TÌNH CẢM THẦY CÔ GIÚP ĐỊNH HÌNH VÀ THAY ĐỔI HOÀN CẢNH CỦA NHIỀU NGƯỜI - KHOẢNH KHẮC THỨC TỈNH - EDWARD M.HALLOWELL

TÌNH CẢM THẦY CÔ GIÚP ĐỊNH HÌNH VÀ THAY ĐỔI HOÀN CẢNH CỦA NHIỀU NGƯỜI

KHOẢNH KHẮC THỨC TỈNH - EDWARD M.HALLOWELL

DỊCH: THANH THẢO

-----o0o-----

TÌNH CẢM THẦY CÔ GIÚP ĐỊNH HÌNH VÀ THAY ĐỔI HOÀN CẢNH CỦA NHIỀU NGƯỜIKHOẢNH KHẮC THỨC TỈNH - EDWARD M.HALLOWELLDỊCH: THANH THẢO-----o0o-----Đây là một câu chuyện tình yêu, nhưng không phải là kiểu tình yêu thông thường mà là câu chuyện của tôi và các thầy cô của mình. Ngoài gia đình, chính các thầy cô giáo đã góp phần định hình cuộc đời tôi nhiều hơn bất kỳ ai khác. Tôi nghĩ thực tế...
TÌNH CẢM THẦY CÔ GIÚP ĐỊNH HÌNH VÀ THAY ĐỔI HOÀN CẢNH CỦA NHIỀU NGƯỜI - KHOẢNH KHẮC THỨC TỈNH - EDWARD M.HALLOWELL

TÌNH CẢM THẦY CÔ GIÚP ĐỊNH HÌNH VÀ THAY ĐỔI HOÀN CẢNH CỦA NHIỀU NGƯỜI

KHOẢNH KHẮC THỨC TỈNH - EDWARD M.HALLOWELL

DỊCH: THANH THẢO

-----o0o-----

Đây là một câu chuyện tình yêu, nhưng không phải là kiểu tình yêu thông thường mà là câu chuyện của tôi và các thầy cô của mình. Ngoài gia đình, chính các thầy cô giáo đã góp phần định hình cuộc đời tôi nhiều hơn bất kỳ ai khác. Tôi nghĩ thực tế đây cũng là hoàn cảnh của rất nhiều người.

Người đầu tiên tôi có thể nhớ là cô Eldredge, người mà tôi đã gặp năm lên sáu, khi vào học lớp một ở Chatham. Tôi đã không thể học được môn đọc. Khi các bạn cùng lớp của tôi đã nắm bắt được cách phát âm và đọc được các chữ cái thì tôi vẫn không tiếp thu được. Tôi không thể đánh vần chữ cái và không thể ghép chúng thành từ ngữ được. Tôi đã không thể theo kịp các bạn trong lớp.

Nếu ở trong một lớp học khác, tôi hẳn đã bị xếp vào dạng tối dạ, chậm chạp và thậm chí là chậm phát triển. Vào thời của tôi, những năm 1950 và 1960, chỉ có hai từ được dùng để miêu tả khả năng tư duy của một đứa trẻ: “thông minh” và “đần độn”. Bởi vì tôi rất chậm trong môn đọc nên tôi bị xếp vào hàng “đần độn”. Kết quả của việc đó là tôi có thể bị chế nhạo, bị đặt vào một góc, bị bảo phải cố gắng nhiều hơn lên, hay chỉ đơn giản là bị lãng quên. Tại một trường công lập ở thị trấn Cape Cod nhỏ bé vào thời ấy, người ta không biết phương pháp đánh giá trẻ em nào khác hơn là xếp chúng vào dạng thông minh hoặc đần độn, tốt hoặc xấu. Những trẻ em được xem là đần độn và xấu tính thì họ sẽ có cách đối xử khiến cho chúng cảm thấy xấu hổ, đau đớn và nhục nhã. Vào thời của tôi, ít có đứa trẻ nào trong quá trình lớn lên mà lại không bị ít nhất một giáo viên đối xử như thế.

