THỜI THANH NIÊN – GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA TUỔI TRƯỞNG THÀNH - GERALD COREY – MARIANNE SCHNEIDER COREY - BƯỚC ĐƯỜNG CHỌN LỰA CUỘC ĐỜI

THỜI THANH NIÊN – GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA TUỔI TRƯỞNG THÀNH

GERALD COREY – MARIANNE SCHNEIDER COREY - BƯỚC ĐƯỜNG CHỌN LỰA CUỘC ĐỜI

-------o0o-------

Thanh niên những người thuộc vào độ tuổi từ 21 đến 34. Đây là một giai đoạn có nhiều bước thay đổi quan trọng, và các quyết định người ta đưa ra trong giai đoạn này sẽ để lại những tác động đáng kể về sau.
THỜI THANH NIÊN – GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA TUỔI TRƯỞNG THÀNH - GERALD COREY – MARIANNE SCHNEIDER COREY - BƯỚC ĐƯỜNG CHỌN LỰA CUỘC ĐỜI

Gọi là thanh niên những người thuộc vào độ tuổi từ 21 đến 34. Đây là một giai đoạn có nhiều bước thay đổi quan trọng, và các quyết định người ta đưa ra trong giai đoạn này sẽ để lại những tác động đáng kể về sau.

Khái Niệm “Trưởng Thành Lâm Thời”

Theo tác giả Sheehy, mặc dù nhiều trách nhiệm “làm người lớn” thực thụ được dời lại muộn hơn, nhưng lớp thanh niên ngày nay đang đẩy cuộc sống mình theo một nhịp tiến mau lẹ. Đây là giai đoạn ta bắt đầu gỡ mình ta khỏi mọi quyến luyến xưa nay với gia đình và tiến vào hành trình kiếm tìm một bản sắc cá nhân. Giai đoạn này đặt ra cho ta các nhiệm vụ phải giải quyết như sau: định vị vai trò của ta giữa tập thể những người đồng trang lứa, xác lập một bản sắc giới tính hoặc căn tính giới, định hướng nghề nghiệp và tìm một công ăn việc làm, tách khỏi gia đình nguyên thủy, và hình thành nên một thế giới riêng biệt. Tác giả Lenvinson gọi đây là giai đoạn “trưởng thành lâm thời” bởi vì, theo ông, ở vào giai đoạn này, chúng ta mới chỉ đưa những bước dọ dẫm đầu tiên vào cuộc hành trình định vị và xác lập thế đứng cho bản thân trong một thế giới mới mẻ. Còn theo Erikson, chúng ta bắt đầu bước vào thế giới thành niên sau khi đã dẹp yên đâu đó tình trạng xung đột và lẫn lộn giữa bản sắc với vai trò ở giai đoạn vị thành niên. Chuyển sang giai đoạn thanh niên, ý thức về bản sắc cá nhân lại được thử thách qua cuộc đối đầu giữa một bên là khả năng sống thân mật (hòa nhập) với bên kia là thái độ sống biệt lập (khép mình).

Một nét tâm lý đặc trưng ở người trưởng thành là khả năng kiến thiết các mối quan hệ mật thiết, gắn bó. Nhưng để làm được điều đó, thì trước hết, ta cần xác lập cho được một ý thức rõ rệt về bản sắc cá nhân mình trước đã. Một quan hệ thân mật đỏi hỏi đôi bên phải có khả năng hiện diện bên nhau, thái độ chia sẻ cùng nhau, hành động trao ban lẫn nhau và khát vọng trưởng thành nhờ nhau. Không đáp ứng được các yêu cầu đó, xem như ta đang tách mình ra khỏi mọi người, sống biệt lập. Tuy nhiên, nếu vì muốn trốn tránh cảm giác đơn độc, lẻ loi mà ta tìm cách bám vào người khác, thì mối quan hệ ta có đó không thể nào trọn vẹn và đem lại cảm giác hài lòng được.

Lý thuyết cái tôi trong bối cảnh cảu McGoldrick và Carter (2005) xếp những người ở độ tuổi từ 21 đến 35 vào giai đoạn thanh niên. Mục đích chính yếu mà những người thuộc giai đoạn này phải nhắm tới là việc phát triển khả năng dấn thân vào các tương quan chiều sâu – với thái độ cam kết hỗ trợ nhau để cùng trưởng thành - và khả năng tìm được một nghề nghiệp vừa ý. McGoldrick và Carter cũng lưu ý đến thực trạng đa chiều – xét về các yếu tố văn hóa, chủng tộc, giới tính, địa vị, và khuynh hướng tính dục – trong đường lối phát triển bản thân và kinh nghiệm của từng cá nhân ở vào giai đoạn sản sinh các tương quan, công việc và nhiệm vụ nuôi dạy con cái; dù vậy, một số chướng ngại phát triển có nguy cơ làm cho con người không thể đạt được một lối sống hiệu quả. Tình trạng kì thị chủng tộc và cảnh đói nghèo có thể trở thành một thứ rào cản kiên cố khiến nhiều người không đủ sức vượt qua các giai đoạn trước để tiến sang các giai đoạn sau của tuổi trưởng thành, tức là không thể trưởng thành nổi. Có quan niệm cho rằng khi hai người đồng tính nam – hoặc đồng tính nữ, hay lưỡng tính – kết hôn với nhau và có con cái, chắc chắn đứa con của họ cũng sẽ giống hệt như họ. Tuy nhiên, nhiều cuộc khảo sát đã cho thấy quan niệm như thế về bản sắc giới tính và khuynh hướng tính dục của những đứa con trong các gia đình đồng giới là hoàn toàn không có căn cứ.

