DỐC LÒNG NIỆM PHẬT - THIỀN SƯ HƯ VÂN - HƯ VÂN NIÊN PHỔ

DỐC LÒNG NIỆM PHẬT

THIỀN SƯ HƯ VÂN - HƯ VÂN NIÊN PHỔ

------o0o-------

“Pháp của Phật nói ra, không một Pháp nào mà không nhắm vào chữa trị bệnh khổ cho chúng sinh”. Pháp môn niệm Phật gọi là thuốc tổng trì tất cả bệnh. Bất luận là tu theo pháp môn nào cũng cần có tính tâm kiên cố, nắm lý đạo vững, thực hành sâu, mới thu được lợi ích viên mãn.
DỐC LÒNG NIỆM PHẬT - THIỀN SƯ HƯ VÂN - HƯ VÂN NIÊN PHỔ

DỐC LÒNG NIỆM PHẬT

THIỀN SƯ HƯ VÂN - HƯ VÂN NIÊN PHỔ

------o0o-------

Giảng tại Ảnh Đường, ngày 21/12/1952 (Nhâm Thìn).

Hôm nay là ngày kỷ niệm 12 năm, ngày ra đi của Pháp sư Ấn Quang. Quí vị đều là đệ tử của Ngài, cùng tụ họp tại Giảng Đường này, uống nước nhớ nguồn, đồng tưởng niệm Sư phụ.

Nói theo đạo lý Phật pháp, thì Thầy là cha mẹ Pháp thân. Kỷ niệm Sư phụ tức là tưởng nhớ báo hiếu với cha mẹ Pháp thân; so với hiếu thế gian lại càng có ý nghĩa. Nhớ hồi trước có lần tôi cùng với Pháp sư Ấn Quang gặp nhau hồi năm Quang Tự 20 (1894) tại núi Phổ Đà. Lúc ấy Hòa thượng Hóa Văn thỉnh Pháp sư giảng kinh A Di Đà tại chùa. Từ khi giảng Kinh, Ngài ở lại chùa này, xem Đại Tạng Kinh hơn 20 năm chưa từng rời một bước, chuyên đóng cửa ẩn tu cho nên đối với giáo nghĩa Ngài rất tinh thâm. Ngài tuy tinh thâm giáo nghĩa nhưng chỉ dùng một câu A Di Đà Phật để hành trì hằng ngày, nhưng tuyệt không cho là mình đã thông suốt Kinh giáo và chẳng hề khinh thường pháp môn niệm Phật. “Pháp của Phật nói ra, không một Pháp nào mà không nhắm vào chữa trị bệnh khổ cho chúng sinh”. Pháp môn niệm Phật gọi là thuốc tổng trì tất cả bệnh. Bất luận là tu theo pháp môn nào cũng cần có tính tâm kiên cố, nắm lý đạo vững, thực hành sâu, mới thu được lợi ích viên mãn. Có tín tâm kiên cố thì trì Chú mới đạt, tham Thiền mới thành, niệm Phật mới thành, thảy đều giống nhau cả… Nếu tính tâm không sâu, chỉ nương vào chút ít thiện căn của mình, ỷ vào trí huệ và học vấn cạn cợt, hoặc ghi nhớ được vài câu danh tướng, hay mấy công án để ăn nói ba hoa, suốt ngày lo bàn chuyện phải trái thì chỉ làm tăng thêm nghiệp xấu, huân vào tập khí không hay, khi sinh tử đến vẫn bị nghiệp lôi, trôi lăn như cũ, thế mới là đáng buồn!

Các vị là đệ tử của Pháp sư Ấn Quang, hôm nay là ngày kỷ niệm, cũng là kỷ niệm sự hành trì chân thật của Ngài. Pháp Sư đã đạt đến thật địa của bậc chân tu, noi theo dấu của cổ đức. Ngài hiểu rõ nghĩa lý sâu xa trong chương “Niệm Phật Viên Thông” của Bồ Tát Đại Thế Chí, y theo đó mà tu, được niệm Phật Tam muội, làm lợi ích cho chúng sanh. Mấy mươi năm vẫn như một ngày, không từ lao nhọc. Hiện nay thật khó kiếm được người tu hành chân thật, không khởi kiến chấp phân biệt mình người, chỉ biết dốc lòng nhất tâm hành trì một câu niệm Phật. Sáng cũng niệm, chiều cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm. Trong hai khóa, sáu thời, niệm niệm không quên, tha thiết miên mật, công phu được thuần thục, thì tịnh cảnh Di Đà hiện tiền, đạt lợi ích vô biên, tự mình thân chứng.

Cần nhất là tính tâm kiên định. Tâm không kiên định thì muôn sự khó thành. Nếu ngày nay tu kiểu Trương Tam, ngày mốt theo Lý Tứ. Hễ nghe người nói tham Thiền tốt, liền bỏ niệm Phật để tham Thiền, rồi nghe người ta nói học Kinh hay, bèn bỏ Thiền để học Kinh. Học Kinh chẳng xong, lại nhào qua trì Chú, thứ gì cũng hành dang dở, mịt mịt mờ mờ, gì cũng không minh bạch. Chẳng chịu trách mình tín tâm bất định, quay lại đổ thừa Phật tổ dối gạt chúng sinh. Rồi khởi tâm báng Phật chê Pháp, tạo tội vô gián. Vì vậy tôi khuyên đại chúng phải tin sâu vào lợi ích của Pháp môn Tịnh độ, học theo gương của Pháp sư Ấn Quang, dốc lòng niệm Phật, lập chí kiên cố, phát tâm dũng mãnh. Lấy cõi Tịnh độ Tây Phương là đại sự chung thân của mình. Tham Thiền và niệm Phật, đối với người mới phát tâm thì thấy là hai, nhưng đối với người tu tập lâu, công phu thâm sâu thì chung quy chỉ là một. Tham Thiền đề một câu thoại đầu, cắt ngang dòng sanh tử, cũng là từ tín tâm kiên định mà ra. Nếu thoại đầu nắm không vững, Thiền cũng tham chẳng được. Nếu tín tâm kiên định, nắm chặt một câu thoại đầu mà tham, đến nỗi uống trà không biết vị trà, ăn cơm không biết mùi cơm, công phu được thuần thục thì căn trần rơi rụng (thoát lạc), ích lợi hiện tiền. Như vậy, cùng với người niệm Phật công phu thuần thục, Tịnh cảnh hiện tiền, chỉ là một.

Đến được cảnh giới này, lý sự viên dung, tâm Phật không hai. Phật như, chúng sanh như, chỉ một như chứ không hai như, thì sai biệt chỗ nào?

Quý vị tu niệm Phật, tôi hy vọng quý vị dùng một câu niệm Phật làm chỗ nương tựa một đời mình.

Hãy dốc lòng, chân thật niệm Phật đi!

-------o0o------

Trích “Hư Vân Niên Phổ”

Việt dịch: Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan

NXB: Phương Đông

Ảnh: Nguồn internet