NÉ TRÁNH, CHỐNG TRẢ, THẤU HIỂU - SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI - TONY BUZAN

NÉ TRÁNH! CHỐNG TRẢ! THẤU HIỂU

TONY BUZAN

SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI

---o0o---

Phản ứng đầu tiên của con người trước những điều ngoài tầm hiểu biết thường là bối rối, lo sợ; sau đó, quá trình này sẽ kích hoạt kiểu phản ứng bản năng - né tránh (flight) hoặc chống trả (fight). Điều mà bộ não của ta thực sự đang làm chính là mang đến cho ta cảm nhận đầu tiên về con người mới.
NÉ TRÁNH, CHỐNG TRẢ, THẤU HIỂU - SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆ XÃ HỘI - TONY BUZAN

Tình trạng rập khuôn sinh ra từ sự kém hiểu biết. Phản ứng đầu tiên của con người trước những điều ngoài tầm hiểu biết thường là bối rối, lo sợ; sau đó, quá trình này sẽ kích hoạt kiểu phản ứng bản năng - né tránh (flight) hoặc chống trả (fight). Điều mà bộ não của ta thực sự đang làm chính là mang đến cho ta cảm nhận đầu tiên về con người mới. Tùy thuộc vào những liên tưởng mình có về kiểu người ấy, ta sẽ quyết định phản ứng theo cách né tránh hoặc chống trả.

Kiểu phản ứng này luôn diễn ra khi có bất cứ điều “lạ” nào bước vào môi trường hiện tại của ta, như: những người thuộc sắc tộc khác, những người phụ nữ hay lui tới chốn “vui chơi” vốn chỉ dành cho đàn ông.

Sai lầm chúng ta thường phạm phải là thêm thắt thái độ, giả định thiếu chính xác vào những quan sát thực tế, và kết quả là ngay lập tức khiến ta tỏ ra hung hăng hoặc sợ hãi.

Giờ đây, Trí tuệ Xã hội của bạn đã nâng cao và bạn có thể chuyển sang bướC cao hơn: Thấu hiểu!

Lần tới, khi có ai đó không quen biết kích hoạt phản ứng Né tránh hoặc Chống trả trong bạn, hãy vận dụng Trí tuệ Xã hội và cách phản ứng Thấu hiểu siêu việt – nghĩa là khoan hãy vội hành động, cứ để đôi mắt và bộ não thu thập nhiều thông tin đến mức có thể về đối tượng đó. Nói cách khác, hãy làm lắng dịu cảm xúc hung hăng hoặc sợ hãi ban đầu của bạn, xem xét đối tượng đang đứng trước mặt với đầu óc cởi mở, đầy chất Trí tuệ Xã hội.

Điều này sẽ mang đến cho bạn sự hiểu biết sáng suốt, giúp bạn tìm ra cách phản ứng phù hợp hơn, và nhanh chóng cải thiện khả năng tương giao của bạn.

Sự rập khuôn ẩn nấp trong tâm trí ta và giở trò phá bĩnh chẳng khác nào những con quái vật! Chỉ cần một điều gì đó đơn giản, như tên gọi của một người, cũng vô tình “tô màu” nhận thức của ta về họ.

Luke Birmingham, chuyên gia tâm thần học – pháp y thuộc Đại học Southampton đã chứng minh cái tên của bạn có khả năng ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá về bạn.

Đáng báo động hơn, những nghiên cứu sau cho thấy những kiểu nhận thức rập khuôn đầy tiêu cực ở phạm vi xã hội có khả năng ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá bản thân.

Khi bạn “vùi dập” một người nào đó theo cách này, bạn không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn của họ, mà bạn còn chuyển cuộc đời và tương lai họ sang hướng tiêu cực. Đây không phải là cách nên làm để nâng cao Trí tuệ Xã hội cho bạn và cho những người khác.

Ngoài những tác động tiêu cực về mặt xã hội, những phát ngôn tiêu cực cũng tác động xấu đối với hệ miễn dịch của người kia, làm suy yếu sức đề kháng trước những căn bệnh phát sinh do căng thẳng và nhiều chứng bệnh khác.