Nhưng cô Eldredge không phải là người hay làm người khác xấu hổ. Cô là người có tâm hồn lương thiện. Tôi nhớ về cô như là một người phụ nữ đã cao tuổi có vẻ ngoài tròn trịa. Mọi thứ trên người có đều tròn: gương mặt, hai gò má, thân hình. Thậm chí cô còn mặc những chiếc váy có hình những quả táo tròn màu đỏ. Cô không hề được tập huấn một cách bài bản về việc giúp đỡ các học sinh chậm biết đọc, ngoại trừ kinh nghiệm dạy lớp một lâu năm của cô.

Những gì cô đã làm để giúp đỡ tôi đơn giản thế này: trong giờ học môn đọc, cô sẽ ngồi cạnh bên tôi và vòng cánh tay to tròn, mềm mại, nhẹ nhàng ôm lấy tôi trong khi tôi cố gắng giải mã các từ. Tôi thường bị cà lăm vì đơn giản là tôi không đọc được. Nhưng chẳng đứa bạn nào cười nhạo tôi vì đã có “bà trùm” đang ngồi kế bên bảo vệ.

Đó là “phương pháp trị liệu” của tôi: vòng tay của cô Eldredge. Đó là tất cả những gì cô đã làm cho tôi, nhưng đó là tất cả những gì cô cần làm. Cô đã giúp tôi cảm thấy an toàn khi thất bại. Cô giúp tôi cảm thấy an toàn với trí thông minh mà mình có. Cô không thể cấy ghép một bộ não khác cho tôi và giúp tôi lấy đi chứng khó đọc, nhưng cô đã làm những gì mà cô có thể: giúp tôi không cảm thấy xấu hổ.

Phương pháp của cô hiệu quả đến nỗi tôi thật sự rất mong đến giờ tập đọc. Tôi sẽ không bao giờ quên có Eldredge. Tôi nghĩ vòng tay của cô đã luôn bao bọc tôi kể từ lúc ấy cho đến khi tôi học trung học, rồi đại học, rồi vào trường y, rồi đi thực tập và cả trong cuộc đời là một tác giả, nhà diễn thuyết và bác sĩ của tôi. Tôi luôn cảm thấy vòng tay ấy bao bọc tôi, ngay cả bây giờ cũng vậy.

Sau năm lớp một thì mỗi năm tôi đều tìm thấy một giáo viên mang đến cho tôi sự khác biệt. Một trong số đó là thầy Slocum, thầy dạy tôi ở trường Fessenden (ngôi trường nội trú mà tôi được gửi đến học từ năm lớp năm). Thầy đã dẫn tôi đi xem trận đấu của đội Red Sox lần đầu tiên và ở đó tôi bắt được một quả bóng đi ngoài đường biên, quả bóng duy nhất tôi từng bắt được, do Earl Battey, người bắt bóng của đội Minnesota Twins, đánh sượt ra ngoài. Sau lần đó tôi còn đi xem thêm hàng trăm trận bóng khác nữa, nhưng đó là lần đầu tiên của tôi, và thầy Slocum đã dẫn tới cùng một đám trẻ khác trong thị trấn cùng đi xem. Thật ra thì thầy Slocum không cần phải làm thế, đó là ngày nghỉ của thầy, chỉ vì thấy thích dẫn lũ nhóc chúng tôi đi cùng.

Rồi phải kể đến thầy Magruder, một giáo viên khác ở trường Fessenden, người đã tặng cho tôi cái huy hiệu JFK (John F. Kennedy). Lúc đó tôi mười một tuổi và chẳng hiểu tí gì về chính trị hết, nhưng chính bởi món quà đó mà tôi trở thành một người theo Đảng Dân chủ ngay lập tức. Đó là năm 1960, năm mà Tổng thống Kennedy vừa đắc cử.

Chỉ vài năm sau, vào một chiều mùa thu nắng ấm, khi tôi đang chơi đá banh thì thấy Magruder đến báo với tôi là Tổng thống Kennedy vừa bị bắn. Thế giới mà tôi biết đến đã không còn như cũ kể từ ngày hôm ấy. Tôi đoán điều ấy có nghĩa là Tổng thống Kennedy cũng là một trong những giáo viên của tôi, theo một cách nào đấy. Kể từ khi ông mất, hẳn là ông đã truyền sang cho tôi cảm giác chắc chắn rằng có một thế giới rộng lớn hơn ở ngoài kia, một thế giới vững chắc, không có sự hoài nghi mà nền chính trị quốc bị thiếu hụt, ít nhất là đối với tôi.

