MƯỜI TẬP NHÂN VÀ SÁU GIAO BÁO - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

Nghiệp báo là do sáu thức tạo ra. Sáu thức mê vọng, không thanh tịnh thì tạo nghiệp, nghiệp ấy chính là tập khí, nhưng nghiệp ấy xét cho cùng cũng là mê vọng, như một giấc mộng, như thành Càn thát bà, thấy chỉ là vọng thấy, nghe chỉ là vọng nghe. Cho nên khi sống mà tu như huyễn như mộng thì việc trong trung ấm dù tốt đi nữa cũng chỉ là như huyễn như mộng và ngay lúc ấy tỉnh dậy mà...
MƯỜI TẬP NHÂN VÀ SÁU GIAO BÁO - KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI - ĐƯƠNG ĐẠO

MƯỜI TẬP NHÂN VÀ SÁU GIAO BÁO

KINH LĂNG NGHIÊM - HÀNH GIẢI

ĐƯƠNG ĐẠO

-----oo0oo-----

 

A Nan, những điều như thế đều do nghiệp báo, các chúng sanh tự chiêu cảm lấy: tạo mười tập nhân thì chịu sáu giao báo.

Thế nào là mười tập nhân?

A Nan, một là tập khí dâm dục giao tiếp với nhau, phát sanh cọ xát lẫn nhau. Cọ xát không thôi, như vậy cho nên trong đó có lửa phát động ra, như người lấy hai tay cọ xát lẫn nhau thì cảm giác nóng hiện ra. Hai cái tập khí thiêu đốt nhau, nên mới có các thứ giường sắt, trụ đồng đốt nóng. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem việc hành dâm đồng gọi là lửa dục. Bồ tát đối với dâm dục như tránh hầm lửa.

Hai là, tập khí tham lam, so đo tính toán, hấp thụ lẫn nhau. Hấp thụ ôm giữ chẳng ngừng, như vậy nên trong ấy tích tụ hơi lạnh thành băng giá cứng, như người hút hơi gió vào thì cảm giác lạnh sanh ra, hai tập khí lấn át nhau, nên có những sự rét, rên rỉ, giá lạnh…. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem việc tham nhiều đồng gọi là nước tham. Bồ tát xem thấy tham như tránh biển độc.

Ba là, tập khí kiêu mạn lẫn lướt nhau phát sanh ỷ thế với nhau. Rong ruổi không thôi, như vậy cho nên có sự phóng túng, bôn ba, chứa sóng thành nước, như người miệng lưỡi tự chép làm cho nước bọt chảy ra. Hai cái tập khí chọi nhau nên có các việc sông máu, sông tro, cát nóng, biển độc, bắt uống nước đồng chảy…. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem ngã mạn đồng gọi là nước si mê. Bồ tát xem thấy kiêu mạn như tránh vực thẳm lớn.

 

Bốn là, tập khí nóng giận xung đột lẫn nhau, phát sanh chống đối lẫn nhau. Chống đối không thôi, tâm nổi nóng phát ra lửa, nấu cái khí thành kim loại, như vậy cho nên có núi đao, đòn sắt, cây gươm, bánh xe gươm, búa, rìu, thương, cưa. Ví như người bị oan ức thì sát khí nổi lên. Hai tập khí đánh nhau nên có các việc thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, đập, đánh. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự nóng giận đồng gọi là dao gươm bén. Bồ tát xem thấy nóng giận như tránh chém giết.

Năm là, tập khí về giả dối, dụ gạt lẫn nhau, phát sanh sự lôi kéo lẫn nhau. Dẫn dụ chẳng ngừng, như vậy cho nên có dây, cây, thòng lọng, căng nọc, như nước thấm xuống ruộng thì cỏ cây sanh trưởng. Hai tập khí kéo nhau nên có các việc gông, cùm, xiềng xích, roi, gậy, qua, bổng. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự giả dối đồng gọi là sàm tặc. Bồ tát xem thấy gian dối sợ như sói, beo.

