GIÁC NGỘ - THIỀN SƯ TAISEN DESHIMARU - HỎI THIỀN

GIÁC NGỘ

THIỀN SƯ TAISEN DESHIMARU - HỎI THIỀN

Dịch và hiệu đính: Lê Thanh Lộc – Xuân Huy

-------o0o-------

Phần đông người ta sống như người điên thật sự. Họ sống trong đam mê, dục vọng, mê hoặc.Bằng cách tọa thiền, người ta trở về trạng thái bình thường, người ta đến gần Thượng đế hoặc Phật.
GIÁC NGỘ - THIỀN SƯ TAISEN DESHIMARU - HỎI THIỀN

- Ngài có thể nói về giác ngộ?

- Bạn không thể hiểu nó bằng trí não. Ngược lại, nếu bạn tọa thiền, bạn có thể đạt tới giác ngộ một cách vô thức. Tư thế tọa thiền tự nó là giác ngộ.

Giác ngộ là trở về trạng thái bình thường, nguyên thủy. Đó là ý thức của em bé. Chúa Kitô đã nói điều tương tự: phải trở về trạng thái nguyên thủy đích thực, không nghiệp, không rắc rối. Trái với điều một số người nghĩ, đây không phải là một trạng thái đặc biệt, đặc thù, mà là trở về những trạng thái nguyên thủy.

Qua tu tập tọa thiền, người ta trở nên hiền hòa. Người ta có thể tìm thấy ý thức về giác ngộ bằng thân thể. Như vậy, tư thế là rất quan trọng. Bạn không thể tìm thấy giác ngộ với hai tay ôm đầu như Người suy tưởng của Rodin. Vì vậy người châu Á kính trọng tư thế của Phật. Đó là tư thế cao nhất của cơ thể. Hắc tinh tinh cũng như em bé không thể tìm thấy giác ngộ.

Em bé ở trạng thái nguyên thủy nhưng sau đó nghiệp vấy bẩn chúng ta và chúng ta phải tìm lại trạng thái đó. Hắc tinh tinh thì không cần làm thế, nó cũng ở trạng thái nguyên thủy. Chỉ con người đã đánh mất nó mà trở nên phức tạp và phải tìm lại nó. Trạng thái nguyên thủy đó là tâm của Thượng đế, hay Phật tánh.

- Rất khó đạt tới giác ngộ phải không?

- Không, đó là trạng thái bình thường. Tọa thiền giúp bạn. Bạn bắt đầu tụ tập lại không ngừng và việc đó trở nên dễ dàng.

- Ngài nói rằng giác ngộ là vô thức và người ta không nhận thấy nó. Nhưng người ta có thể nhận thấy rằng người ta không đạt được giác ngộ không?

- Nếu bạn nói: “Tôi đạt tới giác ngộ” thì bạn điên. Không ai biết việc đó. Tôi cũng không biết gì cả. Cho tới khi chết, người ta cũng không biết việc đó. Nếu bạn nghĩ: “Tôi đã đạt tới giác ngộ”, bạn giới hạn giác ngộ bằng tư tưởng có ý thức của mình. Khi bạn nói: “Được rồi, bây giờ tôi đạt được giác ngộ” bạn bị hạn chế, bạn đặt ra một phạm trù, và đó không phải sự giác ngộ chân chính, mà là một sự giác ngộ hạn hẹp.

Giác ngộ là vô giới hạn. Đó là ý thức vũ trụ và người ta không thể biết đó là gì.

Minh Triết toàn vẹn là chân giác ngộ.

Có thể hiểu được rằng người ta không đạt tới giác ngộ không? Không cần suy nghĩ về giác ngộ.

- Phật đã nói về những trạng thái quán tưởng khác nhau tương ứng với những kinh nghiệm khác nhau. Có gì tương tự như vậy trong Thiền không?

- Trong Thiền không có cấp, không có bậc. Nếu bạn tọa thiền ở đây và bây giờ, bạn giác ngộ thật sự. Ở đây và bây giờ không có cấp độ, cái đó rất quan trọng.

Khi bạn ba mươi tuổi, không cần nhọc công làm như người tám mươi tuổi. Ở tuổi ba mươi, ta phải là ba mươi tuổi, chớ đừng như một ông già.

Tư tưởng khác nhau tùy theo tuổi, và giác ngộ cũng khác nhau. Sự lãnh hội của người ba mươi tuổi không phải là sự lãnh hội của người tám mươi tuổi. Không có cấp, ở đây và bây giờ, không có bậc.

Không đáng nhọc công tự bảo: “Tôi phải trở thành Phật, tôi phải giác ngộ”. Nếu bạn được hai mươi hoặc ba mươi tuổi, bạn phải hiểu trạng thái giác ngộ của một người trẻ tuổi. Nhưng giác ngộ, đó là cái gì? Chỉ là sự thật, quán thông hệ thống vũ trụ, chân lý vũ trụ. Và chỉ khi người ta buông xả tất cả thì người ta mới có thể hòa hợp với hệ thống vũ trụ.

- Đâu là những mức độ giác ngộ? Ngài đã nói rằng Phật đã đạt tới đại giác ngộ.

- Không cần mức độ. Không cần tự hỏi khi tọa thiền: “Tôi đang ở mức độ giác ngộ nào?” Người ta không thể so sánh các mức độ, cũng không thể nói mức độ nào cao siêu hơn, vô hạn hơn.

Chẳng hạn, về những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, tọa thiền có thể cho bạn thấy những sai lầm nhỏ của bạn. Khi bạn hiểu và khi bạn áp dụng những cái bạn đã hiểu, đó là giác ngộ. Như thế là nhỏ đồng thời là lớn.

