BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG SÙNG MỘ - NETEN CHOKLING RINPOCHÉ BÌNH GIẢNG THEO CHÂN ĐẠO SƯ: ĐỨC LIÊN HOA SANH Ở NEPAL - Tổng hợp và diễn giải: Nhóm biên phiên dịch Samye - Việt dịch: Lạc Hải Âm - NXB Tôn Giáo, 2022

BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG SÙNG MỘ - NETEN CHOKLING RINPOCHÉ BÌNH GIẢNG

THEO CHÂN ĐẠO SƯ: ĐỨC LIÊN HOA SANH Ở NEPAL

Tổng hợp và diễn giải: Nhóm biên phiên dịch Samye

Việt dịch: Lạc Hải Âm

NXB Tôn Giáo, 2022

---o0o---

Lòng sùng mộ là một chủ đề khá khó khăn, đặc biệt là đối với thế hệ hành giả thời hiện đại. Tuy nhiên, một khi bạn hiểu được ý nghĩa của nó thì sẽ thật dễ dàng để khai mở. Khi đã hiểu được tầm quan trọng của lòng sùng mộ, việc phát khởi niềm tôn kính sẽ trở nên dễ dàng hơn, từ đó lòng sùng mộ cũng sẽ tăng trưởng tự nhiên. Vì vậy, bước đầu tiên là thiết lập...
BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG CỦA LÒNG SÙNG MỘ - NETEN CHOKLING RINPOCHÉ BÌNH GIẢNG THEO CHÂN ĐẠO SƯ: ĐỨC LIÊN HOA SANH Ở NEPAL - Tổng hợp và diễn giải: Nhóm biên phiên dịch Samye - Việt dịch: Lạc Hải Âm - NXB Tôn Giáo, 2022

Trong hai lần, lần đầu vào tháng 12 năm 2015 và lần thứ hai vào tháng 05 năm 2017, Neten Chokling Rinpoché đã ban những lời khuyên quý giá cho nhóm nghiên cứu chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi mới có cơ hội chia sẻ nội dung đó với quý độc giả đang cầm trên tay quyển sách này. Trước nhất, Rinpoché giới thiệu một cách khái quát về vai trò thiết yếu của lòng sùng mộ trên con đường tâm linh, tiếp đến ngài giảng giải cụ thể về ước nguyện muốn được tiếp bước Đạo Sư Liên Hoa Sinh, Padmasambhava. Phần sau, Rinpoché nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viếng thăm các địa điểm linh thiêng. Rinpoché giải thích:“Khi chuyến hành hương được kết hợp với lòng sùng mộ, điều này sẽ trở thành một phương pháp mạnh mẽ cho phép chúng ta nhận được những ân phước từ Đức Phật, và cũng để nhận ra bản tánh chân thật của mình”.

 

LÒNG SÙNG MỘ CHÂN THẬT

 

Lòng sùng mộ là một chủ đề khá khó khăn, đặc biệt là đối với thế hệ hành giả thời hiện đại. Tuy nhiên, một khi bạn hiểu được ý nghĩa của nó thì sẽ thật dễ dàng để khai mở. Khi đã hiểu được tầm quan trọng của lòng sùng mộ, việc phát khởi niềm tôn kính sẽ trở nên dễ dàng hơn, từ đó lòng sùng mộ cũng sẽ tăng trưởng tự nhiên. Vì vậy, bước đầu tiên là thiết lập tầm quan trọng của lòng sùng mộ đối với cá nhân bạn.