Sáu là, tập khí lừa gạt, dối phỉnh nhau, phát sinh phỉnh gạt lẫn nhau. Phỉnh gạt chẳng thôi, sanh tâm tạo những điều gian dối, như vậy cho nên có đất bụi, đại tiện, tiểu tiện, các thứ dơ nhớp chẳng sạch, như bụi theo gió, mỗi cái không thấy được nhau. Hai tập khí dìm hại nhau nên có việc chìm đắm, nhảy, ném, bay, rơi, trôi lăn. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự lừa gạt đồng gọi là cướp giết. Bồ tát xem thấy việc lường gạt như dẫm rắn độc.      

 

Bảy là, tập khí thù oán hiềm khích lẫn nhau, phát sanh ôm lòng hờn giận. Như vậy cho nên có ném đá gạch, cũi nhốt, xe tù, bình đựng, đảy bọc, như người hiểm độc ôm ấp điều dữ.Hai tập khí nuốt nhau, nên có các việc ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, vứt, ôm. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự thù oán đồng gọi là quỷ Vi hại. Bồ tát xem thấy thù oán như uống rượu độc.

Tám là, tập khí tà kiến tranh cãi với nhau. Như thân kiến, giới cấm thủ và các nghiệp hiểu biết sai lầm, phát sanh chống trái lẫn nhau. Như vậy cho nên có quan lại nắm giữ giấy tờ, chứng thực, nhiều như người đi đường qua lại gặp nhau. Hai tập khí giao nhau nên có các việc khám hỏi, mưu mẹo, vặn hỏi, gạn xét, cứu tra soi rọi, biện bạch, hạch sách. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem ác kiến đồng gọi là hầm kiến chấp. Bồ tát đối với các thứ thiên chấp hư vọng như nhìn xuống hố độc.

Chín là, tập khí vu vạ, làm hại lẫn nhau, phát sanh phao vu, bài báng. Như vậy cho nên có núi khép, đá ép, cối xay, cày bừa, ví như kẻ sàm tặc áp bức vu oan cho người lành. Hai tập khí bài xích lẫn nhau, nên có việc áp giải, trói đánh, ép máu, tuốt thịt. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự vu vạ đồng gọi là cọp vu hại. Bồ tát xem thấy sự vu vạ như bị sấm sét.

Mười là, tập khí thưa kiện cãi vã lẫn nhau, phát sanh sự che đậy. Như thế nên có gương soi, đuốc chiếu, như giữa ban ngày không thể giấu bóng. Hai tập khí phô bày lẫn nhau nên có các việc bạn ác, kiếng soi nghiệp, hỏa châu, phơi bày nghiệp xưa để đối nghiệm. Thế nên tất cả mười phương Như Lai xem sự che đậy đồng gọi là giặc ngầm. Bồ tát xem thấy sự che đậy như đội núi cao lội trong biển lớn.

 

Mười tập nhân là mười nhân tích tập dần dần tạo thành quả báo. Tập nhân là tập khí tích tập nơi thân tâm, và khi chịu quả báo ở đâu thì tập khí ấy tương tác với tập khí cộng nghiệp của cõi ấy, “hai tập khí lấn át, đối chọi nhau…” mà thành những cảm thọ đáng sợ cõi địa ngục.

Mười tập khí này làm nhân xấu như dâm dục, tham lam, kiêu mạn… cho đến phao vu, thưa kiện, đều tạo ra nghiệp báo mà nặng thì phải trả quả báo ở địa ngục. Mỗi nhân tập khí đều sanh ra mỗi quả tập khí, thật sít sao. Mỗi hành động (nghiệp) của thân, khẩu, ý đều sanh ra những hậu quả tốt xấu tương ứng. Chánh báo (thân tâm) thế nào thì y báo (hoàn cảnh, điều xảy đến) y như vậy. Chẳng hạn tập khí thù oán thì có nắm, ném, đánh, bắn, vất ôm...

Chung quy, tạo nghiệp là do cái ta quá mạnh và những quan tướng tham, sân, si, kiêu mạn… của nó quá mạnh. Cho nên muốn không tạo nghiệp thì phải quán cho tiêu cái ta và quần thần của nó đi. Có thế mới mong có ngày thanh bình an vui được.

