THIỀN QUÁN/VIPASHYANA VÀ ĐẠI THỦ ẤN/ MAHAMUDRA - LAMA DUDJOM DORJEE – THIỀN CHỈ, THIỀN QUÁN & TÍNH KHÔNG - Người dịch: Nguyễn Tiến Văn - NXB Hồng Đức 2014

THIỀN QUÁN/VIPASHYANA VÀ ĐẠI THỦ ẤN/ MAHAMUDRA

LAMA DUDJOM DORJEE – THIỀN CHỈ, THIỀN QUÁN & TÍNH KHÔNG

Người dịch: Nguyễn Tiến Văn - NXB Hồng Đức 2014

--o0o--

Một trong những hàm nghĩa kích động nhất về quan điểm của vũ trụ là một khi chúng ta đã thực chứng bản chất rốt ráo của tâm chúng ta, do đó chúng ta cũng thực hiện được bản chất rốt ráo của mọi hiện tượng những thứ này đã phát khởi bên trong tâm.
THIỀN QUÁN/VIPASHYANA VÀ ĐẠI THỦ ẤN/ MAHAMUDRA - LAMA DUDJOM DORJEE – THIỀN CHỈ, THIỀN QUÁN & TÍNH KHÔNG - Người dịch: Nguyễn Tiến Văn - NXB Hồng Đức 2014

     Đã có phần nào kinh nghiệm trong việc áp dụng những thứ đối trị để vượt thắng các chướng ngại của chúng ta và như vậy là đã đạt được phần nào sự ổn định trong việc an trú bình hoà trong thiền định, chúng ta bây giờ đã sẵn sàng để nhìn sâu hơn vào bản chất của tâm trí.

     Chúng ta phải phân tích bản tính của tâm trí chúng ta để có thể thực hành thiền quán (vipashyanà trong tiếng Sanskrit, và vipassanā trong tiếng Pali). Vipashyana nguyên nghĩa là “nhìn vào bên trong (insight)”, là quan sát bằng trí tuệ, cho nên cũng gọi là minh sát, trực quan, hoặc nội quán, gọi tắt là quán, tức là nhìn trong một cách mà bạn chưa nhìn bao giờ. Vipashyana là cái nhìn hoàn hảo bằng trí tuệ đưa chúng ta tới không chỉ là sự hiểu biết mà còn là sự thực chứng thâm sâu về bản chất của thực tại tối hậu, bằng cách đặt tiêu điểm vào và phân tích tâm.

     Phần lớn những người tu tập bắt đầu bằng cách thực hành thiền chỉ. Khi việc thực hành thiền chỉ tiến va, họ đạt được những trạng thái an tĩnh ngày càng sâu hơn. Rồi họ bắt đầu có những trải nghiệm về nội quán thâm sâu như là một kết quả của thực hành thiền chỉ. Sau cùng chỉ và quản (shamatha và vipashyana) trở nên không thể tách lìa; tới điểm đó, quán không còn chỉ là một kết quả của thực hành, mà là một sự thực hành có ý hưởng trong tự thân. Đó là lúc hành giả di chuyển ngày càng nhanh về sự hoàn hảo của cảnh giới định tâm trong thiền.

     Có những người may mắn thông tuệ, thậm chí còn có những năng khiếu khác thường; họ có phú bẩm đặc biệt về thực hành thiền định. Những công năng dường như không thể giải thích được về thiền định này chẳng qua chỉ là do một sự tích luỹ của nghiệp báo tốt lành, và vì vậy là do công đức. Đây là một chỉ dấu rằng những việc thiện và sự thực chứng mạnh mẽ phần lớn ở trong những kiếp trước gần đây của các hành giả này. Những người may mắn rất hiếm hoi này có thể lập tức trải nghiệm trạng thái thiền quán mà không cần trải qua nhiều thời giờ hoặc nỗ lực thực hành thiền chỉ. Tuy nhiên, đối với phần lớn chúng ta, đi trên con đường đạo pháp ở kiếp này, việc vun bồi bền bỉ về thực hành thiền chỉ là cần thiết trước khi bắt đầu thấy những đoá hoa của trải nghiệm thiền quán.

