TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC CẢM GIÁC - (Nhà Thần Kinh Học Antonio Damasio Giải Thích Cách Tâm Thức Xuất Hiện Từ Các Cảm Xúc Và Cảm Giác)

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC CẢM GIÁC

(Nhà Thần Kinh Học Antonio Damasio Giải Thích Cách Tâm Thức Xuất Hiện Từ Các Cảm Xúc Và Cảm Giác)

Tác giả: Jason Pontin

Người Dịch: BH.

Nguồn: https://www.technologyreview.com/2014/06/17/172310/the-importance-of-feelings/


-------o0o-------

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sinh vật học đã xem cảm xúc và cảm giác như là không đáng chú ý. Nhưng Antonio Damasio đã chứng minh rằng cảm xúc và cảm giác là trung tâm của các quá trình điều hòa sự sống của hầu hết tất cả các sinh vật sống.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC CẢM GIÁC - (Nhà Thần Kinh Học Antonio Damasio Giải Thích Cách Tâm Thức Xuất Hiện Từ Các Cảm Xúc Và Cảm Giác)

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC CẢM GIÁC

(Nhà Thần Kinh Học Antonio Damasio Giải Thích Cách Tâm Thức Xuất Hiện Từ Các Cảm Xúc Và Cảm Giác)

Tác giả: Jason Pontin

Người Dịch: BH.

Nguồn: https://www.technologyreview.com/2014/06/17/172310/the-importance-of-feelings/


-------o0o-------

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sinh vật học đã xem cảm xúc và cảm giác như là không đáng chú ý. Nhưng Antonio Damasio đã chứng minh rằng cảm xúc và cảm giác là trung tâm của các quá trình điều hòa sự sống của hầu hết tất cả các sinh vật sống.

Hiểu biết sâu sắc của Damasio về những cảm giác là “những trải nghiệm tinh thần của các trạng thái cơ thể”, nảy sinh khi não phân tích các cảm xúc, bản thân chúng là các trạng thái thể chất phát sinh từ phản ứng của cơ thể đối với các kích thích bên ngoài. (Thứ tự của những sự kiện đó là: Tôi bị đe dọa, trải qua nỗi sợ hãi và cảm thấy kinh hoàng.) Ông đã gợi ý rằng ý thức, cho dù là “ý thức cốt lõi” nguyên thủy của động vật hay sự tự nhận thức “đã mở rộng” của con người, đòi hỏi phải có trí nhớ cá nhân, xuất phát từ những cảm xúc và cảm giác.

Hiểu biết sâu sắc của ông, có từ đầu thập niên 90, bắt nguồn từ nghiên cứu lâm sàng về tổn thương não ở những bệnh nhân không thể đưa ra quyết định chính xác vì cảm xúc của họ bị suy giảm, nhưng khả năng lý luận của họ thì không bị ảnh hưởng - nghiên cứu được thực hiện bởi các nghiên cứu cấu trúc hệ thần kinh của vợ ông và cũng là đồng tác giả, Hanna Damasio. Công việc của họ luôn phụ thuộc vào những tiến bộ của công nghệ. Gần đây hơn, các công cụ như chuẩn đoán hình ảnh thần kinh chức năng, đo lường mối quan hệ giữa các quá trình tinh thần và hoạt động trong các bộ phận của não bộ, đã giúp bổ sung cho việc sử dụng giải phẫu học thần kinh của hai vợ chồng Damasio.

Vị giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Nam California này đã soạn thảo bốn cuốn sách đầy tính nghệ thuật nhằm giải thích về nghiên cứu của mình cho nhiều đối tượng hơn và liên hệ những khám phá của nó với những mối quan tâm thường xuyên của triết học. Ông tin rằng nghiên cứu sinh học thần kinh có một mục đích triết học rõ ràng: “Tiếng nói của nhà khoa học không nhất thiết là bản ghi chép đơn thuần về cuộc sống như nó vốn có,” ông viết trong một cuốn sách về Descartes. "Chỉ cần chúng ta muốn thì kiến thức sâu hơn về bộ não và tâm thức sẽ giúp đạt được ... hạnh phúc."

