạn tôi, khi phản đối lễ đính hôn của cô ấy, đã bước vào một cuộc tranh đấu ảo với chính mình. Chắc chắn, anh ta tin rằng mình đang cố gắng bảo vệ em gái, nhưng như ta đã thấy, niềm tin là thứ độc đoán; tệ hơn nữa, chúng thường được thêu dệt sau khi sự việc diễn ra chỉ để biện minh cho bất kỳ giá trị hay thước đo nào mà ta đã lựa chọn. Sự thật là, anh ta thà phá hỏng mối quan hệ với em gái còn hơn là phải cân nhắc xem liệu anh ta có sai lầm hay không - mặc dù việc lựa chọn vế sau sẽ giúp anh ta vượt qua nỗi bất an khiến anh ta phạm phải sai lầm ngay từ đầu.

Tôi cố gắng chỉ sống với một vài quy tắc, nhưng có một quy tắc mà tôi đã duy trì suốt nhiều năm nay là: Nếu như mọi việc của tôi, hay những người khác, có rối tung lên, thì rất, rất, rất có khả năng tôi là kẻ duy nhất làm hỏng chuyện. Tôi học được điều này từ kinh nghiệm bản thân. Tôi là kẻ ngu ngốc có vô số lần cư xử không hợp lẽ bởi cảm giác thiếu an toàn và sự đoán chắc lệch lạc của bản thân. Điều này chẳng hay ho gì!

Như thế không có nghĩa là hầu như mọi người đều không làm hỏng việc. Cũng không có nghĩa là bạn không có lúc nào đến gần chân lý hơn những người khác.

Đấy là thực tế đơn giản: Nếu bạn cảm thấy như thể cả thế giới đang chống lại bạn thì có lẽ thực ra chỉ có bạn đang chống lại chính mình mà thôi.

Ảnh nguồn internet