     Sự hoàn hảo của thiền quán thực vậy giống như một sự trổ hoa, đoá hoa đó không thể có nếu chúng ta không trước hết vun bồi hạt giống, tức là thực hành thiền chỉ. Một khi đã thấy những đoá hoa của trải nghiệm sơ khai về quán, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi những đoá hoa đó kết trái thực sự. Những buổi quán sát vào bản chất của tâm và của thực tại là thực hành có ý hướng của thiền quán.

     Thực hành thiền quán là một phần của những gì được thực hiện trong giai đoạn tu tập ẩn cư. Để thực hành theo cách này, chúng ta hướng sự chú ý và quan sát những phẩm chất và thuộc tính của tâm. Để thiền định về tâm, sự vun bồi tĩnh tâm là thiết yếu để tâm được kiểm soát dễ dàng hơn và tụ vào nhất điểm; thay vì bị chia trí bởi những ý niệm hoặc những sự tạo tác đa dạng. Đây là lí do khiến sự khai triển kĩ năng đáng kể trong thiền chỉ là một điều kiện tiên quyết quan trọng đối với thực hành thiền quán. Cũng rất hữu ích nếu chúng ta ở trong một môi trường thích hợp. Đây là tầm quan trọng của việc tu tập ẩn cư, nơi chúng ta thoát khỏi những sự chia trí hàng ngày và có thể đặt tiêu điểm vào bản chất của tâm một cách an tịnh và thông thoáng.

THIỀN QUÁN VÀ NHỮNG ĐẶC TRƯNG CỦA TÂM/ TÂM SỞ

     Ngài Gampopa (1079–1153, một đại sư Tây Tạng, được ngài Milarepa truyền cho pháp môn đại thủ ấn), dạy rằng cách chúng ta tiếp cận thiền quán là nhìn hẳn vào tự thân của tâm và phân tích nó và cố gắng để hiểu nó là gì, đâu là những đặc trưng định tính của nó, nó được tạo bằng gì,... Ngài nói tới những đường lối khác nhau để tra vấn tâm:

• Đầu tiên, cái gì là thực chất, thực thể, của tâm?

• Thứ hai, bản chất của nó là gì?

• Thứ ba, những đặc trưng định tính của nó là gì?

     Khi phân tích những câu hỏi này, chúng dường như đưa chúng ta vào những luồng lạch khác nhau của tư duy bởi cách dùng từ ngữ và sự chuyên biệt của những câu hỏi. Tuy nhiên, càng thăm dò tâm để tìm ra những câu trả lời, chúng ta càng trở nên sáng tỏ rằng cả ba câu hỏi cuối cùng đưa tới một câu trả lời đơn giản nhưng hết sức sâu xa. Câu trả lời này có ba phần. Thứ nhất, có thể mô tả tâm như một sự quang minh. Thứ hai, có thể nói rằng tâm không bị chướng ngại và khoáng đạt. Thứ ba, tâm là tính không khi nói về sự tồn tại cố hữu trong khi lại sở hữu khả tính vô hạn.

QUANG MINH

     Khi chúng ta nhìn vào tâm ở trạng thái tự nhiên của nó, đặc trưng định tính đầu tiên mà chúng ta thấy là sự quang minh. Mặc dù “quang minh” thoạt đầu có vẻ mơ hồ và bí ẩn, nó có một nghĩa nội hàm rất chuyên biệt trong ngữ cảnh về thiền định, nhất là khi thiền định về tâm. Bảo rằng tâm quang minh là chỉ ra rằng tâm sở hữu phẩm tính của ánh sáng. Bởi có phẩm tính của ánh sáng, chúng ta có thể nhìn thấy, quan sát, và thông giải những hiện tượng khi chúng khởi lên, định vị, và biến mất. Tâm quang minh cũng sở hữu thuộc tính về sự trong sáng; những hiện tượng không bị che đậy hoặc bao phủ, mà xuất hiện một cách tỏ rõ và sống động.

