LINH HỒN BỊ DỜI CHỖ - T.S MICHAEL NEWTON – HÀNH TRÌNH CỦA LINH HỒN

LINH HỒN BỊ DỜI CHỖ

T.S MICHAEL NEWTON – HÀNH TRÌNH CỦA LINH HỒN

---o0o---

Câu nói “không có sự ngẫu nhiên nào trong cuộc đời chúng ta” không có nghĩa là nghiệp quả tự nó hoạt động. Điều nó làm là đẩy chúng ta tới phía trước bằng cách dạy cho chúng ta những bài học. Số phận tương lai của chúng ta ảnh hưởng bởi quá khứ mà chúng ta không thể trốn tránh, đặc biệt là khi chúng ta làm người khác tổn thương.
LINH HỒN BỊ DỜI CHỖ - T.S MICHAEL NEWTON – HÀNH TRÌNH CỦA LINH HỒN

        Có những linh hồn bị tổn hại nặng nề đến mức họ được tách ra khỏi dòng chính của những linh hồn trở về ngôi nhà tâm linh. So với toàn thể những thực thể quay trở về, số những linh hồn bất thường này không lớn. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra với họ trên Trái đất rất đáng lưu ý vì những hậu quả nghiêm trọng mà họ gây ra cho những linh hồn còn tái sinh khác.

        Có hai dạng của linh hồn bị dời chỗ: Những người không chấp nhận việc cơ thể vật lý của họ đã chết và đấu tranh không trở lại với thế giới linh hồn do nguyên nhân thống khổ cá nhân, và những linh hồn nổi loạn hoặc đồng lõa với những nhân cách méo mó tội lỗi trong cơ thể con người. Trong trường hợp thứ nhất, sự dời chỗ là do chính linh hồn lựa chọn, còn trong trường hợp thứ hai, những người hướng dẫn tâm linh cố ý tách những linh hồn này ra khỏi sự tiếp xúc với những thực thể khác trong khoảng thời gian không xác định. Trong cả hai trường hợp, những người hướng dẫn của những linh hồn này đều đặc biệt quan tâm đến sự phục hồi, nhưng vì hoàn cảnh rất khác nhau giữa hai trường hợp này, tôi sẽ xử lý chúng riêng biệt.

        Trường hợp đầu chúng ta gọi là ma. Những linh hồn này từ chối không trở về nhà sau cái chết vật lý và thường có những ảnh hưởng khó chịu đối với những người chỉ muốn kết thúc cuộc đời trong bình yên. Những linh hồn bị dời chỗ này đôi khi được gọi một cách sai lầm là “những linh hồn quỷ” vì chúng bị quy kết là xâm lấn tâm trí con người với những ý định xấu. Vấn đề những linh hồn xấu đã dẫn đến những nghiên cứu nghiêm túc trong lĩnh vực tâm lý ngoài tâm lý bình thường. Đáng tiếc là lĩnh vực tâm linh này cũng kéo theo nhân tố phụ là những kẻ vô lương tâm lợi dụng sự thần bí, những kẻ kiếm ăn trên tình cảm của những người giàu cảm xúc.

        Linh hồn bị xáo trộn là một thực thể chưa chín chắn với một công việc còn dở dang trong kiếp trước trên Trái đất. Họ có thể không có quan hệ gì với người sống mà họ quấy phá. Thực tế, một số người là đối tượng phù hợp và dễ bị ảnh hưởng bởi những linh hồn xấu, những kẻ muốn thể hiện bản chất khó chịu của mình. Điều đó nghĩa là, một người ở trạng thái thiền định sâu của ý thức có thể tình cờ nhận được những tín hiệu làm phiền từ một thực thể không tái sinh mà thông điệp của nó có thể thay đổi từ bỡn cợt đến khiêu khích. Những thực thể không ổn định này không phải là người hướng dẫn tinh thần. Những người hướng dẫn thực thụ là những người hàn gắn và không xâm phạm với những thông điệp gay gắt.

