TÂM SỰ CHỨ KHÔNG TRÚT RÁC - DAVID J.POLLAY – BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC

TÂM SỰ CHỨ KHÔNG TRÚT RÁC

DAVID J.POLLAY – BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC

------o0o-------

Tâm tình có thể hữu ích khi bạn xác định được các giới hạn cần thiết. Bạn có quyền chia sẽ về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống, nhưng bạn không được chuyển gánh nặng của mình sang vai người khác.Để xây dựng một cộng đồng không có “xe rác”, bạn cần phải có trách nhiệm với bản thân và với cuộc sống của những người thân yêu.
TÂM SỰ CHỨ KHÔNG TRÚT RÁC - DAVID J.POLLAY – BÀI HỌC DIỆU KỲ TỪ CHIẾC XE RÁC

Đừng tự biện hộ rằng tình bạn cho phép bạn nói hết những điều phiền muộn. Bạn càng thân thiết với một người thì bạn lại càng phải tỏ ra lịch sự và nhã nhặn với người đó. “Oliver Wendell Holmes”

Với tinh thần xây dựng một cuộc sống không có những “chiếc xe rác”, sẽ có lúc bạn phân vân không biết mình đang trút tâm sự hay đang xả rác. Giữa hai vấn đề này có sự khác nhau không?

Câu trả lời là “có”.

Việc tâm sự giúp mọi người hiểu được vấn đề đang khiến bạn bận tâm, giúp bạn vượt qua phút chao đảo, yếu đuối khi bạn muốn nhận được sự cảm thông của người khác. Còn “xả rác” là trút sang người khác cảm giác nặng nề bởi chính các vấn đề của bạn. Thay vì nói ra những khó khăn của mình và lắng nghe những lời khuyên nhủ, xoa dịu, bạn lại đổ hết gánh nặng đang bủa vây mình lên cuộc sống của người khác.

Mở lòng với những người bạn tin cậy và yêu mến là việc nên làm, nhưng trước đó bạn cần có sự chấp thuận của họ. Có như thế bạn mới có thể bộc bạch hết nỗi lòng mà không bị cho rằng đã quấy rầy hay làm phiền họ.

Vậy thì tâm sự chỉ biến thành hành vi “xả rác” khi bạn không nhận được sự đồng ý của người khác. Khi hành xử như thế là bạn đã đặt những vấn đề của bản thân lên trên cảm nhận của họ, chiếm dụng thời gian của họ và xâm phạm không gian riêng tư của họ. Nên nhớ rằng ai cũng có những vấn đề cần được quan tâm giải quyết của riêng mình. Chính bạn cũng vậy mà.

Khả năng thể hiện bản thân một cách trung thực và cởi mở là nền tảng cho tất cả các mối quan hệ của bạn, còn nền tảng của sự chia sẻ là sự tin cậy lẫn nhau. Bạn tin người khác sẽ lắng nghe bạn mà không phật ý. Ngược lại, bạn cũng phải hiểu rằng bạn chỉ chia sẽ cảm xúc của mình, chứ không phải là trút những rắc rối của bạn lên họ. Đây là chi tiết quan trọng trong mọi mối quan hệ tương hỗ. Đừng biến bạn bè và những người yêu thương thành “đích ngắm” của bạn trong cơn tức giận.

Nếu nhận ra mình đang “xả rác” vào cuộc sống của người khác một cách vô cớ, hãy kịp thời dừng lại. Chỉ nên tâm sự khi người khác sẵn sàng lắng nghe. Nếu không, bạn cũng đừng nên trách cứ mà hãy thể hiện sự tôn trọng và tìm một thời điểm khác thích hợp hơn.

Sự chừng mực: Việc tâm sự, ở một mức độ hợp lý, có thể giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận đối với những thách thức bạn đang đối diện, từ đó mở ra những hướng giải quyết mới cho các vấn đề đó. Tuy nhiên, nếu cứ hễ gặp khó khăn hay bế tắc là bạn liền nghĩ đến việc tìm người kể lể thì coi chừng bạn sẽ bị mắc kẹt giữa một bên là cảm giác chán nản, nhụt chí, và bên kia là nỗ lực hành động để cải thiện tình hình.

Ứng phó với lời than phiền núp dưới vỏ bọc “tâm sự”

Cũng có khi chính bạn là đối tượng để người bạn thân nào đó muốn giãi bày tâm sự. Nếu không thận trọng, bạn có thể biến những cuộc chuyện trò, tâm sự thành ngồi lê đôi mách hay nói xấu người khác. Khi sa vào cái bẫy đó, chính bạn sẽ trở thành một “chiếc xe rác”. Bốn cách sau đây sẽ giúp bạn kiểm soát bản thân và dẫn dắt cuộc đối thoại theo chiều hướng tích cực hơn:

1. Nếu việc than phiền của ai đó là đúng đắn, hãy giúp họ xác định bản chất vấn đề.

2. Nếu việc than phiền của họ là không quan trọng, hãy hướng cuộc đối thoại vào điều gì đó mang tính xây dựng.

3. Nếu ai đó cứ than phiền với bạn về cùng một vấn đề hết lần này đến lần khác, hãy giúp họ xác định nguồn gốc của những rắc rối kia.

4. Nếu việc than phiền của ai đó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn, hãy nói cho họ biết điều đó. Nếu họ không thay đổi, hãy tránh xa họ, càng xa càng tốt. Sau đó mỉm cười, vẫy chào và chúc họ tốt lành. Bạn phải tiến lên, và họ cũng như vậy.

Việc bầu bạn, tâm tình có thể hữu ích khi bạn xác định được các giới hạn cần thiết. Bạn có quyền chia sẽ về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống, nhưng bạn không được chuyển gánh nặng của mình sang vai người khác. Để xây dựng một cộng đồng không có “xe rác”, bạn cần phải có trách nhiệm với bản thân và với cuộc sống của những người thân yêu.

------o0o-------

Trích: Bài Học Diệu Kỳ Từ Chiếc Xe Rác

Tác Giả: David J.Pollay

Biên dịch: Nguyễn Thúy Quỳnh

NXB: Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh

Ảnh: Nguồn Internet

 

Bài viết liên quan