     Nếu nghĩ về tâm giống như một căn phòng, chúng ta có thể nói rằng sự quang minh chỉ ra rằng có ngọn đèn sáng đang thắp ở trong đó để chúng ta có thể nhìn thấy bên trong căn phòng, là sự xuất hiện của những hiện tượng. Chúng ta cũng có thể nói rằng sự sáng tỏ chỉ ra là không khí trong phòng trong trẻo, không có bất cứ thứ gì như khói hoặc sương mù có thể khiến chúng ta không quan sát được những gì có trong phòng. Sự phân biệt ở đây là cả sự quang minh và sự sáng tỏ phải có mặt để chúng ta có thể nhìn thấy và quan sát; chính vì tâm sở hữu sự quang minh nên chúng ta mới có thể trải nghiệm những hiện tượng khi chúng xuất hiện.

     Nhiều người nói rằng đối với những người chưa đạt được sự giải thoát, tâm dường như tối ám và đầy mây mờ, tức là mâu thuẫn trực tiếp với sự mô tả về tâm là sự quang minh và sáng tỏ. Thiết yếu chúng ta phải hiểu rõ rằng sự quang minh là một mô tả về tâm trong trạng thái tự nhiên, khi tâm không vướng mắc những phiền não (klesha) và nhiễu hành (samskara) của nghiệp báo. Những thứ làm chướng ngại tối ám này khiến chúng ta thấy tâm tối tăm và bị che mờ, thay vì quang minh và sáng tỏ. Đó chỉ là do trạng thái hoang mang và vô minh khiến chúng ta trải nghiệm thực tại từ một lối nhìn thiếu sáng tỏ và thiếu quang minh; đó là những ám chướng vốn tối tăm và che mờ, chứ không phải tự thân của tâm. Khi thiền giả thực hành đạo pháp đủ để bắt đầu gỡ bỏ những tấm màn ám chướng che mờ và làm tâm đen tối, khi đó chúng ta bắt đầu trải nghiệm một cách nhìn ngày càng quang minh và sáng tỏ hơn. Chính lúc đó, sự hoàn thiện của thiền chỉ và thiền quán có thể dẫn chúng ta tới một trạng thái của tâm được tinh luyện, để cuối cùng thực sự trải nghiệm tính quang minh của tâm trong trạng thái tự nhiên. Điều này sẽ đưa chúng ta tới một trạng thái gần hơn với sự giải thoát và giác ngộ, là những thứ trở nên khả dĩ với sự hoàn thiện của thiền quán.

SỰ KHOÁNG ĐẠT KHÔNG CHƯỚNG NGẠI

     Khi dấn sâu vào thiền định về bản chất của tâm trong trạng thái tự nhiên, phẩm chất hoặc đặc trưng thứ hai của tâm mà chúng ta tìm thấy là sự khoáng đạt không chướng ngại. Điều này có nghĩa là khoảng không gian trong đó tâm vận hành là vô biên, hoặc vô hạn. Không có ranh giới nào cho tâm và vì vậy tâm chẳng bao giờ có thể bị làm đầy; tâm của chúng ta chẳng bao giờ hết chỗ cho những biểu hiện khởi lên. Cũng vậy, không gian ấy là không chướng ngại, có nghĩa là không có gì trong không gian của tâm khiến cho tâm không thể di động một cách tự do. Chính bởi phẩm tính khoáng đạt này mà các biểu hiện có thể khởi lên và rồi được quan sát và thông giải.