Antonio Damasio đã nói chuyện với Jason Pontin, tổng biên tập của tạp chí Đánh giá Công nghệ MIT (MIT Technology Review).

Jason Pontin (JP): Khi ông còn là một nhà khoa học trẻ tuổi vào cuối thập niên 70, cảm xúc không được coi là một lĩnh vực nghiên cứu thích hợp.

Antonio Damasio (AD): Chúng tôi được nhắc nhở rất thường xuyên rằng, "Chà, các anh sẽ bị lạc lối, bởi vì hoàn toàn chẳng có gì để có kết quả." Nhiều người cảm thấy tội nghiệp cho chúng tôi vì sự lựa chọn kém cỏi của mình.

JP: Tại sao lại thế?

AD: William James đã giải quyết cảm xúc một cách phong phú và thông minh. Nhưng những ý tưởng của ông ấy [chủ yếu cho rằng cảm xúc là sự phản ánh của não bộ về các trạng thái cơ thể, những ý tưởng mà Damasio đã hồi sinh và kiểm chứng bằng thực nghiệm] đã dẫn đến những tranh cãi lớn vào đầu thế kỷ 20 mà chưa có hồi kết. Bằng cách nào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cuối cùng thì cảm xúc sẽ không đủ khác biệt - bởi vì động vật cũng có cảm xúc. Nhưng những gì động vật không có, các nhà nghiên cứu nói với chính họ, là ngôn ngữ như chúng ta có, chúng cũng không có cả lý tính hay sự sáng tạo - vì vậy hãy nghiên cứu điều đó, họ nghĩ vậy. Và trên thực tế, đúng là hầu hết các sinh vật trên trái đất đều có thứ gì đó có thể được gọi là cảm xúc và những thứ có thể được gọi là cảm giác. Nhưng điều đó không có nghĩa là con người chúng ta không sử dụng cảm xúc và cảm giác theo những cách riêng biệt.

JP: Vì chúng ta có ý thức về bản thân?

AD: Đúng. Điều khác biệt ở con người là chúng ta tận dụng các quá trình điều hòa sự sống căn bản bao gồm những thứ như cảm xúc và cảm giác, nhưng chúng ta kết nối chúng với các quá trình vận dụng trí thông minh theo cái cách mà chúng ta tạo ra một thế giới hoàn toàn mới xung quanh mình.

JP: Điều gì khiến ông quan tâm đến cảm xúc như một lĩnh vực nghiên cứu?

AD: Có điều gì đó đã lôi cuốn tôi bởi vì tôi thích văn học và âm nhạc. Đó là một cách kết hợp những gì quan trọng đối với tôi với những gì tôi nghĩ là quan trọng về mặt khoa học.

JP: Ông đã học được những gì?

AD: Có một số chương trình hành động rõ ràng được cài đặt vĩnh viễn trong các cơ quan và bộ não của chúng ta để chúng ta có thể tồn tại, phát triển, sinh sản và cuối cùng là chết. Đó là thế giới điều hòa sự sống - cân bằng nội môi [ND: môi trường sống bên trong thân thể] - thứ mà tôi rất quan tâm, và nó bao gồm một loạt các trạng thái cơ thể. Có một chương trình hành động của cơn khát dẫn dắt bạn đi tìm nước khi bạn bị mất nước, nhưng cũng có một chương trình hành động của sự sợ hãi khi bạn bị đe dọa. Một khi chương trình hành động được triển khai và bộ não có khả năng phản ánh những gì đã xảy ra trong cơ thể, thì điều đó dẫn đến sự xuất hiện của trạng thái tinh thần. Trong suốt chương trình hành động của nỗi sợ hãi, một tập hợp những điều xảy ra trong cơ thể tôi làm thay đổi tôi và khiến tôi cư xử theo một cách nhất định cho dù tôi có muốn hay không. Khi điều đó đang xảy ra với tôi, tôi có một biểu hiện tinh thần về trạng thái cơ thể đó giống như tôi có biểu thị tinh thần về những gì khiến tôi sợ hãi.