Tôi học trung học ở trường Exeter, một trường tư thục ở New Hampshire. Ở đó tôi đối mặt với một cuộc sống đòi hỏi nhiều tư duy. Tất cả các lớp học đều bố trí bàn hình tròn và học sinh học tập bằng cách thảo luận. Các giáo viên đều dò xét và chất vấn. Socrates có mặt trong mọi lớp học.

Những mùa đông lạnh lẽo vô cùng gia đình tôi trở nên điên đảo hơn bất cứ lúc nào và tôi thấy mình gần như trở thành suy sụp. Nhưng các thầy cô giáo của tôi đã không bỏ rơi tôi. Mỗi năm đều có một người quan tâm đến tôi, không quá nhiều, nhưng đủ để tôi muốn làm tốt mọi việc.

Năm học lớp mười một, tôi mê mẫn quyển tiểu thuyết Tội ác và Hình phạt. Biết được điều đó, giáo viên ngữ văn của tôi tặng tôi những quyển sổ ghi chép của Dostoyevsky về Tội ác và Hình phạt. Tôi cảm thấy vinh dự ngoài sức tưởng tượng. Giáo viên lại tặng quà cho học sinh? Ôi chao!

Năm sau đó, người giáo viên có sức ảnh hưởng nhất đã xuất hiện trong đời tôi. Thầy tên là Fred Tremallo. Dĩ nhiên, tôi gọi thầy là thầy Tremallo. Thầy và vợ thầy, cô Ellie, đã trở thành cha mẹ xa nhà của tôi trong những năm cuối cấp ở Exeter. Thầy Tremallo là giáo viên ngữ văn của tôi. Thầy đã bảo với tôi là tôi có thể sáng tác. Thầy cũng có dáng người tròn trịa, nhưng không phải giống cô Eldredge, mà như một hậu vệ cản phá. Thầy để ria mép và thầy từng làm công tác mật vụ. Thầy là người gốc Ý, quê ở New Jersey, và tôi không nghĩ rằng thầy có biết về bộ ba đặc tính của những người da trắng theo đạo Tin Lành của gia đình tôi, nhưng thầy có vẻ rất có thiện cảm với tôi. Vì sao thì tôi không biết.

Quá trình thầy làm thay đổi tôi (nhiều hơn bất cứ giáo viên nào từng làm trước đây và mãi về sau này) chỉ đơn giản thế này: Thầy bảo với tôi rằng tôi có thể làm được nhiều thứ hơn tôi nghĩ, rồi thầy cổ vũ tôi bắt tay vào thực hiện. Tuần đầu tiên đi học, tôi viết một mẩu truyện dài ba trang giấy, đó là bài tập đầu tiên trong năm của chúng tôi. Mẩu truyện được trả lại cho tôi với một lời bình. Tôi như vẫn có thể nhìn thấy dòng chữ viết bằng mực đỏ hơi xéo lên trên ở lề dưới của trang cuối cùng: “Truyện ngắn này đầy hứa hẹn. Sao em không chuyển nó thành tiểu thuyết nhỉ?”.

Tôi nhủ thầm: “Một cuốn tiểu thuyết? Một truyện ngắn ba trang giấy còn chưa đủ hay sao?”. Chưa đủ đối với thầy Tremallo. Sau giờ học, tôi hỏi thầy liệu có phải thầy thật sự muốn tôi chuyển nó thành một cuốn tiểu thuyết hay không và thầy trả lời: “Đúng vậy”. Bộ ria của thầy đong đưa lên xuống rất nhanh khi thấy đưa ra câu trả lời chắc nịch ấy. Tôi đợi chờ thầy nói thêm điều gì đó, nhưng thầy chẳng nói thêm gì. Lớp kế tiếp vào đầy phòng và ngồi quanh chiếc bàn tròn khi tôi bước ra, lòng vừa hào hứng lại vừa kinh hãi. Tôi thật sự sắp viết một quyển tiểu thuyết sao? Ý tưởng ấy viển vông như bay lên cung trăng vậy. Nói về việc này, hẳn có vẻ giống như cảm giác của những người theo chủ nghĩa hoài nghi khi nghe Tổng thống Kennedy tuyên bố rằng quả thực chúng ta đang chuẩn bị đưa người lên mặt trăng.

