BÌNH CHÚ CHỮ VIẾT TRONG NGỮ LỤC CỦA ĐẠI ĐĂNG - QUỐC SƯ ĐẠI ĐĂNG – THIỀN TÔNG NHẬT BẢN

BÌNH CHÚ CHỮ VIẾT TRONG NGỮ LỤC CỦA ĐẠI ĐĂNG

QUỐC SƯ ĐẠI ĐĂNG – THIỀN TÔNG NHẬT BẢN (1282-1338)

–––––o0o–––––

“Chánh pháp nhãn tạng của Như Lai hiện diện tròn đầy tại đây và bây giờ. Thả ra thì gạch ngói cũng tỏa sáng; nắm giữ thì vàng ròng cũng mất màu.”
BÌNH CHÚ CHỮ VIẾT TRONG NGỮ LỤC CỦA ĐẠI ĐĂNG - QUỐC SƯ ĐẠI ĐĂNG – THIỀN TÔNG NHẬT BẢN

Đại Đăng Ngữ Lục có rất ít trước ngữ bình chú tác phẩm thiền phôi thai, một công trình duy nhất thuộc loại này nằm trong Pháp ngữ tiếng Nhật thuộc triều đại Liêm Thương và Thất Đinh. Đại Đăng hướng về Tuyết Đậu Trùng Hiển, người biên tập đầu tiên bộ Bích Nham Lục và rất quán triệt văn học Thiền. Tập trung vào hai quyển trong Tuyết Đậu Lục, Đại Đăng thêm nhiều bình chú phong phú từng dòng và ở giữa câu. Tác phẩm hình thành tên là Tham Tường Ngữ Yếu, xứng đáng với nội dung đầy thẩm quyền về tinh yếu giáo lý của Đại Đăng. Đại Đăng bắt đầu nửa quyển đầu tiên của Tuyết Đậu Lục, chỗ lễ khánh thành thiền viện Tuyết Đậu ở tỉnh Minh (ngày nay là Chiết Giang). Trong bản dịch sau đây, trước ngữ của Đại Đăng in chữ nghiêng.

Vào ngày nhậm chức tân trụ trì, Tuyết Đậu đứng trước pháp đường và nhìn ra ngoài hội chúng.

– Xin uống chung rượu này; qua khỏi tiền đồn phía tây sẽ không tìm được cố nhân.

(Khuyến quân tận thử nhất bồn tửu, tây xuất dương quan vô cố nhân).

Tuyết Đậu nói: “Cốt nói về đại sự cơ bản, không cần phải lên ngồi tòa báu”.

– Chỉ thế ấy, chỉ thế ấy.

(Đãn duy đãn duy).

Tuyết Đậu chỉ ra

– Mệnh lệnh không được vi phạm.

(Bất phạm chi lệnh).

và nói, “Mọi người, hãy nhìn chỗ ta đang chỉ. Vô số cõi Phật đang hiển hiện liên tiếp ở đó. Mỗi người trong ông, hãy nhìn chăm chú.”

– Mù!

(Hạt).

“Nếu ông không thấy được cõi Phật rộng lớn bao xa, ông sẽ còn dẫm trong bùn”.

– Ai?

(A thùy).

Ngay đó Tuyết Đậu thăng tòa.

– Bất ngờ xuất hiện khó biện được.

(Đột xuất nan biện).

Người thành thạo đọc xong lá thư chính thức. Người lĩnh xướng gõ bảng và loan báo, “Hàng long tượng có trong pháp hội này, phải nhìn ngay yếu chỉ”. Rồi tăng bước tới.

– Khó mà gặp được cơ may.

(Thời tiết nan phùng).

Tuyết Đậu nắm đứng vị tăng và nói [với hội chúng]:

“Chánh pháp nhãn tạng của Như Lai hiện diện tròn đầy tại đây và bây giờ. Thả ra thì gạch ngói cũng tỏa sáng; nắm giữ thì vàng ròng cũng mất màu.” – Người ở trước, người ở sau.

(Nhất hướng nhất bối).

