SỰ PHÁT TRIỂN ĐẠO ĐỨC - RICHARDJ GERRIG, PHILIP G. ZIMBARDO - TÂM LÝ HỌC & ĐỜI SỐNG

SỰ PHÁT TRIỂN ĐẠO ĐỨC

RICHARDJ GERRIG, PHILIP G. ZIMBARDO - TÂM LÝ HỌC & ĐỜI SỐNG

-------o0o-------

Đạo đức là một hệ thống những niềm tin, giá trị và đánh giá cơ bản về điều hay, lẽ phải về điều sai trái trong hành động của con người.
SỰ PHÁT TRIỂN ĐẠO ĐỨC - RICHARDJ GERRIG, PHILIP G. ZIMBARDO - TÂM LÝ HỌC & ĐỜI SỐNG

Chúng ta đã tìm hiểu tầm quan trọng của việc phát triển những mối quan hệ xã hội gần gũi trong cuộc đời. Bây giờ, chúng ta sẽ xem xét một khía cạnh khác, đó là: ý nghĩa của việc sống như là một thành phần của một nhóm xã hội. Trong rất nhiều trường hợp, bạn phải cân nhắc hành vi của mình dựa trên nhu cầu của xã hội, chứ không chỉ theo nhu cầu của bản thân. Đây là nền tảng của hành vi đạo đức. Đạo đức là một hệ thống những niềm tin, giá trị và đánh giá cơ bản về điều hay, lẽ phải về điều sai trái trong hành động của con người. Xã hội cần những đứa trẻ khi trưởng thành sẽ là những người chấp nhận một hệ thống giá trị đạo đức và xử sự theo các nguyên tắc đạo đức đó (Killen & Hart, 1999). Tuy nhiên, như các bạn biết, điều tạo nên cách xử sự có đạo đức hoặc vô đạo đức trong những tình huống nhất định có thể trở thành vấn đề của những cuộc tranh luận sôi nổi trong xã hội. Vì thế, có lẽ không phải ngẫu nhiên khi nghiên cứu về sự phát triển đạo đức cũng gây nhiều tranh cãi. Cuộc tranh cãi bắt đầu với nghiên cứu nền tảng của Lawrence Kohlberg.

  •  Các giai đoạn lập luận đạo đức theo quan điểm của Kohlberg

Lawrence Kohlberg (1964 - 1981) đã tạo nên học thuyết về sự phát triển đạo đức bằng cách nghiên cứu lập luận đạo đức - những đánh giá của mọi người trong các tình huống nhất định về nguyên nhân hành động được coi là đúng hoặc sai. Học thuyết của Kohlberg được hình thành từ quan niệm trước đó của Jean Piaget (1965), người đã tìm cách để gắn sự phát triển của những phán quyết về đạo đức với sự phát triển nhận thức chung của một đứa trẻ. Trong quan điểm của Piaget, khi đứa trẻ tiến bộ qua các giai đoạn của sự phát triển nhận thức, nó sẽ đánh giá mức độ nặng nhẹ khác nhau đối với kết quả của một hành động và những ý định của người thể hiện hành động đó. Chẳng hạn, nếu ai đó vô tình làm vỡ 10 chiếc ly thì một đứa trẻ chưa thể hành động sẽ coi đó là "nghịch ngợm" hơn là sự cố tình làm vỡ. Khi đứa trẻ lớn hơn, những ý định của người thể hiện hành động sẽ được đánh giá dựa trên sự phán xét về đạo đức nhiều hơn.

Kết quả này cho thấy khi trẻ có thể nhận thức những vấn đề phức tạp, chúng có khả năng chuyển trọng tâm từ xem xét kết quả sang việc xem xét cả kết quả và ý định. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa những phán quyết chấp nhận và trừng phạt cho thấy một vài dạng phán xét đạo đức cho phép trẻ xem xét nhiều yếu tố hơn ngay từ rất sớm. Như chúng ta đã tìm hiểu ở phần trước của chương này, những gì trẻ được yêu cầu làm rõ sẽ phần nào quyết định mức độ "trưởng thành" của trẻ.

