ÁNH SÁNG TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO - Venetian

ÁNH SÁNG TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO

Venetian

-----o0o-----

Sau khi trải qua nhiều thế kỷ chiến đấu và nhiều trận chiến thắng, con thắng được trận cuối cùng và đòi hỏi bí quyết cuối cùng, thì bấy giờ con hãy tiến xa hơn nữa. Khi bí quyết cuối cùng của bài học cao siêu này được tiết lộ, thì đệ tử sẽ tìm thấy trong đó bí quyết của con đường mới - con đường dắt đến trạng thái ở ngoài mọi sự kinh nghiệm của loài người và hoàn...
ÁNH SÁNG TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO - Venetian

ÁNH SÁNG TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO

Venetian

-----o0o-----

Mấy qui tắc nầy viết cho tất cả các đệ tử: Con hãy tuân theo.

Trước khi được thấy được, mắt phải ráo lệ.

Trước khi được nghe, tai phải thản nhiên.

Trước khi được nói trước các Chơn Sư, lưỡi phải hết năng lực làm tổn thương kẻ khác.

Trước khi được đứng trước các Chơn Sư, Linh Hồn phải rửa chân trong máu của trái tim.

- Hãy diệt lòng tham vọng. (Kill out ambition)

Chú giải: Lòng tham vọng là mối hại đầu, là tay cám dỗ mạnh nhất khi con người vượt lên trên đồng loại. Hình thức đơn giản nhất của lòng tham vọng là muốn được thưởng công: vì lòng tham vọng mà người có trí, có tài luôn luôn xa lìa những mục đích cao siêu. Tuy nhiên, lòng tham vọng là một ông thầy cần thiết. Sở vọng khi đã đắc thành thì vẻ đáng yêu không còn nữa (biến thành tro bụi) giống như sự tử vong, ly biệt, chung qui chỉ cho con người thấy rõ: lo cho mình là đi đến thất vọng.

Qui tắc thứ nhứt nầy xem qua dường đơn giản và dễ dàng, nhưng con đừng vội bỏ qua. Bởi vì những tính xấu của hạng người thường biến hình một cách tế nhị và thể hiện trở lại dưới một hình thức khác nơi tâm người đệ tử. Ai cũng có thể nói: “Tôi không tham vọng”, nhưng không dễ gì mà nói được: “Khi Đức Thầy xem rõ lòng tôi, Ngài sẽ thấy lòng tôi hoàn toàn trong sạch”. Người nghệ sĩ chân chính vì yêu nghệ thuật mà làm việc, đôi khi còn đi đúng con đường chính hơn nhà huyền bí học tưởng mình là người siêu thoát, đã rời bỏ bản ngã, nhưng thực sự họ chỉ mở rộng biên giới của kinh nghiệm, của dục vọng và chú ý đến những điều khác của đời sống mình rộng lớn hơn. Nguyên tắc nầy cũng áp dụng cho hai qui tắc có vẻ đơn giản dưới đây. Hãy suy gẫm để hiểu sâu xa và chớ để cho lòng mình dối mình một cách dễ dàng. Vì hiện nay nơi ngưỡng cửa, một sự lầm lỗi còn có thể sửa đổi. Nhưng nếu con dung dưỡng nó trong lòng thì nó sẽ một ngày một lớn, đơm bông, kết trái, chừng đó con phải vô cùng đau đớn mới diệt nó được.

- Hãy diệt lòng tham sống. (Kill out desire of life).

- Hãy diệt lòng tham sung sướng. (Kill out desire of comfort).

- Hãy làm việc như những kẻ còn đầy tham vọng. Hãy kính trọng sự sống như những người đầy lòng tham sống. Hãy vui sướng như những kẻ sống như để hưởng vui sướng.