“Ta cầm trong tay thanh kiếm – đây là lúc sống hoặc chết [của vị tăng]”.

– Người tu phải tự biết thời.

(Nạp tăng gia tự tu tri thời).

– Mạng sống như treo đầu sợi chỉ.

(Mạng như huyền ti).

“Nếu có người trí ở đây, hãy cùng nhau giải quyết vấn đề này”.

– Chỉ toàn bọn phàm phu.

(Chỉ hữu nhân tại).

Tăng nói, “Con đi từ xa chỗ Thúy Phong và đến đây chỗ Tuyết Đậu để tu. Vậy là hai hay là một?”

– Bít kín tai người trên mặt đất.

(Tắc đoạn tận đại địa nhân nhĩ căn).

Tuyết Đậu đáp, “Con ngựa không thể bắt được gió [dù cho có đuổi theo] thổi ngàn dặm”.

– Gió thổi đùa cỏ.

(Phong hành thảo yển).

Tăng nói, “Như thế, mây tan thì trăng hiện nơi mỗi nhà”.

- Tuyết Đậu [hạ mình] để đánh với ông à?

(Tuyết Đậu khởi tranh nể để).

Vị tăng hỏi, “Đức Sơn đánh và Lâm Tế hét đã rõ ràng. Thưa thầy, Thầy dạy người thế nào?” Tuyết Đậu nói, “Ta sẽ tha cho ông chỉ một lần này thôi”.

– Chư Phật chư Tổ nín thở.

(Phật Tổ thôn khí).

 

Tăng ngập ngừng, và Tuyết Đậu hét.

– Khó cứu người khỏi tà pháp.

(Tà pháp nan phò).

Tăng nói, “Tốt lắm, nhưng thầy có điều gì khác [để cho]?” Tuyết Đậu đáp, “Ta bắn mũi tên vào con cọp, nhưng con cọp không thực có. Ta chỉ phí sức và uổng mất mũi tên”.

– Mũi tên trước nhẹ, mũi tên sau sâu.

(Tiền tiễn du khinh, hậu tiễn thâm).

Khi chúng ta tháo mở ngôn ngữ đoạn văn phức tạp này, ta có thấy Đại Đăng phản ứng như thế nào để tác động lẫn nhau giữa Tuyết Đậu và đệ tử của mình. Vì Đại Đăng có chủ tọa lễ khánh thành ngôi chùa của mình (và hai ngôi chùa khác), Sư ứng đáp với lễ khánh thành của Tuyết Đậu như một người quan sát-tham dự có kinh nghiệm, thỉnh thoảng Sư tự đặt mình vào vị trí của Tuyết Đậu. Trước khi Tuyết Đậu nói một lời, Đại Đăng chen vào trước ngữ đầu tiên của Sư:

Vào ngày nhậm chức tân trụ trì, Tuyết Đậu đứng trước pháp đường và nhìn ra ngoài hội chúng.

– Xin uống chung rượu này; qua khỏi tiền đồn phía tây sẽ không tìm được cố nhân.

Thông thường, một vị trụ trì không nói với hội chúng cho đến khi ngồi lên chiếc ghế lớn đặt trên một bục bằng phẳng, nhưng Tuyết Đậu tính phá lệ này. Đại Đăng bình chú bằng cách dẫn ra một câu thơ của Vương Duy (699-759), khi nhà thơ chào từ biệt một người bạn du hành đến một vùng quê mùa lạc hậu của đế quốc Trung Hoa. Cũng với tấm lòng thân thiết như thế, Đại Đăng đã gửi đến Tuyết Đậu một chuyến du hành vào những cõi giới tâm linh hoang sơ chưa từng khai phá, ý muốn nói rằng ít người thực sự hiểu được giáo pháp của Sư. Đại Đăng cũng có thể nhắm đến hội chúng của Sư (Một cách trực tiếp hoặc nhân danh Tuyết Đậu), bởi vì họ đều xem như đang lên đường trong một hành trình nội tâm đơn độc.

Tuyết Đậu nói: “Cốt nói về đại sự cơ bản, không cần phải lên ngồi tòa báu”.