Chẳng hạn như lòng sùng mộ của bạn đối với Đại Đạo Sư, trước nhất, bạn phải biết liệu ngài có quan trọng với mình hay không. Nếu bạn nghĩ rằng Guru Rinpoché quan trọng trong việc giúp bạn tiến bước trên con đường tâm linh, thì bạn sẽ tự động tôn kính ngài và lòng sùng mộ lúc này sẽ tự nhiên phát triển. Nếu bạn không tôn kính vị Đạo Sư này thì lòng sùng mộ sẽ không sinh khởi. Nó đơn giản như vậy. Do đó, hãy bắt đầu từ sự kính trọng, rồi thì lòng sùng mộ sẽ tự nhiên phát sinh. Nếu lòng sùng mộ quan trọng với bạn, chỉ khi bạn càng tìm hiểu thêm về nó thì nó mới càng trở nên quan trọng hơn nữa. Theo cách này, sức mạnh của lòng sùng mộ dần dần phát triển và cuối cùng sẽ sinh khởi hoàn toàn tự động. Đây là một tiến trình hợp lý. Đối với tôi, đó là những yếu tố tạo nên lòng sùng mộ. Bạn không thể tạo ra nó một cách mù quáng. Lòng sùng mộ tự nhiên rất khó hiện khởi. Nếu bạn không hiểu được ý nghĩa đằng sau lòng sùng mộ của mình thì đó không phải là lòng sùng mộ chân thật. Bạn cần biết chắc chắn rằng nó rất quan trọng với bạn, và từ đó, lòng sùng mộ chân thật sẽ khai mở theo chiều hướng hợp lý.

 

ĐỂ TIẾN SÂU HƠN

 

Pháp hành Đạo Sư Du-già cũng hoạt động theo cùng cách thức như vậy. Về cơ bản, chúng ta thực hành Đạo Sư Du-già để đón nhận ân phước. Nếu không có những ân đức từ Đạo Sư thì sự thực hành của bạn rất khó được cải thiện. Ân phước là những thứ vô hình, không hề dễ dàng mô tả được, nhưng bạn sẽ trải nghiệm chúng nếu như bạn có lòng sùng mộ. Không có lòng sùng mộ thì khó mà nhận được sự gia hộ. Bạn thấy đấy, những ân phước hiện đến trong nhiều lớp vỏ bọc khác nhau. Khi thực hành, chúng ta phải đối mặt với vô số khó khăn và cần tìm cách để khám phá những điều mới mẻ, khám phá những thực tại mới, khai mở nhận thức và mở rộng tri kiến của chúng ta. Đó là những ân phước của Đạo Sư để giúp đỡ cho chúng ta.

Với lòng sùng mộ trong thực hành Đạo Sư Du-già và với những phước lành đến từ lòng sùng mộ, bạn có thể bắt đầu hiểu thêm được nhiều hơn nữa. Ở đây, tôi đang muốn nói đến trải nghiệm từ việc lắng nghe giáo lý, những nội dung mà bạn từng nghe nhiều lần trước đây nhưng chưa bao giờ thật sự hiểu rõ. Thậm chí, bên ngoài bạn làm ra vẻ như đã hiểu, nhưng thực chất là bạn chưa bao giờ hiểu được nó. Và sau đó, nhờ vào những ân phước của Đạo Sư Liên Hoa Sinh, có thứ gì đó đột nhiên khai mở và bạn nhận ra rằng, “Ồ, điều này quả thật đúng là như vậy!” Một khi bạn tiến sâu hơn, bạn sẽ hiểu được nhiều hơn, vượt xa lớp vỏ bề mặt.

Ngày nay, rất khó để mọi người trở thành những hành giả tốt hoặc cải thiện việc thực hành của cá nhân. Đó là do chúng ta tìm hiểu mọi thứ hời hợt chứ không chịu thấu hiểu ở mức độ sâu sắc. Thấu suốt Phật Pháp là điều rất quan trọng, cần phải kể đến cả những giáo lý đơn giản nhất mà tất cả chúng ta đã từng được nghe qua rất nhiều lần. Chẳng hạn như chủ đề Bồ Đề tâm, khái niệm vô thường, tầm quan trọng của thân người quý báu: tất cả chúng ta đều hiểu những điều này ở một mức độ nào đó rất cạn cợt. Còn nếu đã thấu hiểu rồi thì lẽ ra chúng ta phải đang áp dụng thực tế những giáo lý đó ở tất cả mọi lúc, bởi vì “hiểu biết” nghĩa là chúng ta đã nhận ra được “tầm quan trọng thật sự” của chúng. Giống như khi đói, thức ăn đột nhiên trở nên rất quan trọng đối với bạn; lúc này, bạn tự động ăn chứ không cần phải thúc ép bản thân. Việc hiểu biết Phật Pháp cũng tương tự như vậy.