Khái Niệm Về Giai Đoạn “Trưởng Thành Ló Dạng”

Lứa tuổi cuối thiếu niên và đầu đôi mươi có thể không còn được coi như là một thời kỳ chuyển tiếp ngắn ngủi về các vai trò – từ “người nhỏ” sang “người lớn” - nữa. Giai đoạn khá đặc biệt này được đánh dấu bằng các cuộc thay đổi và khám phá ra nhiều hướng đi khả dĩ trong đời. Tác giả Arnett đề xuất một dạng lý thuyết mới về chủ đề phát triển con người, xếp độ tuổi từ 18 đến 25 vào giai đoạn mà ông gọi là trưởng thành ló dạng (emerging adulthood). Thuật ngữ này hàm chỉ về các đặc tính nguyên sơ, tươi đẹp, năng động, phong phú, phức tạp và linh hoạt của giai đoạn đầu tuổi trưởng thành.

Dứt khỏi tình trạng lệ thuộc của thời thơ ấu và thiếu niên, và chưa phải gánh trọn các trách nhiệm đòi hỏi nơi một người trưởng thành thực thụ, những người ở độ tuổi trưởng thành ló dạng này thường khám phá ra rất nhiều hướng đi khả dĩ trong đời về phương diện tình yêu, công việc và thế giới quan. Đây là giai đoạn cuộc đời mở ra muôn vàn hướng đi khác nhau; và vì hướng đi nào cũng cho thấy nhiều hứa hẹn tốt đẹp, nên lớp thanh niên thường hiếm khi vội vàng đưa ra các quyết định rõ ràng và chắc chắn về tương lai. Trong giai đoạn này quy mô của cuộc tự khám phá các tiềm năng hay triển vọng cuộc đời cũng được nới rộng thêm ra với nhiều khả năng chọn lựa hết sức phong phú, vượt trên tất cả các giai đoạn khác trong tiến trình cuộc đời.

Những người trẻ ở giai đoạn này thường xếp kiểu đánh giá theo truyền thống về mức độ trưởng thành – dựa trên các tiêu chuẩn như: hoàn tất đại học, ổn định công việc, lập gia đình và sinh con cái – vào hạng “bét”. Họ chỉ coi trọng nhất ba phẩm chất đặc thù cá nhân như sau: khả năng chịu trách nhiệm về bản thân, khả năng tự quyết định, và khả năng độc lập về tài chính. Lối quan niệm này cũng tỏ ra khá tương tự với khái niệm tự trị đã được bàn luận ở chương trước.

Arnett (2000) coi lứa tuổi trưởng thành ló dạng như là giai đoạn đánh dấu các bước thay đổi và những cuộc khám phá của hầu hết người trẻ ở các xã hội công nghiệp hóa hiện đại. Đây là thời kỳ những người trẻ nỗ lực nhận định và đưa ra các quyết định lựa chọn liên quan đến tình yêu, công việc và thế giới quan:

- Tình yêu. So với thời niên thiếu, ở vào giai đoạn này, người trẻ trở nên ý thức sâu sắc hơn về mức độ thân mật – cũng như khả năng gắn bó lâu dài – trong các mối quan hệ. Họ cũng bắt đầu khám phá bản chất con người mình và đặt ra các tiêu chuẩn để tìm bạn hữu, bạn tình, bạn trăm năm.

- Công việc. Người trẻ ở giai đoạn này thường cân nhắc về cách thức chọn lựa các công việc sao cho phù hợp với khả năng, hoàn cảnh nhằm định rõ ra loại nghề nghiệp mà họ sẽ theo đuổi trọn đời.

- Thế giới quan. Những người ở thời trưởng thành ló dạng thường có xu hướng xét lại những gì đã tiếp thu được hồi còn thơ ấu và thiếu niên. Ở giai đoạn này, nhiều người trẻ sẵn sàng đặt lại vấn đề về các niềm tin tôn giáo và hệ thống giá trị họ từng được truyền thụ. Các cuộc “thẩm tra” kiểu này thường đưa không ít người trẻ đến việc chối bỏ các hệ niềm tin trước đây, nhưng lại không thể kiến thiết được một hệ giá trị mới mẻ để thế chỗ. Trường hợp ngược lại – tức là việc đủ sức hình thành nên một giá trị, niềm tin hoàn toàn khác trước – thì họa hoằn lắm mới có.