     Để giải thích rõ hơn về đặc trưng khoáng đạt không chướng ngại, chúng ta có thể quay lại với sự so sánh tâm như một căn phòng. Chúng ta đã thiết lập được rằng, do bản chất của tâm là quang minh và sáng tỏ, tâm giống như một căn phòng trong đó chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ bởi ngọn đèn đang thắp và không khí trong trẻo. Nhưng ngọn đèn có nghĩa là sự sáng tỏ không đủ để giải thích sự xuất hiện của các hiện tượng. Hiển nhiên phải có không gian bên trong căn phòng để cho những biểu hiện kia khởi lên, nhưng không gian đó cũng phải không bị chướng ngại; phải có đủ không gian cho vô hạn những biểu hiện khởi lên. Nếu không phải như thế, cuối cùng thực tại tương đối ắt sẽ “tràn ngập” và không còn biểu hiện nào có thể khởi lên được nữa! Chính vì lí do này, sự so sánh của chúng ta về tâm như một căn phòng hoàn toàn không đúng với thực tại, bởi tâm khoáng đạt, rộng lớn hơn bất cứ căn phòng nào chúng ta có thể tưởng tượng ra trong thực tại tương đối.

     Căn phòng của tâm trong trạng thái tự nhiên của nó rộng lớn đến mức không thể tìm ra những bức vách nào để ngăn chặn sự vận động bên trong tâm. Tâm khoáng đạt vô biên, nên không cần các cửa sổ và cửa đi, và vì vậy không có cách nào để khoá tâm vào một hạn chế đặc thù. Tương tự, không có những giới hạn về chiều cao để chúng ta có thể di động bên trong tâm; vậy nên chúng ta cũng có thể nói rằng căn phòng ấy không có trần hoặc sàn nhà. Nó rộng đến mức chẳng bao giờ có thể làm đầy: luôn luôn có chỗ cho những hiện tượng thêm nữa khởi lên. Không gian bên trong căn phòng này cũng không bị chướng ngại, có nghĩa là bất kể là rộng lớn đến đâu hoặc có bao nhiêu hiện tượng xuất hiện, chúng cũng không thể gây trở ngại cho vận động của tâm.

     Nhiều người nghe lời giải thích này về sự khoáng đạt không chướng ngại của tâm có thể phản đối rằng điều đó không đúng, rằng trải nghiệm của họ về thực tại được biểu hiện bằng cảm giác sâu xa về sự trói buộc và tù túng ngạt thở. Nhiều người có thể đưa ra những thí dụ rõ ràng về các hạn chế, chẳng hạn như sự cầm tù và nô lệ mà họ đã trải qua. Ở một bình diện tế nhị hơn, chúng ta thường trải nghiệm những xiềng xích của cảm xúc phiền não như là sự chán chường, khiến chúng ta cảm thấy như thể tâm trí bị giam cầm chứ không phải là thân thể. Ở một bình diện còn tinh tế hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng chúng ta bị trói buộc bằng những xiềng xích của luân hồi, nó thậm chí còn thu hẹp hơn nữa khả năng di động một cách tự do của tại tối hậu. chúng ta qua không gian không chướng ngại của thực tại tối hậu.

     Tuy nhiên, tất cả những giới hạn biểu hiện đối với tính khoáng đạt không chướng ngại chỉ là những sự nguỵ tạo của tư duy khái niệm dính mắc vào sự vô minh và hoang mang thâm sâu. Đây là lí do sự hoàn thiện của thiền chỉ và thiền quán rất thiết yếu cho sự giải thoát và trải nghiệm về giác ngộ. Khi chúng ta học cách thiền định về bản chất của tâm và hoàn toàn thực chứng được bản chất của tâm là không gian không chướng ngại, khi đó chẳng còn gì có thể hạn chế sự vận động của tâm. Chúng ta trải nghiệm một sự vô giới hạn vốn không thể nào tưởng tượng ra được trong tình trạng hiện thời của cái tâm hoang tưởng về những hồi hộp và lo sợ, về những nhị nguyên lầm lạc. Lúc đó, chúng ta có thể thực sự trải nghiệm được sự thoát khỏi mọi ranh giới, dù là sự cầm tù thân thể, sự trói buộc của cảm xúc phiền não, hoặc những xiềng xích của chuỗi tái sinh và đau khổ là luân hồi. Khi cuối cùng, chúng ta trải nghiệm sự thực chứng trọn vẹn tính khoáng đạt không chướng ngại, cõi cực lạc của niết bàn cũng sẽ được thực chứng. Đây là sự hoàn thiện của thiền chỉ và thiền quán.

