NHÌN THẤY SỰ RỘNG MỞ RỖNG RANG CỦA NHỮNG VẤN ĐỀ - TULKU THONDUP - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH TÂM

NHÌN THẤY SỰ RỘNG MỞ RỖNG RANG CỦA NHỮNG VẤN ĐỀ

TULKU THONDUP

NĂNG LỰC CHỮA LÀNH TÂM

----

Khi chúng ta cảm thấy tràn ngập bởi những vấn đề như buồn phiền hay cô đơn, chúng ta có thể hòa nhập vào sự rỗng rang của nỗi buồn. Hãy để hơi thở trở nên thoải mái. Thay vì cố gắng xua đuổi nỗi buồn, hay xếp loại chúng như một điều xấu, hãy an trú tâm thức bạn ở chỗ rỗng rang mà tĩnh lặng. Hãy để cho ngọn gió của nỗi buồn lướt đến, giống như bạn chào đón nó với hai tay mở rộng. Hãy cảm nhận nó mà không bám víu hay phán xét, mà chỉ đúng thật như nó đang hiện hữu. Hãy thoải mái càng nhiều càng tốt nếu bạn có thể. Hãy chậm chậm trải nghiệm và nếm hương vị của chính nỗi buồn.

Buông lỏng và hòa nhập với cảm nhận, tự để mình tan biến trong nó, hư không nhập vào hư không. Hãy thấy và chấp nhận nó, trở thành một với nó. Bạn phải vượt qua những ý niệm về buồn phiền, và bạn sống với thật tánh của nỗi buồn, chính là cái an bình tối hậu. Sau một thời gian, bạn có thể thấy dễ dàng hơn khi sống chung với nỗi buồn. Có lẽ nó bắt đầu hòa tan vào một cảm giác an bình. Buông lỏng trong cảm giác an bình này càng lâu nếu có thể được.

Chúng ta có thể ứng xử với đau khổ thân xác trong cùng cách như vậy. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta phải sử dụng cảm thức thông thường về sự đau, và với cơn đau bất thường hay nghiêm trọng thì điều hợp lý là phải đi khám bác sĩ nếu có thể. Những cách tiếp cận với đau đớn và đau khổ bằng thiền định không gạt bỏ những cách điều trị và biện pháp khác, vì những phương pháp này có lợi ích.

Trong việc đối phó với cơn đau, đôi khi nó đột nhiên giảm bớt nếu chúng ta không chú ý quá nhiều hay nghĩ tiêu cực về nó. Vào những lúc khác, cần thiết phải hoàn toàn đối diện với nó. Những người với cơn đau mãn tính (kinh niên) có thể thấy cơn đau có phần giảm bớt nếu họ thực hành thiền định trên nó. Hãy hòa nhập với cơn đau. Tự cho mình cơ hội để nhìn thấy cơn đau mà không có định kiến ghét bỏ thông thường. Trong một cách thư giãn chầm chậm, tiếp cận với cảm giác của thân thể mà bạn đang cảm nhận và đơn giản chỉ ở với nó. Khi bạn duy trì hơi thở buông lỏng, hãy kinh nghiệm cảm giác của thân thể. Hãy sống với cảm giác theo cách an bình này trong một thời gian lâu, dù phải thời gian dài bạn mới cảm thấy thoải mái khi làm thế. Cuối cùng từ từ đem sự tỉnh giác của mình trở về sự yên nghỉ của cơ thể và môi trường quanh bạn.

 Bạn có thể thấy rằng kinh nghiệm cảm giác thân thể theo cách này không phiền toái như thông thường và bạn có thể đem kinh nghiệm này vào những khía cạnh khác của cuộc sống. Nó có thể giúp bạn sử dụng một phần thời gian với cơn đau mỗi ngày theo cách an bình và nhẹ nhàng này.

 Sự tiếp cận rỗng rang với những vấn đề khó khăn là một trong những cách thực hành cao nhất của đạo Phật mà bất cứ ai cũng có thể sử dụng trong đời sống hằng ngày cùng với việc trau giồi quan điểm tích cực.

 ĐỐI PHÓ VỚI SỢ HÃI

Nhiều người xáo trộn vì sợ hãi và lo lắng, họ muốn giải thoát khỏi những cảm xúc bức bách cuộc sống của họ. Phương thuốc cho sợ hãi cũng giống như nhiều vấn đề khác nằm trong chúng ta. Tùy theo hoàn cảnh và khí chất, có nhiều cách tiếp cận. Ở đây có thể ích lợi khi thảo luận một số cách tiếp cận nào đó như là một cách xem lại một số phương tiện khéo léo về thực hành được giới thiệu trong sách này.