Trong một thí nghiệm khác, trong vòng 10 phút, một nhóm cụ già được chiếu cho xem những từ liên quan đến tuổi tác, có khả năng kích hoạt kiểu nhận thức rập khuôn trong họ. Một nhóm được chiếu cho xem những từ tích cực (như: dày dạn kinh nghiệm...) và nhóm còn lại phải xem những từ tiêu cực (như: lão suy, đãng trí, bệnh tật...). Sau đó họ được yêu cầu giải một số bài toán.

Nhóm phải xem những từ tiêu cực cảm thấy căng thẳng khi giải các bài toán. Nhịp tim, huyết áp và thân nhiệt của họ tăng đáng kể, duy trì ở mức cao bất thường suốt hơn 30 phút. Trong khi đó, nhóm được “nâng đỡ bằng những từ ngữ tích cực thì hoàn thành các bài tính một cách dễ dàng mà không hề có biểu hiện căng thẳng nào.

*Những quan điểm tích cực

Từ những thí nghiệm của mình, John Bargh kết luận rằng những hình ảnh được lưu giữ trong trí não có một sức mạnh phi thường, điều khiển cả hành vi của ta. Nhưng không nhất thiết cứ phải là hình ảnh tiêu cực, những hình ảnh tích cực cũng mạnh mẽ không kém, như trong câu chuyện sau:

Brad Humphrey và những đứa trẻ bị xem là đáng... bỏ đi!

Brad Humphrey là một giáo viên và cũng là nhân viên xã hội ở San Diego. Anh dành hết tâm huyết của mình dạy học cho những đứa trẻ tuổi thiếu niên sống tại khu ổ chuột, những đối tượng mà xã hội gần như đã từ bỏ. Đó là những đứa trẻ đường phố, những tay buôn bán ma túy từng được điều trị tâm thần hoặc phải ngồi tù. Tuổi thọ trung bình của đối tượng này chỉ là 20.

Mục tiêu của Brad là chuyển đổi thái độ vô cùng tiêu cực về bản thân của những đối tượng này và qua đó thay đổi hoàn toàn hình ảnh bản thân của họ. Anh thực hiện điều này bằng cách hỗ trợ huấn luyện về tư duy và thể chất. Ban đầu, anh kiểm tra khả năng ghi nhớ của và nhận thấy là rất kém. Nhưng rồi anh quyết định tập trung vào thành viên kém nhất của lớp, để cô bé tham gia vào một hoạt động riêng trong khi yêu cầu những em khác chạy bộ trong nửa giờ.

Trong lúc đó, anh cấp tốc tập cho cô bé một số kỹ thuật ghi nhớ, dạy cách ghi nhớ đồ vật. Khi những em khác quay lại, anh thách đố các em nêu danh sách 20 món đồ bất kỳ để cô bé ghi nhớ. Các em đồng ý làm theo, nhưng đồng thời cũng tỏ ra giễu cợt bởi biết rằng khả năng ghi nhớ của cô rất kém và cô sẽ làm mọi thứ rối tung lên. Thử tưởng tượng những đứa trẻ đó đã ngạc nhiên đến mức nào khi cô bé nêu thứ tự 20 món đồ một cách chính xác - cả khi đọc xuôi lẫn đọc ngược.

Thử nghiệm này đã làm thay đổi thái độ của những người khác về cô bé, và quan trọng hơn hết là cô bé cũng thay đổi thái độ của cô về bản thân.

 Trong suốt hai năm, Brad đã dạy cho nhóm trẻ này những kỹ thuật phát triển tư duy và thể chất. Cuối giai đoạn hai năm đó, những đứa trẻ từng bị xem là đáng bỏ đi, tự hủy hoại bản thân đã chuyển hóa thành những cô cậu thanh niên tự tin, khỏe mạnh và mong muốn giúp chuyển hóa thái độ tiêu cực, tuyệt vọng và “bất cần đời” ở những đứa trẻ khác.