– Chỉ thế ấy, chỉ thế ấy.

Đại Đăng đồng ý là chánh pháp không liên hệ gì đến những lễ mễ nghi thức gắn liền với vai trò người trụ trì.

Tuyết Đậu chỉ ra

– Mệnh lệnh không được vi phạm.

và nói, “Mọi người, hãy nhìn chỗ ta đang chỉ. Vô số cõi Phật đang hiển hiện liên tiếp ở đó. Mỗi người trong ông, hãy nhìn chăm chú.”

- Mù!

Hướng Tuyết Đậu chỉ ra không rõ ràng, song không thành vấn đề—vật để chỉ ra chính là Phật tánh, và Ngài thúc giục những ai có mặt phải tự mình nhìn.Đại Đăng so sánh huấn thị của Tuyết Đậu, sự hướng dẫn cơ bản của tất cả thiền sư, với mệnh lệnh của một viên đại tướng hay một ông vua. Trước ngữ một chữ của Đại Đăng: “Mù!” điển hình cho tính nhiều nghĩa của từ. Đầu tiên gợi ý rằng vị tăng mù vì không thấy được Phật tánh, nhưng âm vang một giai tầng khác cũng được. Bởi vì Phật tánh không thể thấy theo cách cảm nhận có đối tượng lộ liễu, ngay cả con mắt thịt của Tuyết Đậu cũng mù nốt. Chỗ cứu cánh, chính Phật tánh cũng mù, một ngón tay không thể chỉ ra.

“Nếu ông không thấy được cõi Phật rộng lớn bao xa, ông sẽ còn dẫm trong bùn”.

– Ai?

Ở đây Đại Đăng ngụ ý chính Tuyết Đậu cũng còn dẫm trong bùn—nếu không là bùn lầy vô minh thì cũng là trói buộc của cuộc đời thường. Qua những trước ngữ như thế một nhà luận giải Thiền tìm cách cho thấy rằng không thể chìu theo bất cứ ai, dù là một người tôn kính, hoặc tuân theo một thư tịch nào dù có thẩm quyền đi nữa.

Ngay đó Tuyết Đậu thăng tòa.

– Bất ngờ xuất hiện khó biện được.

Tuyết Đậu đang thăng tòa là một cách chứng tỏ Phật tánh thấy được lẫn không thấy được.

Đối với Đại Đăng, hành động giản dị của người trụ trì rất là đột ngột và đầy sức mạnh đến đỗi phải có đáp trả, như thể một đứa trẻ thình lình phóng ra ngay mũi chiếc xe hơi đang lao tới.

Người thành thạo đọc xong lá thư chính thức. Người lĩnh xướng gõ bảng và loan báo, “Hàng long tượng có trong pháp hội này, phải nhìn ngay yếu chỉ”. Rồi tăng bước tới.

– Khó mà gặp được cơ may.

Lá thư chính thức là lá thư mời Tuyết Đậu đến ngôi chùa ở tỉnh Minh; “hàng long tượng” là nói tôn vinh chúng tăng đang có mặt. Trước ngữ của Đại Đăng đều áp dụng cho cả hai bên trong nội dung: vị tăng bày tỏ là mình được dịp may hiếm có hỏi đạo một bậc thầy, và Tuyết Đậu có một dịp tốt chứng minh Thiền của Ngài.

Tuyết Đậu nắm đứng vị tăng và nói [với hội chúng]: “Chánh pháp nhãn tạng của Như Lai hiện diện tròn đầy tại đây và bây giờ. Thả ra thì gạch ngói cũng tỏa sáng; nắm giữ thì vàng ròng cũng mất màu.”

–Một ở trước, một ở sau.

Đoạn này ở bản gốc không nói rõ Tuyết Đậu nắm đứng vị tăng ra sao và thả vị tăng ra như thế nào.Bằng cách nắm đứng vị tăng làm điểm khởi sự, Tuyết Đậu khai triển chủ đề nắm giữ và thả ra trong đạo pháp. Nội dung trong lời bình kế tiếp của Ngài không rõ ràng—có lẽ cả hai đường lối đều có lợi. Trước ngữ của Đại Đăng, “Một ở trước, một ở sau” liên quan đến hai câu liên tiếp của Tuyết Đậu và hai người tham gia trong khung cảnh này là vai diễn của vị trụ trì và vị tăng.