Có lẽ một trong những nhận thức trước tiên là sợ hãi có thể là một người bạn và một người giúp đỡ. Trong lúc nguy hiểm, sợ hãi có thể giúp sức mạnh cho đôi chân ta, giúp ta chạy nhanh hơn ta tưởng. Chúng ta cũng có thể đánh giá cao hơn khuôn mặt rất tầm thường của sợ hãi trong đời sống hằng ngày. Ví dụ, nếu ta sợ bị thi trượt, chúng ta phải cảm thấy động cơ phải học siêng năng để đủ sức thi đậu.

Nếu sợ hãi hoặc lo âu là triệu chứng của một vấn đề sâu hơn, chúng ta không được che giấu chúng. Bằng việc chú tâm đến lo âu có vẻ như bức bách và gay gắt, chúng ta có thể tìm thấy chìa khóa cho vấn đề giúp chúng ta có thể đi đến việc chữa lành.

Thường chúng ta có thể đối diện đơn giản với sợ hãi và nó có thể tan đi. Sau cùng, sợ hãi và lo lắng là những gì được tạo ra trong tâm thức chúng ta. Biết được rằng những cảm xúc đó là những tạo tác giả tạo có thể cho phép ta xua tan chúng. Khi lo lắng trở thành một thói quen, một khuôn mẫu tiêu cực của tư tưởng, chúng ta phải tự nhớ lại rằng nó không thực và không bền vững. Chúng ta nghĩ lo lắng là thực vì chúng ta nắm bắt nó, nhưng nếu buông xả sự nắm bắt này, ta có thể ngạc nhiên thấy rằng sự sợ hãi cuối cùng chỉ là con cọp giấy.

 Vậy chúng ta có thể đối diện với sợ hãi và tìm thấy chìa khóa chữa lành trong chính nó. Hoặc chúng ta thoát khỏi vô minh hay xua tan sợ hãi. Hoặc chúng ta có thể tránh né nỗi sợ hãi khi nó quá lớn để xử lý tại chỗ, và sau đó trở lại chữa lành nó khi chúng ta đã sẵn sàng.

Đôi lúc, chúng ta không thể tránh né sợ hãi, vì dường như hoàn cảnh áp đặt lên chúng ta. Bấy giờ, chúng ta có thể cố gắng để hiểu được sợ hãi trong thực tánh của nó như là năng lực thanh tịnh mà không có sự dán nhãn tiêu cực. Những diễn viên giỏi và diễn giả trước công chúng biết rằng sự sợ hãi sàn diễn có thể làm họ lanh lợi, mẫn cảm hơn, sẵn sàng cho việc biểu diễn đầy cảm hứng. Những quân nhân được nhiều huy chương vì lòng can đảm trong trận chiến kể lại rằng họ cảm thấy sợ hãi, nhưng sợ hãi được chuyển thành lòng can đảm. Nếu chúng ta hòa nhập vào kinh nghiệm thì sự sợ hãi lớn lao có thể làm ta cảm thấy đầy sống động, cho dù ta chỉ còn một vài phút trước khi rời bỏ cõi trần. Bất cứ hoàn cảnh nào, chìa khóa là không bám lấy sợ hãi.

GIẢI PHÓNG NHỮNG SỢ HÃI MẠNH MẼ

Người ta phát triển đủ loại ám ảnh, giống như sự lo sợ không bình thường khi ở một nơi bị khép kín hay nỗi sợ khi đi máy bay. Trong những trường hợp này, vấn đề chính là sợ nỗi sợ hãi, sự siết chặt của tâm thức phóng đại và nhân lên nỗi sợ ban đầu cho đến khi miệng khô, cổ họng thắt chặt và thân thể run rẩy. Cách thực hành để đối phó với những nỗi sợ kịch liệt này cho chúng ta những bài học rộng hơn về cách chúng ta có thể tự rèn luyện như thế nào để đối phó với bất kỳ khó khăn.