 Sự kiện quan trọng nhất trong giai đoạn hai năm ấy là việc Brad giới thiệu những đứa trẻ này trước hơn 500 khán giả, bao gồm những nhà giáo dục kỳ cựu, giáo sư đại học, các giáo viên và tác giả hàng đầu tại một hội nghị giáo dục tổ chức ở Bellingham, Washington. Cả 17 cô cậu thiếu niên khỏe mạnh và tự tin ấy đã chinh phục đám đông khán giả ở mọi thử thách về tinh thần, như các trò chơi về ghi nhớ, tư duy sáng tạo, vv..

Nhóm thiếu niên đã chinh phục hoàn toàn các nhà giáo dục!

Việc làm của Brad Humphrey đã khẳng định rằng khi vượt lên những ngờ vực, với sự quan tâm và tình thương đúng mực, người ta hoàn toàn có thể thay đổi thái độ của người khác. Và khi thái độ thay đổi, cuộc đời cũng sẽ thay đổi.

Lòng tự tin

Brad thành công vì anh tin vào lũ trẻ, đồng thời tin rằng anh có thể đánh thức lòng tự tôn và sự tự tin ở chúng. Tự tin là chìa khóa quan trọng để mở ra thành công và phát triển Trí tuệ Xã hội. Khi ta tin tưởng vào bản thân, vào sức mạnh và khả năng của mình, ta sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và “là chính mình” trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này sẽ khiến người khác cũng thoải mái với sự hiện diện của ta.

Đây có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng ta có thể truyền đạt cho con cái của mình. Một đứa trẻ tự tin, vững vàng trong nhận thức về giá trị bản thân sẽ không cần phải “chứng tỏ bất kỳ điều gì trước bạn bè cùng trang lứa.  Những đứa trẻ tự tin (giống như những học trò của Brad) sẽ có lòng tự trọng, có động lực và quyết tâm đạt được mục đích sống. Chúng sẽ có tầm nhìn tươi sáng về cuộc đời mình.

Trong khi đó những đứa trẻ luôn cảm thấy bất an, thiếu tự tin thường cố gắng bắt nạt những trẻ khác để chứng tỏ bản thân “to lớn” và “quan trọng” trong mắt của chính mình cũng như trong mắt “băng nhóm” của chúng.

Tương tự như thế, những người trưởng thành thiếu tự tin và bất an luôn có chứng tỏ giá trị bản thân bằng cách lấn át bạn đồng nghiệp hoặc trở thành một người sếp vô lý, độc tài. Song, những kiểu hành vi như thế chỉ càng hủy hoại thêm nhận thức về giá trị bản thân và lòng tự tôn của họ.

 Đó là nguyên do vì sao việc rèn luyện những kỹ năng xây dựng lòng tự tin theo hướng tích cực - những kỹ năng nâng cao Trí tuệ Xã hội – lại có ý nghĩa quan trọng đến thế.

Suy nghĩ tiêu cực sẽ tạo ra thái độ tiêu cực, và suy nghĩ tích cực sẽ hình thành thái độ tích cực. Càng lặp lại một kiểu mẫu suy nghĩ nào đó, thái độ sẽ càng được củng cố vững chắc.

Những nghiên cứu về tế bào thần kinh cho thấy khi ta có một ý nghĩ dù là tích cực hay tiêu cực, thì đều có khả năng lặp lại ý nghĩ ấy. Nếu ta muốn hạnh phúc, thành công và tự tin hơn, ta cần nuôi dưỡng những ý nghĩ tích cực về người khác. Việc này cũng làm cho họ cảm thấy tích cực về ta và mối quan hệ xã hội vui vẻ, tốt đẹp sẽ bắt đầu.

“Chẳng có điều gì tốt hay xấu; tốt xấu chỉ là do cách nghĩ của ta.”

-William Shakespeare

Tới đây, bạn đã hiểu thái độ về giới tính, tuổi tác, sắc tộc và về bất kỳ đặc tính nào khác của con người có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến bản thân ra sao. Giờ là lúc luyện tập để nêu bật những yếu tố tích cực. Việc này sẽ mang lại lợi ích cho  bản thân, cho người khác và đặc biệt là cho Trí tuệ Xã hội của bạn.

---o0o---

Trích: “Sức Mạnh của Trí Tuệ Xã Hội”

Tony Buzan

Dịch: TriBookers

Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh- 2016

Ảnh: Internet

Bài viết liên quan