“Ta cầm trong tay thanh kiếm—đây là lúc sống hoặc chết [của vị tăng]”.

– Người tu phải tự biết thời.

– Mạng sống như treo đầu sợi chỉ.

Tuyết Đậu đã tạo ra tình trạng gay cấn gợi lại một công án về Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-835) đã tóm con mèo trước mặt tăng chúng và hăm sẽ chặt làm hai nếu không ai nói được một câu đúng thời của Thiền. Bình chú của Đại Đăng còn tăng cường lời nói của Tuyết Đậu rằng mạng sống tinh thần của vị tăng đang trong tình trạng nguy cấp (muốn cứu vị tăng bắt buộc phải chặt đứt sợi chỉ).

“Nếu có người trí ở đây, hãy cùng nhau giải quyết vấn đề này”.

– Chỉ toàn bọn phàm phu.

Tuyết Đậu mời một người nói ra hoặc làm một việc gì để giải phóng vị tăng, nhưng Đại Đăng không hy vọng ai đang có mặt sẽ nói được câu trả lời đúng ý.

Tăng nói, “Con đi từ xa chỗ Thúy Phong và đến đây chỗ Tuyết Đậu để tu. Vậy là hai hay là một?”

– Bít kín tai người trên mặt đất.

Chỗ này bản gốc Trung Hoa không rõ ràng vì có hai việc: vị tăng đang nói chuyện có thể là vị tăng bị nắm đứng hoặc là một vị tăng vừa bước tới, và chủ đề không quy định này cũng cho phép “chúng tôi từ xa đến” hoặc “ông từ xa đến”. Khi hỏi “Vậy là hai hay là một?” vị tăng ám chỉ không những hai nơi chốn và hai vị thầy mà còn hai cặp đối đãi là quá khứ và hiện tại, xa và gần, ông là vị trụ trì còn tôi là vị tăng. Đại Đăng nhận xét riêng câu hỏi này bít kín lỗ tai mọi người. Trong một vài nội dung bình chú của Sư có thể chỉ cho sự khen ngợi (một điều gì quá mạnh làm điếc tai), nhưng ở đây hình như có nghĩa “hãy buông tha chúng tôi câu hỏi ngu ngốc này”.

Tuyết Đậu đáp, “Con ngựa không thể bắt được gió thổi ngàn dặm [dù cho có đuổi theo]”.

– Gió thổi đùa cỏ.

Trong câu trả lời của Tuyết Đậu, Ngài chính là ngọn gió, và con ngựa không thể bắt được Ngài là vị tăng đang hỏi hoặc thậm chí là Thúy Phong, một vị thiền sư khác. Như vậy Tuyết Đậu có được một sự tự tin về tâm linh đòi hỏi nơi một vị trụ trì trong Thiền môn. Đại Đăng, tiếp nối ảnh dụ về ngọn gió, dẫn ra một câu trong Khổng thư: Tuyết Đậu quá siêu xuất đến đỗi hội chúng phải khuất phục giáo lý của Ngài như cỏ bị cơn gió đùa giạt.

Tăng nói, “Như thế, mây tan thì trăng hiện nơi mỗi nhà”. – Tuyết Đậu [hạ mình] để đánh với ông à?