  •  Đưa ý tưởng vào thực nghiệm

[ Sự phát triển nhận thức và lập luận đạo đức

Trẻ em từ 3, 4 và 5 tuổi được đề nghị đưa ra những phán xét đạo đức về hành vi của mọi người trên ba khía cạnh khác nhau là hành động, hệ quả và ý định. Hành động được xác định hoặc tích cực hoặc tiêu cực trong một bối cảnh nhất định (chẳng hạn, nuông chiều hay đánh một con thú) giống như hệ quả (ví dụ, con thú đó khóc, hoặc cười). Để thay đổi ý định, những người làm thí nghiệm đã mô tả một số cách cư xử là cố tình hoặc vô tình (ví dụ, người thể hiện chủ ý hoặc vô tình đánh con vật nuôi). Người ta đề nghị những đứa trẻ đánh giá mức độ chấp nhận của hành động bằng cách chọn một trong năm bộ mặt thể hiện giá trị từ "vô cùng tồi tệ" tới "rất tuyệt vời". Những đứa trẻ ít tuổi hơn đưa ra đánh giá chủ yếu dựa trên kết quả của hành động, chỉ những đứa trẻ lên 5 tuổi mới xem xét khía cạnh ý định của hành động. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liệu người làm việc đó có nên bị trừng phạt hay không, nhiều trẻ ít tuổi hơn lại quan tâm tới ý định của hành động. ]

Kohlberg mở rộng quan điểm của Piaget để xác định các cấp độ của sự phát triển đạo đức. Mỗi cấp độ được mô tả bằng một cơ sở khác nhau trong việc đưa ra những phán xét về đạo đức (xem Bảng 10.7). Mức độ thấp nhất của lập luận đạo đức được dựa trên tính tư lợi, trong khi những mức độ cao hơn tập trung vào phẩm hạnh xã hội, mà không quan tâm tới tư lợi để ghi lại các cấp độ này. Kohlberg sử dụng một loạt tình thế khó xử dựa trên những nguyên tắc đạo đức khác nhau mà người ta có thể đưa ra những phán quyết đối lập nhau.

Trong một tình thế khó xử, người đàn ông có tên là Heinz cố gắng giúp vợ tìm được loại thuốc cần thiết để điều trị bệnh ung thư. Một người bán thuốc vô liêm sỉ bán thuốc cho Heinz với giá gấp 10 lần giá mua vào. Đây là số tiền lớn hơn số tiền Heinz kiếm được. Heinz trở nên tuyệt vọng, ông đột nhập vào cửa hàng thuốc, ăn cắp thuốc về cho vợ. Heinz có nên làm như vậy không? Tại sao? Một nhà nghiên cứu đã thăm dò về lý do dẫn tới quyết định đó rồi ghi lại câu trả lời.

Lợi thế dựa trên những lý do mà người đó đưa ra cho quyết định, chứ không dựa trên bản thân quyết định. Chẳng hạn như ai đó nói người đàn ông ở trên nên ăn trộm thuốc bởi đó là bổn phận của ông với người vợ sắp chết hoặc ông không nên ăn trộm thuốc bởi bổn phận của ông là tuân thủ pháp luật (cho dù tâm trạng của ông có như thế nào), tức là người đó đang thể hiện mối quan tâm về những gì được ghi ở giai đoạn 4.

Bốn nguyên tắc chi phối các giai đoạn của Kohlberg: (1) một cá nhân chỉ có thể ở một giai đoạn tại một thời điểm nhất định; (2) tất cả mọi người trải qua các giai đoạn theo một trật tự cố định; (3) giai đoạn kế tiếp sẽ toàn diện và phức tạp hơn giai đoạn trước đó; và (4) các giai đoạn tương tự xảy ra ở mọi nền văn hóa. Kohlberg thừa hưởng rất nhiều nội dung trong các giai đoạn này từ Piaget, và trên thực tế, sự phát triển từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3 xem ra phù hợp với tiến trình phát triển nhận thức bình thường. Hầu hết những đứa trẻ đều đạt đến giai đoạn 3 khi đến tuổi 13.

