CHUYẾN HÀNH HƯƠNG TRÊN ĐẠO LỘ TÂM LINH - THEO CHÂN ĐẠO SƯ: ĐỨC LIÊN HOA SANH Ở NEPAL

CHUYẾN HÀNH HƯƠNG TRÊN ĐẠO LỘ TÂM LINH

THEO CHÂN ĐẠO SƯ: ĐỨC LIÊN HOA SANH Ở NEPAL

Tổng hợp và diễn giải: Nhóm biên phiên dịch Samye

Việt dịch: Lạc Hải Âm

NXB Tôn Giáo, 2022

-----o0o-----

Trong câu chuyện kể lại sự hồi tưởng của Đức Phật Thích Ca về sự hiện diện của Đức Phật quá khứ Ca Diếp, chúng ta nhận thấy rằng, các đệ tử của Đức Phật khi đó có thể nhìn thấy địa điểm linh thiêng nhưng họ không thể nhìn thấy những gì giống như Đức Phật đã thấy.
CHUYẾN HÀNH HƯƠNG TRÊN ĐẠO LỘ TÂM LINH - THEO CHÂN ĐẠO SƯ: ĐỨC LIÊN HOA SANH Ở NEPAL

HÀNH HƯƠNG VÀ NHẬN THỨC THUẦN TỊNH

Trong câu chuyện kể lại sự hồi tưởng của Đức Phật Thích Ca về sự hiện diện của Đức Phật quá khứ Ca Diếp, chúng ta nhận thấy rằng, các đệ tử của Đức Phật khi đó có thể nhìn thấy địa điểm linh thiêng nhưng họ không thể nhìn thấy những gì giống như Đức Phật đã thấy. Điều gì đã ngăn trở họ - và ngăn trở chúng ta - trong việc nhận thức đầy đủ và tham dự vào cảnh giới giác ngộ như những gì đã xảy ra trong rất nhiều những câu chuyện Phật giáo? Các vị thầy nói rằng sự ngăn trở đó không là gì khác ngoài nhận thức bất tịnh của chúng ta. Vì xét về căn bản, thế giới bên ngoài được tạo lập bởi tâm thức, nên càng phá vỡ những giới hạn liên quan đến khái niệm chế định thuộc thế tục hiện hữu bên trong mình bao nhiêu, thì thế giới bên ngoài sẽ càng hiển hiện linh thiêng nhiều bấy nhiêu. Theo cách nghĩ này, việc chúng ta có thể thay đổi nhận thức của bản thân mình qua một câu chuyện nổi tiếng của người Tây Tạng về chiếc răng chó do Đức Patrul Rinpoche kể lại trong quyển sách Lời Vàng của Thầy Tôi. Trong câu chuyện, người phụ nữ tin rằng mẩu răng của một con chó thật sự là xá lợi răng của Đức Phật, điều này trở thành nguyên nhân để chiếc răng hiện ra những phẩm tính phi thường, thậm chí đến mức sinh sôi thêm những viên xá lợi khác! “Nhận thức thuần tịnh” như vậy cũng trở nên rất rõ ràng trong những câu chuyện về cuộc đời của các Đạo Sư vĩ đại. Nhiều trường hợp các địa điểm trông rất đỗi bình thường qua nhận thức của chúng ta nhưng lại hiện ra thật linh thánh đối với chư Đạo Sư.