Hiểu một cách khách quan không giống như hiểu một cách chủ quan. Một việc nhỏ theo quan điểm khách quan có thể trở thành nguồn gốc của đại giác ngộ, một cách quan. Kyogen, Hương Nghiêm Thiền sư, đạt tới giác ngộ trong khi quét vườn, ném một mảnh ngói và nghe nó va chạm một cây tre. Khía cạnh khách quan không quan trọng. Có hàng triệu hiện tượng tương tự, nhưng ông đã giác ngộ.

Khi Gensha, Huyện Sa Thiền Sư, dạo bước, ngón chân cái của ông vấp một hòn đá. "Sự đau đớn ở đâu ra?” ông tự hỏi và đạt tới giác ngộ. Nhiều người bị thương ngón chân nhưng không nhờ thế mà đạt được giác ngộ.

Người ta không thể đặt ra những mức độ, khách quan cũng như chủ quan. Thiền là con đường thẳng đưa bạn tới đỉnh núi, như cáp treo.

- Kiến tánh, Ken Sho, là gì?

- Nhìn bản chất của mình, nhìn sự giác ngộ của mình. Đó là một thuật ngữ của thiền phái Lâm Tế Kiến Tánh giống hệt câu “Hãy tự biết mình” của Socrate. Chúng ta không có thực tướng. Nếu bạn hiểu điều đó, đó là giác ngộ. Bạn trở về vũ trụ đẳng.

Đó là sự giác ngộ của Phật Thích Ca dưới gốc cây bồ đề. Người hiểu rằng Người không có thực tướng, rằng Người gắn liền với vũ trụ đẳng, với sức mạnh vũ trụ, và thời điểm đó Người đạt tới giác ngộ. Khi Người đứng dậy, Người đã giải quyết được tất cả. Trong bốn mươi chín ngày, toàn bộ nghiệp của Người đã được giải thoát. Hàng ngày một thiếu nữ mang sữa cho người uống, xoa bóp cho người. Và cuối cùng Người hiểu rằng không có thực tướng. Không có gì cả. Thực tướng là lực vũ trụ cơ bản. Qua giác ngộ, Phật nhận ra điều đó.

Trong tọa thiền cũng y như vậy và, nếu bạn tin, không cần tới Kiến Tánh. Khi tọa thiền, bạn gắn liền với trật tự vũ trụ.

- Ngài có đạt được giác ngộ không, thiền sư Đệ Tử Hoàn?

- Tôi không biết!

Không nên tìm kiếm, cũng không nên muốn giác ngộ. Đạo Nguyên Hy Huyền đặc biệt nhấn mạnh điểm này trong Thiền Tào Động: giác ngộ đã hiện hữu trong ta rồi trước khi chúng ta sinh ra. Ku là giác ngộ, cả hai đều không có thực tướng và có nghĩa là hiện hữu không thực tướng Vì chúng ta đã có giác ngộ, tại sao tìm cách có nó?

Nhưng nếu cuộc sống của chúng ta đầy những dục vọng, ham muốn, nếu nó phức tạp, thì phải tọa thiền để tìm lại trạng thái bình thường. Tọa thiền tự nó là giác ngộ. Việc trở về trạng thái bình thường được thực hiện bằng một tư thế tốt, cách thở đúng, sự tĩnh lặng.

Ở đây và bây giờ là quan trọng nhất.

Ngưng tọa thiền là ngưng giác ngộ. Giác ngộ không thể là một kinh nghiệm đã qua, nó ở đây và bây giờ.

Đến tận lúc chết cũng không thể có giác ngộ trọn vẹn, giác ngộ trọn vẹn chỉ có trong quan tài của chúng ta.

Nếu tôi trả lời: “Vâng, tôi đã giác ngộ”, đó không phải là chân giác ngộ.

Nếu bạn hỏi một người: “Ông có tốt không?” và nếu ông ta trả lời “Có”, có nhiều khả năng người đó không tốt như ông ta khoe khoang, nếu không câu trả lời của ông ta có thể đã khiêm tốn hơn: “Không tốt lắm”, hoặc “Tôi không biết...”

Hãy hỏi một người bệnh tâm thần là anh ta có điên không, anh ta sẽ trả lời chắc chắn rằng anh ta không điên, trái lại anh ta hoàn toàn bình thường.

Đối với giác ngộ cũng vậy.

Phần đông người ta sống như người điên thật sự. Họ sống trong đam mê, dục vọng, mê hoặc.

Bằng cách tọa thiền, người ta trở về trạng thái bình thường, người ta đến gần Thượng đế hoặc Phật.

Trả lời rằng người ta đạt tới giác ngộ có nghĩa là thật ra người ta ở trong trạng thái bất thường, như người điên, như đa số con người vốn xem trạng thái bình thường là tiền bạc, ăn ngon, danh vọng, tình dục, quần áo, xe cộ, vv.

Thế nhưng, tất cả cái đó chỉ là ảo tưởng phù phiếm về cuộc sống, nó xuất hiện như thế vào lúc chết. Chính tấm thân là mê hoặc khi người ta đặt nó vào quan tài.

Nếu ta hiểu tất cả chuyện này, cuộc sống của ta có được một sức mạnh mới, và không cần sợ bất cứ thứ gì.

Cuộc sống của chúng ta trở nên yên bình, đó là tự do nội tâm đích thực. Đó là ý nghĩa của giác ngộ.

-------o0o-------

Trích: Hỏi Thiền

Tác giả: Thiền Sư Taisen Deshimaru

Dịch và hiệu đính: Lê Thanh Lộc – Xuân Huy

Công Ty Sách Thời Đại & NXB Hồng Đức, 2016

Ảnh: nguồn internet