Vị tăng tán thán gió Pháp của Tuyết Đậu, làm tan biến mây mê lầm của mọi người, và nhờ thế hiển bày mặt trăng chân thường hoặc tỉnh giác. Lời nói của vị tăng cũng là một cách chấm dứt đối thoại, tương đương với câu “Chúng tôi xin cảm ơn lời chỉ giáo tuyệt diệu của thầy”. Đối với Đại Đăng, câu kết này không rút ngắn được khoảng cách giữa Tuyết Đậu và người hỏi. Trước ngữ không sử dụng riêng cho một người nào có tên trong cuộc—thông thường những chủ đề muốn nói chỉ là ngụ ý hay ám chỉ. Trên điểm này Đại Đăng bị thu hút vào nội dung đến đỗi Sư trả lời như thể đang trực tiếp nói chuyện với vị tăng. Chỗ này trong bản của Đại Đăng bỏ sót lời bình của Tuyết Đậu ở trong bản gốc: “Một thiện hữu đầu rồng đuôi rắn”.Tức là, vị tăng có triển vọng lúc đầu nhưng rốt cuộc quá yếu.

Vị tăng hỏi, “Đức Sơn đánh và Lâm Tế hét đã rõ ràng. Thưa thầy, Thầy dạy người thế nào?” Tuyết Đậu nói, “Ta sẽ tha cho ông chỉ một lần này thôi”.

– Chư Phật chư Tổ nín thở.

Một vị tăng khác bước tới, nêu lên cơ phong của hai đại tôn túc, và hỏi Tuyết Đậu dạy đệ tử thế nào? Bởi vì một thiền sư mong muốn minh chứng Thiền của mình hơn là giải thích, nên vị tăng nhận được một câu trả lời trực tiếp là cái tát. Dù Tuyết Đậu có “tha” cho ông ta thay bằng một lời cảnh cáo, Đại Đăng tả ra chư Phật và chư Tổ như móc nối với cái đánh đau của Tuyết Đậu.

Tăng ngập ngừng, và Tuyết Đậu hét.

– Khó cứu người khỏi tà pháp.

Ngay cả tiếng hét Thiền hùng mạnh của Tuyết Đậu cũng không đủ sức khai sáng cho vị tăng.

Tăng nói, “Tốt lắm, nhưng Thầy có điều gì khác [để cho]?” Tuyết Đậu đáp, “Ta bắn mũi tên vào con cọp, nhưng con cọp không thực có. Ta chỉ phí sức và uổng mất mũi tên”.

– Mũi tên trước nhẹ, mũi tên sau sâu.

Vị tăng hồi phục và thử thách vị thầy tiếp, nhưng Tuyết Đậu than tiếc rằng đã phí mất một mũi tên. Ngài so sánh vị tăng với con cọp giả, và nếu thật như thế thì vị tăng nên lui về chỗ. Sự thẩm định của Tuyết Đậu nghe qua thật nghiêm khắc, nhưng vẫn có thể chứa đựng dấu vết một sự chấp thuận theo thông lệ trong nhà Thiền khen tặng bằng cách dèm chê! Ngay cả con cọp giấy cũng có thể báo động người thợ săn lơ đễnh chưa đề phòng. Đại Đăng kết luận rằng mũi tên thứ hai của Tuyết Đậu—nhát đâm bằng lời nói—có hiệu quả hơn tiếng hét của Ngài, có thể sẽ đẩy vị tăng đến gần một sự tỉnh giác nào đó.