     Chính sự khoáng đạt không chướng ngại này cho phép tâm luân hồi tái sinh. Ngược lại, nếu tin vào luận hồi tái sinh, chúng ta cũng đã có ít nhiều khái niệm về sự khoáng đạt không chướng ngại. Bằng định nghĩa, sự khoáng đạt không chướng ngại như một phẩm chất của tâm chỉ ra rằng tâm không bao giờ thực sự bị trói buộc hay chặn đứng trong bất kì cách nào. Vậy là tâm vốn độc lập với thân thể vật lí. Một cách để biểu lộ ý tưởng này là phát biểu đơn giản “Tôi có một thân thể, nhưng tôi không phải là thân thể của tôi”. Mặc dù chúng ta thường cảm thấy hoàn toàn bị trói buộc vào thân thể, cái chết có một cách rất xác tín để phô bày với chúng ta rằng chúng ta không thực sự bị trói buộc trong thân thể. Chúng ta di chuyển vào thân thể của mình và ở lại đó trong một kiếp sống. Khi được nhìn nhận với sự mở rộng vô biên của thời gian vô thuỷ vô chung, một kiếp sống quả là hoàn toàn ngắn ngủi. Tâm chúng ta đã di chuyển từ thân thể này sang thân thể khác qua vô số kiếp sống, và sẽ tiếp tục như thế cho tới khi chúng ta đạt được giác ngộ và rời khỏi chu kì sinh tử rồi lại tái sinh vốn là đặc trưng của vòng luân hồi.

     Chính sự khoáng đạt không chướng ngại của tâm trong trạng thái tự nhiên của nó cho phép quy trình này xảy ra. Khi, qua vòng luân hồi, chúng ta được sinh vào thế giới này như một con người, chỉ là sự vô minh và hoang mang của chính chúng ta khiến chúng ta tin rằng mình bị cột chặt vào cái thân thể mà mình đã tới trú ngụ. Chúng ta quá hoang mang đến mức thậm chí đôi khi tin rằng không phải chúng ta chỉ mắc bẫy trong cái thân thể đó, mà chúng ta chính là cái thân thể đó. Chúng ta không thể biện biệt được đâu là thân thể và đâu là tâm, và thân thể trở thành một phần tích hợp căn cước của chúng ta. Tuy nhiên, quy trình tái nhập thể (reincarnation) này - vòng xoay của sinh ra, chết đi, và tái sinh tức là luân hồi - lẽ ra phải là một minh hoạ xác tín rằng ý niệm “thân thể này là tự ngã” thực sự sai lầm. Thay vì là thân thể của mình, chúng ta trú ngụ trong nhiều, thậm chí vô hạn, thân thể qua dòng thời gian của chuỗi luân hồi. Thay đổi các thân thể chẳng khác gì việc thay đổi quần áo, dẫu rằng dễ gây chấn thương hơn, do sự kiện là một cách tiêu biểu, chúng ta tham luyến với thân thể của mình hơn là với bất cứ bộ quần áo nào.

TÍNH KHÔNG VÀ KHẢ TÍNH VÔ GIỚI HẠN

     Khi học về bản chất của tâm, chủ đề được nhắc tới thường xuyên hơn cả và dường như được chú ý nhất trong những người thực hành thiền quán, và phẩm chất này của tâm thường được mô tả nhiều nhất là tính không của sự hiện hữu nội tại hoặc cố hữu, có khuynh hướng được rút gọn thành “tính không”. Một số người mô tả cũng phẩm chất này bằng một cách khác là nói rằng tâm sở hữu khả tính vô giới hạn về chuyển hoá. Không có cái gì mà tâm nhận biết được lại thường hằng, không thay đổi, hoặc tồn tại một cách độc lập. Mọi thứ mà tâm nhận biết đều là một hiện tượng khởi phát lên một cách lệ thuộc (gọi là tuỳ duyên, hoặc duyên khởi), nó có thể chấm dứt sự xuất hiện cũng dễ dàng như nó xuất hiện trong tâm. Bất kể chúng ta cố gắng đến đâu hoặc nhìn lui lại phía sau xa đến đâu, luôn luôn có một cái gì đó tới trước cung cấp những nguyên nhân và điều kiện cho sự khởi lên của một hiện tượng đặc thù.