Nhưng, cuối năm học ấy, tôi đã thật sự viết được một cuốn tiểu thuyết khoảng bốn trăm trang. Quyển tiểu thuyết giành được giải thưởng môn ngữ văn. Đến giờ đó vẫn là vinh dự quy giá nhất mà tôi từng được nhận, bởi vì việc viết quyển tiểu thuyết ấy có vẻ như là một nhiệm vụ bất khả thi hồi đầu năm. Nó không chỉ khó vươn tới, mà hầu như là không thể thực hiện, giống như là chống lại lực hút của trái đất hay tàng hình vậy. Ấy thế mà tôi đã làm được.

Bản thân quyển tiểu thuyết thật ra chẳng hay gì mấy. Nó chưa bao giờ được xuất bản (Tạ ơn Chúa!), nhưng nó đã đáp ứng được tất cả những tiêu chuẩn cơ bản của một quyển tiểu thuyết: mạch lạc, có mạch tường thuật từ đầu đến cuối, có những nhân vật với cuộc đời của riêng họ. Tôi cho rằng bạn có thể nói về quyển tiểu thuyết của một học sinh lớp mười hai giống như Samuel Johnson nói về việc con chó nhảy nhót trên hai chân sau của nó vậy: “Nó thường không làm giỏi lắm, nhưng người ta vẫn rất ngạc nhiên khi thấy nó làm được như thế”. Việc tôi làm được như thế đã thay đổi cuộc đời tôi.

Như thế nào? Nó mang đến cho tôi một nét nhận dạng về bản thân. Tôi đã trở thành tác giả vào năm ấy, không chỉ trong tâm trí tôi, mà là đối với nhiều người khác nữa: trong mắt của bạn bè tôi, những người có óc phê bình hết sức tinh tế. Họ đã đón nhận và công nhận tôi là một tác giả. Nếu họ đón nhận tôi, thì có thể suy ra rằng tôi là một tác giả thật sự. Tôi làm được như thế tất cả là nhờ vào niên học 1967 – 1968 ấy, thầy Tremallo đã khơi gợi trong tôi những khả năng mà tôi không biết là mình có.

Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ, rồi thành bác sĩ tâm lý, rồi bác sĩ tâm lý nhi khoa, nhưng tất cả những điều ấy đều được xây dựng dựa trên nền tảng lòng tự tin mà tôi đã tạo ra từ khả năng thực hiện các nhiệm vụ khó khăn. Sự tự tin ấy đã luôn nm lẩn khuất ở đâu đó trong con người tôi, nhưng thầy Tremallo đã vượt qua làn nước đục của tuổi thiếu niên để kéo sự tự tin ấy ra cho tôi và cho mọi người cùng thấy. Bằng cách giúp tôi làm được việc mà tôi không nghĩ mình có thể làm được, thầy đã cho tôi khả năng chứng minh với bản thân rằng tôi có thể hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn. Niềm tin ấy là vô giá đối với tôi.

Thầy lấy đâu ra ý tưởng là việc viết lách sẽ là niềm đam mê của tôi? Thầy lấy đâu ra ý tưởng rằng một cậu học sinh lớp mười hai lại có thể viết một quyển tiểu thuyết? Tôi không biết. Nhưng hết tuần này sang tuần khác, trong khi tối cố gắng từng bước giải quyết những chỗ khó khăn của quyển tiểu thuyết, thầy cho tôi những lời nhận xét ghi bằng mực đỏ như một huấn luyện viên miệt mài xây dựng các kỹ năng cho một vận động viên. Hầu hết những lời nhận xét đều hết sức cụ thể, ví dụ như: “Tại sao em lại khiến cho đoạn văn này trở nên thiếu khí thế bằng cái thể ‘hết sức quá khứ hoàn thành’ này vậy?”. Việc thầy sáng tạo và những từ loại mới trong những lời nhận xét của mình mới ấn tượng làm sao. Bởi vì nhờ lời nhận xét ấy của thầy nên tôi không bao giờ con sử dụng thì quá khứ hoàn thành mà không cần nhắc đến việc nó sẽ làm cho câu văn thiếu khí thế nữa. Một vài lời nhận xét khác có vẻ chung chung hơn như: “Viết lại đoạn này”, hoặc “Không rõ nghĩa”, hoặc "Cố viết lại cái này thêm lần nữa đi.” Thầy hay ra lệnh như thế, nhưng tôi luôn cảm nhận được vòng tay thầy bảo bọc tôi, giống như cô Eldredge vậy. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ việc thầy là người hiểu biết nhất, rằng thầy tin tưởng ở tôi, và rằng tôi nên cố gắng vượt qua những trở ngại để thực hiện những gì thầy muốn tôi làm. Chính sự kết nối giữa người với người đã làm nên tất cả những sự khác biệt ấy.

