LÀM VIỆC VỚI TẦM NHÌN RÕ RÀNG - GIÁO HUẤN ĐIỂN TỌA – THIỀN SƯ ĐẠO NGUYÊN

LÀM VIỆC VỚI TẦM NHÌN RÕ RÀNG

GIÁO HUẤN ĐIỂN TỌA – THIỀN SƯ ĐẠO NGUYÊN

---o0o---         

Sự bàn luận của chúng ta đã đi khá nhiều lượt. Dù Giáo Huấn Điển Tọa là một bản văn cho người chuẩn bị những bữa ăn, bây giờ bạn có thể thấy rằng qua vai trò này, chúng ta có thể thực hành và biểu hiện pháp sống động: “Hãy sử dụng sự sáng suốt trong thực hành của bạn; hãy thấy con trâu và Quy Sơn là một, không phải hai, dù tạm thời họ xuất hiện theo cách này. Trong đời...
LÀM VIỆC VỚI TẦM NHÌN RÕ RÀNG - GIÁO HUẤN ĐIỂN TỌA – THIỀN SƯ ĐẠO NGUYÊN

Đối với một người làm công việc điển tọa, sự tính toán quan trọng nhất là cái gì và bao nhiêu cần cho sửa soạn bữa ăn.

“Đối với mỗi hạt gạo để ăn, hãy thêm vào một hạt. Khi chia một hạt, kết quả có thể là hai nửa hạt, hay hai có thể ba hoặc bốn. Mặt khác, một hạt có thể bằng một nửa hạt hay nửa hạt. Rồi lại, hai nửa hạt có thể được tính như một hạt nguyên. Ông phải có thể thấy rõ ràng bao nhiêu phần thêm vào sẽ được tạo thành nếu ông thêm một đơn vị gạo, hay sẽ là đủ nếu lấy bớt một đơn vị.

“Khi ông ăn một hạt gạo Lô Lăng, ông có thể trở thành nhà sư Quy Sơn. Khi ông thêm một hạt gạo, ông có thể trở thành con trâu. Đôi khi con trâu chăn Quy Sơn, đôi khi Quy Sơn ăn con trâu!

“Hãy xem ông đã hiểu thấu suốt những việc này chưa và có thể làm những tính toán này không. Hãy trở lại xem xét mọi sự, và khi ông đã hiểu những chi tiết này, hãy chuẩn bị để giải thích cho những người khác theo khả năng hiểu của họ. Hãy dùng sự sáng suốt trong thực hành của ông; hãy thấy con trâu và Quy Sơn là một, không phải hai, cho dù tạm thời chúng xuất hiện theo cách ấy. Trong đời sống hàng ngày của ông, chớ quên điều này một giây phút nào”.

Tôi có cảm giác rằng có nhiều người vừa mới nhìn thì không có ý tưởng gì về điều Đạo Nguyên nói ở đây. Tuy nhiên, tôi đã cố ý trích đoạn này để chúng ta có thể thấy Giáo Huấn Điển Tọa thực tiễn như thế nào và cảm nhận sự nối kết gần gũi với đời sống hàng ngày của chúng ta.

Ngày xưa, ở Trung Hoa, Tăng già, hay cộng đồng thực hành, thì rất lớn, đôi khi một đến hai ngàn nhà sư sống cùng nhau. Họ sống rải rác trong những nhà và cốc chung quanh núi. Tăng đoàn chính thì thực hành trong thiền đường, vừa làm việc vừa thực hành, chắc chắn là có nhiều người, như những trưởng ban, những người trong phòng bệnh, và khách. Nói cách khác, có nhiều người với những hoàn cảnh riêng trải dài trên núi. Công việc điển tọa không phải dễ dàng, nhớ từng người khi sửa soạn bữa ăn kế tiếp.

Khi số người tăng lên, còn khó hơn để xác định mọi thứ, không phải thừa không được thiếu. Bởi vì những tu viện dựa vào những cúng dường, điển tọa không phải vứt bỏ thức ăn dư mà không chớp mắt như nhiều nhà hàng ngày nay. Ông phải sửa soạn đúng số lượng một cách khéo léo nhất, nghĩa là ném cả đời sống mình vào công việc: “Với mỗi hạt gạo được ăn, hãy thêm vào một hạt”.

Để tính toán sống động, bạn phải chính xác trong nhận định. Chẳng hạn, sự ngon miệng của người ta thay đổi theo mùa. Cũng như mọi người ăn nhiều hơn trong một bữa đặc biệt và ít hơn vào bữa ăn sau. Nếu bạn chỉ nghĩ đến số lượng như nhau cho mỗi bữa ăn mà không tính những yếu tố khác, bạn sẽ mời thảm họa, bởi vì số lượng sẽ quá nhiều. Số lượng ấy còn thay đổi theo buổi sáng, buổi trưa, theo người nào ăn nhiều, người ăn ít, theo khẩu vị mặn ngọt...