Nhất thiết phải đặt vào trong một bối cảnh văn hóa thì mới có thể hiểu được giai đoạn trưởng thành ló dạng này; bởi vì, giai đoạn này thực sự chỉ tồn tại ở các nền văn hóa cho phép người trẻ kéo dài quá trình khám phá độc lập. Đối với nhiều người, so với các giai đoạn khác trong đời, đây là giai đoạn mà khả năng tự do và sức khám phá cá nhân của họ cao hơn hết.

Bước Vào Độ Tuổi Đôi Mươi

Suốt những năm thuộc độ tuổi đôi mươi, các bạn trẻ phải đối diện với nhiều quyết định lựa chọn hết sức quan trọng. Họ bắt đầu bước ra khỏi cảnh an toàn xưa nay trong mái ấm gia đình, đương đầu với tình trạng bấp bênh, thiếu chắc chắn về tương lai trong lúc nỗ lực để xác lập một thế đứng độc lập cho mình. Thời kỳ này được đánh dấu bằng tình trạng thay đổi và tâm trạng bất an đáng kể.

Nếu ở vào độ tuổi này, hẳn bạn đang phải đối diện với nhiều quyết định chọn lựa liên quan đến cung cách sống. Những câu hỏi có lẽ bạn sẽ đặt ra là: “Mình không biết nên chọn cảnh sống yên ổn bên gia đình, hay nên bước hẳn vào đời, tự lo liệu cuộc sống riêng mình?” “Mình sẽ sống độc thân hay lập gia đình đây?” “Mình sẽ dành trọn vẹn thì giờ để học đại học, hay là nên bắt đầu kiếm một công việc để làm?” “Điều mình mong muốn nhất trong lúc này là gì nhỉ? Mình phải làm gì đây, để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời?” v.v.

Các quyết định lựa chọn liên quan đến chuyện học hành, công ăn việc làm, hôn nhân, đời sống gia đình và lối sống là những vấn đề khá phức tạp và hoàn toàn có tính cá nhân. Nhiều người bị cám dỗ để cho những người khác quyết định thay mình – một phần hoặc toàn bộ - các vấn đề trọng đại. Nếu để mình rơi vào tình trạng như vậy, xem như ta “già tuổi” mà chưa đủ “già đầu”. Đây là thời điểm ta phải chọn lựa giữa việc sống theo những gì cha mẹ vạch ra với việc tự phác họa con đường tương lai cho riêng mình, phù hợp với những gì ta thực lòng mong muốn. Câu chuyện của hai bạn Steven và Amanda dưới đây sẽ phần nào cho thấy cuộc đấu tranh trước những mối bận tâm chung của các bạn trẻ trong giai đoạn trưởng thành ló dạng.

Bước Chuyển Tiếp Từ Thuở Đôi Mươi Sang Hồi “Tam Thập”

Buổi “giao thời” từ lứa muộn đôi mươi lên kỳ đầu ba mươi là quãng thời gian có nhiều thay đổi về các giá trị và niềm tin đối với nhiều người. Tình trạng lộn xộn nội tâm thường gia tăng đáng kể suốt trong thời kỳ chuyển tiếp này; bên cạnh đó, các hành động cam kết dấn thân trọn vẹn vào các mối quan hệ và nghề nghiệp cũng được thực hiện. Tuy nhiên, một số người quyết định hoãn lại việc gánh vác các trách nhiệm mà thời kỳ này đặc ra: chẳng hạn như, nhiều đôi vợ chồng có thể sẽ quyết định sinh con muộn hơn để toàn tâm theo đuổi con đường sự nghiệp trước mắt.

Suốt thời kỳ bước ngoặt này, người ta thường để mắt dõi lại những ước mơ họ từng vẽ ra, và có thể họ sẽ rà soát lại những kế hoạch cuộc đời, cũng như tạo ra các bước thay đổi quan trọng. Một số người ý thức rằng họ không đủ sức biến giấc mơ thành hiện thực. Dù điều này thường khiến họ có cảm giác nặng lòng, bận tâm, nhưng nó trở thành cơ hội giúp họ bắt tay vạch ra các kế hoạch mới mẻ hơn và biết nỗ lực đúng cách hơn để đạt được chúng. 

-------o0o-------

Trích: Bước Đường Chọn Lựa Cuộc Đời

Nguyên tác: I Never Knew I Had A Choice;

Nguyễn Thế Tuấn Anh chuyển ngữ; Fahasa phát hành; 2010

Ảnh: nguồn internet