NAGARJUNA (LONG THỌ) - 18 VỊ THÁNH TĂNG ẤN ĐỘ - LOSANG NORBU TSONAWA

NAGARJUNA (LONG THỌ)

18 VỊ THÁNH TĂNG ẤN ĐỘ - LOSANG NORBU TSONAWA

–––––o0o–––––

“Con đường dẫn đến trí tuệ Người biên kiến không thể đi trên đó. Ai là người sẽ giữ gìn nó, thưa Bổn Sư Khi Ngài nhập diệt? Xin hãy cho chúng con biết. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn, Ai là người sẽ xiển dương và giữ gìn mối đạo?”
NAGARJUNA (LONG THỌ) - 18 VỊ THÁNH TĂNG ẤN ĐỘ - LOSANG NORBU TSONAWA

Trong Kinh Lăng Già có nói:

“Con đường dẫn đến trí tuệ

Người biên kiến không thể đi trên đó.

Ai là người sẽ giữ gìn nó, thưa Bổn Sư

Khi Ngài nhập diệt? Xin hãy cho chúng con biết.

Sau khi Ngài nhập Niết Bàn,

Ai là người sẽ xiển dương và giữ gìn mối đạo?”

Đức Thế Tôn trả lời:

“Trong vùng Beda phương Nam

Sẽ ra đời một vị đại thánh tăng

Tên là Naga

Và khắp mọi nơi, ông sẽ tiêu hủy

Mọi quan niệm về hiện hữu và không hiện hữu.

Ông sẽ làm sáng ngời khắp thế giới

Đạo của ta, Giáo Pháp Đại Thừa vô thượng,

Ông sẽ chứng “Hoan Hỷ Địa”

Và sẽ vãng sinh về “Cõi Cực Lạc”’’.

Theo Kinh điển Kinh Bộ cũng như Mật Bộ, Ngài Nagarjuna (Long Thọ) sinh ra trong một gia đình Bà La Môn ở miền Nam Ấn Độ thuộc xứ Beda, xứ của loài cỏ thơm. Khi mới sinh ra, thân sinh ngài hỏi một nhà tiên tri về vận mạng của Ngài, và được cho biết là mặc dù có tướng của một quý nhân, ngài cũng sẽ không thọ hơn một tuần lễ. Tuy nhiên, nhà tiên tri nói tiếp, “Nếu ông bà bố thí thực phẩm cho một trăm người bình thường, cậu bé sống thêm bảy ngày; nếu cúng dường cho trăm vị bà la môn, cậu bé sẽ sống thêm bảy tháng; nếu cúng dường cho trăm vị Tăng, cậu bé sống thêm bảy năm. Tôi không biết có phương pháp nào khác để kéo dài mạng sống của cậu bé”. Cha mẹ ngài chọn phương pháp sau cùng là cúng dường một trăm vị Tăng.

Khi thời hạn bảy năm sắp hết, cha mẹ cho Ngài đi hành hương với một người giúp việc, ông bà không muốn chứng kiến cái chết của người con. Nagarjuna và người hầu đi đến Nalanda. Tại Nalanda, họ gặp Ngài Saraha và trình bày hoàn cảnh của họ với Ngài. Sahara bảo rằng cậu bé sẽ thoát chết nếu xuất gia làm Tăng. Nagarjuna bằng lòng và bắt đầu tu tập về mandala (mạn đà la) Amitayus (A Di Đà – Vô Lượng Thọ); Nagarjuna trì tụng chân ngôn suốt đêm cuối cùng của năm thứ bảy. Nhờ vậy, ngài thoát được cái chết.

Năm sau, Nagarjuna thọ giới Sa Di. Ngài thông suốt về mọi ngành học cho cả Tiểu Thừa và Đại Thừa. Sahara lại truyền cho ngài giáo lý trong Mật Giáo như Guhyasamaja v.v… Ngài học hỏi các giáo lý Mật Giáo và toàn bộ giáo lý khẩu truyền. Ngài trở nên một người tinh thông xuất chúng. Sau đó, Ngài trở về thăm cha mẹ.

