NGƯỜI NHẠY CẢM TÀI NĂNG TẠI NƠI LÀM VIỆC - ELAINE N. ARON, PH. D - NGƯỜI NHẠY CẢM - MÓN QUÀ HAY LỜI NGUYỀN?

NGƯỜI NHẠY CẢM TÀI NĂNG TẠI NƠI LÀM VIỆC

ELAINE N. ARON, PH. D - NGƯỜI NHẠY CẢM - MÓN QUÀ HAY LỜI NGUYỀN?

Phương Nguyễn dịch

-------o0o-------

Theo quan điểm của tôi, tất cả người nhạy cảm đều sở hữu tài năng thiên bẩm nhờ vào chính tính cách của mình. Nhưng một số người tài năng theo những cách rất đặc biệt.
NGƯỜI NHẠY CẢM TÀI NĂNG TẠI NƠI LÀM VIỆC - ELAINE N. ARON, PH. D - NGƯỜI NHẠY CẢM - MÓN QUÀ HAY LỜI NGUYỀN?

Theo quan điểm của tôi, tất cả người nhạy cảm đều sở hữu tài năng thiên bẩm nhờ vào chính tính cách của mình. Nhưng một số người tài năng theo những cách rất đặc biệt. Trên thực tế, một nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của quan điểm những người nhạy cảm “được phóng thích” chính là sự hòa trộn tưởng như lạ lẫm giữa các đặc điểm tính cách xuất hiện trong nhiều bài nghiên cứu về người trưởng thành đầy tài năng: bốc đồng, tò mò, nhu cầu tự lập cao, nhiều năng lượng, kèm với đó là hướng nội, đầy bản năng, nhạy cảm về mặt cảm xúc và không tuân thủ quy định.

Tuy nhiên, tài năng thiên bẩm là thứ rất khó nắm bắt tại nơi làm việc. Trước hết, sự sáng tạo của bạn có thể trở thành vấn đề cụ thể khi bạn đóng góp ý kiến trong các tình huống của nhóm. Nhiều tổ chức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề theo nhóm bởi nó có thể khiến những người như bạn bộc lộ quan điểm, sau đó người khác sẽ khiến quan điểm của bạn dịu đi. Vấn đề xuất hiện khi mọi người đều đóng góp quan điểm, và bạn cảm thấy ý kiến của mình rõ ràng nổi bật hơn. Thế nhưng mọi người xung quanh không hiểu được điều này. Khi tuân theo ý kiến của số đông,bạn cảm thấy trái với lòng mình và không thể chắc chắn với kết quả của nhóm. Nhưng khi không tuân theo, bạn lại cảm thấy bị xa lánh và hiểu nhầm. Một vị giám đốc hoặc quản lý tài tình sẽ hiểu rõ nhân tố quan trọng này và tìm cách bảo vệ những nhân viên với tài năng thiên bẩm. Nếu không, có thể bạn nên cống hiến tài năng của mình cho một nơi khác.

Thứ hai, bạn có thể vô cùng phấn khích trước công việc và ý tưởng của mình. Sự phấn khích khiến bạn trở thành kẻ đương đầu với rủi ro cao trong mắt người khác. Với bạn, những rủi ro ấy không quá ghê gớm bởi kết quả rất rõ ràng. Nhưng bạn cũng có thể phạm sai lầm, và người khác đặc biệt hả hệ trước thất bại của bạn, dù đây là những trường hợp hiếm hoi. Hơn nữa, những người không hiểu sự phấn khích này sẽ nói bạn lúc nào cũng làm việc và chắc chắn sẽ cảm thấy phẫn nộ - bạn khiến họ trở nên kém cỏi. Nhưng với bạn, công việc chính là một cuộc chơi. Không làm việc sẽ là làm việc. Nếu đây là bạn, bạn cần giữ bí mật về thời gian làm việc của mình, chỉ để cấp trên biết thôi. Hoặc tốt hơn hết, hãy rút ngắn thời gian làm việc. Hãy cố gắng xem sự phấn khích tích cực nhất như một trạng thái kích động và nỗ lực cân bằng công việc với giải trí. Công việc của bạn sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

Nhạy cảm về mặt cảm xúc, cũng chính là khía cạnh thứ ba của tài năng thiên phú, có thể cuốn bạn vào cuộc sống riêng tư phức tạp của người khác. Điều này đặc biệt không tốt trong môi trường làm việc. Bạn cần vạch ra giới hạn chuyên nghiệp. Ở nơi làm việc, bạn cần dành nhiều thời gian với những người ít nhạy cảm, họ sẽ giúp bạn cân bằng và ngược lại. Hãy xây dựng những mối quan hệ mãnh liệt ngoài công việc, những thứ có thể đem đến chiều sâu cảm xúc mà bạn luôn tìm kiếm.