Nếu bạn thật biết được lý do vì sao chúng ta luôn nói rằng đời sống con người là quý báu và nếu bạn biết ý nghĩa quan trọng của điều này từ sâu tận tâm can – biết rằng đời sống làm người là cơ hội duy nhất để thực hành Phật Pháp – thì tất cả những thứ còn lại sẽ tự nhiên xảy đến. Tiếp đến, ngay cả những lời dạy nhỏ nhất cũng trở nên cực kỳ quan trọng. Không có giáo huấn nào là không quan trọng. Mỗi điều mà tất cả các vị thầy và chư Phật nói đến đều quan trọng. Vì vậy, bạn nên đào sâu sự hiểu biết từ tất cả những giáo lý nhỏ nhất, không có ngoại lệ, từ đó bạn sẽ trở thành một hành giả tốt. Nếu không thì con đường của bạn sẽ khó khăn lắm!

Có rất nhiều chướng ngại rất lớn trên con đường, và Đạo Sư Du-già giúp chúng ta điều chỉnh hướng đi để vượt qua các chướng ngại. Ngay cả khi bạn biết cách thiền định, hoặc khi bạn nghĩ rằng bạn biết, bạn có thể hành thiền nhưng lúc sau lại bị mắc kẹt ở đâu đó, không thật sự vượt qua nổi, không tiến lên được. Đây là những lúc bạn cần Đạo Sư Du-già. Bạn cầu nguyện, thỉnh gọi Đạo Sư, và đột nhiên bạn thấy nguồn động lực của mình được khai mở. Đó là phương thuốc bạn cần.

Có rất nhiều phương cách khác nhau luôn có sẵn cho chúng ta thực hành như thiền định, quán tưởng, Đại Toàn Thiện, và nhiều người ngày nay nghĩ rằng chỉ cần học một chút về một kiểu thực hành nào đó thì cũng đồng nghĩa là họ sẽ có thể thực hiện thành công và hoàn thiện được đích đến của thực hành đó. Tuy nhiên, nếu thực hành theo lối suy nghĩ này, bạn sẽ không bao giờ cải thiện được công phu tu tập. Đến một thời điểm, bạn sẽ bị mắc kẹt, không thể có sự tiến bộ. Bạn tưởng như bạn đang làm một điều gì đó, nhưng thực chất là bạn chỉ đang “bơi đứng” mà thôi. Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn đã trải nghiệm qua cảm giác bị mắc kẹt này. Nếu thật là vậy, điều này rõ ràng cho thấy rằng bạn đang thiếu hụt công đức, hoặc cần một số sự tịnh hóa, hay đang cần thêm ân phước từ những vị Đạo Sư của bạn. Nhưng nếu lòng sùng mộ mạnh mẽ thì chắc chắn là bạn sẽ nhận được những năng lực gia trì, những phước lành ngay trong mỗi lần thực hành Đạo Sư Du-già.

NHỮNG ÂN PHƯỚC CỦA ĐẠO SƯ

Ngoài ra, khi cuộc gặp gỡ giữa một vị thầy đầy đủ phẩm hạnh và một người đệ tử hàm dưỡng những phẩm tính tốt lành xảy ra đúng thời điểm, và có một sự kết nối nghiệp chân thật giữa thầy và trò, thì đôi lúc, kinh nghiệm và sự giác ngộ của Đạo Sư có thể được truyền trực tiếp sang người đệ tử. Trong tiếng Tây Tạng, chúng tôi gọi đây là topé phowa và lamé jinlap phowa. Để việc truyền trao trực tiếp này xảy ra, việc tiến bạn cần làm là phát triển niềm tin và lòng sùng mộ mạnh mẽ. Những phần còn lại sẽ diễn tiến theo sau.

Ngoài ra, bạn cần có sự hiểu biết tốt về hoàn cảnh. Đạo Sư vốn không tách lìa với bạn ngay từ thuở ban sơ. Không có Đạo Sư nào ở bên ngoài bạn cả. Khi đến phần Đạo Sư Du-già, Đạo Sư của bạn – dù là Đạo Sư Liên Hoa Sinh hay bất kỳ vị nào khác – thì cũng đều không hề tách biệt với bạn. Sự hiểu biết như thế kết hợp với lòng sùng mộ, chắc chắn, sẽ giúp bạn nhận được ân phước gia trì. Đây là điểm hợp lý mà chúng ta cần phải xác quyết. Ngược lại, nếu bạn nghĩ rằng Đạo Sư ở bên ngoài và tách biệt với bạn, thì những ân phước cũng vậy – không bao giờ có thể chắc chắn rằng thứ gì đó ở bên ngoài sẽ được nhận ở bên ở ở trong.

