ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN - BỒ TÁT MÃ MINH

ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN - BỒ TÁT MÃ MINH

–––––o0o–––––

Trong đoạn văn này gồm có bốn thứ phát tâm: 1. Tâm rộng lớn: Muốn độ thoát cùng tận cõi chúng sanh. 2. Tâm thường hằng: Không hạn định bao nhiêu kiếp số tột đến đời vị lai. 3. Tâm không điên đảo: Độ chúng sanh tức độ thân mình (Bi sâu). Chẳng chấp tướng chúng sanh (Trí sâu). 4. Tâm đệ nhứt: Chúng sanh với mình bình-đẳng không hai, vì đồng một thể Chơn-Như. Có đầy...
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN - BỒ TÁT MÃ MINH

Chánh văn:

Lại nữa, Diệu-dụng rộng lớn của Chơn-Như tức là: Các đức Phật từ lúc mới tu nhơn (tu Bồ-tát hạnh) đã phát tâm Đại-từ Đại-bi, tu các pháp Ba-la-mật, nhiếp hóa chúng sanh, các ngài lập thệ-nguyện rộng lớn vô-biên, muốn độ thoát cÙng tận cõi chúng sanh, cho đến tột đời vị-lai, không luận là bao nhiêu số kiếp. Các Ngài xem chúng-sanh như chính bản thân mình, nhưng không thấy có tướng chúng sanh để độ.

 

Tại sao thế? Vì chư Phật, Bồ-tát đúng như thật rõ biết; tất cả chúng sanh với mình đồng một thể tánh Chơn-Như bình-đẳng không có gì khác biệt.

 

Diễn nghĩa:

Đến đây giải thích Dụng rộng lớn của Chơn-Như. Chư Phật trước kia, khi còn trong nhơn-địa phát-tâm, các ngài cũng đồng là phàm-phu. Sau đó các ngài nhờ nghe kinh nghe pháp rồi huân-tập các hạnh Bồ-tát, từ đó các ngài lập tâm từ-bi rộng lớn ấy là phát hoằng-thệ nguyện. Tâm Đại-từ là trên cầu Phật-đạo, tâm Đại-bi là dưới độ chúng sanh. Phát-tâm thượng cầu, hạ hóa tức là phát Bồ-Đề tâm.

Nếu chỉ phát Bồ-Đề tâm mà không tu lục độ, vạn hạnh, tất không đúng với Dụng, ắt phải do hạnh lớn như núi cao, nguyện sâu như biển cả. Phát đại tâm như vậy rồi và tu lục độ trong vô-lượng kiếp, lúc nào cũng vậy, không hề có sự thoái-thất.

Bởi vì chúng sanh là chúng sanh nơi tự tâm, cho nên các ngài xem tất cả chúng sanh như chính bản thân các ngài. Chúng sanh với mình là đồng một bản thể Chơn-Như. Tự và tha không hai, bình-đẳng không khác, như kinh Kim-Cương nói:

 

"Không ta, không người, không chúng sanh, không thọ mạng" hay như câu: "Diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh, mà thật ra không một chúng sanh nào diệt độ", thế nên văn đây nói "nhưng cũng không chấp lấy tướng chúng-sanh".

Trong đoạn văn này gồm có bốn thứ phát tâm:

1. Tâm rộng lớn: Muốn độ thoát cùng tận cõi chúng sanh.

2. Tâm thường hằng: Không hạn định bao nhiêu kiếp số tột đến đời vị lai.

3. Tâm không điên đảo: Độ chúng sanh tức độ thân mình (Bi sâu). Chẳng chấp tướng chúng sanh (Trí sâu).

4. Tâm đệ nhứt: Chúng sanh với mình bình-đẳng không hai, vì đồng một thể Chơn-Như.

Có đầy đủ bốn tâm này, thực hành đạo Bồ-Tát, ở trong đường sanh tử mà chẳng sợ-sệt.

Chánh văn:

Bởi có trí-huệ đại phương tiện, các ngài diệt vô-minh, chứng pháp-thân sẵn có, tự nhiên các ngài có những diệu-dụng chẳng thể nghĩ bàn.