Thế là, năm cuối cấp, trong khi bạn bè tôi đi chơi, đi nghe nhạc của Bob Dylan, Beatles, Simon và Carfunkel, thì tôi ở trên “căn gác xép” của mình, một không gian thoáng đảng bên trên nhà thờ trong khuôn viên trường, để mà viết. Quyển tiểu thuyết dần thành hình. Tôi nhớ khi tôi viết được đến trang thứ một trăm, tôi đã nghĩ có lẽ mình đã thật sự làm được rồi, có lẽ cái ý tưởng viển vông rằng tôi có thể viết được một quyển tiểu thuyết đã trở thành sự thật.

Thầy Tremallo cùng rất coi trọng tính kỷ luật và những kỹ thuật trong việc sáng tác. Thầy đưa tôi đọc quyển The Rhetoric of Fiction của Wayne Booth, quyển sách tôi đã nghiên cứu rất tỉ mỉ mà vẫn cảm thấy gần như chẳng hiểu được gì. Nhưng tôi cũng cảm thấy rất tự hào khi thầy yêu cầu tôi đọc quyền sách ấy, như thể mình đã là một tác giả thật sự. Vào lúc ấy tôi đã không nhận ra, nhưng tôi nghĩ hẳn là thầy Fred đã cố gắng cho tôi những “đồ nghề” cần thiết như là một phần kinh nghiệm quý báu để tôi có thể đạt được mục đích là trở thành một tác giả. Thầy đã đưa cho tôi những thứ tương tự như là một túi đo huyết áp và chiếc ống nghe thậm chí trước cả khi tôi thật sự biết sử dụng chúng, cũng giống như vài năm sau đó ở trường y, người ta đã đưa cho tôi cái túi đo huyết áp và cái ống nghe thật sự trước khi tôi biết sử dụng chúng.

Khi năm học lớp mười hai kết thúc và cũng là khi quyển tiểu thuyết đã được hoàn thành, tôi nói lời chia tay với thầy Fred và cô Ellie. Giờ đây, dù sao đi nữa, tôi cũng đã là một tác giả. Nhưng quan trọng hơn, tôi đã biết mình có thể thực hiện được nhiều hơn những gì tôi nghĩ mình có thể.

Mặc dù tôi có gặp lại thầy Fred và cô Ellie Tremallo vài lần sau khi tốt nghiệp, nhưng mối quan hệ đã không còn được như xưa. Thầy trở thành người quá kín đáo, bẽn lẽn và có lẽ là hoài nghi nữa. Thầy không đến dự các buổi họp mặt thân tình của các cựu học sinh. Thầy còn có những cây bút trẻ khác phải đào tạo. Chúng tôi đã gặp gỡ nhau như thầy và trò bình thường và chỉ thế thôi.

Rồi thầy qua đời.

Mùa đông năm 1999, tôi nhận được tin từ thầy Charlie Terry, một giáo viên ở trường Exeter mà tôi còn giữ liên lạc sau khi với nghiệp, rằng thầy Fred bị ung thư phổi và chỉ còn sống được thêm vài tháng nữa. Tôi gọi đến bệnh viện ở Exeter, nói chuyện với cô Ellie, rồi phóng xe đến thăm họ.