        Thông thường, những linh hồn ma quái ít gặp này gắn với một địa điểm địa lý nhất định. Những nhà nghiên cứu chuyên về hiện tượng mà quỷ chỉ ra rằng những thực thể bị xáo động này bị mắc kẹt ở chốn không người giữa cõi thấp của Trái đất và thế giới linh hồn. Từ nghiên cứu của tôi, tôi không tin rằng những linh hồn này bị lạc trong không gian hay chúng là quỷ. Họ chọn cách ở lại trên cõi giới Trái đất sau cái chết vật lý một thời gian do họ vô cùng bất mãn chuyện gì đó. Theo tôi, đó là những linh hồn bị tổn hại bởi vì họ thể hiện sự bối rối, thất vọng và thậm chí cả sự căm thù đến mức muốn người hướng dẫn tránh xa họ. Chúng ta biết rằng một thực thể xấu, bị dời chỗ có thể được tìm đến và xử lý bằng nhiều cách, chẳng hạn như bằng cách trừ tà để bắt họ thôi xía vào chuyện của con người. Linh hồn xâm chiếm có thể được thuyết phục rời bỏ và cuối cùng chuyển vào thế giới linh hồn.

        Nếu chúng ta có thế giới linh hồn được ngự trị bởi trật tự, với những người hướng dẫn quan tâm đến chúng ta, thì tại sao những linh hồn kém thích nghi, sử dụng năng lượng xấu dưới dạng các thực thể không tái sinh lại được cho phép tồn tại? Có một cách giải thích khác là vì chúng ta chịu đựng quá nhiều biến động trong thế giới vật lý nên sự bất quy tắc và chệch hướng tâm linh từ những cuộc ra đi bình thường của linh hồn cũng là điều có thể dự đoán được. Ngoài ra, ma chỉ là một phần nhỏ của năng lượng linh hồn để sum họp. Những linh hồn bất hạnh, không được tái sinh, tự bị mắc kẹt có lẽ cũng là một phần của tạo hóa. Khi đã sẵn sàng, những linh hồn này sẽ được dắt tay rời khỏi cõi giới Trái đất và dẫn đến chỗ ở thích hợp của mình ở thế giới linh hồn.

        Bây giờ tôi chuyển sang dạng thứ hai thông dụng hơn nhiều của linh hồn bị xáo trộn. Đó là những linh hồn có liên quan đến những hành vi độc ác. Trước tiên chúng ta cần xem xét một linh hồn có được coi là có tội hay vô tội khi nó nhập vào một bộ não độc ác? Thực thể chịu trách nhiệm ở đây là linh hồn hay cá nhân con người, hay đó chỉ là một? Đôi khi một bệnh nhân bảo tôi: “Tôi cảm thấy bị xâm chiếm bởi một nội lực xúi giục tôi làm những điều xấu”. Có những bệnh nhân tâm thần cảm thấy bị thúc đẩy bởi những sức mạnh trái ngược của cái xấu và cái tốt mà họ tin rằng họ không có khả năng kiếm soát.

        Sau nhiều năm làm việc với siêu ý thức của con người dưới tác dụng của thôi miên, tôi đi đến kết luận rằng con người với năm giác quan có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý của linh hồn. Chúng ta thể hiện bản thể vĩnh hằng của mình qua các nhu cầu sinh học chiếm ưu thế và sức ép từ những kích thích của môi trường vốn là tạm thời so với linh hồn đầu thai. Mặc dù không có cái tôi xấu xa, bị che giấu trong hình dạng con người của chúng ta, một số linh hồn không hoàn toàn hòa nhập được. Những người không hòa hợp với cơ thể của họ có cảm giác bị tách rời khỏi chính mình trong cuộc sống.

        Trạng thái này không miễn được cho linh hồn phải làm hết sức để tránh liên quan đến sự xấu xa trên Trái Đất. Chúng ta nhận thấy điều đó trong lương tâm của con người. Điều quan trọng là chúng ta phân biệt được những gì đang cấy sức mạnh xấu vào tâm trí chúng ta và những gì không. Nghe thấy tiếng nói nội tâm khuyến khích sự tự hủy diệt bản thân hay với ai đó không phải là thực thể ma quỷ xấu xa, sự có mặt của một thực thể xa lạ, cũng không phải là người hướng dẫn độc ác phản bội. Sức mạnh của cái ác bắt nguồn từ chính chúng ta.

        Nếu không chữa trị những thôi thúc có tính phá hoại của tình trạng rối loạn cảm xúc, chúng sẽ ngăn cản sự phát triển của linh hồn. Những người đã trải qua tổn thương cá nhân không được giải quyết trong cuộc đời sẽ mang những hạt giống của sự tự hủy diệt. Nỗi thống khổ này ảnh hưởng đến linh hồn chúng ta theo cách làm chúng ta trở nên không toàn vẹn. Chẳng hạn, tình trạng nghiện ngập hay ham muốn quá mức xuất phát từ nỗi đau cá nhân sẽ ngăn chặn sự biểu hiện của linh hồn lành mạnh và thậm chí có thể gắn chặt linh hồn với thể xác vay mượn.