Có rất nhiều tranh cãi về giai đoạn 3 của lý thuyết Kohlberg. Trong quan điểm cũ của Kohlberg, con người sẽ tiếp tục sự phát triển đạo đức theo một tiến trình đều đặn vượt trên mức độ 3. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đạt tới các giai đoạn từ 4 đến 7. Thực tế là, rất nhiều người trưởng thành đạt tới giai đoạn 5, và rất ít người vượt qua giai đoạn đó. Nội dung các giai đoạn sau này của Kohlberg có vẻ khá chủ quan, và thật khó có thể hiểu mỗi giai đoạn tiếp theo là toàn diện và phức tạp hơn giai đoạn trước đó. Chẳng hạn như, "tránh tự lên án", nền tảng cho những đánh giá giá trị đạo đức ở giai đoạn 6, dường như không phức tạp hơn "đẩy mạnh phúc lợi xã hội", nền tảng ở giai đoạn 5. Hơn nữa, các giai đọan cao hơn không thấy có trong nền văn hóa nào (Eckensberger & Zimba, 1997). Bây giờ chúng ta sẽ mở rộng những phê bình hiện nay với lý thuyết của Kohlberg xuất hiện từ việc xem xét giống và văn hóa.

  •  Viễn tượng của giống và văn hóa với lập luận đạo đức

Hầu hết những chỉ trích về học thuyết của Kohlberg là ở các tuyên bố về tính phổ biến: Các giai đoạn sau này của Kohlberg đã bị chỉ trích vì chúng không nhận ra những phán quyết đạo đức của người trưởng thành có thể phản ánh các nguyên tắc khác nhau, nhưng đều mang tính đạo đức như nhau. Trong một phê bình nổi tiếng, Carol Gilligan (1982) chỉ ra bản chất học thuyết của Kohlberg được phát triển từ những quan sát chỉ với nam giới. Bà lập luận rằng nghiên cứu này còn bỏ sót những khác biệt tiềm ẩn giữa các phán quyết đạo đức mang tính tập quán của nam giới và nữ giới. Gilligan đề xuất rằng sự phát triển đạo đức của nữ giới dựa trên tiêu chí quan tâm tới người khác và tiến tới giai đoạn tự nhận thức, ngược lại, nam giới lập luận dựa trên tiêu chí về sự công bằng. Vì vậy học thuyết của Gilligan mở rộng những khái niệm của Kohlberg về phạm vi xem xét có liên quan tới những phán quyết đạo đức sau thời thơ ấu. Mặc dù chúng ta có thể coi trọng sự đóng góp này, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng bà đã sai khi chỉ ra những nét đặc trưng của lập luận đạo đức giữa nam giới và nữ giới. Chúng ta sẽ xem xét bằng chứng này.

Một số nghiên cứu cho thấy nữ giới đưa ra các quyết định mang tính đạo đức nhằm duy trì sự hài hòa trong các mối quan hệ xã hội của họ, ngược lại, nam giới quan tâm nhiều tới sự công bằng (Lyons, 1983). Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tranh cãi về việc liệu những khác biệt về giống trong lập luận đạo đức có thực sự tồn tại hay không (Jaffee & Hyde, 2000). Mặc dù nam giới và nữ giới có thể đạt tới các mức độ trưởng thành về sự phát triển đạo đức thông qua những tiến trình khác nhau, nhưng những phán quyết thực sự mà họ đưa ra với tư cách là người trưởng thành có độ tương đồng cao (Boldizar và các cộng sự, 1989). Một khả năng là những khác biệt về giống thực sự là kết quả của các vị thế xã hội khác nhau trong cuộc đời của nam giới và nữ giới. Khi được yêu cầu đưa ra lập luận về những tình thế khó xử như nhau, cả phái đẹp và đấng mày râu đều đưa ra những quan điểm có độ tương đồng cao về những phản ứng mang tính quan tâm và công bằng (Clopton & Sorell, 1993).

Vì thế chúng ta có thể mô tả lập luận của người trưởng thành về những tình thế khó xử như là một sự pha trộn giữa những cân nhắc về công bằng và cân nhắc về sự quan tâm. Sự pha trộn này tồn tại gần như suốt cuộc đời. Tuy nhiên, có thể như bạn nghĩ, những phán quyết đạo đức bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chung trong nhận thức của người trưởng thành. Một thay đổi có liên quan ở giai đoạn cuối của tuổi thơ là chúng chuyển lý do đưa ra phán quyết từ những chi tiết của tình huống nhất định sang việc áp dụng những nguyên tắc chung. Bởi vậy, sự phán xét đạo đức phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của xã hội - chẳng hạn, "Luật pháp là gì?" - hơn là những tình huống khó xử cụ thể - như "Liệu trong trường hợp này nên có ngoại lệ" (Pratt và các cộng sự, 1998).