Rồi ngài được truyền giới Cụ Túc và được cho Pháp danh là Palden. Đức Manjusri (Văn Thù) chăm sóc ngài như đã chăm sóc ngài trong những kiếp trước.

Về sau, Ngài làm Giám Viện tu viện Nalanda. Ngài kính trọng và công nhận những tu sĩ thực hành nghiêm túc Tam Học (Giới, Định, Huệ), nhưng đối với những người phạm giới luật, ngài trục xuất khỏi tu viện. Một vị Tỳ Kheo tên là Shankara viết một bản văn tên là Jana-alamkara (Trí Nghiêm) gồm mười hai ngàn kệ chế nhạo giáo pháp của Nagarjuna, Nagarjuna dùng luận lý để đánh đổ. Ngài cũng đánh đổ những tác phẩm xuyên tạc như Sravaka Sendah bài bác Đại Thừa. Ngài cũng phá vỡ lý luận của năm trăm người ngoại đạo trong cuộc tranh luận, đưa họ về với Phật Pháp. Ngài phá vỡ nhiều quan điểm sai lầm.

Theo truyền thuyết, có một lần khi Nagarjuna đang giảng về giáo nghĩa thâm sâu của Tam Tạng Kinh, hai vị rồng hiện hình người vào ngồi nghe Pháp. Mùi đàn hương tỏa ra chung quanh và khi hai vị rồng đi thì không còn nghe mùi đàn hương. Khi hai vị rồng trở lại, mùi đàn hương lại xuất hiện. Long Thọ hỏi về mùi hương, hai vị rồng trả lời: “Chúng tôi là con của Long Vương Takshaka. Chúng tôi thoa dầu đàn hương để tránh mùi của loài người”. Nagarjuna nói: “Cho tôi xin đàn hương để tạo tượng Phật Mẫu Tara (*) và giúp tôi dựng một ngôi chùa”. Hai vị Long Vương hứa sẽ xin cha rồi từ giả. Hôm sau họ trở lại nói: “Nếu Thầy đi đến xứ Rồng, chúng tôi sẽ làm những gì thầy muốn. Ngược lại, chúng tôi không thể giúp gì”.

Nagarjuna nghĩ rằng nếu Ngài đi thì sẽ đem lại lợi ích cho chúng sanh nên Ngài nhận lời. Long Vương và bộ hạ của ông ta cung kính trước đức hạnh của ngài và đang lên nhiều phẩm vật cúng dường để cầu nghe Pháp. Giáo Pháp của ngài làm tất cả mọi người hoan hỷ. Họ khẩn cầu Ngài ở lại với họ, nhưng Ngài từ chối: “Tôi không thể ở lại, bời vì tôi đến đây với mục đích xin giúp năng lực để xây vô lượng ngôi chùa và tháp, và tìm bộ Bách Thiên Tụng Bát Nhã. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ trở lại”.

Ngài rời long cung mang theo nhiều thứ quý giá như bộ Bách Thiên Tụng Bát Nhã, Thập Vạn Tụng Bát Nhã, và nhiều Đà la ni. Để đảm bảo rằng Ngài sẽ trở lại, các vị Rồng lấy bớt nhiều trang trong bộ Bách Thiên Tụng Bát Nhã gồm cả hai chương Trường Thán và Thắng Pháp. Ngài Long Thọ thay thế hai chương này với hai chương khác trong Bát Thiên Tụng Bát Nhã và Phật Mẫu Thánh Đức Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa. Với những kinh điển này, ngài Nagarjuna chấn hưng lại nền Phật Giáo Đại Thừa đang suy thoái.

Một giai thoại khác về Ngài như sau: Một hôm, khi Nagarjuna đang thuyết pháp trong vườn, nhiều vị Rồng hiện lên xung quanh tạo thành một chiếc lọng che nắng cho Ngài. Do đó Ngài có tên là Vua Rồng, và tên “Arjuna” được ghép sau chữ Naga vì Ngài đã xiển dương Phật Giáo Đại Thừa nhanh chóng và vững chãi như thần Arjuna phóng những mũi tên từ chiếc cung của thần. Một giai đoạn khác nói rằng Ngài được gọi là Nagarjuna (Long Thọ) vì Ngài đã chinh phục được loài rồng (Naga) với chân ngôn Kurukuli.