        Có phải sự gia tăng của bạo lực hiện đại có nghĩa là ngày nay chúng ta có nhiều linh hồn “sai lạc” hơn là trong quá khứ? Nếu không phải điều gì khác, thì chính sự quá tải về dân số và sự phong phú của các loại thuốc giúp chúng ta thay đổi tâm trạng có thể hỗ trợ cho kết luận này. Về phương diện tích cực, mức độ hiểu biết trên toàn Trái đất về nỗi đau khổ của con người có vẻ tăng lên.

        Có người nói với tôi rằng trong mỗi kỷ nguyên lịch sử đẫm máu trên Trái đất, bao giờ cũng có một số lượng đáng kể những linh hồn không thể chịu nổi và chống trả thành công sự tàn bạo của con người. Những linh hồn có cơ thể chủ đươc di truyền bẩm sinh hóa chất não bất thường gặp nhiều nguy cơ trong môi trường bạo lực. Chúng ta thấy trẻ em có thể bị tổn thương do ngược đãi tâm lý và sinh lý trong gia đình đến mức khi trưởng thành, chúng thực hiện những hành vi hung bạo có chuẩn bị mà không chút ăn năn. Vì linh hồn không được tạo ra một cách hoàn chỉnh, bản chất tự nhiên của nó có thể bị nhuốm bẩn trong quá trình phát triển của một cuộc đời như vậy.

        Nếu tội lỗi chúng ta phạm phải là đặc biệt nghiêm trọng, chúng ta gọi nó là tội ác. Các đối tượng nói với tôi rằng không có linh hồn nào sinh ra đã độc ác, mặc dù nó có thể bị gắn mác này trong cuộc đời con người. Sự độc ác bệnh hoạn trong con người được thể hiện bởi việc cảm nhận sự bất lực cá nhân và sự yếu đuối được kích thích bởi những nạn nhân bất lực. Mặc dù nhìn chung, những linh hồn không tự động khơi gợi những hành vi hiểm ác từ một nhân cách bại hoại. Quá trình tiến hóa của linh hồn bao gồm sự biến đổi từ không hoàn thiện đến hoàn thiện dựa trên việc vượt qua nhiều nhiệm vụ khó khăn của thân xác trong các kiếp. Linh hồn cũng có thể có xu hướng lựa chọn những môi trường mà họ thường xuyên không làm việc tốt hoặc bị biến chất. Như vậy, linh hồn có thể để cho danh tính của mình bị hủy hoại do lựa chọn cuộc đời không tốt. Tuy vậy tất cả các linh hồn phải chịu trách nhiệm vì những gì họ làm trong cơ thể mà họ trú ngụ.

        Chúng ta sẽ xem xét ở chương tiếp theo, các linh hồn nhận được những tổng kết ban đầu về cuộc đời đã qua cùng những người hướng dẫn trước khi đi tiếp để đến với các bạn của mình như thế nào. Nhưng điều gì xảy ra với những linh hồn thông qua thể xác gây ra những thống khổ nặng nề cho người khác? Nếu linh hồn không có khả năng cải thiện những nhu cầu bạo lực nhất của con người trong cơ thể vay mượn của nó, nó sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào sau khi chết? Điều này gợi đến vấn đề được lên thiên đường hay bị đày xuống địa ngục vì những điều tốt và xấu, vì việc chịu trách nhiệm từ lâu đã là một phần của truyền thống Thiên Chúa giáo,

        Trên tường phòng làm việc của tôi treo bức tranh Ai Cập “Cảnh phán xử” như nó được thể hiện trong Cuốn sách của người chết, một nghi thức thần thoại của cái chết đã hơn 7000 năm tuổi. Người Ai Cập cổ bị ám ảnh bởi cái chết và thế giới đằng sau nấm mồ bởi vì, theo các vị thần vũ trụ của họ, cái chết giải thích sự sống. Bức tranh cho thấy một người đàn ông mới chết đến một cõi ở giữa xứ sở của người sống và thế giới của người chết. Ông ta đứng bên cạnh một loạt các cán cân phán xử những gì ông ta làm trên Trái đất. Người chủ nghi lễ là thầ Anubis, người cẩn thận cân trái tim của người đàn ông trên một đĩa cân với chiếc lông đà điểu của sự thật ở phía bên kia. Trái tim, chứ không phải là cái đầu, tượng trưng cho hiện thân của linh hồn – ý thức của một cá nhân đối với người Ai Cập. Đây là một thời điểm căng thẳng. Một quái vật đầu cá sấu đứng khom lưng bên cạnh với cái mõm há to, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống trái tim nếu những điều xấu mà người đàn ông làm trong đời vượt quá những điều tốt. Thất bại trên những cán cân sẽ kết thúc sự tồn tại của linh hồn này.