Chú giải: Hãy tìm trong tâm nguồn gốc của tội lỗi và diệt nó đi. Tội lỗi sống, đâm chồi mọc nhánh trong tâm kẻ đệ tử chân thành cũng như trong tâm người tham vọng. Chỉ có kẻ cương quyết mới diệt nó được. Còn kẻ yếu đuối thì chờ đợi cho nó tăng trưởng, cho nó xum xuê, cho nó chết; nó là một loại cây cứ sống và lớn dần kiếp nầy sang kiếp khác. Nó tạo quả khi con người đã sống chồng chất trong vô số kiếp. Kẻ muốn để chân vào đường đạo pháp phải nhổ hết gốc rễ nó trong tâm mình. Như thế tâm can sẽ đổ máu và trọn sự sống của con người dường như tiêu tan hết. Đó là cuộc thử lòng phải chịu; nó có thể xảy ra ở nấc đầu trên cái thang nguy hiểm đưa đến con đường sống; nó có thể để trễ lại nấc thang chót. Nhưng hỡi đệ tử, con hãy nhớ là con cần phải chịu cuộc thử lòng đó, và con hãy tập trung tất cả mãnh lực của tâm hồn vào công việc đó. Con chớ sống trong hiện tại, cũng đừng sống trong tương lai mà hãy sống trong Vĩnh cửu. Thứ cỏ hoang to lớn đó không thể trổ bông nơi đây; chỉ có bầu không khí của tư tưởng vô thủy vô chung mới tẩy sạch được vết nhơ bẩn của sự sanh tồn.

- Hãy diệt mọi ý thức chia rẽ. (Kill out all sense of separateness)

Chú giải: Con chớ tưởng là con có thể sống riêng biệt với những kẻ hung dữ, hạng người điên dại. Họ chính là con đó, mặc dầu họ ở trình độ kém hơn người bạn hoặc Đức Thầy của con. Nhưng nếu con để nảy sinh cái ý nghĩ con không liên đới với một điều nào hoặc một tội lỗi nào tức là con tạo ra một nghiệp quả, nó sẽ buộc con vào điều đó hoặc người đó, cho đến ngày nào tâm hồn con nhận thấy rằng nó không thể sống riêng rẽ được. Con hãy nhớ rằng tội lỗi và nhục nhã của đời là tội lỗi và nhục nhã của con, bởi vì con là một phần tử của thế gian; nghiệp quả của con dệt chung và không thể tách rời Đại Nghiệp Quả được. Trước khi con được giác ngộ, con phải trải qua mọi chỗ dơ cũng như chỗ sạch. Như thế con hãy nhớ rằng cái áo dơ mà bây giờ con nhờm gớm có thể là cái áo của con bữa qua hoặc bữa mai. Nếu con tỏ vẻ ghê sợ, thì khi nó đặt lên vai con, nó sẽ càng bó chặt lấy con hơn. Kẻ nào có lòng tự kiêu về đức hạnh của mình tức là dọn cho mình một chỗ trong vũng bùn nhơ. Con tránh, vì đó là điều nên tránh chớ chẳng phải để giữ cho con được trong sạch.

- Hãy diệt tham muốn cảm giác. (Kill out desire for sensation)

- Hãy diệt lòng khao khát tăng trưởng. (Kill out hunger for growth.)

Tuy nhiên con hãy sống một mình cô đơn, bởi vì không sắc tướng nào hay thứ gì ở ngoài Bậc Vô Thượng có thể giúp con được. Con hãy xem xét cảm giác để hiểu biết nó, bởi vì chỉ có làm như thế con mới có thể bắt đầu khoa học tự tri, và đặt chân lên nấc thang đầu. Con hãy tăng trưởng như đóa hoa, nó nảy nở một cách vô tâm, nhưng tha thiết mở hồn ra với không khí. Con phải làm cho tâm hồn con mở ra với Bậc Vô Thượng như thế đó. Nhưng con phải vì lòng ngưỡng mộ Bậc Vô Thượng mà phát triển năng lực và nét xinh tươi, chớ chẳng phải vì ý muốn được tăng trưởng. Bởi vì, trong trường hợp thứ nhứt con phát triển với một tấm lòng thanh khiết tốt tươi; còn trong trường hợp thứ nhì, con chỉ làm cho kiên cố và làm tăng thêm lòng vị kỷ.