Gần đây, Orgyen Tobgyal Rinpoche đã chia sẻ câu chuyện về chuyến hành hương của Thánh Đức Jamyang Khyentse Chökyi đến Bồ Đề Đạo Tràng. Khi đứng dưới gốc cây bồ đề, trước mặt là Kim Cang Tòa của Đức Phật, ngài bắt đầu kể lại những gì đã thấy cho những người bạn đồng hành của mình: Về phía tây là Sukhavati, cõi tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, trong khi thế giới hiện tại này của chúng ta là quốc độ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Toàn bộ khung cảnh, ngài bảo, đều là cảnh giới thanh tịnh giống như Sukhavati vậy. Quay sang bạn ngài là Lama Chokden, ngài nói rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thực chất vẫn đang hiện diện tại đó. Nơi chính giữa ngực Đức Phật là Báo Thân Phật Kim Cang Trì đang ngự, và nơi giữa ngực của Đức Kim Cang Trì là vị trí Pháp Thân Phật Phổ Hiền an tọa. Trong cặp mắt của Thánh Đức Rinpoche, tất cả một nghìn lẻ hai vị Phật cũng ở đó cùng với tập hội quyến thuộc, mỗi một và tất cả chi tiết đều được nhận biết rõ rệt. “Ông cũng có thể thấy như vậy phải không, Chokden? Ông có thấy giống ta không?” ngài hỏi.

Những câu chuyện như vậy minh họa rằng sự thiêng liêng ở những thánh địa không chịu sự giới hạn của thời gian; sự linh thiêng ấy có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, với bất kỳ một ai đó. Nguyên nhân chính để có thể nhìn thấy, thâm nhập và tham dự vào những sự kiện ấy chính nhờ vào mức độ nhận thức của từng cá nhân. Orgyen Tobgyal Rinpoche giải thích thêm về điều này, ngài nhắc nhở chúng ta rằng nếu xét về phương diện tối thượng thì thế giới này hoàn toàn thanh tịnh ngay từ lúc ban đầu. Khi chúng ta hiểu được bản chất thực sự của thực tại, chúng ta sẽ nhận ra rằng thế giới này của chúng ta vẫn luôn luôn thanh tịnh và hoàn hảo. Những vị giác ngộ cấp độ cao thì kinh nghiệm trực tiếp sự thuần tịnh, toàn bộ thế giới đối với họ sẽ hiện ra như thánh địa vậy. Càng thanh lọc tâm thức của mình, chúng ta sẽ càng có thể nhận biết được những nơi linh thiêng này vẫn đang hiện hữu và vượt ngoài ý niệm thời gian. Nhờ thế mà khi viếng thăm những nơi đó, chúng ta vẫn có thể nhận được những ân phước. Những thánh địa vẫn thật sự sống động một cách siêu việt.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi rằng, nếu mọi nơi vốn đều thanh tịnh dưới góc độ giác ngộ tuyệt đối thì lý do chúng ta lại phải hành hương đến các thánh địa như vậy Trước câu hỏi quan trọng này, Orgyen Tobgyal Rinpoche làm rõ rằng, khi có được nhận thức thuần tịnh, chúng ta sẽ thấy mọi thứ thanh tịnh như là đang ở cõi trời. Nhưng vì chúng sinh bình phàm không có được nhận thức thuần tịnh, các giáo lý phải được xuất hiện vào một thời gian và địa điểm cụ thể. Nếu không có những địa điểm vật lý cho những người bình phàm như chúng ta kết nối, thì chúng ta sẽ khó có thể hoàn thành được bất kỳ một điều gì!

Chúng ta sống trên một mặt phẳng tương đối, nơi vị trí địa lý có tầm quan trọng lớn, và nương nhờ mặt đất này mà tất cả mọi thứ đều có thể diễn ra. Khi đặt chân đến những khung cảnh thiêng liêng ở bên ngoài được hình thành từ những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời, giáo huấn và kinh nghiệm nội chứng của các vị thầy, tức là chúng ta đang tham dự vào trong sự giác ngộ và nhận thức thuần tịnh của chư vị. Nhờ vậy, chúng ta kết nối với những khung cảnh linh thiêng bên trong thuộc về bản tánh của tâm mình. Đây là lý do tại sao các hành giả tiếp tục xem trọng những địa điểm bên ngoài đã được thánh hóa, và cũng vì nhiều người trong số chúng ta vẫn chưa đạt đến giai đoạn nhận thức được sự linh thiêng hiện diện ở khắp mọi nơi.