Lưu ý: Các cuộc thảo luận về sự khác biệt về giống trong điều kiện đạo đức vẫn được tiến hành chủ yếu với lập luận đạo đức ở các nền văn hóa phương Tây. Nghiên cứu trên các nền văn hóa đã cung cấp một bài phê bình quan trọng cho toàn bộ nội dung của nghiên cứu này. Những so sánh giữa các nền văn hóa chỉ ra rằng, thậm chí không thể tuyên bố về các tình huống theo đó những phán xét về đạo đức là thích đáng. Hãy xem xét tình huống sau: Bạn thấy một người lạ bên đường đang lúng túng vì xe bị hỏng. Bạn có nên dừng lại để giúp đỡ không? Giả định bạn nói không, liệu việc đó có phải là trái đạo đức? Nếu bạn lớn lên ở Mỹ, trong trường hợp này, có lẽ việc có giúp đỡ hay không là lựa chọn cá nhân - vì thế nó không hề trái đạo đức; ngược lại, nếu bạn lớn lên trong một gia đình theo đạo Hindu ở Ấn Độ, một nền văn hóa coi trọng sự phụ thuộc và giúp đỡ lẫn nhau, thì có lẽ bạn sẽ cho việc không giúp đỡ là trái đạo đức (Miller và các cộng sự, 1990).

Chúng ta hãy xem xét một nghiên cứu đã đưa ra các so sánh giữa các nền văn hóa về lập luận đạo đức.

Từ ví dụ trên, bạn có thể thấy vai trò của văn hóa trong việc xác định điều gì là đạo đức và phi đạo đức. Nếu bạn lớn lên ở Mỹ, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những người Ấn Độ tin rằng lời hứa với bạn bè cần được tôn trọng - thà ăn cắp còn hơn là không có nhẫn tặng bạn. Hãy lưu ý, sự khác biệt trong lĩnh vực văn hóa có thể được áp dụng ở nhiều nước khác chứ không riêng ở Ấn Độ và Mỹ. Trong chương sau, chúng ta sẽ thấy Mỹ và Ấn Độ là hai quốc gia đại diện tiêu biểu cho phương Tây và người phương Đông trong việc coi trọng lợi ích cá nhân đối lập với lợi ích tập thể.

---o0o---

BẢNG 10.7 - Các giai đoạn lập luận đạo đức theo quan điểm của Kohlberg

Mức độ của các giai đoạn

I. Đạo đức trước quy ước

Giai đoạn 1: Định hướng niềm vui/ nỗi buồn.

- Lý do của hành vi đạo đức: Tránh đau buồn.

Giai đoạn 2: Sự định hướng mang lại lợi ích, sự nhân nhượng lẫn nhau - ăn miếng trả miếng

- Lý do của hành vi đạo đức: Giành được phần thưởng.

II. Đạo đức theo quy ước

Giai đoạn 3: Định hướng để trẻ trở thành người tốt.

- Lý do của hành vi đạo đức: Giành được sự chấp nhận và tránh bị từ chối.

Giai đoạn 4: Định hướng theo trật tự và luật pháp.

- Lý do của hành vi đạo đức: Tuân thủ luật lệ, tránh bị khiển trách.

III. Đạo đức theo nguyên tắc

Giai đoạn 5: Định hướng quan hệ xã hội.

- Lý do của hành vi đạo đức: Đẩy mạnh phúc lợi xã hội.

Giai đoạn 6: Định hướng theo các quy tắc đạo đức.

- Lý do của hành vi đạo đức: Có được sự công bằng và tránh tự lên án.

Giai đoạn 7: Định hướng hài hòa.

- Lý do của hành vi đạo đức: Phù hợp với các nguyên tắc tổng thể và cảm thấy mình là một phần của xã hội.

-------o0o-------

Trích "Tâm Lý Học & Đời Sống"

Người dịch: Kim Dân

NXB Hồng Đức, 2018 - Ảnh: nguồn internet