KẾT LUẬN

Bình chú trước ngữ bằng lời nói hay chữ viết trong Đại Đăng Ngữ Lục đã tháo mở những khía cạnh sinh động trong ngôn phong của Đại Đăng: sức mạnh và sự trôi chảy trong ngôn ngữ Thiền của Sư, khả năng bình luận nồng nhiệt, tâm dứt khoát loại trừ phương pháp giáo huấn có tính cách lý luận, và v.v... Xét một cách toàn diện, tuy thế Ngữ Lục là một tác phẩm không đồng bộ. Có những phần sáng chói, nhưng những phần khác có vẻ chậm lụt hoặc không lưu loát. Giống như các Ngữ Lục thời đó, tác phẩm của Đại Đăng theo sát những đòi hỏi của thể loại ngữ lục. Những buổi thuyết pháp định kỳ theo lịch sử của tu viện, vào những dịp lễ lạc theo nghi thức tiêu chuẩn, những đề tài nói trước được bố trí vài lần trong năm, và đối thoại trong buổi tham kiến phù hợp với mẫu mực cổ truyền. Ví dụ, Đại Đăng thuyết pháp chính thức vào ngày mồng chín tháng chín trong vòng bảy năm. Vào mỗi kỳ giảng này, Đại Đăng hoặc một trong số đệ tử giới thiệu chủ đề theo tiết mùa về hoa cúc, ngụ ý đến một bài thơ Trung Hoa đặc biệt nói về hoa cúc (năm lần khác nhau) hoặc một cách ngôn Trung Hoa về hoa cúc (hai lần). Ngày mồng chín tháng chín hàng năm (tiết trùng dương) Pháp ngữ của Nam Phố và Mộng Song đều đề cập thường xuyên đề tài hoa cúc và bài thơ với cách ngôn Trung Hoa kể trên. Chúng ta nhớ rằng các thiền sư Trung Hoa thời kỳ này bắt buộc thuyết giảng và nói chuyện với tăng sinh của mình bằng hán văn (Kanbun), một hình thức nặng nề tiếng (chữ) Trung Hoa đã Nhật hóa không còn là Hoa cũng không phải là Nhật. Mặt hạn chế của Hán văn và những bó buộc trong khuôn khổ ngữ lục ít nhất phải chịu trách nhiệm phần nào về sự khoa trương, tính chất văn tự thái quá của nhiều bài giảng ghi chép lại và “đối thoại”. Đại Đăng, bất đắc dĩ phải làm, nhận thấy trong trước ngữ một cách khắc phục những khó khăn về ngôn ngữ và luận giải mà Sư phải đối đầu. Tuy một vị thiền sư không thể ban tặng giác ngộ, nhưng vẫn có thể gợi hứng cho thiền sinh, chỉ ra một hướng nào đó cho họ, điều chỉnh những bước sai lầm, phá đổ những quan niệm mê muội, và tạo ra nút bấm đúng thời. Trước ngữ thật tốt đẹp để có thể sử dụng vào tất cả những phương thức kể trên. Trước ngữ cho phép thầy và trò ứng đáp với nguyên văn công án nói miệng, hoặc hoàn cảnh đang sống trong cung cách phù hợp với những thừa nhận của Thiền trên cơ bản về ngôn ngữ và kiến thức. Do vì không lặp lại mạnh và rõ hơn ngôn ngữ nên thơ hoặc nghịch lý của một đoạn văn Thiền theo danh từ thường tình, nên trước ngữ loại trừ được tác dụng nhỏ hẹp của hầu hết sự bình luận. Vì trước ngữ không giải thích theo lý luận, nên ép buộc người đọc (hoặc nghe) cứ phải trở lại nguyên văn. Trong sự tham kiến sinh động, trước ngữ không tước mất một cái năng lực trong một tình thế có thể phát sinh tỉnh giác. Thay vì nói “Vị thầy đáp thật tuyệt vời đối với câu hỏi nghèo nàn của vị tăng”, Đại Đăng hạ ngữ “Mua sắt được vàng”. Như thế Sư được lợi lạc nhiều hơn từ ngôn ngữ và càng hơn nữa từ người đọc. Tương tự, khi được hỏi về Thiền trong cuộc Tranh Luận Chánh Trung, Sư trả lời bằng một câu trước ngữ ném ngược câu hỏi lại người hỏi. Trước ngữ ngăn cản những xung động của các môn sinh Thiền muốn thần thánh hóa những bản văn tôn kính như là kinh thánh không bao giờ sai lầm, cũng trước ngữ hạn chế bất kỳ xu hướng