“Khi ông ăn một hạt gạo Lô Lăng, ông có thể trở thành nhà sư Quy Sơn. Khi ông thêm một hạt, ông có thể trở thành con trâu. Đôi khi con trâu chăn Quy Sơn, đôi khi Quy Sơn ăn con trâu!”

Trước tiên là nhìn vào những từ “gạo Lô Lăng”, “Quy Sơn” và “con trâu”. Có một câu chuyện cổ về gạo Lô Lăng như thế này: Một nhà sư hỏi Thanh Nguyên Hành Tư, “Cái gì là tinh túy của Phật pháp?” Đại sư Thanh Nguyên đáp, “Cái gì là giá gạo hiện giờ ở Lô Lăng?”

Phật pháp thường được diễn tả là “những sự vật (pháp) thì vô thường”. Không có cái gì chúng ta có thể xem là cố định. Mặt khác, nếu chúng ta bám vào ý tưởng rằng mọi sự là vô thường và không có cái gì là cố định, bấy giờ chúng ta đã rơi vào cái bẫy của sự cố gắng cố định hóa cái gì. Sống Pháp nghĩa là tiến hành những hoạt động hàng ngày của chúng ta, thấy những sự vật là cố định một cách tương đối ở nơi chúng không vốn là như vậy. Ở chỗ này, quan trọng là không cho rằng không thể diễn đạt Phật pháp thông qua ngôn ngữ. Chúng ta tự diễn đạt rõ ràng khúc chiết bất cứ lúc nào có thể, là điều cốt yếu. Dù đối với tôi, thực sự không có cách nào để giải quyết những công án và những câu chuyện xưa này bằng cách giải thích chúng, tôi làm như thế để làm sáng tỏ và chỉ như một giải thích thử nghiệm.

Câu chuyện sau về Quy Sơn và con trâu đã xảy ra từ nhiều năm trước: “Một hôm Quy Sơn nói với những nhà sư, ‘Trăm năm sau khi ta chết, ta sẽ tái sanh thành một con trâu dưới núi này, trên sườn phải có đề chữ “ta là Quy Sơn”. Bấy giờ nếu các ông nói con trâu là ta, các ông sai lầm rồi vì đó chỉ là một con trâu, và nếu cái ông nói chỉ là một con trâu, các ông cũng sai lầm vì đó là ta. Thế thì, các ông nói gì?”.

Bản thân câu chuyện này rất hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu tôi phải phân tích nó, đây là cách tôi bắt đầu. Nói chung, chúng ta giả định rằng cái chúng ta gọi là “ngã” của chúng ta là loại thực thể cố định nào đó, dù thực ra không có một thực thể nào cố định như vậy. Sự biến đổi chất trong thân thể của chúng ta thì thường thay đổi và tâm thức chúng ta luôn luôn trôi chảy. Bấy giờ cái gì có thể gọi là “ngã”? Không có thực thể cụ thể nào như một hạt lõi trong quả mận mà chúng ta có thể gọi là “Tôi”. Nhưng dù chúng ta nói không có cái gì cố định, thì không phải “ngã” của chúng ta hoàn toàn không có. Như trong câu chuyện gạo Lô Lăng, “ngã” của chúng ta xảy ra ở chỗ nối của cái tương đối là cố định và không thể xác định. Sự thực hành Phật pháp là cố gắng diễn đạt đời sống ở chỗ nối nơi cái được xác định trộn lẫn với cái không thể xác định. Vì lý do này nó khó hiểu. Qua những câu chuyện này trong Giáo Huấn Điển Tọa Đạo Nguyên cố gắng diễn đạt một điểm tinh tế nhất về sự diễn đạt và hành hoạt của đời sống.

Nói cách khác, “Khi ông ăn một hạt cơm Lô Lăng ông có thể trở thành nhà sư Quy Sơn”. Trong một nghĩa nào đó, chúng ta sống bằng ăn cơm hay thứ gì bổ dưỡng và nó có giá nào đó ngoài chợ. Đồng thời, vì chúng ta dùng thân thể để thực hành lối sống của Phật, chúng ta đem đến sự diễn đạt cho sự vô lượng của Phật. Nhưng bây giờ, chỉ ăn cơm không bảo đảm rằng chúng ta đang biểu hiện sự vô biên của Phật, vì nếu chúng ta không thực hành Đạo, thân thể chúng ta chỉ là một khối thịt. Vậy nên, chúng ta có thể nhìn nó theo bản văn nêu ra, “Khi ông thêm một hạt, ông có thể trở thành con trâu”.