Ngài Nagarjuna sau đó đi đến Pundravardhana. Ở đây, với thuật luyện kim, Ngài đã giúp đỡ một cặp vợ chồng Bà la môn và khiến họ quay về Chánh Pháp. Có một lần, khi ngài dự định biến một khối đá hình chuông thành vàng, Phật Mẫu Tara hiện thân thành một cụ bà nói với Ngài: “Những việc làm này không quan trọng bằng việc lên núi Sri Parvata (ngày này ở quận Guntur, Andhra Pradesh) để thiền quán”. Sau đó không lâu, ngài thiền quán về Phật Mẫu Tara.

Về sau, nữ thần Candika hiện đến mời Bồ tát đi với bà ta về cõi trời. Ngài nói: “Ta không mong có một ham thích nào đi về cõi trời. Niềm mong muốn của ta là giữ vững tăng chúng Đại Thừa cho đến khi giáo Pháp Đại Thừa phục sinh”. Nữ thần hiện thành một nữ thương gia giàu có (giai cấp thương nhân: vaishya, giai cấp thấp nhất trong bốn giai cấp ở Ấn Độ ngày xưa). Nagarjuna xây một ngôi chùa cao bằng đá thờ Ngài Văn Thù (Manjusrhi), phía trước ngôi chùa đặt một lưỡi dao linh đàm bằng gỗ đàn hương cao bằng thân người. Ngài yêu cầu người đàn bà giàu có kia cung cấp các nhu cầu cho Tăng chúng đến khi chỗ đó bị hủy hoại.

Người đàn bà giúp đỡ chư Tăng trong mười hai năm. Ngẫu nhiên, một tăng sinh đến chỗ bà ta xin làm tình. Lúc đầu, bà ta không trả lời. Nhưng một hôm, người tăng sinh lặp lại yêu cầu, bà ta nói: “Khi nào thanh dao gỗ kia bị hủy hoại thì ta có thể ngủ với ông”. Nghe nói như thế, người tăng sinh đốt cháy thanh dao gỗ và vị nữ thần lập tức biến mất. Vì biến cố đó, Bồ Tát thành lập một trăm lẻ tám trung tâm Đại Thừa trong một trăm lẻ tám ngôi chùa mà Ngài đã xây dựng từ trước. Trong mỗi nơi, Ngài đặt tượng Hộ Pháp Phẫn Nộ (Mahakala – hiện thân của đức Quán Thế Âm dưới mười hình thức phẫn nộ), để bảo vệ Phật Pháp.

Vì những con voi đến phá hoại cây bồ đề ở Bodgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Nagarjuna xây cây trụ phía sau cây bồ đề để bảo vệ cây trong nhiều năm. Nhưng những con voi lại đến phá hoại; vì vậy trên mỗi cây trụ, Ngài lại đặt tượng Hộ Pháp Phẫn Nộ tay cầm cây bồ đề, ngồi trên sư tử. Phương pháp này cũng bảo vệ được cây bồ đề nhiều năm, nhưng sau đó cũng lại bị phái hại. Lần này, Ngài dựng nhiều cột đá chung quanh, và trên đầu tháp phía sau cây bồ đề, Ngài đặt một tháp nhỏ trong để một tô xá lợi Phật. Phía ngoài những trụ đá, Ngài còn xây thêm 108 tháp nhỏ.

Có lần, Bồ Đề Đạo Tràng bị đe dọa ngập lụt từ phương Nam,. Ngài Nagarjuna chạm bảy tảng đá thành tượng Phật mặt quay về hướng lụt. Những tượng Phật này như một con đê ngăn không cho nước tràn vào. Sau việc này, Ngài xây dựng nhiều ngôi chùa và tháp trong khắp nước, nhất là trong sáu thành phố lớn ở Trung Ấn.