VÔ SỐ THÁNH ĐỊA

Khi bắt đầu chuyến hành hương, chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng các thánh địa thì không phải lúc nào cũng tương hợp với sự hiểu biết của chúng tôi về địa điểm vật lý, vì không phải tất cả thánh địa đều được tìm thấy trên bản đồ. Một số nơi nằm trong cõi Tịnh độ hoặc thuộc các cõi trời. Một số lại có nhiều vị trí, trong khi một số khác biến mất, xuất hiện trở lại hoặc dịch chuyển vị trí. Theo Kim Cương thừa, thậm chí là một số còn được tìm thấy ngay trong cơ thể của chúng ta hoặc nằm ở những giai đoạn nội chứng quan trọng trong quá trình thực hành tâm linh. Các Đại Thành Tựu Giả và chư Đạo Sư luôn luôn tìm kiếm những địa điểm linh thiêng này – bên ngoài, bên trong, các cõi trời – và đã để lại những ghi chép về các địa điểm của họ ở thế giới này và kể cả lưu lại thông tin ở các chiều kích vượt ra ngoài thế giới vật chất.

Nếu nhìn vào lịch sử và tầm quan trọng của các địa điểm linh thiêng bên ngoài, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng nhiều yếu tố đã kết hợp với nhau để một địa điểm cụ thể nào đó được nhận dạng. Nó có thể là: yếu tố địa lý, chẳng hạn như hình dạng cụ thể của một thung lũng; là đặc điểm môi trường như một hang động, cây cối, hoặc dòng suối; là đặc điểm lịch sử, ví như chuyến viếng thăm của một vị thầy vĩ đại; hoặc đặc điểm tâm linh, chẳng hạn như nơi cư trú của một vị thần. Đối với nhiều địa điểm linh thiêng, tất cả những đặc điểm này phối hợp chặt chẽ với nhau. Mỗi nơi hội tụ những đặc điểm độc nhất và có khả năng ảnh hưởng đến tâm của chúng ta theo mỗi cách rất riêng, tạo ra một môi trường đặc biệt giúp hỗ trợ và tăng cường cho sự thực hành cũng như tiến trình tâm linh của chúng ta.

Đôi khi, hai nơi khác biệt về mặt địa lý lại chia sẻ vài đặc điểm chung. Như chúng ta đã nhận thấy trong phần trước, những hành động của chư Phật và các bậc thầy chứng ngộ có thể khởi hoạt, kích hoạt lại, hoặc thậm chí là khuếch trương nhiều lần nguồn năng lượng tại các địa điểm linh thiêng. Ví dụ, trong Chuyện Cây Bồ Đề và Thánh Đế Kalinga, Đức Phật đã chỉ định Tôn giả Ananda chiết một nhành cây từ cây bồ đề gốc và đem trồng ở cổng của Tịnh xá Kỳ Viên để những người hành hương có thể dễ dàng cúng dường lễ phẩm tại đó. Đức Phật giải thích rằng vị trí cây mới trồng này “sẽ giống như nơi ta thường xuyên hiện diện”. Ngoài ra, Đức Thích Ca Mâu Ni sau đó đã ban phước cho cây non bằng cách chấp nhận lời thỉnh cầu của Tôn giả Ananda về việc tọa thiền tại vị trí cây non được trồng. Đến tận ngày nay, các tín đồ vẫn hành hương đến vị trí cây bồ đề này và dâng lễ phẩm ở đó, mọi người tôn quý gốc cây này tương đương với cây bồ đề gốc ở Bồ Đề Đạo Tràng.

Theo cùng cách thức trên, vị trí các thánh vật có thể thay đổi để tạo ra những địa điểm hành hương mới, do vậy mà những địa điểm địa lý có thể trùng lặp và tái xuất hiện. Ví dụ, các bản sao của kiến trúc tháp Đại Giác Ngộ tại Bồ Đề Đạo Tràng đã được xây dựng tại ít nhất bảy quốc gia, và việc hành hương đến các bản sao này thường được cho là mang lại những lợi lạc giống như viếng thăm địa điểm gốc. Nhiều nơi linh thiêng ban đầu được cho là nằm trong Ấn Độ, sau này lại được công nhận là những địa điểm thuộc Tây Tạng và những các nước khác. Thật dễ cảm thấy hoài nghi về những bản sao này với ý nghĩ “chúng không phải là những địa điểm thật sự”. Tuy vậy, chúng ta có thể thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của mình. Chúng ta có thể xem sự xuất hiện của các địa điểm đó như là những biểu hiện của hoạt động giác ngộ và lòng từ ái của vị thầy nào đã nhận ra những địa điểm này đầu tiên.