     Chẳng hạn, thử lấy chiếc xe hơi của bạn. Dễ thấy là cái xe đã khởi lên tuỳ duyên như thế nào: nó là một tập hợp những thành phần được lắp ráp do một hoặc nhiều người, hoặc thậm chí do cả robot trong một công xưởng. Nếu bất cứ thứ nào trong những bộ phận kia mất đi, hoặc bất cứ ai trong những người thợ hoặc những robot thi hành nhiệm vụ không đúng cách, cái xe sẽ không vận hành đúng cách, thậm chí còn không vận hành được. Tuy nhiên, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng chiếc xe hơi của chúng ta là vững chắc và có thật. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng chiếc xe hơi của chúng ta tồn tại đích thực. Nhưng nếu lấy đi khỏi chiếc xe một bộ phận, thì sẽ ra sao? Nếu có ai hỏi rằng chúng ta có sở hữu chiếc xe hơi đó không, hẳn chúng ta vẫn trả lời là có, dù nó vừa mất một bộ phận. Nếu chúng ta lấy thí dụ này và đẩy tới cùng cực lí luận và cuối cùng lấy đi khỏi chiếc xe mọi bộ phận trừ cái đầu máy, chúng ta có vẫn sở hữu một chiếc xe? Phần lớn sẽ nói là không, chắc chắn là không, chúng ta chỉ có một cái đầu máy xe. Nhưng, vào thời điểm nào chiếc xe thôi không còn là một chiếc xe nữa, và thay vì thế trở thành những bộ phận cấu thành? Điều này có thể đẩy còn xa hơn nữa: tất cả các bộ phận đều được làm bằng những chất liệu như thuỷ tinh, nhựa cứng, và kim loại. Trong thế giới hiện đại, chúng ta biết rành rẽ rằng những thứ đó cũng có thể được phân giải thành những phần nhỏ hơn như là những hợp chất hoá học đơn giản, những nguyên tố cơ bản, và xa hơn nữa thành những hạt hạ nguyên tử và thậm chí nhỏ hơn nữa như những quark. Dường như vật lí học liên tục khám phá ra một hạt cơ bản còn nhỏ hơn nữa mà dựa trên đó chiếc xe hơi của bạn được tạo nên! Vậy chiếc xe hơi của bạn nói cho cùng tồn tại như thế nào?

     Điều này cũng đúng cho mọi hiện tượng phát khởi. Chúng ta có thể cố tìm cho ra một biến cố nền tảng, đơn độc, từ đó mọi vật phát khởi, nhưng tới nay vẫn chưa tìm ra. Thực vậy, nếu có, không sự phát khởi nào có thể từng xảy ra. Vũ trụ tương đối ắt hẳn sẽ không thay đổi bởi vì không có khả năng nào cho bất cứ biến cố nào xảy ra hoặc bất cứ vật nào xuất hiện, bởi cả hai đòi hỏi sự thay đổi ở một bình diện nào đó bất kể là tinh tế tới đâu. Bởi thế, chúng ta có thể tin tưởng mà nói rằng không chỉ cái tâm là trống rỗng về sự hiện hữu nội tại, mà còn có thể nói rằng do cái tính không đó, tâm sở hữu khả tính vô giới hạn cho sự thay đổi và chuyển hoá.