Ngài Nagarjuna thấy rằng rất ít người hiểu được trọn vẹn và chứng nghiệm được chân lý cứu cánh: Ý nghĩa chơn thực của kinh điển Bát Nhã. Ngài cũng nhận thấy rằng nếu chân lý cứu cánh này không được thể nghiệm thì không có con đường nào có thể dẫn đến giải thoát. Vì vậy Ngài tạo ra năm luận để làm sáng tỏ giáo lý Trung Quán. Với giáo lý này, cho đến một nguyên tử nhỏ nhất cũng không có tự thể, cũng không thể phủ nhận chân lý về nghiệp và những hành động thiện và bất thiện sẽ phải tạo ra những quả vui hay buồn.

Có một người đệ tử khi mới gặp Nagarjuna rất tối tăm, không thể nhớ đến một câu kệ. Ngài Nagarjuna dạy người đệ tử nầy quán tưởng hai cái sừng lớn mọc trên đầu. Vì sức quán tưởng quá mạnh, trên đầu của người đệ tử mọc ra hai cái sừng. Cặp sừng mọc lớn đến nỗi người đệ tử không thể ra khỏi động. Ngài Nagarjuna lại bảo quán tưởng trên đầu không có sừng. Người đệ tử thực hành theo và hai chiếc sừng biến mất. Nagarjuna trao truyền cho vụ này một số pháp môn Mật Giáo đặc biệt và bảo tiếp tục thiền quán. Về sau, vị đệ tử thành tựu Đại Ấn (Mahamudra), tức là Đạo Sư Shinkhipa.

Bồ Tát Nagarjuna du hành về phương Bắc. Trên đường, Ngài thấy một vài đứa trẻ đang chơi. Ngài xem tay của chúng và tiên đoán một đứa về sau sẽ làm vua. Khi Ngài đi đến miền Bắc, Ngài treo áo quần trên một cành cây để đi tắm, bị một người đến lấy mất. Ngài la lên: “Áo quần đó là của ta!” và tự nói với mình, “ai có ngã chấp!” và bậc ra cười, nhớ ra rằng ở vùng Bắc, không có tục lệ có của cải riêng. Khi Ngài quay về miền Nam, đứa bé mà Ngài tiên đoán trước kia đã là Hoàng đế Udayana Bhadra. Ngài Nagarjuna lưu lại đây ba năm để dạy cho vị vua này.

Theo lời khuyên trước kia của Đức Tara (Phật Mẫu), Ngài xuôi về miền Nam, đến Sri Parvata, nơi đây, Ngài chuyên tâm tu tập, quay bánh xe Pháp cả Hiển Giáo và Mật Giáp, viết nhiều luận, trong đó có Tán Pháp Giới.

Những tác phẩm của Ngài được chia làm ba loại: Loại sách tấn, loại trì tụng và loại nghị luận. Thêm vào đó, để làm cho ý nghĩa Kinh điển được lưu truyền qua truyền thống khẩu truyền, Nagarjuna còn viết Tổng hợp chư Kinh, Những điều trên con đường Đạo, v.v. Ngài còn tạo nhiều tác phẩm về Mật Giáo như Đại cương Guhyasamaja Sadhana, chú giải về Sadhana (một phương pháp tu tập trong Mật Giáo – gồm quy y Tam Bảo, phát Bồ Đề Tâm, quán tưởng Bổn Tôn, quán tưởng thật tướng Tánh Không, phát khởi Tâm Từ Bi), Chú giải về Bồ Đề Tâm, Năm Giai Đoạn của sự toàn mãn, v.v. Với sự sâu rộng trong giáo lý của Ngài, Nagarjuna được coi như Đức Phật thứ hai.

Ba việc làm lớn lao của Ngài được kể như sau: giáo lý về giới (Vinaya) Ngài dạy tương đương với giai đoạn sơ chuyển pháp luân của Đức Phật; giáo lý về Tánh Không của Ngài có thể so sánh với giai đoạn chuyển Pháp Luân trung kỳ của Đức Phật; và những tác phẩm như Tán Pháp Giới tương đương với giai đoạn chuyển Pháp Luân thứ ba của Đức Phật.