 Chúng ta hãy nhìn vào một ví dụ, chứng sợ khoảng rộng, có nghĩa là “sợ hãi nơi chợ búa” và được kinh nghiệm như chứng sợ khoảng không và những nơi công cộng. Nỗi sợ có vẻ như thật đến độ người ta đôi lúc trở thành tù nhân trong chính căn nhà của họ.

 Trước hết, giải pháp là thấy trên cấp độ ý niệm rằng lo sợ về sự sợ hãi là một bóng ma ảo ảnh mà chúng ta có thể nhẹ nhàng rèn luyện để chiến thắng. Thiền định và quán tưởng tích cực là cách có ích.

Chúng ta cũng có thể dùng kinh nghiệm của cuộc sống hằng ngày để rèn luyện thân, tâm thoát khỏi chứng sợ hãi không căn cứ. Sự rèn luyện phải thực hiện trong những bước nhỏ đủ để dễ dàng xử lý. Thoạt tiên, đi ra ngoài cách một quãng ngắn, đủ xa trước khi sợ hãi đến. Hãy chào đón nỗi sợ. Buông lỏng hơi thở và thân thể và cho phép nỗi sợ khởi lên. Hãy kinh nghiệm nỗi sợ; cố gắng rỗng rang với nó. Hãy tự nhắc mình: “Đây chỉ là cái ngã sợ hãi của ta. Ta có thể buông bỏ cái sợ này.” Nếu thân bạn run, đừng cố ép ngưng lại. Cứ để mình run, buông bỏ mong muốn xua nó đi, cùng lúc duy trì thân thể và hơi thở buông lỏng. Hãy để nỗi sợ đi xuyên qua bạn, đây là cách để giải phóng nó. Hãy để cho sợ hãi làm công việc tồi tệ nhất của nó, biết bạn sẽ còn sống và rằng nó không thể gây tổn hại bạn cho dù nó có vẻ cứng chắc và đau đớn.

Khi bạn sống qua được nỗi sợ hãi, hãy đánh dấu điều này, dù bạn còn rất sợ và tiếp tục sợ đi đến những chỗ ấy. Hãy vui mừng vì bất cứ tiến bộ nào đạt được. Mỗi ngày tiến xa hơn một chút, nhưng đôi khi cũng phải nghỉ luyện tập. Khi bạn bước lùi vì sợ hãi, hãy chấp nhận những bước lùi như là một phần của quãng hành trình đi về phía trước. Tự động viên mình đều đặn, và một ngày nào đó bạn sẽ có thể đi trọn vẹn trên con đường đến nơi nào mà bạn đã lựa chọn làm mục đích. Hãy tự thưởng mình, có lẽ bằng việc tự thết đãi hay vui mừng ở tại đó. Sau chiến thắng lớn lao này, hãy giữ sự thực hành với sự khéo léo mới. Hãy củng cố sức mạnh của mình cho đến khi bạn hoàn toàn thoát khỏi sợ hãi.

 Giải pháp này được sử dụng trong khoa tâm lý học cư xử hiện đại như là phương thuốc cho bệnh sợ hãi không căn cứ (phobia) và nó cũng phù hợp với sự tu hành tâm linh của đạo Phật. Một số chúng ta may mắn không bị bệnh sợ hãi dạng đặc biệt này (phobia) sẽ nhận ra tính phổ quát của phương thức này và sự liên quan của nó với cuộc sống và sự thực hành tâm linh của chúng ta.

 Chúng ta cần phải đi từng bước nhỏ, tự động viên mình, và thực hành kiên định. Chúng ta là con người và cần sự giúp đỡ khi phiền não. Nguồn giúp đỡ lớn nhất và sức mạnh là tâm ta. Chúng ta có thể khơi dậy năng lực chữa bệnh nằm trong ta. Đây là mục đích của những bài tập chữa bệnh, nó sẽ giúp chúng ta đối phó với sợ hãi và những vấn đề khác.

---0O0---

Trích: “Năng Lực Chữa Lành Tâm”Tác giả: Tulku ThondupViệt dịch: Tuệ PhápNhà Xuất Bản Thiện Tri Thức – 2000
NHÌN THẤY SỰ RỘNG MỞ RỖNG RANG CỦA NHỮNG VẤN ĐỀ - TULKU THONDUP - NĂNG LỰC CHỮA LÀNH TÂM

Trích: “Năng Lực Chữa Lành Tâm”

Tác giả: Tulku Thondup

Việt dịch: Tuệ Pháp

Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức – 2000

Bài viết liên quan