        Tôi nhận được một số nhận xét từ các bệnh nhân của tôi về bức tranh này. Một người có khuynh hướng siêu hình sẽ khẳng định không ai bị từ chối bước vào thế giới sau cái chết dù các cán cân có thể hiện sự phủ nhận thế nào đối với đức hạnh trong quá khứ. Niềm tin này có đúng không? Có phải tất cả các linh hồn đều được cho phép quay trở lại thế giới linh hồn theo cùng một cách, không liên quan đến những sự liên đới với thân xác mà họ trú ngụ?

        Để trả lời câu hỏi này, tôi phải bắt đầu bằng việc nhắc đến một bộ phận lớn trong xã hội tin rằng tất cả các linh hồn không tới cùng một chỗ. Thần học ôn hòa hơn đã thôi không nhấn mạnh ý tưởng về ngọn lửa địa ngục và lưu huỳnh cho những kẻ tội lỗi. Tuy thế nhiều giáo phái chỉ ra sự cùng tồn tại về mặt tinh thần của hai trạng thái tinh thần tốt đẹp và xấu xa. Đối với những linh hồn “xấu”, có những tuyên bố triết học chỉ rõ sự chia lìa khỏi bản chất của Chúa trời như một phương tiện trừng trị sau cái chết.

        Cuốn Tử thư Tây Tạng, một niềm tin tôn giáo cổ hơn cả cuốn Kinh thánh hàng ngàn năm, miêu tả trạng thái ý thức giữa các cuộc đời (Bardo) như là lúc “sự xấu xa mà ta gây ra chỉ lối cho chúng ta vào sự phân ly tinh thần”. Nếu người phương Đông tin vào một địa điểm linh hồn dành riêng cho những kẻ gây tội ác, khái niệm ấy có tương tự như quan niệm về nơi chuộc tội trong thế giới phương Tây không?

        Từ những khởi đầu sớm nhất, học thuyết Thiên Chúa giáo xác định nơi chuộc tội là trạng thái trung chuyển của sự trục xuất tạm thời cho những tội ác nhẹ chống lại loài người. Nơi chuộc tội của Thiên Chúa giáo là nơi cứu rỗi, bị cô lập và phải chịu đựng. Khi tất cả các nghiệp xấu được xóa trừ, những linh hồn này cuối cùng sẽ được lên thiên đàng. Mặt khác, những linh hồn gây tội ác nặng nề (chết người) sẽ bị đày xuống địa ngục vĩnh viễn.

        Liệu địa ngục có tồn tại để tách những linh hồn tốt đẹp ra khỏi những linh hồn xấu xa? Tất cả các nghiên cứu với linh hồn của các đối tượng của tôi khẳng định với tôi rằng không có nơi chịu thống khổ cho linh hồn nào ngoài Trái đất. Họ nói với tôi rằng tất cả linh hồn đều đến cùng một thế giới linh hồn sau khi chết, nơi tất cả mọi người đều được cư xử với sự kiên nhẫn và tình yêu.

        Tuy nhiên tôi được biết rằng một số linh hồn phải trải qua sự cách ly trong thế giới linh hồn và điều này xảy ra trong thời gian định hướng cùng với những người hướng dẫn. Họ không được trải qua cùng một con đường như những linh hồn khác. Những đối tượng bị gây trở ngại bởi cái xấu của tôi kể lại rằng những linh hồn không có đủ ảnh hưởng để chống lại ý muốn hãm hại người khác sẽ được đưa đến nơi ẩn dật khi quay trở lại thế giới linh hồn. Những linh hồn này có vẻ không được hòa nhập với những thực thể khác trong một thời gian.

        Tôi cũng nhận thấy rằng những linh hồn mới bắt đầu mà có thói quen đồng lõa với những cách cư xử tiêu cực của con người trong những kiếp ban đầu của họ phải trải qua sự cô lập tinh thần tách biệt. Cuối cùng họ sẽ được đặt cùng nhau trong nhóm riêng để tăng cường việc học tập dưới sự giám sát chặt chẽ. Đó không phải là sự trừng phạt mà là nơi chuộc tội để thiết lập lại sự tự nhận thức của những linh hồn này.