Ngài dạy giáo lý về Vinaya (Giới) gần như đồng thời với các Ngài Bhattarakas Nanda, Paramasena và Samyakatya đề xướng triết học Duy Thức (Cittamatra). Ba vị này đôi khi cũng được coi như những nhà Duy Thức đầu tiên trong khi các vị Asanga (Vô Trước) và em là Vasubandhu (Thế Thân) được coi như những nhà Duy Thức hậu kỳ.

Ngài Nagarjuna đã làm lợi ích lớn lao cho Chánh Pháp và chúng sanh như vậy.

Tuy nhiên, Ma (Mara) và thế lực của Ma không muốn để yên. Một vị hoàng hậu đã hạ sinh một hoàng tử dã tâm. Hoàng tử tên là Kumar Shakya. Một hôm, bà hoàng hậu tặng cho hoàng tử một chiếc áo may bằng một loại lụa hiếm và quý. Hoàng tử không nhận, nói: “Mẹ hãy giữ chiếc áo, con sẽ mặc nó khi con trở thành người chủ vương quốc”. Người mẹ nói: “Đời sống của cha con gắn liền với đời sống của Nagarjuna, người đã đạt được trường sinh. Nếu Nagarjuna còn sống thì cha con sẽ không chết. Do đó con sẽ không bao giờ cai trị được vương quốc”. Người con khóc vì thất vọng. Hoàng hậu không thể chịu đựng được sự than khóc của người con, nói: “Ngài là một vị Bồ Tát. Nếu con xin đầu của Ngài, Ngài chắc chắn sẽ cho. Khi đó thì cha con sẽ không còn sống bao lâu và con sẽ được nối ngôi”.

Nghe vậy, hoàng tử tìm đến động của Nagarjuna để xin đầu. Nagarjuna vui lòng ưng thuận, vị hoàng tử dùng kiếm chém nhiều lần nhưng không thể chặt đứt đầu Ngài. Nagarjuna nói: “Ngày trước, khi ta cắt cỏ Kusha (một loại cỏ thơm, mịn), ta đã vô tình làm đứt đầu của một con trùng. Hậu quả của lỗi lầm đó vẫn còn có ảnh hưởng đến ta và ngươi có thể giết ta với một lá cỏ kusha”. Hoàng tử làm theo và chém đứt ngay được đầu của Ngài. Sữa, chứ không phải là máu trào ra, và đầu Ngài nói: “Giờ ta đi về cõi trời Tushia (Đâu Suất), sau này ta sẽ trở lại trong cùng một thân thể”. Vị hoàng tử sợ rằng đầu Ngài sẽ ráp lại với thân, liệng đầu Ngài ra xa. Đầu và thân Ngài hóa thành đá. Người ta tin rằng đầu Ngài sẽ từ từ tiến gần và sẽ ráp lại với thân Ngài. Khi đó, Bồ Tát sẽ về lại trong thân thể và lại làm lợi ích rộng lớn cho Đạo Pháp và chúng sanh.

Niềm tin cho rằng Ngài Nagarjuna sống thọ sáu trăm năm do từ Kinh Văn Thù Chân Ngôn: “Bốn trăm năm sau khi ta, Như Lai, nhập diệt, sẽ có một vị sa môn ra đời tên là Naga. Vị này có niềm tin lớn đối với Phật Pháp và sẽ đem đến những lợi ích lớn lao. Vị này sẽ đạt được Đại An Lạc và sẽ sống lâu sáu trăm năm”.

Trong những đệ tử Nagarjuna, bốn vị là con tinh thần và ba vị đệ tử thân cận. Bốn vị con tinh thần là Shakyamitra, Nagabodhi (Long Trí), Aryadeva (Thánh Thiên), và Matanga. Ba vị đệ tử thân cận là Buddhapalita (Phật Hộ), Bhavaviveka và Ashvaghosha (Mã Minh).

–––––o0o–––––

Trích “18 Vị Thánh Tăng Ấn Độ”

Dịch Indian Buddhist Pandits của Losang Norbu Tsonawa

Việt dịch: Trần Đức Phi Bằng