Không tác ý tạo nghiệp thì không có những thứ khổ đau không kể xiết ở địa ngục. Tất cả do tâm tạo, cho nên không có tập khí dâm dục thì không có giường sắt, cột đồng; không có tập khí tham lam thì không có băng giá; không có tập khí kiêu mạn thì không có sông máu, biển độc…

Đã không có các thứ đáng sợ ở địa ngục mà lại có cảnh giới thanh tịnh an lành như ở các cõi Tịnh độ ngay tại đời này, tất cả đều do tâm, được chuyển hóa mà tạo ra.

 

Thế nào là sáu giao báo? A Nan tất cả chúng sanh do sáu thức tạo nghiệp nên chiêu cảm ác báo, đều từ sáu căn mà ra.

Thế nào là ác báo từ sáu căn mà ra?

Một là, giao báo về thấy chiêu dẫn quả báo dữ. Nghiệp giao báo về thấy là khi lâm chung, trước hết thấy lửa hừng cháy đầy cả mười phương, thần thức người chết bay rơi theo khói vào địa ngục vô gián, phát ra hai tướng: 1/ thấy sáng thì thấy khắp các vật dữ sanh sợ hãi ghê gớm. 2/ thấy tối thì im lặng không thấy gì sanh hoảng sợ vô cùng. Lửa thấy như vậy đốt cái nghe thì có thể làm thành vạc dầu sôi, đồng chảy. Đốt hơi thở thì có thể làm thành lửa đỏ, khói đen. Đốt cái nếm thì có thể thành hòn lửa, cơm sắt. Đốt cái xúc thì có thể làm tro nóng, lò than. Đốt tâm ý thì có thể sanh ra sao lửa rưới khắp làm rung động cõi hư không.

Hai là, ác báo về nghe chiêu cảm quả dữ. Nghiệp giao báo về nghe này là lúc lâm chung, trước hết thấy sóng ngập chìm trời đất, thần thức người chết sa xuống theo dòng nước vào địa ngục vô gián, phát sanh hai tướng: 1/ nghe rõ thì nghe tất cả các thứ ồn ào khiến tinh thần bấn loạn, 2/ điếc hẳn không nghe gì làm thần thức chìm đắm. Sóng nghe như thế rót vào cái nghe thì có thể làm thành trách móc, cật vấn. Rót vào cái thấy thì làm sấm, tiếng trống, hơi độc. Rót vào hơi thở thì làm thành mưa thành mù, rưới các sâu độc đầy khắp thân thể. Rót vào vị thì làm mũ máu, các thứ dơ bẩn. Rót vào xúc thì làm thành súc vật, quỷ, phân, nước tiểu. Rót vào tâm ý thì làm thành chớp, mưa đá, đập nát tâm thức.

Ba là, ác báo về ngửi chiêu dẫn quả dữ. Nghiệp giao báo về ngửi là khi lâm chung, trước hết thấy hơi độc đầy dẫy xa gần, thần thức người chết từ đất vọt lên, vào ngục vô gián, phát sanh hai tướng: 1/ ngửi thông thì bị các hơi độc xông làm tâm rối loạn, 2/ mũi nghẹt, hơi không thông nằm chết giấc trên đất. Cái ngửi như thế xông vào hơi thở thì có thể làm thông làm ngạt. Xông vào cái thấy thì thành lửa, thành đuốc. Xông vào cái nghe thì làm chìm ngập, làm chết đuối, làm nước lớn, làm nước sôi. Xông vào cái nếm thì làm sình, thối. Xông vào cái xúc thì làm xấu, nát, làm núi thịt lớn có trăm ngàn con mắt ăn hút không lường. Xông vào ý thì làm tro, chướng khí, làm gạch, cát, đá bay đánh nát thân thể.

 

Bốn là, ác báo về nếm chiêu dẫn quả dữ. Nghiệp giao báo về nếm này là khi lâm chung, trước hết thấy lưới sắt nung đỏ che khắp thế giới, thần thức người chết từ dưới tung lên, mắc lưới treo ngược đầu xuống vào ngục vô gián, phát sanh hai tướng: 1/ nuốt vào thì thành giá lạnh làm nứt nẻ thân thể; 2/ mửa ra thì thành lửa hừng thiêu rụi xương tủy. Nếm biết như vậy qua cái nếm thì có thể làm nhận làm chịu. Qua cái thấy thì có thể làm ra các thứ kim thạch đốt cháy. Qua cái nghe thì làm binh khí sắc bén. Qua hơi thở thì làm lồng sắt lớn che hết cõi nước. Qua xúc thì có thể làm thành cung, tên, nỏ, bắn. Qua ý thì làm sắt nóng bay từ trên không rưới xuống.