Đối với tôi, lòng sùng mộ được thể hiện ra ngoài thì giống như là một hình thức của niềm tin và thường gắn với hành động mà chúng ta gọi là quy y. Thật sự, nó khá hợp lý. Khi cần giúp đỡ, tôi sẽ chỉ hỏi han đến người nào tôi cho rằng có thể giúp được mình, phải không? Niềm tin và lòng sùng mộ cũng như thế; chúng ta hướng tới người có khả năng giúp đỡ mình. Nếu như bạn không cần trợ giúp, điều đó tốt thôi; nhưng nếu bạn cần, bạn đưa ra đề nghị với người có thể giúp đỡ bạn và người đó giúp cho bạn, thì ngay sau đó, sự kính trọng của bạn dành cho họ chắc chắn sẽ tăng trưởng.

Bạn cần phải nhận biết được tầm quan trọng của vấn đề này và thấy được mức độ trợ giúp mà bạn cần. Nếu bạn thật sự cảm thấy bị thôi thúc trong việc muốn tìm hiểu Phật Pháp, bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của người truyền dạy giáo Pháp. Tương tự, khi bạn nhìn sâu vào sức mạnh của sự nối kết và nhu cầu của bản thân, bạn sẽ tự động cảm thấy rất tôn kính vị thầy của mình. Vị thầy của bạn có thể giảng dạy bạn và giúp bạn tăng trưởng sự hiểu biết. Khi sự trân trọng và hiểu biết của bạn tăng lên thì lòng sùng mộ cũng tăng trưởng cho đến lúc nó trở nên hoàn toàn chân thật, vượt trên tất cả những điều thông thường. Đây là cách thức hoạt động của lòng sùng mộ, và thực hành Đạo Sư Du-già với quan kiến như vậy sẽ giúp cho công phu hành trì được hiệu quả hơn, hữu ích hơn.

Do vậy, điều thiết yếu là phải hiểu được tầm quan trọng của Đạo Sư Du-già. Khi bạn đang đối mặt với những trở ngại và nếu thực hành của bạn không tiến triển, hãy luôn cầu nguyện và thỉnh cầu Đạo Sư của bạn. Chúng ta đều biết cách làm như thế nào. Trong quá trình thực hành, chúng ta có rất nhiều khoảng thăng trầm. Đôi khi những thực hành không được tốt lắm, đôi khi tâm trí của chúng ta không đủ khả năng, hoặc đôi khi có quá nhiều trở ngại bên ngoài. Căn bản thì bất cứ điều gì đang xảy ra, bất cứ nhu cầu nào phát sinh, bạn luôn có thể thực hành Đạo Sư Du-già. Đó là một-giải-pháp-cho-tất-cả-các-vấn-đề. Gần như chắc chắn rằng Đạo Sư Du-già sẽ rất hiệu quả; nhưng để nó hoạt động được, bạn cần phải có lòng sùng mộ và sự hiểu biết đúng về việc thực hành.

Theo một cách nào đó, nó là phương pháp dễ nhất trong tất cả, nhưng tất nhiên là đối với xã hội hiện đại ngày nay thì việc làm khởi sinh cảm giác sùng mộ quả là điều khó khăn với nhiều người. Dù vậy, lòng sùng mộ vẫn là một nền tảng cơ bản phải có để hành giả thực hành đúng đắn pháp Đạo Sư Du-già.

 

THEO BƯỚC ĐẠI ĐẠO SƯ

 

Guru Rinpoché nói rằng, “Ta hiện diện trước bất cứ ai có niềm tin ở ta, cũng giống như bóng trăng lập tức phản chiếu bất kỳ vật nào đang chứa nước.” Những gì tôi đang cố gắng diễn giải được trình bày một cách rất khéo léo trong câu nói rất đơn giản từ vị Đạo Sư từ ái của chúng ta. Đại Đạo Sư tuyên bố thêm rằng thậm chí với bất cứ ai nghe đến danh hiệu của ngài hoặc kể lại cuộc đời của ngài đều sẽ được rất nhiều lợi lạc theo nhiều cách khác nhau. Bản thân tôi cảm thấy được truyền thêm thật nhiều động lực khi đọc và nghiền ngẫm về cuộc đời ngài, bên cạnh đó, tôi còn có thể học hỏi những thực hành đã được thi triển tại các thánh địa mà ngài từng đặt chân qua.