JP: Và từ việc “phản ánh” điều gì đó xảy ra bên trong cơ thể, ông sẽ có một cảm giác, khác với một cảm xúc?

AD: Chính xác. Đối với tôi, điều rất quan trọng là phải tách rời cảm xúc khỏi cảm giác. Chúng ta phải tách biệt cấu phần xuất phát từ hành động khỏi cấu phần xuất phát từ nhận thức của chúng ta về những hành động đó, đó là cảm giác. Thật kỳ lạ, đó cũng là nơi bản ngã nảy sinh và bản thân ý thức. Tâm thức bắt đầu ở cấp độ cảm giác. Đó là khi bạn có cảm giác (ngay cả khi bạn là một sinh vật rất nhỏ), bạn bắt đầu có tâm thức và bản ngã.

JP: Nhưng điều đó có nghĩa là chỉ những sinh vật có tri thức được hình thành đầy đủ mới có thể hình thành cảm giác trọn vẹn?

AD: Không không không. Tôi cho rằng bộ não rất non nớt của một con côn trùng cũng có khả năng có cảm giác - bởi vì nó có khả năng biểu thị các trạng thái cơ thể. Trên thực tế, tôi sẽ hết sức ngạc nhiên nếu phát hiện ra rằng chúng không có cảm giác. Tất nhiên, những gì loài ruồi không có là khả năng hiểu biết về những cảm giác đó, để từ đó có thể tận dụng chúng: để thành lập một hệ thống tôn giáo, phát triển một loại hình nghệ thuật hoặc sáng tác một bài thơ. Chúng không thể làm được việc đó; nhưng chúng ta có thể. Trong chúng ta, việc có cảm giác, theo cách nào đó, cũng cho phép chúng ta có những sáng tạo đáp ứng lại những cảm giác đó.

JP: Các loài động vật khác có phản ứng với cảm giác của chúng không?

AD: Tôi không chắc rằng tôi hiểu câu hỏi của anh.

JP: Những con chó có nhận thức được rằng chúng có cảm giác không?

AD: Tất nhiên. Tất nhiên chó cảm giác được.

JP: Không, không phải "Chó có cảm giác được không?" Ý tôi là: con chó của tôi - Ferdinando có ý thức về cảm giác không? Nó có cảm nhận về cảm giác của nó không?

AD:[Suy nghĩ.] Tôi không biết. Tôi khá nghi ngờ về điều này.

JP: Nhưng con người chắc chắn ý thức được sự phản ứng.

AD: Đúng. Chúng ta ý thức được cảm giác của mình và nhận biết được sự dễ chịu hoặc khó chịu liên quan đến chúng. Hãy nhìn xem, những cảm giác thực sự mạnh mẽ mà bạn phải đối mặt hàng ngày là gì? Ham muốn, thèm ăn, đói, khát, đau đớn - đó là những thứ cơ bản.

JP: Cấu trúc của nền văn minh đóng góp như thế nào cho việc kiểm soát những thứ cơ bản đó? - Spinoza nói rằng các chính trị gia tìm cách điều chỉnh những bản năng như vậy vì lợi ích chung.

AD: Chúng ta sẽ không có âm nhạc, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học, công nghệ, kinh tế, chính trị, công lý hoặc triết học đạo đức nếu không có những cảm giác thúc đẩy.

JP: Mọi người có biểu hiện cảm xúc theo những cách có thể đoán trước được bất kể nền văn hóa của họ như thế nào không? Ví dụ, mọi người khi nghe âm giai thứ trong âm nhạc phương Tây có thấy buồn không?