nào có tính cách kinh viện mà việc bình luận Thiền có thể có. Ở Nhật khuynh hướng bảo tồn truyền thống di sản bất di một cách bất dịch rất là mạnh, và Đại Đăng có thể thấy trước ngữ là một phương tiện ngăn chận trước khuynh hướng này trong Thiền. Nếu có một câu của ai đó có nhược điểm, nếu một lý giải của một vị tiền bối nghiêng về một bên, Đại Đăng sẽ kịp thời “chỗ nào đau thì đâm kim vào”. Sư diễn tả sự tôn kính bất tôn kính của Thiền, bình chú Pháp ngữ của một thiền sư lỗi lạc là Tuyết Đậu với những câu như “Tuyết Đậu chỉ mở được một con mắt (Tuyết Đậu dã chỉ khai đắc nhất chích nhãn)”, “Tuyết Đậu chưa đến nơi (Tuyết Đậu vị đáo)”, hoặc “Đừng sai lầm vì Tuyết Đậu (Bất ngộ vi Tuyết Đậu)”, và Sư cũng áp dụng nguyên tắc này cho chính mình: Mỗi khi xem xét lại một công án, Sư bình chú mới tinh, không quy chiếu những câu trả lời trước. Sự kiện trước ngữ thu hút Đại Đăng và có thể thẩm định trong nội dung việc trao truyền Thiền tông ở Nhật. Tuy các vị khai tổ Nhật Bản cách xa kinh điển Thiền gấp đôi—về lịch sử và văn hóa—việc truy tìm Thiền chân chánh bắt buộc họ phải vật lộn với các sử sách phương ngoại này. Không những Đại Đăng chỉ đọc tác phẩm của các vị thiền sư bằng chữ Trung Hoa, Sư còn bình chú bằng chữ Hoa. Trên phương diện này trước ngữ có những tính chất rất hiển nhiên: Ngắn gọn, tương đối có thể hiểu, dễ nhớ, được truyền thống trong đạo thừa nhận, và tránh được một số cạm bẫy lý luận biện giải. Việc Đại Đăng sử dụng trước ngữ có tính cách bảo thủ ở vài khía cạnh. Sư chấp nhận phương thức lý giải tôn giáo có sẵn vì là một phần của Thiền. Sư không có ý định bình chú các tác phẩm thuộc thể loại khác, đạo học hoặc thế học. Tuy như thế, Đại Đăng biểu lộ một phong cách sáng tạo Nhật Bản rất độc đáo—tạm mượn có chọn lọc một yếu tố “ngoại lai”, Sư sửa sang thành một nội dung mới và tiếp tục tinh lọc. Phong cách của Đại Đăng nổi bật không chỉ trong sự tinh thông quán triệt thể loại trước ngữ mà còn trong câu đáp chuyên biệt đối với từng tác phẩm. Mỗi lần Sư bình chú trên câu hỏi của vị tăng hoặc câu trả lời của vị thầy, Sư diễn bày Thiền của mình. Mỗi khi Sư bình một dòng Pháp ngữ Thiền, Sư cũng đặt bản thân mình vào dòng chữ đó. Trước ngữ viết của Đại Đăng có nội dung tương đương với việc minh chứng sống động trong buổi tham kiến thầy-trò. Khi bình một bản văn, Sư đi vào đối thoại với tác phẩm đặc biệt đó và với toàn bộ truyền thống nhà Thiền. Đôi lúc việc dấn thân như thế hết sức mật thiết khi có thể được: Sư nói chuyện trực tiếp với những người có mặt trong công án hoặc với vị thầy của Pháp ngữ đó. Bởi vì nhiều trước ngữ không có chủ từ, túc từ, và cả những việc (vật) nói đến có danh tánh, nên khi dịch sang tiếng Anh (và tiếng Việt) hay dùng động từ và danh động từ: “Chỗ nào đau thì đâm kim vào” hoặc “Lạc đường và ngẫu nhiên gặp Tổ Đạt-ma”. Một khi Đại Đăng dùng những câu này trong những nội dung đặc biệt, có thể dịch tùy theo tinh thần đối thoại: “Ông đang đâm kim vào chỗ đau” hoặc “ông đã lạc đường và ngẫu nhiên gặp Tổ Đạt-ma”. Khi thách đố bản văn và cho phép bản văn thách đố lại mình, Đại Đăng nắm lại sức mạnh xúc tác của nguyên bản.

–––––o0o–––––

Trích “Quốc Sư Đại Đăng & Sơ Kỳ Thiền Tông Nhật Bản”
Thuần Bạch dịch
NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2003.