        Vì những việc sai trái có rất nhiều hình thức trên Trái đất, chỉ dẫn tâm linh và kiểu cô lập được sử dụng cũng thay đổi cho từng linh hồn. Bản chất của những thay đổi này được đánh giá trong thời gian định hướng ở cuối mỗi cuộc đời. Thời gian tương đối của quá trình ẩn dật và học đạo lại cũng không giống nhau. Chẳng hạn, có người kể cho tôi về những linh hồn kém thích nghi được đưa trở lại Trái đất ngay sau thời kỳ ẩn dật để tự chuộc tội càng sớm càng tốt bởi những hành vi tốt đẹp khi đầu thai. Đây là một ví dụ được một linh hồn quen biết với một linh hồn như thế kể lại.

Trường hợp 10

TS. N: Linh hồn có phải chịu trách nhiệm cho những việc liên quan với những người xấu đã làm tổn hại đến người khác không?

ĐT: Vâng, những kẻ độc ác trong cuộc đời – tôi biết một trong số những linh hồn đó.

TS. N: Bạn biết gì về thực thể này? Điều gì xảy ra khi linh hồn này trở về thế giới linh hồn sau cuộc đời đó?

ĐT: Anh ta đã… làm tổn thương… nặng nề đến một cô gái… và không quay lại với nhóm chúng tôi. Anh ta được nhận một chương trình giáo dục riêng tổng quát vì anh ta đã cư xử rất tệ trong thân xác ấy.

TS. N: Sự trừng phạt của anh ta bao gồm những gì?

ĐT: Sự trừng phạt… là cách giải thích sai lầm… đó là sự chấn chỉnh. Anh phải nhận thức rằng đó là vấn đề với vị thầy của anh. Các vị thầy khe khắt hơn với những kẻ có liên quan đến sự tàn bạo.

TS. N: “Khắt khe hơn” có ý nghĩa gì đối với bạn trong thể giới linh hồn?

ĐT: Vâng, người bạn đó không trở lại với chúng tôi… những người bạn của anh ta… sau cuộc đời đáng buồn khi anh ta làm tổn thương đến cô gái này.

TS. N: Anh ta có qua cánh cổng vào thế giới linh hồn giống như bạn khi anh ta chết không?

ĐT: Có, nhưng anh ta không gặp gỡ ai… anh ta đến thẳng nơi chỉ có một mình anh ta với vị thầy.

TS. N: Sau đó điều gì xảy ra cho anh ta?

ĐT: Sau một thời gian… không lâu… anh ta quay trở lại Trái đất làm một phụ nữ… nơi có những người độc ác… hành hạ người khác về thể xác… đó là lựa chọn của chính anh ta… người bạn của tôi cần phải trải qua những điều này…

TS .N: Bạn có nghĩ rằng linh hồn này trách cứ bộ não người trong thân xác kiếp trước của anh ta về việc đã làm tổn thương đến cô gái không?

ĐT: Không, anh ta nhận những gì anh ta đã làm… về mình… anh ta tự trách mình vì không đủ khả năng vượt qua những thiếu sót của con người. Anh ta yêu cầu được trở thành người phụ nữ bị ngược đãi trong kiếp tiếp theo để được hiểu rõ… để được thấu hiểu những tổn thương mà anh ta đã gây ra cho cô gái.

TS. N: Nếu người bạn này của bạn không hiểu được và tiếp tục liên quan đến những con người gây tội ác, linh hồn anh ta có bị hủy diệt bởi ai đó trong thế giới linh hồn không?

ĐT: (ngập ngừng rất nhiều) Anh thực sự không thể hủy diệt năng lượng… nhưng nó có thể được cải hóa… sự tiêu cực không thể điều khiển được… trong nhiều kiếp… có thể được điều chỉnh.

TS .N: Bằng cách nào?

ĐT: (một cách mơ hồ)… Không phải bằng sự hủy diệt bằng cách thay đổi…

           Trường hợp 10 không tiếp tục trả lời những câu hỏi thuộc dạng này và những đối tượng khác có biết gì đó về những linh hồn bị tổn thương này cũng kín đáo với thông tin của họ. Sau này chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một chút về việc hình thành và phục hồi năng lượng trí năng.