Năm là, ác báo về xúc chiêu dẫn quả dữ. Nghiệp giao báo về xúc này là khi lâm chung, trước hết thấy núi lớn bốn mặt áp lại không còn lối ra, thần thức người chết thấy thành sắt lớn, rắn lửa, chó lửa, cọp sói, sư tử, lính ngục đầu trâu, la sát đầu ngựa tay cầm giáo chỉa lùa vào cửa thành hướng về ngục vô gián, phát sanh hai tướng: 1/ hợp xúc thì núi ép kẹp, xương thịt nát ra máu, 2/ lìa xúc thì đao kiếm chạm vào mình, tim gan cắt xẻ. Xúc hợp như vậy qua cái xúc thì có thể làm ra đường, quán, nha sảnh, tòa án. Qua cái thấy thì làm đốt, nung. Qua cái nghe thì làm đập, đánh, đâm bắn. Qua hơi thở thì làm ra trùm, đẩy, tra, trói. Qua cái nếm thì làm kềm, cày, chém, chặt. Qua ý thì làm rơi, bay, nấu, nướng.

Sáu là ác báo về ý chiêu dẫn quả dữ. Nghiệp giao báo về ý này là khi lâm chung, trước hết thảy gió dữ thổi nát cõi nước, thần thức người chết bị thổi lên không, xoay rơi theo gió, sa vào ngục vô gián, phát sanh hai tướng: 1/ không biết, hoàn toàn mê thì hoang mang bỏ chạy không thôi, 2/ chẳng mê, tỉnh biết thì khổ, bị thiêu đốt không cùng, đau đớn không chịu nổi. Ý lầm lạc như vậy kết vào ý nghĩ thì có thể làm thành nơi chốn. Kết vào cái thấy thì làm gương soi, làm chứng cớ. Kết vào cái nghe thì làm ra núi lớn xáp vào nhau, làm ra giá, sương, đất, mù. Kết vào hơi thở thì làm ra cái xe bốc lửa, thuyền lửa, rọ lửa. Kết vào cái nếm thì làm ra kêu la to, làm ăn năn, khóc lóc. Kết vào cái xúc thì làm lớn, nhỏ, khiến trong một ngày vạn lần sống vạn lần chết, làm nghiêng làm ngửa.

A Nan, ấy gọi là mười nhân vào sáu quả báo địa ngục. Nhân quả ấy đều do cái mê vọng của chúng sanh tạo ra.

Nếu các chúng sanh tạo đủ các nghiệp ác thì vào địa ngục A tỳ, chịu vô lượng khổ, trải qua vô lượng kiếp. Nếu một căn tạo và nghiệp tạo ra gồm cả căn lẫn cảnh, thì người ấy vào tám địa ngục vô gián. Cả thân, khẩu, ý làm việc sát, đạo, dâm thì người ấy vào mười tám địa ngục. Chỉ có một căn riêng phạm một nghiệp, người ấy vào một trăm lẻ tám địa ngục.

Đó là do chúng sanh riêng làm riêng tạo nên ở trong thế giới vào chỗ đồng phận, đều do vọng tưởng phát sanh, chẳng phải vốn tự có.

 

Giao báo là quả báo từ tập khí sáu căn tạo ra và tương tác với tập khí các căn khác. Làm thì một căn là chính nhưng các căn kia cũng có mặt nên khi chịu nghiệp báo thì cả sáu căn kia cũng đều chịu.

Khi một căn đã gây nghiệp nhiều thì chiêu dẫn quả báo thích hợp với căn ấy. Chẳng hạn về sự ngửi của mũi thì ngửi thấy hơi độc. Ngửi được thì bị các hơi độc xông, ngửi không được thì ngột thở. Nghiệp báo này còn đi vào tác động đến hơi thở, vào cái thấy, vào cái nghe, vào cái nếm, vào cái xúc và vào cái ý, tạo thành những điều ghê sợ không thể kể hết cho thần thức người chết.   
 