Đồng thời, bạn nên xây dựng những mối quan hệ có khả năng đem đến một bến đỗ bình yên trước cơn bão cảm xúc do sự nhạy cảm gây nên. Đừng tìm kiếm điều đó ở những người đồng nghiệp, đặc biệt là từ cấp trên. Bạn nằm ngoài khả năng chịu đựng của họ, vì thế họ sẽ nghĩ “bạn có vấn đề”.

Trực giác nhạy bén, đặc điểm thứ tư của những người sở hữu tài năng thiên phú, là một phép thần thông trong mắt những người khác. Họ không thấy những gì bạn thấy - sự tương phản giữa vẻ bề ngoài với “những gì đang thực sự diễn ra”. Đối với những ý tưởng lạ thường, bạn phải quyết định xem nên thành thật với lòng mình hay làm theo những gì người khác thấy để rồi thầm cảm thấy xa cách.

Cuối cùng, tài năng thiên phú ấy sẽ đem đến cho bạn những sức hút nhất định. Người khác hy vọng bạn sẽ hướng dẫn họ thay vì để họ tự lần mò tìm lối đi. Sự cám dỗ ấy rất giỏi phỉnh nịnh, nhưng cuối cùng, cảm giác như bạn đã tước đi tự do của họ, và nói theo một cách nào đó, đúng là bạn đã làm như vậy.

Từ góc nhìn của mình, bạn có thể thấy dường như người khác chẳng có gì để báo đáp công sức bạn đã bỏ ra. Cảm giác thất vọng sẽ tiếp nối tâm trạng sẻ chia ban đầu, Nhưng từ bỏ người khác sẽ chỉ khiến bạn càng thêm xa cách trong khi trên thực tế, bạn rất cần mọi người.

Lời giải đáp cho mọi vấn đề trên chính là hãy ghi nhớ bạn không cần bộc lộ toàn bộ tài năng của mình tại nơi làm việc. Hãy thể hiện mình thông qua các dự án cá nhân và nghệ thuật, kế hoạch tương lai hoặc các công việc tự chủ tương đương, và qua chính cuộc sống của mình.

Nói cách khác, hãy mở rộng tài năng thiên phú của mình hơn cả việc đóng góp những ý tưởng đáng chú ý tại nơi làm việc. Hãy tận dụng tài năng để thấu hiểu bản thân cũng như con người trong nhóm và các tổ chức. Nếu đó là mục tiêu của bạn, việc lùi lại, quan sát cũng không có vấn đề gì. Đôi lúc bạn cũng nên tham gia như một người bình thường và cảm nhận những xúc cảm mà nó mang lại.

Cuối cùng, hãy giữ liên lạc với những kiểu người khác nhau, tại nơi làm việc hoặc tại bất kì nơi nào khác, hãy thừa nhận sự thật rằng không ai có thể giống với bạn. Đúng vậy, thừa nhận cảm giác cô độc đi kèm với tài năng xuất chúng có thể là bước đi tự do nhất, tiếp thêm cho bạn nhiều sức mạnh nhất. Nhưng hãy thừa nhận cả mặt trái của nó, rằng bạn không cần phải cảm thấy xa cách bởi mỗi người đều sở hữu những tài năng của riêng mình. Và cách nói ngược lại cũng hoàn toàn chính xác: Không ai, bao gồm cả bản thân bạn, đặc biệt tới mức thoát khỏi quy luật phải lão hóa và qua đời của vũ trụ.

-------o0o------

Trích: Người Nhạy Cảm - Món Quà Hay Lời Nguyền
Tác giả: Elaine N. Aron, Ph. D
Phương Nguyễn dịch
NXB: Thế Giới, 2019
Ảnh: nguồn internet

 

Bài viết liên quan