           Đa số những linh hồn mắc sai lầm có thể tự giải quyết vấn đề bị vẩn đục. Cái giá mà chúng ta phải trả cho những sai sót và phần thưởng cho những hành vi tốt xoay quanh luật nhân quả. Kẻ gây thiệt hại cho người khác sẽ phải trả giá bằng cách trở thành những nạn nhân tương lai trong chu trình nghiệp quả của công lý. Bhagavad Gita, một sách kinh phương Đông cổ đã vượt qua thử thách hàng ngàn năm, có đoạn viết: “Những linh hồn chịu ảnh hưởng của cái ác sẽ phải chuộc lại tiết hạnh của mình.”

          Mọi nghiên cứu về cuộc đời sau cái chết đều vô nghĩa nếu không nói đến việc nghiệp quả bắt nguồn từ quan hệ nhân quả và công lý cho mọi linh hồn như thế nào. Nghiệp quả tự nó không biểu thị hành vi tốt hay xấu. Đó đúng hơn là kết quả của những hành động tích cực và tiêu cực của một cá nhân trong cuộc sống. Câu nói “không có sự ngẫu nhiên nào trong cuộc đời chúng ta” không có nghĩa là nghiệp quả tự nó hoạt động. Điều nó làm là đẩy chúng ta tới phía trước bằng cách dạy cho chúng ta những bài học. Số phận tương lai của chúng ta ảnh hưởng bởi quá khứ mà chúng ta không thể trốn tránh, đặc biệt là khi chúng ta làm người khác tổn thương.

        Mấu chốt để phát triển là hiểu được rằng chúng ta được ban cho khả năng thực hiện những chấn chỉnh giữa chừng trong cuộc đời và có dũng khí để thực hiện những thay đổi cần thiết khi những gì ta làm không cho ta kết quả mong muốn. Bằng cách chiến thắng nỗi sợ và chấp nhận rủi ro, mô hình nghiệp quả của chúng ta sẽ được sửa đổi theo hiệu quả của những lựa chọn mới. Ở cuối mỗi cuộc đời, thay vì nhận được một quái vật chờ để nuốt sống linh hồn chúng ta, chúng ta trở thành người phê bình khe khắt nhất của chính mình trước mặt vị thầy – người hướng dẫn của chúng ta. Đó là lý do vì sao nghiệp quả vừa công bằng vừa nhân từ. Với sự giúp đỡ của những cố vấn tâm linh và các bạn bè của mình, chúng ta tự quyết định một mô hình công lý phù hợp cho hành vi của chúng.

        Một số người tin vào đầu thai cho rằng nếu linh hồn tiêu cực không học được bài học của mình trong vòng một số kiếp nhất định, chúng sẽ bị loại trừ và thay thế bởi các linh hồn có ý chí hơn. Các đối tượng của tôi phủ nhận giả thuyết này.

        Không có một con đường tự tìm hiểu nào được chuẩn bị sẵn cho mọi linh hồn. Như một đối tượng nói với tôi: “Linh hồn được cử đến Trái đất trong khoảng thời gian của cuộc chiến”. Điều đó nghĩa là mọi linh hồn đều được cho thời gian và cơ hội để thực hiện những thay đổi cần thiết cho sự phát triển. Những linh hồn tiếp tục thể hiện những khuynh hướng tiêu cực qua thể xác con người cần phải vượt qua những khó khăn đó bằng cách tiếp tục cố gắng thay đổi. Từ những gì tôi đã thấy, không có nghiệp quả tiêu cực nào gắn chặt với một linh hồn muốn thay đổi trong suốt nhiều cuộc đời trên hành tinh này.

        Đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ: Liệu có linh hồn nào bị quy trách nhiệm hoàn toàn bởi những hành vi phá hủy phi lý, không thích hợp với xã hội của con người hay không? Linh hồn phải học cách đối phó bằng những cách khác nhau với mỗi con người được ấn định cho họ. Danh tính vĩnh cửu của linh hồn ghi dấu vào tâm trí con người với những đặc tính riêng biệt là của riêng linh hồn này. Tuy nhiên, tôi nhận thấy có bản chất hai chiều giữa tâm trí của linh hồn và bộ não con người. Tôi sẽ đề cập đến khai niệm này sâu hơn trong những chương tiếp theo, sau khi độc giả hiểu thêm về sự tồn tại của linh hồn trong thế giới linh hồn.

---o0o---

Trích “Hành Trình Của Linh Hồn”

Tác giả: T.S Michael Newton

Người dịch: Thanh Huyền

NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2018

Ảnh: nguồn internet