AD: Hiện tại, chúng ta đã biết đầy đủ để nói có cho câu hỏi đó. Tại Viện Não bộ và Sáng tạo [do Damasio lãnh đạo], chúng tôi đã thực hiện các nghiên cứu đa văn hóa về cảm xúc. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tìm thấy những khuôn mẫu rất khác nhau, đặc biệt là với những cảm xúc xã hội. Nhưng trên thực tế, chúng tôi đã không tìm thấy. Cho dù bạn đang nghiên cứu người Trung Hoa, người Mỹ hay người Iran, bạn đều nhận được những phản hồi rất giống nhau. Có rất nhiều sự tinh tế và nhiều cách thức mà trong đó những kích thích nhất định gợi ra những kiểu phản ứng cảm xúc khác nhau với những cường độ khác nhau, nhưng sự hiện diện của nỗi buồn hay niềm vui đều có tính nhân văn đồng nhất một cách mạnh mẽ và đẹp đẽ.

JP: Các cảm xúc của chúng ta có thể được tăng cường nhờ cấy ghép hoặc một số công nghệ giao tiếp não bộ khác?

AD: Trong chừng mực nào đó chúng ta có thể hiểu được các quá trình thần kinh đằng sau bất kỳ chức năng phức tạp này, và một khi hiểu được, thì luôn có khả năng can thiệp. Tất nhiên, chúng ta luôn luôn tương tác với chức năng của não bộ: với chế độ ăn kiêng, với rượu bia và với thuốc chữa bệnh. Vì vậy, can thiệp phẫu thuật không phải là điều mới lạ tuyệt vời nào. Điều mới lạ là làm sao để những can thiệp đó được tiến hành một cách êm xuôi và nhắm đúng mục tiêu. Không, vấn đề nghiêm trọng hơn ở đây là các chủ đề đạo đức có thể phát sinh.

JP: Vì sao?

AD: Bởi vì nó thực sự phụ thuộc vào những gì mà sự can thiệp nhắm đến. Giả sử sự can thiệp để nhằm phục hồi khả năng cử động chân tay hoặc khả năng nghe nhìn đã mất của bạn. Tôi có gặp vấn đề gì về đạo đức không? Dĩ nhiên là không. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nó cản trở các trạng thái của não bộ gây ảnh hưởng đến cách bạn đưa ra quyết định của mình? Sau đó, bạn xâm nhập vào một thế giới mà lẽ ra chỉ dành riêng cho người đó.

JP: Công nghệ hữu ích nhất để hiểu về cơ sở sinh học của ý thức là gì?

AD: Các công nghệ về hình ảnh đã đóng góp một cách mạnh mẽ. Đồng thời, tôi đau lòng nhận ra rằng chúng bị giới hạn trong những gì chúng cung cấp cho chúng ta.

JP: Nếu ông có thể ước muốn có một công nghệ tốt hơn để quan sát não bộ, nó sẽ là gì?

AD: Tôi không muốn chỉ đạt đến một cấp độ, bởi vì tôi không nghĩ rằng những điều thực sự thú vị chỉ xảy ra ở một cấp độ. Những gì chúng ta cần là những kỹ thuật mới để hiểu được mối tương quan giữa các cấp độ. Có những người đã dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu về các hệ thống, đó là trường hợp của vợ tôi và hầu hết những thành viên trong phòng thí nghiệm của chúng tôi. Chúng tôi đã hoàn thành công việc về giải phẫu học thần kinh, và gần đây, thỉnh thoảng đi vào nghiên cứu ở cấp độ tế bào. Nhưng bây giờ chúng tôi thực sự đang nghiên cứu trạng thái chức năng của các sợi trục [sợi thần kinh trong não], và chúng tôi cần vô cùng những phương cách có thể giúp chúng tôi mở rộng từ những gì đã tìm thấy lên những cấp độ ngày càng cao.

JP: Công nghệ đó sẽ như thế nào?

AD: Tôi không biết. Nó cần được phát minh.

-------o0o-------

Ảnh: nguồn internet