Có một câu ngạn ngữ Tây Tạng nói rằng, đôi khi con người ban ân phước cho các địa điểm, nhưng đôi khi chính các địa điểm lại ban phước lành cho con người. Những bậc giác ngộ như Đạo Sư Liên Hoa Sinh và các vị khác thì ban gia trì cho những vùng đất và khiến chúng trở nên linh thiêng. Việc ban ân phước là để người nào viếng thăm các thánh địa trong tương lai, đặc biệt là với hành giả chân thật thực hành, họ sẽ có thể nhận được những ân phước từ vùng đất đó. Tôi cũng không nghĩ rằng những địa điểm này được lựa chọn ngẫu nhiên mà có lẽ phải xuất phát từ một lý do cụ thể. Thí dụ như, Đạo Sư Liên Hoa Sinh đã đi chặng đường dài từ Ấn Độ đến các hang động ở Maratika và Asura tại Nepal. Tại sao vậy? – Bởi vì những nơi như vậy thì tự chúng đã đặc biệt rồi. Chúng đặc biệt theo nhiều cách khác nhau xét về góc độ môi trường, những phước lành, vị trí chiêm tinh, và những chúng sinh cư trú tại đó như chư Không Hành nam và nữ, và tất cả các vị thần địa phương khác.

Đương nhiên là, một khi bạn đã giác ngộ về tánh Không, thì chẳng có gì là vấn đề cả, phải không? Dù cho đó là luân hồi hay Niết-bàn thì cũng chẳng còn quan trọng, như thế cũng chẳng cần phải lưu tâm đến những địa điểm tu tập. Tuy nhiên, cho đến khi đạt đến trạng thái đó, mọi thứ đều tương thuộc lẫn nhau: nghiệp, cõi trời, những phước lành, chiêm tinh học và mọi thứ khác, tất cả đều ảnh hưởng đến chúng ta. Đây là lý do tại sao người ta nói rằng đối với việc hành thiền và nhập thất, sẽ hiệu quả hơn khi hành giả lưu trú tại những địa điểm linh thiêng và có những điều kiện thuận lợi. Vì vậy tôi nghĩ rằng, những nơi chốn cụ thể cần được các bậc giác ngộ lựa chọn ngay từ ban đầu để từ đó các vị tiếp tục ban thêm ân đức được hàm chứa dưới dạng năng lượng, những phẩm tính đặc biệt và những khuếch lực của chư vị. Chẳng hạn như Bồ Đề Đạo Tràng, rằng tất cả một nghìn vị Phật sẽ đạt giác ngộ tại nơi này, bởi vì tự nơi chốn này đã đặc biệt. Tất cả những nơi chốn linh thiêng được chọn bởi Guru Rinpoché hoặc những vị khác thì đều đã tự có những tính chất đặc biệt. Các Đạo Sư lại đến đó để thực hành và ban ân phước cho mỗi địa điểm, sau đó những người như chúng ta đến viếng thăm, và những phước lành lại trở nên mạnh mẽ hơn. Theo tôi, đó là toàn bộ quan điểm của việc hành hương.

 

ĐÓN NHẬN NHỮNG ÂN PHƯỚC

 

Với sự hiểu biết về niềm tin và lòng sùng mộ, bạn có thể nhận được những ân phước từ các Thánh địa. Nếu không có hiểu biết đúng đắn như thế thì sẽ chẳng có gì xảy ra dù cho người ta sống trọn đời ở những nơi như Maratika và Asura. Nếu bạn không biết gì về phương diện linh thiêng của các nơi chốn này thì bạn sẽ không có được kết nối, chẳng có gì ở đó dành cho bạn cả. Còn nếu bạn biết thì tự động bạn sẽ nhận thấy được tánh Phật đã hiện diện tại đó rồi. Nếu không có ai chỉ ra điều đó cho bạn, bạn sẽ không bao giờ nhận ra được. Đây là cách thức hoạt động: đầu tiên là nhận biết, tiếp đến là thấu hiểu, sau đó là trân trọng. Tất cả đều liên kết với nhau, nhưng thực hành là việc phải tiến hành, và rồi tất cả các phần còn lại sẽ tiếp diễn theo sau.