     Một sự phân biệt quan trọng cần phải làm rõ ở đây là sự khác biệt giữa quan điểm Phật giáo về tính không và quan điểm của chủ nghĩa hư vô (nihilism). Chủ nghĩa hư vô là sự tin tưởng rằng không có gì tồn tại, rằng mọi hiện tượng đều là hư không, và không có biểu hiện nào có thực. Quan điểm của chủ nghĩa hư vô về vũ trụ tương đối cũng có một cực đoan về luận lí: rằng không gì là quan trọng, rằng không có đúng hoặc sai, và rằng các hữu thể có thể xử sự bằng bất cứ cách nào, dù cho tiêu cực ra sao, cũng không có bất cứ loại hậu quả nào cả, về nghiệp báo hoặc cách khác. Nhưng rõ ràng là không phải như thế. Tôi có thể nhìn thấy những hiện tượng phát khởi; tôi có thể mô tả những biểu hiện tới trong tâm trí tôi. Như những Phật tử, chúng ta không tuyên xưng rằng không có gì hiện hữu trong ý nghĩa rằng mọi hiện tượng đều là hư vô hoặc không tồn tại. Thay vì thế, chúng ta chỉ quán sát rằng các hiện tượng không tồn tại một cách thực sự hoặc cố hữu; rằng có những biểu hiện xảy ra do những nguyên nhân và điều kiện. Bởi những biểu hiện này lệ thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện, vì vậy chúng có thể biến mất cũng dễ dàng như chúng đã xuất hiện. Không phải là sự vật không tồn tại, mà là chúng không tồn tại một cách độc lập với những sự vật khác. Bởi mối quan hệ tương thuộc (lệ thuộc vào nhau) giữa tất cả các hiện tượng, thực sự có rất ít sự vững chắc và rất nhiều sự lưu động hơn những gì chúng ta có thể tri giác bên trong cái thực tại tương đối, bề ngoài. Sự phân biệt quan trọng phải được làm rõ ở đây là mặc dù các Phật tử tin tưởng vào quan điểm về tính không và khả tính vô giới hạn bên trong thực tại tương đối, chúng ta vẫn có thể tin tưởng vào luật nhân quả của nghiệp báo, cũng như sự tồn tại của đau khổ bên trong những ràng buộc của luân hồi. Như vậy, chúng ta không sa vào vòng xoáy đi xuống của chủ nghĩa hư vô về sự tự luyến vô luận (amoral narcissism).

     Một trong những hàm nghĩa kích động nhất về quan điểm của vũ trụ là một khi chúng ta đã thực chứng bản chất rốt ráo của tâm chúng ta, do đó chúng ta cũng thực hiện được bản chất rốt ráo của mọi hiện tượng những thứ này đã phát khởi bên trong tâm. Quan điểm bởi tối hậu về thực tại tương đối sẽ cho phép thiền giả nào đã hoàn thiện được thiền chỉ và thiền quán tới an trú trong một trạng thái chính định tương đương với sự toàn tri, có được nhận thức siêu việt về mọi hiện tượng. Trong thế giới hiện đại chúng ta có thể nghĩ rằng mình đã hiểu biết rất nhiều sự vật và đã tiến xa trong sự thấu hiểu về vũ trụ. Điều này đúng trong ý nghĩa là chúng ta đã làm được một công việc xuất sắc là vẽ ra hoạ đồ một phần khá lớn của thực tại tương đối. Nhưng, như một chủng loại, loài người thực sự đã làm được rất ít để biết về bản chất của tâm, cho nên chúng ta thực sự cũng chẳng biết được bao nhiêu. Không biết được bản chất của tâm mình, chúng ta biết rất ít về bản chất của sự tồn tại. Tuy nhiên, một khi đã biết về bản chất của tâm, chúng ta sẽ không còn bị quá lệ thuộc vào tri thức về thế giới hiện tượng, thế tục mà hiện chúng ta đang bỏ ra quá nhiều thời gian và năng lượng để học hỏi. Không biết về tâm mình, là chúng ta không biết gì cả; biết rõ tâm mình, là chúng ta biết mọi sự.

Ảnh: nguồn internet