KIẾN THỨC - BRIAN KLEMMER - TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG

KIẾN THỨC

Brian Klemmer - Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng

 -----o0o-----

Với tâm thế của người mới bắt đầu và khát khao học hỏi, chúng ta sẽ tiếp thu được rất nhiều kiến thức chuyên môn. Đã bao giờ bạn nghe câu "Gía như mình biết trước"? Câu này thường được dùng để biện hộ cho những sai lầm hay hành vi. Khi bạn chưa có đủ kiến thức liên quan, quyết định của bạn dường như hoàn toàn hợp lý, nhưng các thông tin mới mẻ đã làm chúng trở nên ngớ...
KIẾN THỨC - BRIAN KLEMMER - TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG

Brian Klemmer, tốt nghiệp Học viện Quân sự Mỹ, là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy và là một diễn giả rất được kính trọng. Ông đã góp phần giúp cho rất nhiều người thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực một cách căn bản và lâu dài.

KẺ THÙ CỦA KIẾN THỨC LÀ TÍNH TỰ TI

Kẻ thù lớn của người mới bắt đầu là tính tự ti. Bản thân sự tự ti đã là một vấn đề, nhưng mối liên hệ giữa tính tự ti và sự từ chối tiếp nhận kiến thức còn là vấn đề nghiêm trọng hơn. Người tự ti luôn cố ngụy trang bản tính này. Họ cố khoác lên mình hình tượng "biết tuốt" để che giấu sự kém cỏi, dốt nát, yếu đuối. Khi họ không có tâm thế của người mới bắt đầu, hẳn họ đang gặp phải một vấn đề tâm lý nào đó.

MÔ THỨC ĐÚNG-SAI

Liên quan chặt chẽ với việc từ chối tiếp nhận kiến thức bằng tâm thế của người mới bắt đầu là mô thức đúng/sai. Một trong những trải nghiệm của chiến binh nhân từ là sống ngoài vòng thị phi. Điều này không thuộc phạm trù đạo đức. Bạn biết chiến binh nhân từ luôn có một bộ quy tắc đạo đức rất nghiêm ngặt và mọi hành vi đều được đánh giá dựa trên "hệ quy chiếu" đó. Điều chúng ta đang bàn luận ở đây là tính đúng sai của hành vi xét từ góc độ một trải nghiệm.

Nếu chiến binh nhân từ rơi vào cảnh nghèo túng, họ không xem đó là một tình huống sai; họ chỉ đơn thuần áp dụng bộ quy tắc của mình vào những trường hợp như vậy. Nếu họ rơi vào một cuộc xung đột, họ không xem việc tham gia trận đấu là sai; họ chỉ áp dụng những nét tính cách hoặc bộ quy tắc này vào trận đấu. Nói chung, họ không cưỡng lại hoàn cảnh, vì thế họ có thể vận dụng toàn bộ năng lượng sẳn có.

Trong Hiệp khí đạo, nếu đối thủ tung một cú đấm về phía bạn, bạn sẽ không nghĩ như thế là bất công mà chỉ nói: "Ồ, đây là cách chúng ta đáp trả một cú đấm". Người bình thường cho rằng có nhiều tình huống sai và cố chống lại, hay phủ nhận chúng. Họ không chấp nhận cách thức để xảy ra tình huống, họ dùng hết sức để chống lại, và việc này khiến họ có rất ít cơ hội sáng tạo. Một chiến binh nhân từ không xem quan điểm của mình là đúng, còn quan điểm của người khác là sai. Chiến binh nhân từ lắng nghe quan điểm của người khác nhưng không cần bảo vệ quan điểm của mình. Họ không đánh giá quan điểm của người khác. Họ chỉ đơn giản tiếp nhận nó, tìm điểm thích hợp hoặc hữu ích của nó để áp dụng vào hoàn cảnh của mình.

Đó là lý do khiến chiến binh nhân từ luôn xuất sắc trong việc tiếp nhận phản hồi. Giả sử một đứa trẻ nói với cha: "Cha chẳng yêu con gì cả!". Một chiến binh nhân từ sẽ không tranh cãi mà chỉ nghĩ: "À, một quan điểm thú vị đây. Sao thằng bé lại nói như vậy nhỉ? Mình có cần thay đổi cách biểu lộ tình yêu của mình không?".