Hiển nhiên là mức độ và cường độ của tất cả các hoạt động này sẽ phụ thuộc vào các kết nối nghiệp của cá nhân bạn, và nhiều việc khác cũng như vậy. Một quyển sách, giống như quyển sách này, sẽ tường thuật sâu về các câu chuyện của Đại Đạo Sư tại tất cả các địa điểm linh thiêng – nơi ngài lưu lại, thực hành và đạt được những thành tựu – chắc chắn sẽ là một sự hỗ trợ tuyệt vời; bởi vì ngay cả khi bạn có kết nối, đôi khi bạn vẫn có thể bị lạc lối. Cũng vậy, đôi khi có tất cả các kiểu chướng ngại và những hoàn cảnh khiến cho bạn không thể có cơ hội được kết nối một cách hiệu quả. Có lẽ cuốn sách này sẽ phục vụ bạn như một cây cầu vào những thời điểm như thế, đến cho mọi người cơ hội được nối kết. Bên trong bạn, sâu thẳm trong tâm bạn, kết nối đã ở đó; nhưng nếu xét về cấp độ bên ngoài, biệt lập, thì bạn không thực sự có được nó và có thể khá khó khăn để khơi dậy kết nối. Tuy nhiên, quyển sách này có khả năng gom tụ những điều kiện để giúp cho mục tiêu thức tỉnh của bạn sớm xảy ra.

Nếu bạn tiến hành nhập thất ở những nơi linh thiêng, sự chuyển biến sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với những nơi khác. Đây là điều chúng ta sẽ trải nghiệm và cũng là những gì mà các bậc thầy vẫn thường dạy. Bởi vì chư vị đã thực hành tại những địa điểm thiêng liêng này, ban phước cho nơi này, và phát khởi những ước nguyện hướng về chúng ta, nên sự chuyển biến của chúng ta sẽ tự nhiên được tăng cường khi trú ở trong khu vực đó. Không chỉ vậy, những chướng ngại sẽ được xóa sạch, và chúng ta nhận được những ân phước gia trì. Đương nhiên là, tất cả các địa điểm linh thiêng đều mang năng lượng rất mạnh mẽ, nhưng đặc biệt vẫn là những địa điểm kết nối với Đức Liên Hoa Sinh. Tuy nhiên, tất cả cũng phụ thuộc vào kết nối của riêng bạn với những yếu tố đó và những nỗ lực mà bạn đặt vào để duy trì mối liên kết.

Trong quá khứ, những vị thầy và người ghi chép tiểu sử sẽ đến những nơi linh thiêng để thực hành, đón nhận những ân phước và cảm hứng tu tập, từ đó họ đạt được bước chuyển lớn trong thực hành. Mục đích chính của chư vị trong việc chia sẻ những chứng nghiệm của bản thân hoặc viết lại tiểu sử đều là để truyền cảm hứng cho mọi người tiến bước theo họ trên con đường hưởng đến giác ngộ. Đó là lý do duy nhất để chúng ta có những câu chuyện lịch sử như thế này, chứ không phải vì mục đích khoe khoang hay bất cứ một ý niệm nào tương tự. Như vậy, nhờ vào những động cơ phát khởi ban đầu mà việc đọc lại các tuyển tập tiểu sử sẽ mang đến lợi ích cực kỳ to lớn. Nội dung trong phần này sẽ cho chúng ta biết về các Thánh địa để tự bạn có thể đi đến đó, giống như tất cả các bậc thầy vĩ đại thuở xưa đã từng viếng thăm trước chúng ta.

 

ĐÔI MẮT NGƯỜI HÀNH HƯƠNG

 