Khi chết thì các đại tan rả, hệ thống khí kinh mạch cũng tan rả rút về thần thức, chịu tác động hoàn toàn của tập khí nghiệp, tạo ra những xáo trộn ghê gớm. Những thay đổi ấy qua một tâm thức thanh tịnh nhẹ nghiệp thì dễ dàng vượt qua, tưởng nhiều thì lên cao, tái sanh vào chỗ tốt. Còn với một tâm thức bất tịnh nặng nghiệp thì đây là một đoạn đường biến hóa đầy kinh sợ của tâm thức, để cuối cùng rớt vào, tái sanh vào địa ngục.

Tập khí của căn mắt là ham thấy sắc, ham thấy hừng hực như lửa, nên bản chất tập khí thấy là lửa. Giao báo về thấy khi chết là thấy lửa, lửa này đốt qua các căn kia thành đủ thứ ghê sợ như trong một ác mộng. Nghiệp càng nặng thì cơn ác mộng này càng dữ dội và càng kéo dài.

Chúng ta phải tiêu trừ tập khí thấy lúc còn sống, bằng cách đưa những tập khí về thấy của con mắt về tịnh hóa trong tánh thấy. Còn khi đã lọt vào trung ấm mà thấy lửa đốt, hãy xoay cái thấy lửa trở về tánh thấy. Lửa sẽ trở thành như huyễn và an trụ trong tánh thấy thì được giải thoát.

Nghiệp báo về nghe là lúc chết trải nghiệm về sóng và tiếng sóng. Khi đã lọt vào cảnh giới trung ấm đáng sợ này, hãy biết mọi âm thanh là như huyễn như mộng và xoay về tánh nghe bèn được giải thoát.

Các giao báo về ngửi, nếm, xúc, và ý đều cũng làm tương tự: thấy những biến hóa của nghiệp là như huyễn và đưa chúng trở lại tánh giác vô sanh.

Khi không thể làm như vậy, thì hãy niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm, vì ngài cứu khỏi nạn lửa, nước, đất, gió… như đã nói ở phần nhĩ căn viên thông của ngài thì sẽ được giải thoát.

Nghiệp báo là do sáu thức tạo ra. Sáu thức mê vọng, không thanh tịnh thì tạo nghiệp, nghiệp ấy chính là tập khí, nhưng nghiệp ấy xét cho cùng cũng là mê vọng, như một giấc mộng, như thành Càn thát bà, thấy chỉ là vọng thấy, nghe chỉ là vọng nghe. Cho nên khi sống mà tu như huyễn như mộng thì việc trong trung ấm dù tốt đi nữa cũng chỉ là như huyễn như mộng và ngay lúc ấy tỉnh dậy mà giải thoát trong tánh giác thường trụ.

Nghiệp và quả báo của nó phải sanh từ trên và trong tánh giác. Chính vì quá sợ khi lọt vào cảnh trung ấm mà nỗ lực giải thoát, nỗ lực nhớ lại rằng tất cả đang xảy ra trong Như Lai tạng nên như huyễn như mộng và chính mình là Như Lai tạng thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới.

Để các căn khỏi tạo nghiệp, trái lại, sáu căn hưởng thọ được cảnh giới Tịnh độ (“Tùy tâm ấy tịnh, thì cõi Phật tịnh”-Kinh Duy Ma Cật), phải xoay sáu căn trở lại nguồn tánh khiến chúng trở thành thanh tịnh. Mê vọng tạo nghiệp hữu lậu khổ đau là sáu căn, mà tạo nghiệp vô lậu thanh tịnh cũng là sáu căn. Mở nút hay cột chặt thêm nút, đây là cơ hội cho cuộc đời đang sống ở trần gian này.

 

-----oo0oo-----

Trích: "Kinh Lăng Nghiêm - Hành Giải"

Dịch và giảng giải: Đương Đạo

NXB Thiện Tri Thức-2016

Ảnh: Nguồn internet

Bài viết liên quan