Bấy giờ, cái gì là thân thể này? Thực ra, nó không phải là một thực thể cố định, cũng không phải là cái gì không thể định nghĩa. Nếu bạn ăn thức ăn để tọa thiền, thức ăn ấy cho tọa thiền. Nếu bạn ăn thức ăn để đi trộm, đó chỉ là thức ăn nuôi một tên trộm. Nếu bạn ăn để đi và ngủ với một cô gái điếm, nó trở thành gạo cho mục đích ấy. Đến mức mà bạn chỉ dùng thân thể bạn để tọa thiền, đó là “con trâu ăn Quy Sơn”.

Bạn sai lầm nếu bạn nghĩ tốt nhất là ném bỏ thân bạn (trong trường hợp này là con trâu) bởi vì bạn nghĩ nó không có giá trị, và chỉ thực hành tọa thiền (là Quy Sơn). Tọa thiền của chúng ta trở thành Phật pháp một cách chính xác khi nó hoạt động như thân thể này trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Sẽ luôn luôn có phương diện than phiền và không bằng lòng của cái ngã mà chúng ta liên hệ. Pháp không chỉ biểu lộ sau khi chúng ta bằng cách nào đó đã đưa phương diện này vào sự kiểm soát hay dập tắt nó.

Nhiệm vụ của pháp và của tọa thiền là chăm sóc cho phương diện bất trị này của chúng ta theo cách một bà mẹ ru em bé ngủ. Nói cách khác, “Quy Sơn chăn con trâu”. Tôi không thể tránh cảm nhận rằng có ý nghĩa sâu xa trong từ “chăn”.

Đạo Nguyên tiếp tục cảnh báo chúng ta về những chuyện này: “Hãy xem xét ông đã hiểu đầy đủ những việc này và có thể làm những tính toán ấy hay chưa. Hãy đi trở lại mọi sự, và khi ông đã hiểu những chi tiết ấy thì hãy chuẩn bị giải thích chúng cho những người khác theo khả năng hiểu của họ. Hãy sử dụng sự sáng suốt trong thực hành của ông”.

Sự bàn luận của chúng ta đã đi khá nhiều lượt. Dù Giáo Huấn Điển Tọa là một bản văn cho người chuẩn bị những bữa ăn, bây giờ bạn có thể thấy rằng qua vai trò này, chúng ta có thể thực hành và biểu hiện pháp sống động: “Hãy sử dụng sự sáng suốt trong thực hành của bạn; hãy thấy con trâu và Quy Sơn là một, không phải hai, dù tạm thời họ xuất hiện theo cách này. Trong đời sống hàng ngày, chớ quên điều này dù chỉ một khoảnh khắc”.

Trong bản văn gốc, thành ngữ ichinyo (bất nhị) nghĩa đen “là một”, để chỉ Phật và tất cả chúng sanh là một. Ninyo, dịch ở đây “là hai”, nghĩa là họ có vẻ phân chia. Sự phân chia giữa chúng ta và Phật không cố định. Một cách không nhất định, cả hai xuất hiện như những thực thể tách biệt. Do đó có lý do chúng ta thực hành, mong muốn theo những lời dạy của Phật. Nhưng nếu bạn thấy pháp như là một thực thể tách biệt với chính bạn, và xem việc thành Phật là một mục đích hay đối tượng của thực hành, bạn sẽ đi vào một lỗi lầm rất căn bản. Những thành ngữ không hai và hai chỉ có ý nghĩa khi bạn thực hành với những hoạt động của một vị Phật như là chiều hướng của công việc bạn, và hiểu rằng Phật không phải là cái gì tách lìa khỏi chúng sanh, không phải là cái gì tách lìa với chính bạn.

Cuối cùng, “trong đời sống hàng ngày, chớ quên điều này dù một khoảnh khắc” hàm ý rằng dù thực hành pháp là cái gì chúng ta làm suốt đời, thái độ của thực hành ngay giây phút này, từ ngày này qua ngày khác, thì trong chính nó vĩnh cửu biểu lộ.

---o0o---

Trích: Giáo Huấn Điển Tọa

Tác giả: Thiền Sư Đạo Nguyên

Bình giảng Kosho Uchiyama Roshi

Dịch sang Tiếng Anh: Thomas Wright

Việt dịch: Ban Dịch Thuật Thiện Tri Thức

Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức – 2021

Bài viết liên quan