Trong cuộc sống cũng xảy ra những chuyện tương tự. Người bình thường hay tranh luận để bảo vệ quan điểm "đúng" của mình, và hoàn cảnh của họ sẽ chẳng bao giờ thay đổi.

CẨN THẬN VỚI NHỮNG NGUY CƠ NÀY

Một khi bạn không cởi mở để tiếp nhận kiến thức và không mang tâm thế của người mới bắt đầu, bạn sẽ phải đối mặt với một số nguy cơ.

- Nếu cứ cho rằng mình đã biết tất cả thì chẳng bao giờ chúng ta nhận ra được bài học nào bổ ích.

- Khi không có khát vọng phát triển và thiếu tâm thế của người mới bắt đầu, chúng ta thường có khuynh hướng xa rời mọi người. Khi chúng ta không muốn tiếp nhận kiến thức, mọi người sẽ né tránh chúng ta và ngần ngại thể hiện quan điểm của họ.

- Cuộc sống vốn tự tạo ra những bản sao. Sau một thời gian, chính những người chúng ta đã dẫn dắt bắt đầu nghĩ rằng họ biết nhiều hơn chúng ta. Họ tự khép kín bản thân mà không biết rằng chúng ta còn có thể mang lại cho họ những kiến thức mới nữa.

- Khi chúng ta nghĩ rằng mình đã biết điều đó, chúng ta bắt đầu xem thường và xa rời mục tiêu của mình. Điều này khiến chúng ta không thể đối mặt với thách thức một cách hiệu quả.

- Chúng ta sẽ đánh mất niềm đam mê và sự mới mẻ của cuộc sống.

Hãy thận trọng trước những nguy cơ này và nên giữ vững cam kết nỗ lực phát triển mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Hãy nỗ lực nâng cao kiến thức, trí tuệ và sự hiểu biết.

KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN

Với tâm thế của người mới bắt đầu và khát khao học hỏi, chúng ta sẽ tiếp thu được rất nhiều kiến thức chuyên môn. Đã bao giờ bạn nghe câu "Gía như mình biết trước"? Câu này thường được dùng để biện hộ cho những sai lầm hay hành vi. Khi bạn chưa có đủ kiến thức liên quan, quyết định của bạn dường như hoàn toàn hợp lý, nhưng các thông tin mới mẻ đã làm chúng trở nên ngớ ngẩn. Rõ ràng khối lượng kiến thức luôn tỷ lệ thuận với ưu thế của người ra quyết định.

Lấy ví dụ từ chính tôi. Khi bắt đầu xây dựng công ty, tôi đã bán một mảnh đất và phải trả thuế đến 60.000 đô la một cách không cần thiết. Tôi không biết mình có thể tiết kiệm được khoản tiền đó. Nhiều người có thể tư vấn cho tôi, nhưng tôi đã không tìm đến họ, vì tôi không có tâm thế của một chiến binh nhân từ. Kết quả là tôi phải mất rất nhiều tiền để trả khoản thuế thu nhập từ việc bán tài sản.

Viên kế toán thuế của tôi đã nói rằng sớm muộn gì tôi cũng phải trả, vì vậy tôi nên trả ngay. Tôi thấy có lý. Thế là tôi viết ngay tấm séc thanh toán. Khoảng một năm sau, tôi bắt đầu tìm một kế toán mới. Tôi đã phỏng vấn vài người từng làm việc cho những người bạn giàu có của tôi. Và tôi rất ngạc nhiên khi khám phá ra rằng có vài cách hợp pháp để không phải trả khoản thuế thu nhập đó.

Đó quả là cái giá quá đắt mà tôi phải trả để hiểu rằng không phải mọi kế toán đều giống nhau. Họ có những kỹ năng chuyên môn và mức độ sáng tạo khác nhau. Nếu tôi mang tâm thế của người mới bắt đầu, có lẽ tôi đã hâm hở tìm hiểu thêm về thuế, không phải để tự kiêm vị trí kế toán mà là để hiểu nguyên nhân của những việc mình đang làm.

Lẽ ra tôi có thể hỏi kinh nghiệm của những người khác nhằm kiểm tra xem liệu mình đang có một giao dịch tốt hay chỉ đơn giản là để tiền tuột khỏi tay. Từ đó, tôi luôn ủng hộ việc trả thù lao cho các nhà chuyên môn.