- Chỉ nên muốn thứ gì ở nơi con. (Desire only that which is within you)

- Chỉ nên muốn thứ gì ở ngoài con. (Desire only that which is beyond you)

- Chỉ nên muốn thứ gì không thể đạt được. (Desire only that which is unattainable).

- Bởi vì ở nơi con có ánh sáng của thế giới, cái ánh sáng duy nhất có thể chiếu rải trên Ðường Ðạo.

Nếu con không đủ sức nhận thấy ánh sáng đó nơi con, thì đừng tầm kiếm nó ở đâu vô ích. Nó ở ngoài con bởi vì khi con đến được tới nó thì con đã mất bản ngã của con rồi. Nó không thể đạt được bởi vì nó cứ lùi xa mãi. Con sẽ bước vào trong ánh sáng, nhưng con không bao giờ rờ được Ngọn Lửa Thiêng.

- Hãy muốn quyền năng một cách hăng hái. (Desir power ardently).

- Hãy muốn an tịnh một cách chân thành. (Desir peace fervently).

- Hãy muốn chiếm hữu trên tất cả mọi vật. (Desir possessions above all).

Nhưng mà những sở hữu đó phải hoàn toàn là sở hữu của Linh Hồn trong sạch, và do đó, tất cả những Linh Hồn trong sạch đồng hưởng như nhau, và chỉ khi nào tất cả đã hợp nhất thì những sở hữu đó mới là sở hữu của tất cả. Hãy khao khát những sở hữu mà Linh Hồn trong sạch có thể gìn giữ được, như thế con có thể xúc tích của quí báu cho tinh thần hợp nhất của sự sống, đó thật là Chơn Ngã của con. Sự an tĩnh mà con nên ao ước là sự an tĩnh thiêng liêng không thứ gì làm rối loạn được, và trong sự an tĩnh đó Linh Hồn tăng trưởng như đóa hoa thiêng mọc trong đầm phẳng lặng. Quyền năng mà con nên ao ước là quyền năng làm cho thiên hạ xem con chẳng ra chi.

- Hãy tìm Ðạo. (Seek out the way).

Chú giải: Ba chữ nầy xem dường không mấy quan trọng để đứng riêng thành một qui tắc. Người Ðệ Tử có thể nói: “Nếu tôi không tìm Ðạo, thì tôi đâu có phí công nghiền ngẫm những tư tưởng đó?”. Tuy nhiên, con chớ vội sang qua qui tắc khác. Con hãy dừng lại và suy nghĩ trong giây lát. Có thật con hết lòng mộ đạo chăng? Hay là con mơ màng những nấc thang cao vót mà con sẽ leo đến, hay một tương lai sáng lạn mà con sẽ thực hiện? Con hãy coi chừng. Con phải vì Ðạo mà tìm Ðạo chớ chẳng phải vì những bước đường tiến hóa mà con sẽ để chân tới. Có một sự liên quan giữa qui tắc này và qui tắc 17 của phần thứ nhì. Sau khi trải qua nhiều thế kỷ chiến đấu và nhiều trận chiến thắng, con thắng được trận cuối cùng và đòi hỏi bí quyết cuối cùng, thì bấy giờ con hãy tiến xa hơn nữa. Khi bí quyết cuối cùng của bài học cao siêu này được tiết lộ, thì đệ tử sẽ tìm thấy trong đó bí quyết của con đường mới - con đường dắt đến trạng huống ở ngoài mọi sự kinh nghiệm của loài người và hoàn toàn ở ngoài tất cả sự tri giác và tưởng tượng của loài người. Ở mỗi đoạn đường cần phải dừng lại thật lâu và suy nghĩ thật kỹ. Ở mỗi đoạn đường cần phải hỏi mình xem có chắc chắn là vì Ðạo mà tìm Ðạo chăng? Con đường và sự thật hiện ra trước, kế đó đến sự sống.

-----o0o-----

Trích “Ánh Sáng Trên Đường Đạo”

Tác Giả: Đạo Sư Venetian dịch từ tiếng Sanskrit sang tiếng Hy Lạp

Xuất Bản Năm 1985

Bài viết liên quan