Hành hương không phải là hoạt động mới lạ. Đức Gyalwa Longchenpa là một tấm gương khi ngài luôn nói về Samyé Chimphu. Thay vì ước nguyện được tái sinh ở một nơi nào đó thì Đức Longchenpa lại phát nguyện được trút hơi thở cuối cùng tại Samyé Chimphu. Đối với các Đại Sư, những ân phước gia trì được xem là một phương diện hết sức mạnh mẽ trong khi một số người trong chúng ta có thể sẽ không cảm thấy được ngay lập tức những phước lành tại các vùng thánh địa. Chúng ta có thể nghĩ đến một ví dụ khác gần đây hơn là Thánh Đức Dilgo Khyentsé Rinpoché, ngài đã từng hành hương đến nhiều thánh địa ở Ấn Độ. Một lần nọ, ngài cùng nhiều thị giả đi đến địa điểm của chư Dakini ở Kangra, một vị trí nào đó gần Bir thuộc khu vực Himachal Pradesh. Thời gian đó là mùa hè, trời nóng, bẩn, và có rất nhiều muỗi. Thánh Đức Khyentsé Rinpoché ngồi tại địa điểm đó suốt cả ngày, nhưng trông có vẻ như bản thân ngài đang rất tận hưởng khung cảnh xung quanh, còn tất cả các thị giả đều cảm thấy thật nóng nực, mệt mỏi, và tự hỏi rằng “Tại sao ngài có thể ngồi đấy suốt cả ngày cơ chứ.” Khi màn đêm buông xuống, đoàn khởi hành đi Delhi bằng tàu hỏa và trò chuyện với nhau về nơi họ vừa ghé thăm. Chỉ đến lúc này, Khyentsé Rinpoché mới tiết lộ những gì ngài đã nhìn thấy: một cung điện ba tầng vô cùng lộng lẫy, có những chư Không Hành nam và nữ nhảy múa xung quanh. Điều này hoàn toàn khác với những gì các thị giả của ngài thấy được, họ chỉ cảm nhận được đó là một nơi nóng bức và bẩn thỉu mà thôi. Sự đối nghịch giữa nhận thức của Khyentsé Rinpoché với các thành viên trong đoàn là cực lớn.

Trên đây là những gì tôi muốn nói về những địa điểm linh thiêng. Với nhận thức hiện tại, chúng ta không thấy được điều gì đang thật sự diễn ra tại những nơi này. Tuy nhiên, nếu chúng ta nỗ lực và tự thân đi đến đó, kết hợp với thực hành, thì dần dần chúng ta cũng sẽ thấy biết được mọi thứ ở tầng mức ngày càng sâu sắc, vi tế hơn. Để chuyến viếng thăm bất kỳ Thánh địa nào cũng có ý nghĩa, cho dù đó là địa điểm liên quan đến Đức Phật Thích Ca hay Guru Rinpoché, hay bất kỳ vị thầy vĩ đại nào, điều đầu tiên là ta phải biết về câu chuyện liên quan đến địa điểm đó. Biết rõ các câu chuyện trước khi đến nơi giúp truyền thêm cảm hứng và mọi kết nối cho bạn. Không những thế, nếu bạn biết được những vị Đạo Sư nào đã từng ở đó trước bạn và tiếp thu nguồn năng lượng từ những nơi này, bạn tăng trưởng sự hiểu biết và tạo ra kết nối cho chính mình.

Boudha là một ví dụ. Có sự khác biệt giữa những người hành hương và khách du lịch đến tham quan Đại Bảo Tháp Boudha. Đối với khách du lịch, nó chỉ là một bảo tháp lớn, một địa điểm gây tò mò thú vị. Tuy nhiên, khi bạn càng biết nhiều về câu chuyện của Đại Bảo Tháp, nó được xây dựng ra sao, biết về câu chuyện tiền kiếp của Đạo Sư Padmasambhava ở bảo tháp cùng những chi tiết đầy sức truyền cảm, thì bạn sẽ càng quên đi những thứ vật chất cụ thể đang hiển hiện ở đó, nhưng lại càng kết nối trực tiếp hơn với bảo tháp về mặt tâm linh. Còn nếu không, bảo tháp cũng chỉ mang tính chất cuốn hút như bất kỳ một địa điểm du lịch nào đó mà thôi.

Do vậy, bước đầu tiên của chuyến hành hương là chuẩn bị thông tin cho chính bạn về những câu chuyện nằm phía sau địa điểm. Thông qua các chuyện kể đó, bạn sẽ thấy sự kết nối nhiều hơn với những con người đã được truyền cảm hứng ở đó, và bạn sẽ kết nối sâu sắc hơn với Thánh địa. Bạn sẽ nhận được nhiều ân phước và động lực hơn.

---🌼🌸🌼---

Ảnh: Nguồn Internet

Bài viết liên quan