ẤN PHƯỚC NGẬP TRÀN NƠI THÁNH ĐỊA

Một cách đẹp đẽ, Orgyen Tobgyal Rinpoche đã so sánh các thánh địa với vầng mặt trời luôn tỏa chiếu ánh sáng từ bầu trời cao. Khi mặt trời tắt nắng và đó là một ngày nóng, thì dù muốn hay không, chúng ta vẫn sẽ cảm nhận được sức nóng. Tương tự như vậy, khi lửa cháy thành một đám lớn thì mọi thứ xung quanh nó, dù lớn hay nhỏ, cũng đều bắt lửa. Theo cách này, khi chúng ta viếng thăm những nơi được Đức Phật hay Đạo Sư Liên Hoa Sinh ban ân phước, tất cả những cảm xúc và khuynh hướng tiêu cực, vi tế của chúng ta sẽ tự nhiên tan dần và biến mất. Khi chúng ta hít thở không khí hoặc khi chạm vào cơn gió đã di chuyển qua những vùng thánh địa, cơ thể và sức khỏe của chúng ta sẽ được cải thiện. Nhờ những luồng khí lực bên trong cơ thể chúng ta sẽ có thể di chuyển tự do hơn, thực hành của chúng ta sẽ tiến triển một cách tự nhiên cho đến khi đạt được trạng thái an định của hỷ lạc, sáng tỏ và không còn vọng niệm.

Thế nên, khi đến bất kỳ đâu trong số các vùng thánh địa, chúng ta sẽ cảm thấy hứng khởi. Ý nghĩa của những lời Đức Phật thuyết sẽ tự động trở nên rõ ràng hơn trong tâm ta. Nguồn cảm hứng sẽ khởi phát từ chính địa điểm linh thánh đó.

Do đó, có một ích lợi rất lớn trong việc chỉ đến viếng thăm các thánh địa mà không cần phải làm gì khác khi ở đó! Chính địa điểm sẽ truyền cảm hứng và ban những phước lành từ nó. Trong khi viếng thăm một thánh địa, hãy duy trì tâm tính điềm đạm, định tĩnh, hoặc tốt nhất là duy trì trạng thái an-chỉ-định (samadhi) nếu như bạn có khả năng. Nhưng nếu không, sẽ rất tốt với việc trì tụng hoặc tiến hành một nghi lễ. Ngoài ra, nếu bạn kết hợp niềm tin và lòng sùng mộ trong khi trì tụng hoặc thực hành nghi lễ của mình, những ân phước của Đức Liên Hoa Sinh sẽ đến ngay lập tức mà không có bất kỳ trở ngại nào.

Người ta nói rằng số lượng các địa điểm mà Guru Rinpoche đã lưu lại, thực hành, và ban phước với sự hiện diện của ngài là vô số. Chỉ riêng trong đất nước Tây Tạng, không có một nơi nào, thậm chí nhỏ như dấu móng ngựa mà lại thiếu sót dấu tích của Đại Đạo Sư. Một cách tuyệt đối, khắp mọi nơi đều được thấm nhuần ân phước của ngài. Chính Đạo Sư Padmasambhava đã nói rằng, chỉ cần thực hành ba ngày ở một nơi như vậy sẽ cho phép hành giả dễ dàng vượt qua mức độ chứng ngộ của việc thực hành ba năm ở một nơi chốn khác. Loại cơ hội tốt lành này có sẵn cho tất cả chúng ta; chúng ta chỉ cần biết cách đi theo những bước chân của Đại Đạo Sư.

-----o0o-----

Ảnh:  Nguồn Internet

Bài viết liên quan