Khi tôi bước vào phòng bệnh, thầy Fred đang ngồi trên giường, ngực để trần, thầy đang đánh máy với chiếc laptop để trên bàn. Dường như đoán biết được tôi thắc mắc thầy đang làm gì, thầy bảo: “Thư giới thiệu vào đại học, thầy phải hoàn tất chúng trước khi chết!”. Rồi thấy bật cười trong khi tôi nhăn mặt. Cũng như mọi khi, thầy tạo được không khi gần gũi ngay tức thì.

Chúng tôi tiến vào những khoảnh khắc mà chúng tôi biết là đặc biệt ý nghĩa trong cuộc đời mình, không cần phải có một nhà làm phim hay một dàn nhạc nào nhấn mạnh cho chúng tôi biết tầm quan trọng của những gì đang diễn ta. Bằng cách nào đấy, trong mỗi khoảnh khắc trôi qua, chúng tôi tự nhấn mạnh tầm quan trọng của từng khoảnh khắc cho chính chúng tôi. Đôi khi, ta nhấn mạnh chúng bằng nước mắt, đôi khi lại bằng những nghi thức lễ nghĩa, nhưng đa phần chỉ đơn thuần bằng những cuộc đối thoại ngượng nghịu và chẳng có hiệu ứng gì đặc biệt hơn ngoài tiếng xe cộ bên ngoài và tiếng ho của ai đó ở phòng kế bên.

Tôi, thầy Fred và cô Ellie ngồi trò chuyện với nhau. Tôi ngồi ở mép giường, còn cô Ellie thì đứng ngay đầu giường bên cạnh thầy Fred. Tôi kể cho thầy Fred nghe về Sue và các con tôi, công việc của tôi ở vai trò một bác sĩ tâm lý và tôi cũng kể với ông về những quyển sách mà tôi đã viết.

Thầy hỏi tôi:

- Khi nào thì em sẽ viết một quyển tiểu thuyết vĩ đại đây?

Tôi đáp:

- Em không biết nữa. Có lẽ là không bao giờ.

Thầy bảo:

- Em có thể làm được, nếu em cố gắng.

Lại thêm một thách thức nữa, giống như hồi học mười hai. Ai biết được, có thể một ngày nào đó tôi sẽ viết một quyển như thế thật.

Tôi nói:

- Em không có một quyển tiểu thuyết. Nhưng em có mang đến cho thầy một mẩu truyện mà em sáng tác.

Rồi tôi nói với thầy rằng tôi muốn đọc to cho thầy và cô Ellie nghe những gì tôi đã viết. Đó là bản thảo của chương này. Khi tôi đọc xong, thầy hắng giọng và nói:

- Ô, khách quan mà nói, tác phẩm này thật xuất sắc đấy.

Thầy đã ở đó, vẫn luôn dạy dỗ và khích lệ tôi cho đến khoảnh khác cuối cùng chúng tôi ở bên nhau.

Đã đến lúc tôi phải đi. Có một hàng dài học sinh đợi ngoài cửa để được vào thăm thầy. Tôi nói:

- Còn những người khác đang đợi, vì thế em nên về đây. Có Ellie gật đầu.

Thầy Fred nói:

- Cứ để họ đợi.

Tôi biết thầy không có ý thiếu tôn trọng những người ở ngoài kia. Chỉ là thầy muốn dành cho tôi món quà cuối cùng: thời gian của thầy. Tôi nắm tay thầy. Điều này làm tôi nhớ đến việc tôi đã nắm tay ông ngoại tôi ngay trước khi ông mất. Rồi tôi bắt tay thầy giống như cách mà tôi đã bắt tay ông ngoại Skipper. Thầy Fred trao cho tôi một ánh mắt dịu dàng mà lại ngời sáng. Ánh mắt mà tôi biết rất rõ ràng trong ánh mắt ấy, bạn có thể cảm nhận được thầy đang truyền đến bạn một thông điệp lạc quan đến mức khó diễn tả được bằng lời.

Rồi tôi hôn lên trán thầy Fred, ôm lấy cô Ellie và rời khỏi phòng. Kể từ đó, tôi không bao giờ còn gặp lại thầy Fred hay cô Ellie nữa. Chỉ trừ trong ký ức, tôi luôn gặp họ ở đó.

 

Trích: Khoảnh Khắc Thức Tỉnh

Tác giả: Edward M.Hallowell

Dịch: Thanh Thảo

NXB Dân Trí

Ảnh nguồn internet