Người bình thường không muốn trả tiền cho các chuyên gia tư vấn, bởi vì họ mang tâm lý thiếu hụt. Họ tự mình làm mọi việc, nếu không thì cố gắng thuê nhà cung cấp rẻ nhất. Trong suy nghĩ của họ, tiền thuê chuyên gia là quá tốn kém. Chiến binh nhân từ sẵn sàng trả những khoản tiền hậu hĩnh cho các chuyên gia để đảm bảo rằng mình được tư vấn một cách chuyên nghiệp. Nếu tôi tự làm công việc khai thuế, tôi sẽ mất nhiều thời gian hơn, tôi sẽ lỡ mất cơ hội tiết kiệm được tiền bạc và tôi cũng mất cả cơ hội kiếm tiền nhiều hơn trong thời gian đó. Tôi hiểu mình giỏi nhất trong lĩnh vực nào.

Duy trì tâm thế của người mới bắt đầu không có nghĩa là bạn phải tự mình làm một việc gì đó "để học hỏi", mà là bạn cần tìm kiếm những kiến thức trên tầm hiện tại để bạn có thể sử dụng chuyên môn người khác một cách hợp lý.

Nếu bạn có một nhân viên kế toán, bạn vẫn cần đến một lượng kiến thức nhất định về cách quản lý dòng tiền của công ty. Tìm kiếm và học hỏi những kiến thức cơ bản, chính là duy trì tâm thế của người mới bắt đầu, bởi vì bạn đang khai thác những nguồn lực xung quanh. Hãy kết nối kiến thức với thành tích và dùng kiến thức làm bàn đạp để nâng cao thành tích hiện tại của bạn.

Có hai lĩnh vực kiến thức khác nhau: kiến thức chuyên môn và sự chuyển biến mô thức hoặc soi sáng tinh thần. Kiến thức chuyên môn tạo lợi thế cho bạn trong các lĩnh vực như tài chính, xây dựng quan hệ, sức khỏe và tinh thần. Hãy cùng xem xét lĩnh vực tài chính. Bạn có thể học được gì về việc kiếm tiền, về việc tiết kiệm tiền bằng cách tìm hiểu phương thức xử lý thuế? Giờ thì bạn muốn thuê chuyên gia giúp bạn chưa?

Chắc chắn bạn sẽ không bắt kịp những thông tin mới nhất nếu bạn không làm trong lĩnh vực đó. Nhưng nếu không tự học, bạn sẽ không biết đặt ra những câu hỏi cần thiết có thể giúp bạn tìm ra người tư vấn đủ trình độ, chưa kể đến việc đáp ứng chính xác được yêu cầu của bạn.

Lần cuối cùng bạn đọc một quyển sách về xây dựng mối quan hệ là khi nào? Có phải bạn đang bước vào một giai đoạn thách thức mới như làm cha mẹ hoặc cô đơn ngay chính trong tổ ấm của mình? Hay là bạn đang chăm sóc cha mẹ già yếu? Bạn có đếm được bao nhiêu điều mới mẻ được khám phá chỉ trong thời gian mười năm qua? Các chuyên gia có cập nhật gì mới mẻ về vitamin không?

Còn nữa, bạn có biết mức cholesterol bình thường là bao nhiêu không? Cả huyết áp nữa? Cần rất ít thời gian để tìm hiểu những kiến thức cơ bản đó. Nếu mỗi ngày bạn dành ra nửa giờ để đọc sách thì sau năm năm, bạn sẽ trở thành một trong những người hiểu biết nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ, hãy sắp xếp thời gian và địa điểm để thường xuyên đọc sách vì không phải ai cũng có lịch trình và nhịp độ làm việc giống nhau.

Chiến binh nhân từ là những người rất kỷ luật. Bạn cũng cần tự đề ra kỷ luật và kiên trì tuân thủ. Đừng dùng lối sống của mình để biện hộ rằng bạn không thể tạo nên thói quen này. Sau đó, hãy xác định hệ thống các đề tài cần học tập. Bạn có muốn tập trung vào một lĩnh vực nào đó trong vòng một năm không? Hay bạn muốn mỗi tháng sẻ tìm hiểu một chủ đề khác nhau?  Hãy chọn loại sách phù hợp với bạn. Hãy quản lý thời gian của chính mình bằng cách chủ động lên lịch đọc sách - đọc để học hỏi và để bổ sung kiến thức. Như vậy, bạn có thể đọc vào nhiều thời điểm khác nhau, mà không phụ thuộc vào khoảng không gian duy nhất nào đó. "Không lên kế hoạch nghĩa là bạn đang lên kế hoạch để thất bại" - như một câu châm ngôn đã nói.