Diệu-dụng này từ thể Chơn-Như hiện ra nên nó khắp giáp tất cả nơi chốn. Nhưng diệu dụng lại không hình tướng gì để thấy được.

Diễn nghĩa:

Đoạn vừa rồi nói đến bốn thứ tâm. Đó gọi là Trí-Đại-phương-tiện. Với bốn tâm này niệm niệm tương-ưng, tức mỗi tâm là trí Đại-phương-tiện, do đó chứng thể, từ thể khởi dụng. Khi Bồ-Tát thực-hành các pháp ba-la-mật, nếu không có diệu-dụng của trí Đại-phương-tiện, phần nhiều nửa chừng thoái lui, nên có chỗ nói "Bồ-Tát phát đại tâm, như trứng cá bông xoài, trong ba việc quá nhiều, nên sự chứng quả ít" (Ba việc tức là Phật đạo dài xa, chúng sanh khó độ, khổ hạnh khó làm).

Bốn tâm trên đây nếu được đầy đủ và luôn luôn tương-ưng, tức có thể phá vô-minh và hiển-hiện Pháp-thân. Khi chứng lý-thể Pháp-thân rồi, liền từ thể khởi Dụng, do đó Chư Phật hiện thân thuyết pháp, vận dụng thuyền từ độ khắp chúng-sanh.

Từ nhứt-thiết-chủng-trí khởi đại phương-tiện, tự nhiên có Diệu-dụng chẳng thể nghĩ bàn. Pháp thân Chơn-Như thể nó vốn khắp giáp, vì Thể khắp giáp nên Dụng cũng khắp giáp.

Nhưng pháp-thân Chơn-Như vốn không hình tướng. Thể tức chẳng phải Thể. Thể đã vô-hình thì Dụng cũng vô-tướng.

Chánh văn:

Tại sao vậy? - Vì các đức Như-Lai chỉ là pháp thân, là thân của tướng trí-huệ, là Đệ-nhứt-nghĩa-tuyệt-đối, không tất cả sự đối đãi bởi cảnh-giới-thế-gian, lìa sự thi vi tạo tác, chỉ tùy theo chỗ thấy nghe của chúng sanh đều được lợi-ích, nên gọi là diệu-dụng.

Diễn nghĩa:

Các đấng Như-Lai đã sạch hết tận nguồn vô-minh, chứng đến Phật-quả. Đến đây chỉ dùng Trí như-như, chiếu, lý như-như, trí và lý không hai, đồng là một tướng, tức là thực-tướng vô tướng, là đệ nhứt nghĩa đế, không có tướng sai biệt tương-đối của thế-đế nên gọi là Cảnh-giới Phật.

Nếu cảnh giới Chư Phật không có thế-đế sai-biệt, thì sao đức Như-Lai có tám tướng thành Phật? Cũng có đủ oai-nghi tế-hạnh trong khi đi đứng ngồi nằm?

Nên biết, đây là tùy cơ-duyên của chúng sanh mà thấy có tám tướng thành-đạo hay thấy các oai-nghi của Phật. Nhưng nơi đức Như-Lai thật không có các tướng sai-biệt của đế-lý tương đối.

Như đồng một thể mặt trăng giữa hư-không, vốn chẳng có tướng sai khác, chỉ là một mặt trăng sáng tròn, nhưng do có sông biển ao hồ in bóng, nên thấy bóng trăng dường như chẳng đồng, chỉ nơi thể một mặt trăng mà hiện ra bao nhiêu bóng trăng, các tướng ứng-hiện ấy nhanh chóng tự nhiên không đến, không đi vậy. Cho nên cổ đức có câu "ngàn sông có nước ngàn trăng soi".

Nếu tâm-thủy chúng sanh lóng sạch, ắt mặt trăng pháp-thân chư Phật lúc nào cũng ứng hiện. Vì vậy có lời rằng "chư Phật thanh lương nguyệt thường du tất cách không, chúng-sanh tâm cấu tịnh, Như-Lai ứng hiện trung".

–––––o0o–––––

Trích "Đại Thừa Khởi Tín Luận"

Bồ Tát Mã Minh tạo luận

Pháp Sư Bảo Tịnh diễn giảng

Thích Thiện Thông việt dịch.