Có người không thích đọc. Vậy nghe băng đĩa thì sao? Bạn có thể tải tài liệu vào máy MP3 để nghe. Mọi người lúc nào cũng trêu tôi về những cuộn băng cassette mà tôi hay giữ trong xe. Khi lái xe, tôi thường được nghe các bài giảng được thu vào băng. Dù tôi không thể ghi chú lại như khi ngồi ở nhà, nhưng tôi vẫn tận dụng được thời gian của mình. Một phần trong bài tập thể dục của tôi ở nhà là đạp xe tại chỗ trong vòng 30 phút, rồi đến các bài tập kéo giãn, tập cơ bụng và chống đẩy. Đó cũng là khoảng thời gian tôi nghe các bài giảng qua đĩa CD.

Chúng ta đã bàn luận xong về kiến thức chuyên môn. Bây giờ hãy chuyển sang loại kiến thức thứ hai - sự chuyển biến mô thức, hay sự soi sáng tinh thần - trong hệ thống niềm tin của bạn. Loại kiến thức này chỉ có thể đạt được thông qua việc học hỏi bằng kinh nghiệm: bạn tham gia vào một hoạt động mà bạn đã có kinh nghiệm và hoạt động này có thể thay đổi quan điểm của bạn về một điều gì đó. Bạn có định chờ đợi cuộc sống mang lại cho bạn kinh nghiệm cần thiết để cải thiện nghề nghiệp, mối quan hệ, sức khỏe hay tinh thần không?

Cuộc sống là người thầy mà ta phải trả học phí cao nhất, xét về mặt thời gian, tiền bạc và các mối quan hệ. Đó là lý do vì sao tôi ủng hộ các buổi hội thảo truyền đạt kinh nghiệm. Đây là cách nhanh nhất, rẻ nhất và thú vị nhất để đẩy nhanh tốc độ phát triển của bạn. Chỉ riêng cơ hội gặp gỡ các diễn giả thông thái có những giá trị tinh thần to lớn cũng đã xứng đáng với khoảng thời gian và tiền bạc mà bạn bỏ ra.

Một số mô thức hay niềm tin đã giúp tôi thành công trong quân đội, nhưng không giúp tôi thành công trong vai trò doanh nhân. Điều đó không có nghĩa là những niềm tin cũ là sai lầm. Đơn giản là tôi đã có một tấm bản đồ không phù hợp với vùng lãnh thổ mới, hoặc mô thức mới cho hoàn cảnh sống mới.

Không phải tất cả các mô thức giúp tôi thành công trong vai trò doanh nhân đều có tác dụng biến một công ty trị giá vài triệu đô la trở thành một công ty trị giá 100 triệu đô la. Đó là một quá trình khám phá không ngừng và bạn luôn cần giữ tâm thế của người mới bắt đầu - điều mà chiến binh nhân từ vẫn làm.

Hãy xem công ty là của bạn, ngay cả khi bạn làm việc cho người khác. Bạn làm việc cho người khác và công việc là nguồn thu nhập chính của bạn, nhưng bạn vẫn là một "công ty riêng" của mình. Quy mô và tính hiệu quả của bất kỳ tổ chức nào cũng được đo lường bằng hai yếu tố: hệ thống và nguồn nhân lực. Vậy hãy dành một phần trong tổng thu nhập của bạn để phát triển cá nhân. Đó là hành động khôn ngoan.

Hãy dành ít nhất 5% thu nhập để đầu tư cho các hoạt động phát triển cá nhân. Nếu một năm bạn kiếm được 50.000 đô la, hãy dành ra 2.500 đô la để mua sách, băng đĩa học tập và tham dự các buổi hội thảo. Nếu có thể, hãy cố gắng chi nhiều thêm, cũng giống như một công ty tăng trưởng nhanh thường bỏ thêm vốn để đầu tư nguồn nhân lực vậy.

-----o0o-----

Nguồn: Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng

Tác giả: Brian Klemmer

Biên dịch: Nguyễn Trung An - Vương Bảo Long

Nhà Xuất Bản Trẻ 2012

Bài viết liên quan